Đưa quan điểm trên mạng xã hội: Thế nào là tự do ngôn luận

Đưa quan điểm trên mạng xã hội: Thế nào là tự do ngôn luận?

Cô giáo vừa xem xong một bộ phim hay xuất sắc: Another life. Tất nhiên, nó chỉ “hay xuất sắc” theo quan điểm của cô thôi. Một số em coi xong sẽ thấy chán phèo, một số em khác thậm chí chẳng cần coi mà lên mạng search thông tin và thảy link vô “nhìn đi, trang này review nó dở tệ”.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao cô giáo lại phải thấy một bộ phim là hay dở dựa vào cảm nhận hay dở của các em; hoặc của một trang nào đấy? Người yêu các em có thể không phải nam vương, hoa hậu, tại sao khi yêu, các em vẫn thấy người đó là số một, bất chấp cả thế giới nói rằng không đúng?

Các em có thấy câu chuyện tưởng như hiển nhiên này đã bị bỏ qua? Đặc biệt trên môi trường mạng xã hội.

Khi cô giáo đăng status về việc một số người bu đen vô siêu thị với lý do không bu vô sẽ chết (tôi chết, con tôi chết, bố mẹ tôi chết…), tất nhiên có vô số người đồng tình và vô số người phản đối. Có những người sẽ comment “phản biện”, và có một số kẻ vô văn hóa (giống cô – cô tự nhận luôn) sẽ bay vào chửi rủa.

Vậy chúng ta nên ứng xử với đám đông ấy thế nào? Đây là câu hỏi cô giáo nhận được rất nhiều trong các buổi livestream.

“Cô giáo ơi em muốn chia sẻ quan điểm nhưng sợ bị ném đá”.

Nhưng khi cô hỏi lại “Tại sao các em phải để cho người khác ném đá? Lý do là gì? Hãy cho cô một lý do hợp lý cho việc-làm-ngu-ngốc ấy?” thì không em nào có thể trả lời. Muốn người khác đừng ném đá, thì hãy xóa đi, và block. Đơn giản vậy sao lại không làm?

Các em sẽ “nhận được” gì nếu hành xử theo cách đấy:

“Đồ hèn, cãi không lại phải xóa đi à”

“Mày dám đưa quan điểm mà không dám nghe ý kiến trái chiều à?”

Thậm chí, có người quen (đã bị xóa comment) còn inbox hỏi cô một cách đầy sửng sốt: “Em xóa comment của anh à?”

“Đúng rồi, có vấn đề gì không anh?”

“Anh… thấy quá lạ nên hỏi lại”

“Anh comment nội dung xxx, em đọc xong rồi, đọc xong thì em xóa thôi. Lạ ở chỗ nào anh?”

Anh ấy không hỏi tiếp. Nhưng nếu hỏi tiếp, cô giáo sẽ trả lời ngay: “Vậy mục đích của anh khi comment là gì? Là muốn em đọc được để góp ý với em hay muốn chứng minh em sai để đám đông đọc được và hùa vô dè bỉu?”

“Nếu muốn em đọc được, thì em đã đọc được rồi. Và anh đã đạt được mục đích rồi.

Nếu muốn cố gắng chứng minh em sai, và muốn người khác hùa theo bám víu vào luận điệu đó của anh (em chưa đề cập tới việc đúng sai) để chửi rủa em, thì tất nhiên em không bao giờ để anh làm như vậy. Vì em có bị ngu đâu, trời ạ!”

Vấn đề là, một số người họ rất vô tư khi comment, không hề có mục đích để người khác hùa theo chửi chúng ta (vì đám thích chửi chúng nó không có đầu óc để phản biện nên sẽ đi bám vào luận điểm của người khác, rồi chụp màn hình bài chỗ khác, dắt link bài khác vô spam). Thậm chí, có những người họ còn cho rằng vì rất tôn trọng và yêu quý chúng ta nên mới comment, mới vạch ra cái sai của chúng ta (theo góc nhìn của họ).

Nhưng nếu họ làm thế mà vô tình trở thành công cụ cho kẻ khác chửi mình, các em cũng để yên à? Có cần phải thảo mai như vậy? Và quan trọng hơn, có nên để followers của các em đọc được những luận điểm mà các em cho rằng không đúng đắn?

Câu trả lời rất đơn giản: Nếu quan điểm của các em là trái đất hình tròn thì sống chết gì cũng phải nói trái đất hình tròn. Còn nếu ai đó chỉ ra cho các em rằng trái đất hình vuông, và các em thấy đúng, hãy tự mình nói ra điều đó: tôi đã sai, bây giờ tôi cho rằng trái đất hình vuông. Hãy dũng cảm, và chính trực nói ra nếu TỰ BẢN THÂN thấy quan điểm đó là đúng đắn, thay vì ậm ừ qua miệng của người khác.

Bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho chính bản thân mình trước. Mình phải được nói những gì mình nghĩ, mình cho là đúng, không để bất cứ một đám đông nào át đi tiếng nói của bản thân mình. Để mỗi cá nhân có không gian tự do bày tỏ quan điểm là triết lý hoạt động của Facebook, và vì thế họ mới tạo ra tính năng block – đơn giản là như vậy.

Việc một ai đó dùng sức mạnh đám đông để cưỡng ép chúng ta phải theo nhận định của họ, phải nói theo ý họ muốn (bất kể đúng sai) mới là xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Còn việc các em xóa comment, block những ý kiến trái chiều là việc làm văn minh, và tất nhiên nó chẳng ảnh hưởng gì đến quyền tự do ngôn luận của người khác rồi.

Nhưng thật nực cười là chính những đối tượng ấy lại trốn dưới lá cờ “tự do ngôn luận” để bao biện cho hành động áp chế của họ. Nhà anh sao anh không nói, lại vào nhà tôi nói, thậm chí tôi đã tôn trọng bằng cách đọc rồi vẫn không chịu, lại muốn là phải để người khác đọc được quan điểm của anh trong-nhà-tôi và nói rằng, thế mới là tự do ngôn luận?

Vậy rốt cuộc các em sợ điều gì: Sợ mình trở thành hèn kém vì xóa comment chửi rủa? Sợ mất lòng người khác? Sợ mất quan hệ? Sợ mất cơ hội được nghe góp ý?

Quan điểm của cô rất rõ ràng: Cô giáo dùng mạng xã hội để nêu quan điểm. Vậy tại sao cô giáo phải sợ những nỗi sợ kia, thay vì tập trung vào mục tiêu mà cô muốn?

Tất nhiên, qua đó các em cũng nên nhận thức một điều rằng, nếu muốn dùng mạng xã hội để xây dựng các mối quan hệ thì nên cân nhắc việc đưa quan điểm. Vì đã đưa quan điểm, thế nào cũng có lúc có-thể tạo ra sự tranh cãi và sứt mẻ quan hệ. Tóm lại, phải hiểu mục đích của mình là gì, khi ấy mới không lạc lối.

P/s: Nếu một người thực sự là bạn của các em, bạn một cách đàng hoàng, chính trực và hiểu biết, thì các em có block 100 cái nick của nó, nó vẫn nhào vô nhà (nhà thật ngoài đời) của các em để ăn dầm nằm dề trong đấy và cười khùng khục. Làm gì có ngữ bạn nào theo kiểu “tao và mày không còn là bạn nữa vì mày block nick của tao”? Mày phải nói theo ý tao mới là bạn tao? Đấy là ông nội bà nội, là nữ thần Quận 4 chứ còn bạn bè gì nữa hả trời??? Cái thứ đó là phải tiễn vong luôn và ngay cho sớm!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *