Cái tâm ham muốn từ thuốc lá điện thoại đến tình yêu
The Craving Mind: From Cigarettes to Smartphones to Love – Why We Get Hooked and How We Can Break Bad Habits: Cái tâm ham muốn: Từ Thuốc lá đến Điện thoại thông minh tới Tình yêu – Tại sao chúng ta bị nghiện và làm sao ta có thể bỏ các thói quen xấu
Chương 1: Nghiện, Sự thật
Khi chúng ta gãi vết thương và thỏa mãn những (thôi thúc) nghiện ngập của ta, chúng ta không cho vết thương được lành. Nhưng thay vào đó, khi chúng ta cảm nhận sự ngứa rát hay đau đớn của vết thương mà không gãi nó, thực tế chúng ta đang để cho vết thương được lành. Bởi vậy, không nhượng bộ những thôi thúc nghiện ngập của chúng ta là cách chữa lành ở cấp độ cơ bản. —Pema Chödrön
Một phần của công việc trợ lý giáo sư của tôi tại trường Y Yale, tôi làm bác sỹ tâm thần ngoại trú tại bệnh viện Veterans Administration ở West Haven, Connecticut trong 5 năm. Tôi chuyên về nghiện tâm thần—một lĩnh vực mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi mình đang tham gia cho đến khi tôi nhìn thấy mối quan hệ quá rõ ràng giữa chánh niệm và cải thiện cuộc sống ở các bệnh nhân của mình. Văn phòng của tôi nằm ở sau bãi đậu xe cho nhân viên trong một tòa nhà “tạm bợ” nhưng bằng cách nào đó, lâu lắm rồi, đã trở thành nơi định cư lâu dài. Như tất cả các tòa nhà phụ trợ khác trong khuôn viên bệnh viện, nó được người ta biết đến chỉ bằng một con số: Tòa nhà #36
Tòa nhà #36 là nhà của phòng khám methadone của chúng tôi. Điều đầu tiên mà các bệnh nhân hoặc khách khứa nhìn thấy khi họ bước vào tiền sảnh là một tấm kính chống đạn dày mà một y tá sẽ đứng sau đó mỗi buổi sáng, phân chia methadone vào cốc giấy cho những bệnh nhân bị nghiện opioid của chúng tôi. Theo quy định, khi bệnh nhân đến khám, nhân viên lễ tân trước tiên phải gọi cho bác sỹ lâm sàng để chúng tôi có thể đưa họ đến văn phòng của chúng tôi. Phòng khám của chúng tôi từng gặp quá nhiều chuyện mà bạn có thể tưởng tượng ra, vì vậy quy trình vận hành tiêu chuẩn là an toàn hơn là sự đáng tiếc.
Nhờ những bộ phim của Hollywood như Leaving Las Vegas và Requiem for a Dream, những người nghiện thường xuyên bộc lộ hành vi tự gây hại bản thân trong lúc đang say rượu hay phê thuốc, hoặc phạm pháp làm phương tiện để có tiền thỏa mãn chuyện nghiện ngập của họ. Nhưng thể loại phim này thường ăn khách. Đa số các bệnh nhân của tôi không giống như những định kiến xã hội ấy. Họ có những câu chuyện của họ về thời chiến tranh, nhưng cũng có những câu chuyện về cuộc sống đời thường: bị nghiện ma túy bằng cách này hay cách khác và sau đó cố gắng từ bỏ thói quen của họ để họ có thể tìm được gia đình, công việc và các mối quan hệ ổn định. Nghiện ngập là một nỗi ám ảnh mãnh liệt, tàn phá tất cả.
Trước khi chúng ta tiếp tục, một định nghĩa về nghiện đã đâu vào đấy rồi. Trong quá trình học nội trú, tôi biết có lẽ đây là bài học đơn giản nhất: Người nghiện tiếp tục sử dụng, mặc cho những hậu quả nghiêm trọng. Nếu một điều gì đó trục trặc liên quan đến việc chúng ta sử dụng một chất gây nghiện hoặc một hành vi cụ thể nào đó—dù là nicotine, rượu, cocaine, cờ bạc, hay thứ gì khác—và chúng ta vẫn tiếp tục, thì đấy là cơ sở để đánh giá. Mức độ mà nó khiến cuộc sống của chúng ta và những người xung quanh bị đảo lộn giúp xác định mức độ nghiêm trọng. Theo cách này, chúng ta có thể xem các chứng nghiện theo một phổ được điều chỉnh tùy mức độ mà các hành vi của chúng ta ảnh hưởng đến cuộc sống của ta cũng như đến bản thân hành vi đó.
Nhiều bệnh nhân của tôi ở VA đã nghiện ma túy sau khi bị thương (trong chiến tranh hoặc ở nơi khác). Đôi khi họ phải đối phó với cơn đau thể xác mãn tính và bị dính vào opioids như một cách làm tê liệt cơn đau. Những lần khác, họ phát hiện ra ma túy là một cách để trốn thoát, né tránh hoặc xoa dịu nỗi đau tinh thần, sang chấn tâm lý có liên quan. Khi các bệnh nhân kể cho tôi nghe câu chuyện bị dính vào nghiện của họ, chúng đều có một chủ đề chung. Cứ như thể họ từng là một trong những con chuột thí nghiệm trong các thí nghiệm của Skinner và đang mô tả về quá trình học tập-dựa trên-phần thưởng mà họ đã trải qua; “Tôi sẽ có một đoạn hồi tưởng [với một sự kiện đau thương nào đó]” (kích hoạt), “say rượu” (hành vi), “và điều này thì tốt hơn là phải hồi tưởng lại trải nghiệm” (phần thưởng). Tôi có thể sắp xếp vòng lặp thói quen của họ trong đầu mình. Kích hoạt. Hành vi. Phần thưởng. Lặp lại. Ngoài ra, họ sử dụng chất gây nghiện như một cách để “điều trị”; nhờ say rượu hoặc phê thuốc mà họ có thể ngăn ngừa (hoặc né tránh) sự xuất hiện của những ký ức hoặc cảm xúc khó chịu, hoặc không nhớ sau đó liệu những ký ức đó có xuất hiện không.
Các bệnh nhân và tôi bắt đầu công việc cùng nhau bằng cách tôi hỏi họ điều gì đã khởi động chứng nghiện của họ và điều gì đang duy trì nó. Tôi phải thấy rõ mọi khía cạnh trong thói quen của họ để có hy vọng điều trị nó. Tôi cần biết thứ gì đã kích hoạt chứng nghiện ngập ở họ, loại thuốc họ đang dùng và đặc biệt là, họ nhận được phần thưởng gì khi sử dụng chúng. Một chuyện gì đó đã đi quá sai với việc dùng thuốc của họ hoặc hậu quả hành vi chính là họ đang nói chuyện với một bác sỹ tâm thần—đây không phải là cách mà phần lớn mọi người lựa chọn sử dụng thời gian trong ngày của họ. Chuyến thăm VA thường do sự hối thúc của một bác sỹ lo lắng cho sức khỏe của họ, hoặc một thành viên gia đình quan tâm đến sức khỏe tâm thần của họ (hoặc có lẽ là sự an toàn của chính họ). Nếu bệnh nhân của tôi và tôi không thể tìm ra loại phần thưởng mà họ nghĩ là họ nhận được từ hành vi của họ, thì sẽ khó để thay đổi nó. Nghiện ngập cưỡi trên một chiếc xe tiến hóa: mọi thứ thuốc gây nghiện đều tấn công hệ thống phần thưởng dopamine.
Đối với phần lớn bệnh nhân của tôi, phần thưởng đến từ việc khiến cho một thứ gì đó khó chịu biến mất (sự củng cố tiêu cực). Hiếm có ai bảo rằng họ cảm thấy tuyệt vời sau ba ngày chơi ma túy, đốt hàng trăm đôla hoặc hơn trong một ngày, và ngủ vùi trong vài ngày tiếp theo. Họ mô tả việc học tập-dựa trên-phần thưởng của họ như một cách để tránh né các tình huống, làm tê liệt nỗi đau của họ, che giấu những cảm xúc khó chịu và thường xuyên đầu hàng những ham muốn của họ. Gãi chỗ ngứa chết tiệt đó.
Nhiều bệnh nhân của tôi, đã chiến thắng được một hoặc nhiều chứng nghiện khác nhau, đã tìm đến tôi để giúp họ bỏ thuốc lá. Với cocaine, heroin, rượu, hoặc các chất ma túy khác, họ đã ở dưới đáy quá đủ rồi, gia đình, công việc và các vấn đề về sức khỏe của họ cuối cùng đã vượt xa những phần thưởng của việc sử dụng. Cơn ngứa đòi hỏi phải dùng thuốc không thể cạnh tranh lại với hàng đống rắc rối do gãi ngứa. Những lúc thế này, sự củng cố tiêu cực của họ vì dùng thuốc (rắc rối) cuối cùng lớn hơn phần thưởng trước đây (xoa dịu một sự thèm muốn). Họ sẽ ngồi trong văn phòng của tôi và nhìn vào bao thuốc lá của họ, với vẻ bối rối. “Tại sao,” họ sẽ hỏi tôi, “Nếu tự tôi có thể bỏ được ma túy, sao tôi lại không thể bỏ được thuốc lá?” Những câu hỏi của họ không phải là duy nhất: trong một nghiên cứu, gần hai phần ba số người đang điều trị nghiện rượu hoặc các chứng rối loạn lạm dụng chất khác thông báo rằng việc bỏ thuốc lá sẽ khó khăn hơn bỏ thứ chất gây nghiện hiện tại của họ.1
Như một lời giải thích về lịch sử, thuốc lá được cấp cho những người lính trong chiến tranh thế giới thứ nhất để nâng cao tinh thần và cho họ lối thoát về tinh thần khỏi hoàn cảnh hiện tại của họ. Trong Thế chiến II, mỗi người lính được nhận 4 điếu thuốc vào mỗi bữa ăn trong khẩu phần K của họ, đây là một thực tế kéo dài đến năm 1975. Nếu tôi muốn làm cho ai đó nghiện thuốc lá, đó là điều tôi sẽ làm. Thời kỳ chiến tranh là một yếu tố gây căng thẳng (kích hoạt), tôi sẽ đảm bảo rằng một người nào đó có thể dễ dàng hút thuốc lá (hành vi) để họ có thể cảm thấy tốt hơn (phần thưởng). Ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, sự nghiện ngập đã chế ngự những ký ức, hồi tưởng, hay thậm chí những yếu tố gây căng thẳng hằng ngày sẽ khiến họ tiếp tục hút thuốc nhiều hơn.
Nicotine có nhiều lợi thế so với các chất gây nghiện khác trong việc làm cho chúng ta bị nghiện. Những điều này có thể góp phần vào các rắc rối mà bệnh nhân của tôi gặp phải khi bỏ thuốc.
Đầu tiên, nicotine là một chất kích thích, vì vậy nó không làm giảm khả năng nhận thức của chúng ta. Chúng ta có thể hút thuốc khi đang lái xe. Chúng ta có thể hút thuốc khi đang vận hành máy móc hạng nặng.
Thứ hai, chúng ta có thể hút thuốc cả ngày nếu ta muốn. Chúng ta có thể hút điếu thuốc ngay khi thức dậy vào buổi sáng (khi nồng độ nicotine của chúng ta thấp nhất và ta đang rất thèm một điếu thuốc). Chúng ta có thể hút thuốc trên đường đi làm. Chúng ta có thể hút thuốc trong giờ nghỉ giải lao, hoặc khi ta bị sếp mắng, vân vân. Một người hút hết 1 gói thuốc một ngày có thể củng cố thói quen của anh/cô ấy 20 lần trong 1 ngày.
Thứ ba, chúng ta không thể bị đuổi việc do hút thuốc trong giờ làm việc. Nhưng đến nơi làm việc khi đang say rượu hay phê ma túy lại là một câu chuyện khác. Nghỉ giải lao để làm một điếu thuốc có thể làm giảm một chút năng suất của chúng ta, nhưng ta chỉ đang làm hại mỗi sức khỏe của mình, và điều đó tùy thuộc vào chúng ta (về lý thuyết).
Thứ tư, mặc dù hút thuốc lá đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong có thể phòng ngừa được ở Hoa Kỳ, nhưng thuốc lá không giết ta một cách nhanh chóng. Chúng ta mất việc và các mối quan hệ nhanh hơn nhiều khi ta lúc nào cũng say xỉn hoặc phê ma túy. Chắc chắn một điều, hơi thở của người hút thuốc khá hôi, nhưng họ có thể che giấu bằng kẹo cao su hoặc bạc hà. Tất cả những thay đổi khác đi cùng với việc hút thuốc xảy ra quá chậm đến nỗi chúng ta không nhận ra. Chỉ sau vài thập kỷ duy trì thói quen này, chúng ta mới bắt đầu gặp phải các vấn đề sức khỏe lớn chẳng hạn như bệnh khí thũng hoặc ung thư. Học tập-dựa trên-phần thưởng nói về sự củng cố ngay lập tức, và tâm trí lên kế hoạch dài hạn của chúng ta không thể đấu lại với những gì đang diễn ra trước mắt khi chúng ta có thể bị ung thư trong tương lai. Chúng ta có thể là một trong những người không mắc ung thư.
Thứ năm, mao mạch, các mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể chúng ta, đưa nicotine vào máu, rất lớn và nhiều. Sắp thành hàng, các mao mạch trong phổi của chúng ta sẽ bao phủ khu vực của một sân tennis, hoặc lớn hơn thế. Với diện tích bề mặt lớn này, chúng có thể nhanh chóng đưa nicotine vào máu. Nicotine được đưa vào máu càng nhanh, dopamine được giải phóng càng nhanh trong não và chúng ta càng bị nghiện hơn. Khả năng phân phát một lượng lớn các chất hít vào với tốc độ nhanh như chớp của phổi cũng là lý do tại sao ma túy đá (được hút) gây nghiện hơn là hít cocaine. Mũi của chúng ta không thể đấu lại lá phổi về mức độ mao mạch. Với tất cả các yếu tố này, cùng với những yếu tố khác, ta không ngạc nhiên khi ít nhất là với các bệnh nhân của tôi từng chế ngự được nhiều con quỷ nhưng lại không thể từ bỏ thói quen hút thuốc của họ.
Đây là một trường hợp cụ thể. Jack bước vào văn phòng của tôi và nói với tôi rằng anh ta cảm thấy đầu mình sẽ nổ tung nếu không hút thuốc. Anh ấy đã hút thuốc cả đời và không thể bỏ được. Anh ấy đã thử dùng kẹo nicotine và miếng dán nicotine. Anh ấy đã thử ăn kẹo thay vì hút thuốc khi lên cơn thèm thuốc. Nhưng vô tác dụng. Từ việc đọc các nghiên cứu, tôi biết rằng điều trị bằng thuốc chỉ giúp được khoảng 1/3 số bệnh nhân bỏ hút thuốc. Tôi cũng biết từ các nghiên cứu rằng việc dùng thuốc chưa được chứng minh rằng sẽ hỗ trợ cho những cơn thèm thuốc gây ra bởi các yếu tố kích hoạt. Các loại thuốc chủ yếu hỗ trợ bằng cách hoặc là cung cấp một lượng nicotine ổn định, dẫn đến việc cung cấp dopamine đều đặn, hoặc bằng cách chặn thụ thể mà nicotine gắn vào để dopamine không được giải phóng khi người ta hút thuốc. Các cơ chế đó cũng dễ hiểu: một loại thuốc lý tưởng sẽ là một loại thuốc nhanh chóng giải phóng dopamine, nhưng chỉ khi chúng ta nhận ra các yếu tố kích hoạt cụ thể của mình.
Đứng trước cửa văn phòng của tôi, Jack trông thật bức bí—như thể đầu anh ấy sắp nổ tung. Tôi nên nói hay làm gì đây? Tôi bắt đầu bằng cách nói đùa một câu. Có thể đấy không phải là ý hay nhất, vì dựa theo thành tích kể chuyện cười của tôi, nhưng tôi vẫn buột miệng nói. “Khi đầu anh nổ tung,” tôi lắp bắp, “thì anh hãy nhặt các mảnh đó, xếp chúng lại với nhau, và gọi cho tôi. Chúng tôi sẽ ghi nhận đây là trường hợp đầu tiên bị nổ đầu do thèm thuốc.” Anh mỉm cười lịch sự (ít ra thì các bệnh nhân ở VA của tôi rất tốt bụng—mặc dù hay có lẽ bởi vì tất cả những chuyện mà họ từng trải qua, họ thật tử tế). Giờ thì sao? Tôi đi đến cái bảng trắng treo trên tường văn phòng tôi và đưa Jack đi qua vòng lặp của thói quen. Đứng cạnh nhau, chúng tôi cùng lập sơ đồ những yếu tố kích hoạt dẫn đến việc hút thuốc của anh ta, và mỗi lần anh ta hút thuốc thì anh ta đang củng cố quá trình. Anh ấy gật đầu ở điểm này và ngồi xuống. Tiến triển.
Tôi quay lại và khám phá cảm giác của Jack rằng đầu anh ta sẽ nổ tung nếu không hút thuốc. Tôi hỏi anh ấy chuyện đó như thế nào. Lúc đầu anh ta nói, “Tôi không biết, cứ như thể đầu tôi sắp nổ tung.” Sau đó tôi yêu cầu anh ấy tỉ mỉ phân tích cảm giác thực sự là gì. Chúng tôi bắt đầu chắt lọc tất cả các suy nghĩ và cảm giác cơ thể của anh ấy khi anh cảm nhận một cơn ham muốn mãnh liệt xuất hiện. Sau đó tôi vẽ một mũi tên rộng trên bảng trắng và vẽ đồ thị những cảm giác cơ thể của anh ấy lên nó.
Bắt đầu với sự kích hoạt ở phía dưới, chúng tôi bổ sung các điểm dọc đường thẳng khi những cảm giác thèm muốn của anh ấy ngày càng mạnh mẽ và rõ rệt hơn. Đầu mũi tên được cho là điểm mà đầu anh ta đang phát nổ, nhưng điểm đó được thay bằng việc hút một điếu thuốc. Vì mỗi lần anh ta chạm đến điểm đó, anh đã đầu hàng và hút thuốc.
Sau đó tôi hỏi liệu có lần nào mà anh không thể hút thuốc hay không—trên máy bay hoặc xe buýt chẳng hạn. Có chứ, anh đáp. “Sau đó thì sao?” Tôi hỏi. Anh ta suy nghĩ một lúc và nói điều gì đó, “Tôi đoán nó đã biến mất. “Để tôi xem mình đã hiểu đúng chưa nhé,” Tôi nói. “Nếu anh không hút thuốc, cơn thèm thuốc của anh sẽ tự biến mất? “Tôi đang lái anh ấy đi theo ý mình, nhưng công bằng mà nói, tôi muốn chắc chắn rằng tôi hiểu anh ấy. Chúng tôi phải nhất trí với nhau để tiến hành. Anh gật đầu. Tôi quay trở lại mũi tên mà tôi đã vẽ trên bảng, và ngay dưới đỉnh (biểu thị cho việc hút một điếu thuốc của anh ấy), tôi mở rộng đường thẳng theo chiều ngang và sau đó quay xuống. Tất cả mọi thứ trông giống như một chứ U ngược hay một cái bướu thay vì một mũi tên chỉ theo một hướng duy nhất về phía điếu thuốc.
“Ý anh là vậy phải không? Anh bị kích hoạt và sự ham muốn của anh hình thành, lên đến đỉnh điểm, rồi sau đó hạ xuống và biến mất?” tôi hỏi. Tôi có thể thấy Jack như chợt ngộ ra một thứ gì đó tuyệt vời. Đợi đã nào. Khi cần thiết, anh ấy đã chịu được cơn thèm thuốc mà không hút thuốc, nhưng không nhận ra. Một số ham muốn của anh ấy chỉ tồn tại một lúc, và những ham muốn khác kéo dài lâu hơn, nhưng tất cả sẽ biến mất. Thử nghĩ mà xem, có lẽ từ bỏ (thuốc) là điều anh ấy có thể làm.
Trong vài phút tiếp theo, tôi chắc chắn rằng anh ấy thực sự hiểu được mỗi lần anh ấy hút thuốc thì anh đã củng cố thói quen của mình. Tôi dạy anh ấy chỉ đơn giản là hãy tự lưu ý với mình (âm thầm hoặc nói ra) từng cảm giác trên cơ thể đi cùng với một cơn thèm thuốc. Chúng tôi đã sử dụng phép so sánh với việc lướt sóng: những cơn thèm muốn của bệnh nhân cũng giống như những con sóng, và anh ấy có thể sử dụng “bài thực hành chú ý” này như một ván lướt sóng để giúp anh cưỡi lên sóng cho đến khi nó qua đi. Anh ấy có thể cưỡi sóng như thể nó là chữ U ngược trên bảng, cảm nhận nó hình thành, đạt đến đỉnh điểm, và rơi xuống. Tôi giải thích rằng mỗi lần anh ấy cưỡi sóng, anh ấy đang dừng củng cố thói quen hút thuốc. Bây giờ anh ấy đã có một công cụ cụ thể—ván lướt sóng của riêng mình—mà anh có thể sử dụng mỗi khi thèm hút thuốc.
Lướt sóng!
Bài thực hành mà tôi đưa cho Jack nhằm giúp anh ấy bỏ hút thuốc không tự nhiên mà có. Khi tôi bắt đầu làm việc tại VA, tôi đã ngồi thiền đều đặn trong khoảng 12 năm. Và trong quá trình đào tạo nội trú tại trường y Yale, tôi đã quyết định ngừng nghiên cứu về sinh học phân tử và chuyển phần nghiên cứu trong công việc của tôi sang nghiên cứu về chánh niệm toàn thời gian. Tại sao thế? Mặc dù tôi đã xuất bản đề tài tốt nghiệp của mình gắn kết stress với sự rối loạn hệ miễn dịch trong các tạp chí tên tuổi, và thậm chí có một số nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, tôi vẫn bận tâm với câu hỏi “vậy cái gì”. Tất cả các nghiên cứu của tôi đều làm về các mô hình bệnh ở chuột. Những phát hiện ấy giúp được con người như thế nào? Đồng thời, tôi cũng thực sự nhìn thấy lợi ích của chánh niệm trong cuộc sống cá nhân của mình. Nhận thức ấy đã trực tiếp đưa đến quyết định trở thành một bác sỹ tâm thần của tôi. Càng ngày tôi càng thấy mối quan hệ rõ ràng giữa những lời dạy của Phật và khuôn khổ tâm thần mà chúng ta đang sử dụng để hiểu rõ hơn và điều trị cho các bệnh nhân của chúng ta. Việc tôi chuyển sang nghiên cứu về chánh niệm không được lòng của mọi người trong khoa, nhìn chung họ hoài nghi bất cứ thứ gì không có dạng viên thuốc. Và tôi không thể trách họ. Tâm thần học đã chiến đấu nhiều trận chiến cam go trong một thời gian dài, kể cả trận chiến về pháp lý.
Năm 2006, một vài năm trước khi bắt đầu phận sự của tôi tại VA và trong quá trình đào tạo nội trú về tâm thần học, tôi đã thực hiện nghiên cứu thí điểm đầu tiên của mình để xem thử liệu việc đào tạo chánh niệm có thể giúp những người nghiện được hay không.2
Nhóm của Alan Marlatt tại đại học Washington gần đây đã công bố một nghiên cứu cho thấy Phòng chống tái phát dựa trên chánh niệm (Mindfulness-Based Relapse Prevention (MBRP), sự kết hợp giữa MBSR và chương trình phòng chống tái nghiện mà ông đã phát triển có thể giúp ngăn chặn con người tái nghiện. Với sự giúp đỡ của họ, tôi đã sửa đổi MBRP kéo dài-tám tuần để có thể sử dụng nó trong phòng khám ngoại trú của chúng tôi: Tôi chia nó thành hai khối-bốn tuần (A và B) có thể được dạy theo trình tự (A-B-A-B-…) để bệnh nhân không phải đợi lâu để bắt đầu điều trị. Ngoài ra, những bệnh nhân nằm trong khối điều trị thứ hai có thể làm mẫu và dạy cho những người mới bắt đầu. Dù đó là một nghiên cứu nhỏ (nhà thống kê của tôi đã gọi đùa rằng đó là “nghiên cứu về túi màu nâu” vì tôi đã đưa cho cô ấy tất cả dữ liệu trong một túi tạp hóa màu nâu), nhưng kết quả của chúng tôi rất đáng khích lệ. Chúng tôi thấy rằng phiên bản sửa đổi của MBRP cũng có hiệu quả như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) trong việc giúp con người không tái nghiện rượu hoặc sử dụng cocaine. Nói rộng ra, CBT là một liệu pháp dựa trên bằng chứng, huấn luyện con người thách thức các giả định cũ và thay đổi cách suy nghĩ (nhận thức) để cải thiện cách họ cảm nhận và hành xử. Ví dụ, những bệnh nhân bị trầm cảm hoặc nghiện ngập được dạy “bắt lấy nó, kiểm tra nó, thay đổi nó” khi họ phát hiện thấy những niềm tin tiêu cực về bản thân họ có thể dẫn đến việc sử dụng ma túy. Nếu họ có ý nghĩ “Tôi thật tệ hại”, họ học cách kiểm tra xem liệu nó có đúng không, và sau đó thay đổi nó thành một điều gì đó tích cực hơn.
Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng khi chúng tôi kiểm tra những phản ứng trước stress của các bệnh nhân (trong trường hợp này, nghe lại những câu chuyện được ghi âm của họ) sau khi điều trị, những người được đào tạo chánh niệm không phản ứng mạnh mẽ như những người được đào tạo CBT. Có vẻ như chánh niệm giúp họ đối phó với những tín hiệu của họ cả trong phòng thí nghiệm và trong đời thường.
Sau những kết quả đáng khích lệ này, tôi quyết định xử lý việc hút thuốc. Như đã đề cập, nghiện nicotine là một trong những thứ khó chinh phục nhất. Phương pháp chánh niệm gần đây đã được chứng minh là hữu ích cho chứng đau mãn tính, trầm cảm và lo lắng.3 Nếu chánh niệm cũng có thể giúp đỡ ở đây thì nó cũng có thể giúp mở ra các phương pháp điều trị hành vi mới cho chứng nghiện (từng bị trì hoãn) và đồng thời giúp đỡ các bệnh nhân của tôi. Ở trường đại học, một trong những người cố vấn của tôi thường nở một nụ cười lớn và nói, “Phải thắng hoặc về nhà!” ý ông là nếu tôi đang loay hoay giữa việc mạo hiểm trong chuyện gì đó nằm ngoài mức độ thoải mái của tôi và cứ sống bảo thủ và ở trong vùng thoải mái của mình, thì tôi nên làm việc đầu tiên. Cuộc sống quá ngắn ngủi. Với giọng nói của ông ấy trong đầu mình, tôi đã loại bỏ tất cả các thành phần phòng chống tái nghiện của Marlatt trong MBRP và viết một hướng dẫn mới cho nghiên cứu về hút thuốc lá của chúng tôi chỉ bao gồm việc đào tạo chánh niệm. Tôi muốn biết liệu chỉ mình chánh niệm thì có mang lại kết quả hay không. Và nếu nó có tác dụng với một trong những chứng nghiện khó cai nhất, tôi có thể cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng huấn luyện chánh niệm với bất cứ bệnh nhân nghiện ngập nào của mình.
Như một phần của sự chuẩn bị cho nghiên cứu về hút thuốc lá của chúng tôi, tôi bắt đầu ngồi thiền liên tục hai tiếng đồng hồ, với mục tiêu không di chuyển cho đến khi chuông reo. Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng đây là lý do của tôi: Nicotine có thời gian bán hủy khoảng hai giờ. Không có gì đáng ngạc nhiên, cứ mỗi hai giờ, hầu hết những người hút thuốc lại đi ra ngoài làm một điếu. Mức độ nicotine của họ xuống thấp và bộ não của họ thúc giục họ đổ đầy bình. Khi mọi người cắt giảm, họ hút thuốc ít thường xuyên hơn, dẫn đến những thôi thúc mạnh mẽ hơn, v.v. Chúng tôi sẽ giúp những người hút thuốc từ từ bỏ thuốc lá để họ ít có cảm giác thèm thuốc sinh lý. (Việc đào tạo như vậy không giúp ích gì cho cơn thèm thuốc được kích hoạt bởi tín hiệu.) Và khi các bệnh nhân từ bỏ hoàn toàn, họ phải vượt qua được từng cơn thèm muốn và mọi cơn ham muốn, bất kể chuyện gì, nếu họ sắp “từ bỏ.” Tôi là một người không hút thuốc nhưng cần phải có khả năng thấu hiểu được với những bệnh nhân đang cảm thấy như thể đầu óc họ sắp nổ tung trừ phi họ được hút thuốc. Tôi không thể nào buông ra những câu vô nghĩa kiểu Tôi-là-bác-sỹ-nên-hãy-làm-theo-lời-tôi. Họ phải tin tưởng tôi. Họ phải tin rằng tôi biết tôi đang nói về cái gì.
Vì vậy, tôi bắt đầu ngồi, không di chuyển, liên tục 2 giờ đồng hồ. Đính chính: Tôi bắt đầu cố gắng ngồi trong tư thế thiền trong khoảng thời gian đó. Thật bất ngờ, không phải nỗi đau thể xác từ việc không được cử động trong một thời gian dài. Mà đó là sự bồn chồn. Bộ não của tôi thúc giục tôi “chỉ nhích một chút thôi, không vấn đề gì đâu.” Những cơn thèm muốn đó thét lên, “Hãy đứng dậy!” Bây giờ tôi đã biết (hay ít ra cũng hiểu hơn) những gì mà các bệnh nhân của tôi đã trải qua. Tôi hiểu cái cảm giác đó, như thể cái đầu của tôi sắp nổ tung.
Tôi không nhớ mình mất bao nhiêu tháng trước khi tôi ngồi đủ 2 tiếng. Tôi sẽ ngồi 1 giờ 45 phút và sẽ đứng dậy. Tôi sẽ ngồi gần đủ 2 giờ, và sau đó, giống như một con rối dưới bàn tay của một bậc thầy tên là Restlessness, tôi sẽ bật ra khỏi đệm. Đơn giản là tôi chẳng thể làm được. Rồi một ngày nọ tôi đã làm được. Tôi ngồi đủ hai tiếng. Vào lúc đó tôi biết mình có thể làm được. Tôi biết rằng tôi có thể cắt giảm được chuỗi cảm giác bồn chồn không yên. Những lần ngồi thiền sau này càng trở nên dễ dàng hơn vì tôi đã có sự tự tin rằng mình có thể làm được. Và tôi biết bệnh nhân của tôi có thể bỏ thuốc lá. Họ chỉ cần các công cụ thích hợp.
Từ Thèm thuốc đến Cai thuốc
Cuối cùng, vào năm 2008, tôi đã sẵn sàng. Như đã đề cập trong phần giới thiệu, tôi đã ra mắt Phòng khám Khoa học Thần kinh trị liệu Yale với một nghiên cứu cai thuốc lá, hy vọng trả lời được một câu hỏi đơn giản nhưng tao nhã: đào tạo chánh niệm có hiệu quả như phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng”, phương pháp tốt nhất đang có sẵn – trong trường hợp này, đó là Chương trình của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ có tên là “Freedom From Smoking”? Chúng tôi đã tuyển những người hút thuốc bằng cách phủ kín khu vực xung quanh bằng những tờ quảng cáo về một chương trình miễn phí mà không sử dụng thuốc. Những người đăng ký nghiên cứu đã đến phòng chờ của chúng tôi trong đêm điều trị đầu tiên và rút một mảnh giấy ra khỏi chiếc mũ cao bồi. Nếu họ rút được “1,” họ sẽ được huẩn luyện chánh niệm. Nếu họ rút được “2,” họ sẽ tham gia chương trình “Freedom From Smoking” của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ. 2 lần 1 tuần trong 4 tuần, họ sẽ đến điều trị. Vào cuối tháng, họ sẽ thổi vào một cỗ máy trông giống như Breathalyzer, để xem thử họ đã bỏ hút thuốc chưa. Thay vì đo nồng độ cồn, bộ kiểm tra của chúng tôi đã đo lượng carbon monoxide (CO). CO, một phụ phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn, là một dấu hiệu thay thế hợp lý cho việc hút thuốc, bởi vì rất nhiều trong số đó đi vào máu khi chúng ta hút một điếu thuốc lá. CO liên kết với huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu chặt chẽ hơn oxy, đó là lý do tại sao chúng ta bị ngạt thở khi ngồi trong một ga-ra đóng kín với chiếc xe hơi đang nổ máy. Hút thuốc là một cách làm điều này chậm rãi hơn. Bởi vì nó vẫn quanh quẩn trong máu chúng ta, làm chậm quá trình liên kết với các tế bào hồng cầu của chúng ta trước khi ta có thể tống nó ra, CO là một dấu hiệu tốt của việc hút thuốc. Cứ mỗi tháng trong hai năm tiếp theo (trừ tháng 12, một thời điểm kinh khủng để con người bỏ hút thuốc), tôi đã dạy một nhóm tân binh về chánh niệm. Trong lớp đầu tiên, tôi sẽ dạy họ về vòng lặp của thói quen. Chúng tôi sẽ vạch ra các yếu tố kích hoạt của chúng và cách họ củng cố hành vi của bản thân với mỗi điếu thuốc. Tôi sẽ cho họ về nhà vào tối hôm đó với một lời khuyên đơn giản là hãy chú ý đến các yếu tố kích hoạt của họ và họ có cảm giác gì khi hút thuốc. Họ đang thu thập dữ liệu.
Ba ngày sau, ở lớp thứ hai, mọi người sẽ quay lại với các báo cáo về việc nhận ra họ đã hút thuốc bao nhiêu lần vì buồn chán. Một quý ông đã cắt giảm từ ba mươi điếu thuốc xuống còn mười điếu trong hai ngày đó vì anh ta nhận ra rằng phần lớn việc hút thuốc của anh ta là theo thói quen hoặc là một “giải pháp” để giải quyết các vấn đề khác. Chẳng hạn, anh ta hút thuốc để che giấu vị đắng của cà phê. Với nhận thức đơn giản này, anh ta bắt đầu đánh răng thay vì hút thuốc. Có lẽ thú vị hơn là những báo cáo tôi nhận được từ những người tham gia về việc chú ý khi họ hút thuốc thì có cảm giác gì. Nhiều người không thể tin nổi mắt họ đã mở to như thế nào; họ chưa bao giờ nhận ra mùi vị của hút thuốc lá kinh khủng như thế nào. Một trong những câu trả lời yêu thích của tôi là: “Có mùi giống như phô mai thối và có vị như hóa chất. Kinh quá.”
Bệnh nhân này về mặt nhận thức hiểu rằng hút thuốc có hại cho cô ấy. Đó là lý do tại sao cô ấy tham gia chương trình của chúng tôi. Điều cô ấy khám phá ra chỉ đơn giản bằng sự tò mò và chú tâm khi cô hút thuốc đó là hút thuốc có vị rất kinh khủng. Đây là một điểm khác biệt quan trọng. Cô chuyển từ kiến thức sang trí tuệ, từ cái biết trong đầu cô rằng hút thuốc có hại sang sự hiểu biết từ tận xương tủy. Sức quyến rũ của hút thuốc tan vỡ; cô bắt đầu tỉnh ngộ về hành vi của cô. Không có sự cưỡng ép ở đây.
Tại sao tôi lại đề cập đến sự cưỡng ép ở đây? Với CBT và các phương pháp điều trị có liên quan, nhận thức/ý thức được dùng để kiểm soát hành vi—do đó mới có tên là trị liệu nhận thức hành vi. Không may là, phần não của chúng ta có khả năng điều chỉnh hành vi một cách có ý thức, vỏ não trước trán, là phần đầu tiên sẽ ngừng hoạt động khi chúng ta bị stress. Khi vỏ não trước trán ngừng hoạt động, chúng ta lại rơi vào các thói quen cũ. Đó là lý do tại sao sự tỉnh ngộ, bừng thoát khỏi cơn mê, được bệnh nhân của tôi trải nghiệm là cực kỳ quan trọng. Nhìn thấy những gì chúng ta thực sự nhận được từ các thói quen của mình giúp chúng ta hiểu chúng ở một mức độ sâu sắc hơn, biết nó từ tận trong xương tủy của ta, mà không cần kiểm soát hoặc ép buộc bản thân kìm chế hút thuốc. Nhận thức này là điều mà chánh niệm hướng đến: nhìn thấy rõ những gì đang xảy ra khi chúng ta bị cuốn vào những hành vi của mình và sau đó tan biến ảo tưởng về mặt cơ thể/bản năng. Theo thời gian, khi chúng ta ngày càng nhìn thấy rõ ràng hơn các kết quả của hành động của mình, chúng ta từ bỏ thói quen cũ và hình thành những thói quen mới. Điều nghịch lý ở đây là chánh niệm chỉ là sự hứng thú và đến gần với những gì đang xảy ra trong cơ thể và tâm trí chúng ta. Đây là sự sẵn lòng hướng về trải nghiệm của chúng ta hơn là cố gắng làm cho cơn thèm muốn khó chịu của ta biến đi càng nhanh càng tốt.
Sau khi những người hút thuốc của chúng tôi bắt đầu cảm thấy quen thuộc, ổn thỏa khi có những cơn thèm muốn, và thậm chí còn hướng về chúng, tôi dạy họ cách lướt sóng. Tôi dùng một từ viết tắt mà một giáo viên dạy thiền lâu năm tên là Michelle McDonald đã phát triển (và từng được phổ biến rộng rãi bởi Tara Brach), và tôi cũng thấy hữu ích trong quá trình đào tạo chánh niệm của mình. Đặc biệt nó có ích khi tôi bị cuốn vào một số ý nghĩ mang tính ám ảnh hoặc bị mắc kẹt với ai đó trong đầu tôi: RAIN.
RECOGNIZE/RELAX (NHẬN RA/THOẢI MÁI) với những gì đang nảy sinh (ví dụ, cơn thèm muốn của bạn)
ACCEPT/ALLOW (CHẤP NHẬN/CHO PHÉP) nó ở đấy
INVESTIGATE (KHẢO SÁT) những cảm giác trên cơ thể, cảm xúc và các ý nghĩ (ví dụ, hãy hỏi, “Điều gì đang diễn ra trong cơ thể hoặc tâm trí tôi ngay lúc này?”)
NOTE (LƯU Ý) những gì đang xảy ra từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác
Chữ N là một sửa đổi nhỏ của điều tôi học được, đấy là “không đồng nhất hóa” (nonidentification) Quan điểm này cho rằng chúng ta thường đồng nhất hóa hoặc bị vướng mắc vào đối tượng mà chúng ta đang ý thức. Chúng ta vơ nó vào mình. Không đồng nhất hóa là một tiếng chuông trong đầu chúng ta nhắc nhở ta không nên để tâm. Thay vì cố gắng giải thích tất cả mọi điều trong lớp hai, Tôi chuyển sang bài “thực hành chú ý,” một kỹ thuật được phổ biến bởi Mahasi Sayadaw, một cố giáo viên người Miến Điện đáng kính. Nhiều biến thể hiện đang được dạy, nhưng tựu chung trong quá trình thực hành chú ý, một người đơn giản chỉ cần lưu ý đến bất cứ điều gì chiếm ưu thế nhất trong trải nghiệm của anh/cô ấy, dù đó là những ý nghĩ, cảm xúc, những cảm giác trên cơ thể, hoặc những âm thanh và cảnh tượng. Thực hành chú ý là một cách thực tiễn để xử lý vấn đề đồng nhất hóa, bởi vì khi chúng ta trở nên ý thức về một đối tượng thì chúng ta không còn đồng nhất với nó (nhiều như vậy). Hiện tượng này cũng giống với hiệu ứng người quan sát trong vật lý, trong đó chỉ mình hành động quan sát đặc biệt ở cấp độ nguyên tử, làm thay đổi những gì được quan sát. Nói cách khác, khi chúng ta chú ý (và lưu tâm) đến các cảm giác vật lý phát sinh trong cơ thể ta cấu thành nên một cơn thèm muốn, thì chúng ta càng ít bị vướng mắc vào vòng lặp của thói quen, chỉ đơn giản là thông qua sự quan sát đó.
Vào cuối phiên thứ hai, tôi cho họ về nhà với một tờ rơi và một thẻ tóm tắt có kích cỡ bằng chiếc ví tay để họ có thể bắt đầu thực hành RAIN, dạng đào tạo không chính thức của khóa học, mà họ có thể sử dụng bất cứ khi nào một cơn thèm muốn xuất hiện.
Hộp 1
Chúng ta có thể học cách cưỡi lên những con sóng ham muốn bằng cách lướt sóng. Đầu tiên, bằng cách NHẬN RA cơn ham muốn hoặc cơn thèm muốn đó đang đến, và sau đó XUÔI MÌNH theo nó. Vì bạn không có quyền kiếm soát đối với những sự việc sắp tới, hãy THỪA NHẬN hoặc CHẤP NHẬN con sóng này; đừng lờ nó, làm bản thân sao nhãng hoặc tìm cách xử lý nó. Đây là kinh nghiệm của bạn. Tìm một cách thức phù hợp với bạn, chẳng hạn như một từ hay cụm từ, hay đơn giản như một cái gật đầu (Tôi đồng ý, để xem nào, đây là nó,…). Để bắt được con sóng ham muốn, bạn phải nghiên cứu nó thật cẩn thận, KHẢO SÁT nó khi nó hình thành. Bạn làm điều này bằng cách đặt câu hỏi, “Bây giờ cơ thể tôi đang có cảm giác gì?” Đừng đi tìm. Xem điều gì phát sinh đang nổi bật nhất. Hãy để nó đến với bạn. Cuối cùng, CHÚ Ý đến trải nghiệm khi bạn theo dõi nó. Nói ngắn gọn bằng cách dùng những cụm từ ngắn hoặc từ đơn. Ví dụ: suy nghĩ, bồn chồn trong dạ dày, nóng rát,… Theo dõi nó cho đến khi nào nó hoàn toàn lắng xuống. Nếu bạn bị phân tâm, hãy quay lại cuộc điều tra bằng cách lặp lại câu hỏi, Bây giờ cơ thể tôi đang có cảm giác gì? Thử xem liệu bạn có thể cưỡi sóng cho đến khi nó hoàn toàn biến mất hay không. Hãy cưỡi nó vào bờ.
Sau RAIN
Trong phần còn lại của các buổi đào tạo, tôi đã thêm vào các bài thực hành thiền định chính thức được thực hiện đều đặn vào mỗi buổi sáng hoặc tối như một nền tảng để phát triển và hỗ trợ chánh niệm trong suốt cả ngày. Chúng tôi đã ghi nhật ký những gì mọi người đã làm và không thực hành mỗi tuần và theo dõi số lượng thuốc họ hút mỗi ngày. Đầy tham vọng, tôi đã đặt ra một ngày bỏ thuốc vào cuối tuần 2 (phiên bốn), hóa ra là hơi sớm đối với đa số mọi người. Một số người đã bỏ thuốc lá trong hai tuần và sau đó sử dụng hai tuần còn lại để củng cố các công cụ của họ, và một số người thì mất thời gian lâu hơn tí chút.
Trong khi các bệnh nhân của tôi đang học cách bỏ hút thuốc bằng chánh niệm, một nhà tâm lý học được Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đào tạo đã đưa ra phương pháp điều trị cai thuốc lá Freedom From Smoking ở một căn phòng khác dưới sảnh. Để đảm bảo rằng chúng tôi không thiên vị bất kì khía cạnh nào của việc đào tạo, cứ mỗi tháng chúng tôi lại đổi phòng. Đến cuối giai đoạn hai năm, chúng tôi đã sàng lọc hơn 750 người và chọn ngẫu nhiên chỉ ít hơn 100 người trong số họ cho thử nghiệm của chúng tôi. Khi các đối tượng cuối cùng hoàn thành khóa huấn luyện của họ, chúng tôi đã lấy tất cả dữ liệu và xem thử huấn luyện chánh niệm chống lại cơn thèm muốn hiệu qua ra sao.
Tôi đã hy vọng rằng phương pháp điều trị mới lạ của chúng tôi sẽ hiệu quả như phương pháp tiêu chuẩn vàng. Khi dữ liệu trở về từ các nhà thống kê của chúng tôi, những người tham gia nhóm đào tạo chánh niệm đã bỏ thuốc lá với tỷ lệ cao gấp đôi so với nhóm Freedom From Smoking. Hơn nữa, gần như tất cả những người tham gia chánh niệm đã bỏ thuốc lá, trong khi nhiều người ở nhóm khác đã chịu thua, mang lại sự khác biệt gấp năm lần giữa hai nhóm! Điều này tốt hơn nhiều so với mong đợi của tôi.
Tại sao chánh niệm lại có hiệu quả? Chúng tôi dạy mọi người chú ý đến các vòng lặp thói quen của họ để họ trở nên tỉnh ngộ với các hành vi trước đây của họ (hút thuốc) bằng cách thấy rõ những phần thưởng nào mà họ thực sự có được (ví dụ như, mùi vị của hóa chất). Chúng tôi cũng dạy họ những bài tập chánh niệm khác chẳng hạn như ý thức về hơi thở và tâm từ. Có lẽ những người tham gia chương trình đã gây sao lãng cho bản thân bằng những bài thực hành khác, hay có lẽ một điều gì đó hoàn toàn khác đã xảy ra mà chúng tôi không dự liệu được.
Tôi đã giao cho một sinh viên y khoa trường Yale nhiệm vụ tìm kiếm điều gì tạo nên những sự khác biệt. Sarah Mallik đang làm luận án trường y trong phòng thí nghiệm của tôi; cô ấy xem xét liệu thiền định chính thức và thực hành chánh niệm không chính thức (ví dụ như RAIN) có dự đoán được các kết quả ở cả hai nhóm hay không. Cô tìm thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa thực hành chánh niệm và bỏ hút thuốc, nhưng không có mối tương quan nào trong nhóm Freedom From Smoking, mà ở đó những người tham gia được nghe một CD dạy họ cách thư giãn và những phương pháp khác làm họ sao lãng khỏi cơn thèm muốn của họ. Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng có thể việc ngồi hết qua những giai đoạn thiền định khó khăn (như tôi đã làm) có thể giúp những người hút thuốc chờ đợi cho những cơn thèm muốn qua đi. Hoặc có thể khả năng ngồi thiền đơn giản là một dấu hiệu rằng cá nhân ấy có nhiều khả năng sử dụng chánh niệm. Chúng tôi phát hiện thấy thực hành RAIN trong nhóm chánh niệm có tương quan cao với các kết quả, trong khi đó các bài thực hành song song phi chính thức trong nhóm Freedom From Smoking thì lại không. Có thể RAIN đã lèo lái kết quả. Không có câu trả lời chính xác, chúng tôi đã công bố kết quả của mình, đưa ra tất cả những lời giải thích có khả năng.4
Một sinh viên y khoa khác, Hani Elwafi, hứng thú với việc xác định điều gì tạo ra sự khác biệt trong việc giúp đỡ những người sử dụng chánh niệm để bỏ thuốc lá. Nếu chúng ta có thể xác định chính xác cơ chế tâm lý của hiệu quả mà chánh niệm mang lại thì chúng ta sẽ có khả năng sắp xếp các phương pháp điều trị trong tương lai để tập trung vào các thành phần công hiệu. Tương tự như vậy: nếu chúng ta cho người ta ăn súp gà để chữa cảm lạnh, sẽ rất hữu ích nếu biết đó là thịt gà, nước dùng hay cà rốt mới có hiệu quả. Sau đó chúng ta có thể đảm bảo rằng người ốm sẽ nhận được thành phần đó.
Hani lấy dữ liệu của Sarah và bắt đầu tìm xem công cụ huấn luyện chánh niệm nào (thiền, RAIN,…) có tác động mạnh nhất lên mối quan hệ giữa cơn thèm thuốc và chuyện hút thuốc. Chúng tôi xem xét cụ thể mối quan hệ giữa cơn thèm thuốc và việc hút thuốc bởi vì cơn thèm thuốc rõ ràng có liên quan như một phần của vòng lặp thói quen. Không có cảm giác thèm thuốc, người ta sẽ ít hút thuốc hơn. Hani phát hiện thấy trước khi được đào tạo chánh niệm, cơn thèm thuốc sẽ dự đoán hành vi hút thuốc. Nếu người ta thèm một điếu thuốc thì họ rất có thể sẽ hút một điếu. Tuy nhiên, vào cuối bốn tuần đào tạo, mối quan hệ này đã bị cắt đứt. Thật thú vị, những người bỏ thuốc lá báo cáo mức độ thèm thuốc lá của họ cũng bằng những người không bỏ được thuốc lá. Nhưng họ lại không hút khi họ thèm thuốc. Theo thời gian, cơn thèm thuốc của họ giảm đi khi họ bỏ hút. Điều này hợp lý, và trong báo cáo của chúng tôi, chúng tôi đã giải thích như sau:
Một phép so sánh đơn giản đó là sự thèm muốn giống như một ngọn lửa được nuôi dưỡng bằng việc hút thuốc. Khi một người dừng hút thuốc, ngọn lửa thèm muốn vẫn còn cháy và chỉ cháy trụi khi nhiên liệu của nó được tiêu thụ hết (và không được tiếp thêm nhiên liệu nữa). Dữ liệu của chúng tôi ủng hộ trực tiếp điều này:
(1) Sự giảm cơn thèm thuốc đến chậm hơn việc dừng hút thuốc hoàn toàn đối với những người đang cai thuốc, điều này cho thấy rằng, ban đầu những “nhiên liệu” còn tồn lại giữ cho cơn thèm tiếp tục trỗi dậy, sau đó nó được tiêu thụ dần dần, điều này giải thích cho giai đoạn chững lại thường thấy của quá trình giảm cơn thèm thuốc;
và (2) sự thèm muốn tiếp tục tồn tại ở những người liên tục hút thuốc, cho thấy họ đang liên tục cung cấp nhiên liệu cho nó.5
Chúng tôi rút ra được lời giải thích này trực tiếp từ một văn bản Phật giáo cổ, với rất nhiều phép so sánh cơn thèm muốn với ngọn lửa.6 Những thiền giả thời xưa này rất thông minh.
Và cuối cùng là câu hỏi lúc đầu của chúng ta: Kỹ năng chánh niệm nào là yếu tố dự báo lớn nhất của sự phá vỡ mối liên kết giữa cơn thèm thuốc và việc hút thuốc? Người chiến thắng: RAIN. Trong khi các thực hành thiền định chính thức có mối tương quan tích cực với kết quả, thì thực hành RAIN không chính thức là phương pháp duy nhất vượt qua tập hợp thống kê cho thấy mối quan hệ trực tiếp để phá vỡ mối liên kết thèm thuốc-hút thuốc.
Nhà sư và các cơ chế
Càng xem xét lý do tại sao huấn luyện chánh niệm lại giúp con người từ bỏ và không bị tái nghiện, tôi càng hiểu được tại sao các phương pháp điều trị và cách tiếp cận khác lại thất bại. Một số nghiên cứu đã liên kết giữa sự thèm thuốc và hút thuốc. Tránh các tín hiệu (kích hoạt) có thể giúp con người không bị kích hoạt, nhưng lại không nhắm trực tiếp đến cốt lõi của vòng lặp thói quen. Ví dụ, tránh xa những người bạn hay hút thuốc có thể hữu ích. Nhưng, bị sếp la mắng có thể kích hoạt hành vi hút thuốc của một người, thì né tránh sếp có thể dẫn đến những yếu tố gây stress khác, thí dụ như thất nghiệp. Các chiến lược thay thế cổ điển chẳng hạn như ăn kẹo từng giúp con người bỏ hút thuốc. Ngoài việc bị tăng cân (thường gặp khi cai thuốc lá), kỹ thuật này huấn luyện cho người tham gia ăn uống khi họ lên cơn thèm hút thuốc. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy chánh niệm đã tách rời mối liên kết giữa thèm thuốc và hút thuốc. Hơn nữa, việc tách rời cơn thèm muốn và hành vi có vẻ quan trọng trong việc ngăn chặn các tín hiệu trở nên mạnh mẽ hơn hoặc nổi bật hơn. Mỗi lần chúng ta ấn định một ký ức liên kết một tín hiệu với một hành vi, bộ não chúng ta bắt đầu tìm kiếm tín hiệu và bạn bè của nó—bất cứ thứ gì giống với tín hiệu gốc đó đều có thể kích hoạt một cơn thèm muốn.
Tôi rất tò mò. Trong hành trình khám phá thiền định của mình, tôi đã đọc qua nhiều giáo lý Phật giáo nhấn mạnh rằng phải làm việc với sự ham muốn.7 Nhắm vào ham muốn và bạn có thể chinh phục được một chứng nghiện ngập. Và việc nhắm vào ham muốn này không phải bằng cách dùng bạo lực mà thông qua việc hướng đến nó hoặc lại gần nó. Thông qua việc quan sát trực tiếp, chúng ta có thể trở nên, thuật ngữ asava được dịch là, ít “say mê hơn.” Tôi đã nhìn thấy hiệu ứng này với các bệnh nhân của tôi. Họ không còn bị mê hoặc bởi chất gây nghiện bằng cách quan sát trực tiếp họ nhận được phần thưởng gì từ việc hành động theo những thôi thúc của họ. Chính xác thì quá trình này hoạt động như thế nào?
Jake Davis trước đây là một tu sĩ Phật giáo nguyên thủy và là học giả về Pali (ngôn ngữ mà giáo lý Phật giáo được viết ra đầu tiên). Lần đầu tiên tôi gặp anh ấy sau khi tôi kết thúc việc học nội trú và gia nhập khoa Yale. Chúng tôi đã gặp nhau thông qua một người bạn và đồng nghiệp, Willoughby Britton, cũng là một học viên thiền và một nhà nghiên cứu tại Đại học Brown. Vào thời điểm đó, Jake đang học cao học về triết. Chúng tôi rất tâm đầu ý hợp, vì cả hai đều không có hứng thú khi nói về những thứ không liên quan đến thiền. Có lúc, tôi đã cho anh ấy thấy những mô hình tâm lý hiện tại của việc học-dựa trên-phần thưởng. Theo tôi, chúng có vẻ giống với mô hình Phật giáo của nhân duyên (dependent origination) một khái niệm mà tôi đã học được khi đọc các văn bản Phật giáo ở trường cao học. Theo Pali Canon, Đức Phật được cho là đã suy ngẫm về ý tưởng này vào đêm mà ông ấy đã giác ngộ. Có lẽ nó đáng để xem xét thêm.
Nhân Duyên mô tả mười hai liên kết của một vòng lặp nguyên nhân-và-kết quả. Một cái gì đó xảy ra phụ thuộc vào một cái gì đó khác khiến nó xảy ra – theo nghĩa đen, “Cái này có vì cái kia có. Cái này không có vì cái kia không có.” Điều này đập vào mắt tôi vì nó dường như đang mô tả về điều kiện hoạt động, hay việc học-dựa trên-phần thưởng, 2,500 năm trước. Nó như thế này. Khi chúng ta gặp phải một trải nghiệm cảm giác, tâm trí của chúng ta diễn giải nó dựa trên kinh nghiệm trước đây của chúng ta (cách gọi cổ điển là “vô minh”). Cách diễn giải này tự động tạo ra một “giai điệu cảm giác” được cảm nhận là dễ chịu hoặc khó chịu. Giai điệu cảm giác dẫn đến một sự thèm muốn hay một thôi thúc—để tiếp tục cảm giác dễ chịu hay xua đuổi sự khó chịu. Do đó thúc đẩy, chúng ta hành động theo sự thôi thúc, tạo điều kiện cho sự ra đời của cái mà Tâm lý học Phật giáo nói đến, một bản sắc (self-identity). Thú vị là, thuật ngữ của nhiên liệu (upadana) được dịch là “dính mắc/gắn bó attachment”. Kết quả của hành động được ghi lại như một ký ức, sau đó tạo điều kiện cho “vòng tái sinh” tiếp theo hay còn gọi là luân hồi.
Mô hình này nghe có vẻ khó hiểu. Dần dà, Jake và tôi tháo gỡ từng thành phần này và phát hiện ra Nhân Duyên thực sự phù hợp với việc học-dựa trên-phần thưởng. Bạn thấy đấy, các bước của nhân duyên về cơ bản là giống với các bước của việc học-dựa trên-phần thưởng. Chúng chỉ có những tên gọi khác nhau mà thôi.
Bắt đầu từ đỉnh, quan điểm cổ xưa về sự vô minh rất giống với quan điểm thời hiện đại về thành kiến chủ quan (subjective bias). Chúng ta nhìn sự việc theo một cách thức nhất định dựa trên những ký ức về các kinh nghiệm trước đây của chúng ta. Những thành kiến này đã ăn sâu vào những phản ứng theo thói quen nào đó thường bị ảnh hưởng về bản chất—tức là, chúng liên quan đến cách ta cảm nhận điều gì đó về mặt cảm xúc. Những phản ứng thiếu suy xét này tương ứng với sự dễ chịu và ghét bỏ được mô tả bởi nhân duyên. Nếu socola có mùi vị thơm ngon với chúng ta trong quá khứ, thì trông thấy nó có thể đem lại một cảm giác dễ chịu. Nếu chúng ta bị ngộ độc thực phẩm vào lần cuối cùng ta ăn socola, chúng ta có thể chẳng cảm thấy thích thú gì vào lần tới khi ta nhìn thấy nó. Một cảm giác dễ chịu đưa đến một cơn thèm muốn theo cả hai kiểu. Và ở cả hai kiểu, sự thèm muốn dẫn đến hành vi hoặc hành động. Tới lúc này vẫn chưa sao. Bây giờ là nơi tôi cần đến sự trợ giúp. Trong nhân duyên, hành vi dẫn đến sự “ra đời”. Phật tử thời xưa không nói rõ ràng về sự hình thành ký ức (vị trí của tâm trí trong thời cổ đại được cho là nằm ở gan trong một số nền văn hóa, và nằm ở tim trong những nền văn hóa khác). Nếu chúng ta đang nghĩ mình là ai, thì hiểu biết về bản sắc, danh tính của chúng ta chủ yếu dựa vào ký ức. Vậy cũng tốt. Tất nhiên, vòng tái sinh hoàn toàn phù hợp. Mỗi lần chúng ta uống rượu, hút thuốc, hoặc làm những hành vi khác như một cách thức để trốn thoát khỏi một trải nghiệm khó chịu, thì tức là chúng ta đang huấn luyện cho bản thân làm nó lại một lần nữa—mà không hề giải quyết được vấn đề. Nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo hướng đó thì khổ đau của ta sẽ tiếp tục không ngừng.
Jake và tôi đã vẽ một sơ đồ đơn giản hóa đúng với hình thức của nhân duyên— Cái này có vì cái kia có—nhưng nói theo ngôn ngữ thời hiện đại. Chúng tôi sử dụng một cặp kính để biểu thị bước đầu tiên trong bánh xe (sự vô minh) để giúp mọi người hình dung cái nhìn thiên vị này về thế giới đã lọc các thông tin đến như thế nào và giữ cho bánh xe quay tròn, duy trì chu kỳ hình thành thói quen và củng cố thói quen.
Phiên bản đơn giản của nhân duyên. Copyright Judson Brewer, 2014
Ngoài ra, chúng tôi đã xuất bản một bài báo sử dụng nghiện ngập làm ví dụ để cho các học giả, bác sĩ lâm sàng và nhà khoa học thấy sự tương đồng đáng chú ý giữa nhân duyên và việc học tập-dựa trên-phần thưởng.8
Sau khi được thử nghiệm trong nhiều bài thuyết trình và thảo luận trong hội thảo trong vài năm qua, các mô hình có vẻ vẫn đứng vững. Chúng giúp kết nối các ý tưởng cổ xưa và hiện đại đằng sau các cơ chế tiềm năng về cách hoạt động của các phương pháp điều trị của chúng tôi. Và theo học thuyết Darwin, quan điểm sự tồn tại chỉ dành cho kẻ mạnh, kỳ lạ thay trấn an rằng một số mô hình tâm lý chẳng hạn như nhân duyên đã đứng vững trước thử thách của thời gian, liệu chúng có được coi là phù hợp với mô hình mới hay không, được khám phá lại trong ngày nay, hoặc được xem như rượu cũ trong những chiếc bình mới.
Trong thế giới của khoa học, học tập-dựa trên-phần thưởng diễn ra như thế này: phát triển một lý thuyết hoặc khám phá một cái gì đó mới (kích hoạt), là người đầu tiên xuất bản một bài viết về nó (hành vi) và những người khác sẽ trích dẫn nghiên cứu của bạn, bạn sẽ được thăng tiến và v.v..(phần thưởng). Thậm chí còn có một thuật ngữ liên quan đến những gì xảy ra khi ai đó xuất bản trước chúng ta: “bị hớt tay trên.” Có vẻ như Đức Phật đã hớt tay trên của Skinner, từ rất lâu trước khi giấy được phát minh.
Câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi nhiều năm nay cuối cùng đã được trả lời. Tôi có thể thấy từ chính những quá trình nghiện suy tư của tôi, làm thế nào tôi tạo lập những thói quen càng khiến tôi khao khát suy tư nhiều hơn. Từ những hiểu biết này, tôi có thể hiểu và liên hệ đến các vấn đề của các bệnh nhân của tôi và học cách làm thế nào điều trị các chứng nghiện của họ cho tốt hơn. Kiến thức này đã dẫn đến các thử nghiệm lâm sàng của chúng tôi, cho thấy các kỹ thuật này có hiệu quả với nhiều người. Hiểu biết đó giúp chúng tôi trở lại từ đầu—bằng cách học được rằng các mô hình cơ chế thời hiện đại cũng giống như các mô hình đã phát triển hàng ngàn năm trước. Liệu những mô hình này có thể hỗ trợ cho những hành vi khác ngoài sự nghiện ngập được không? Liệu trên thực tế, chúng có thể giúp mọi người sống tốt hơn không?
Mời bạn xem video bài nói chuyện của tác giả về phương pháp bỏ thói quen xấu (video có phụ đề tiếng Việt)
———————
- L. T. Kozlowski et al., “Comparing Tobacco Cigarette Dependence with Other Drug Dependencies: Greater or Equal ‘Difficulty Quitting’ and ‘Urges to Use’ but Less ‘Pleasure’ from Cigarettes,” JAMA 261, no. 6 (1989): 898–901.
- J. A. Brewer et al., “Mindfulness Training and Stress Reactivity in Substance Abuse: Results from a Randomized, Controlled Stage I Pilot Study,” Substance Abuse 30, no. 4 (2009): 306–17.
- J. D. Teasdale et al., “Prevention of Relapse/Recurrence in Major Depression by Mindfulness-Based Cognitive Therapy,” Journal of Consulting and Clinical Psychology 68, no. 4 (2000): 615–23; J. Kabat-Zinn, L. Lipworth, and R. Burney, “The Clinical Use of Mindfulness Meditation for the Self-Regulation of Chronic Pain,” Journal of Behavioral Medicine 8, no. 2 (1985): 163–90; J. Kabat-Zinn et al., “Effectiveness of a Meditation-Based Stress Reduction Program in the Treatment of Anxiety Disorders,” American Journal of Psychiatry 149, no. 7 (1992): 936–43.
4. J. A. Brewer et al., “Mindfulness Training for Smoking Cessation: Results from a Randomized Controlled Trial,” Drug and Alcohol Dependence 119, nos. 1–2 (2011): 72–80.
5. H. M. Elwafi et al., “Mindfulness Training for Smoking Cessation: Moderation of the Relationship between Craving and Cigarette Use,” Drug and Alcohol Dependence 130, nos. 1–3 (2013): 222–29.
6. G. DeGraff, Mind like Fire Unbound: An Image in the Early Buddhist Discourses, 4th ed. (Valley Center, Calif.: Metta Forest Monastery, 1993).
7. B. Thanissaro, trans., Dhammacakkappavattana Sutta: Setting the Wheel of Dhamma in Motion (1993); available from Access to Insight: Readings in Theravada Buddhism, www.accesstoinsight.org/
8. J. A. Brewer, H. M. Elwafi, and J. H. Davis, “Craving to Quit: Psychological Models and Neurobiological Mechanisms of Mindfulness Training as Treatment for Addictions,” Psychology of Addictive Behaviors 27, no. 2 (2013): 366–79.