Sâu của biển
Hôm nay, trên tay nhang khói, tôi ra nghĩa trang.
Trước mặt, chiếc bia vừa chớm phủ nước mưa sau một đêm trời ẩm ướt. “Như một linh hồn gầy rạc không ai đoái hoài” – tôi dợm tạo ra một so sánh và châm nhang. Núi cao và mưa dày làm tất cả thấm đẫm lạnh buốt. Lửa quẹt liếm vào ấm tê cả bàn tay cầm nhang.
Đất địa mộ còn mới. Cuộc chôn cất mới xảy ra thôi mà. Chỉ vài hôm trước, nước mắt phủ kín từng hạt đất, và mỗi bàn tay còn ủ đất trong tay, gửi hơi mình xuống mồ cho người lạnh. Cơn mưa đêm qua đã hút cạn, trả mọi thứ về nguyên trạng của hòm kín và kẻ được chôn cất.
Tay vuốt theo từng nét chữ đá mài trơn buột, tôi nhận biết một sự thật vật lý: Bia ghi tên tôi. Ngực tôi chèn bằng gỗ đất. Mùi lạnh đã xâm vào bàn chân tôi.
►►►
Năm ngày trước, tôi vẫn còn sống.
Hay cần phải bắt đầu bằng việc tôi biết đến K.
Tôi quen K. khi đang đi dạo trên bãi biển một hòn đảo. Mùa đó biển lặng như một khối chất lỏng bị cô đặc, im lìm không thở chút nào. Tôi ra đảo cùng Hoài, người bạn thân sinh ra ở đây.
Hoài dắt tôi ra bờ biển ngắm trăng đêm. Cả hòn đảo chỉ có một doi cát như bãi biển. Xung quanh đảo là vực đá răng cưa, người rơi xuống chỉ như một miếng thịt nát nhừ chứ chẳng mong chờ gì.
Bãi biển là món quà hiếm hoi hòn đảo được ban tặng. Hoài là một người mờ nhạt tới mức mỗi khi cố nhớ về anh, tôi phải tìm ra một điểm tựa nào đó gắn anh vào để nhớ ra được.
Hoài ân cần với tôi, như tình bạn đã gắn chúng tôi với nhau suốt bảy năm. Hoài muốn sống như cỏ cây. Anh sợ bất kỳ cái gì đậm màu, hoang dã, hung bạo. Anh lùi bước trước bất kỳ trở lực nào muốn xuyên kim qua ngực anh.
Thuở đi học, có một lần tôi tranh cãi với anh. Khi ấy, Hoài để người yêu anh đi. Cô nói với tôi, cô cần anh mở lời. Cô chấp nhận hết. Cô sẽ quay lại với anh. Gì cũng được. Tôi làm cái máy ghi âm, bật lại chính những lời ấy với Hoài. Tình yêu kỳ dị và ấp kín như cái hộp tội lỗi của thế hệ chúng tôi hẳn đã giết hết những người muốn sánh đôi, chỉ vì họ không dám nói với nhau điều cần phải thành lời.
Hoài không mở lời. Cô cũng không quay đầu lại.
- Tôi nghĩ chuyện cậu mở lời chẳng thiệt gì, cậu cũng muốn quay lại mà.
- Anh chỉ thấy mình không còn đủ can đảm. Anh sẽ không chịu đựng được những điều như vậy. Kha biết không. Thượng đế sinh ra những giống loài yếu đuối như sâu. Anh chỉ là một con sâu của Ngài. Anh sẽ lùi bước.Anh không muốn chiếm đoạt hay sở hữu một bông hoa thơm chỉ vì nàng sẵn sàng tưới lửa đốt anh.
Hoài lui về đảo – anh bảo để được làm con sâu của Thượng đế – để trú ẩn vĩnh viễn.
Bất cứ kẻ nào trong chúng tôi, khi bước qua tuổi 25, họ đi tìm một nơi trú ẩn an toàn, ấm áp, mát dịu, an lành, không ai cãi cọ và xô xát.
Người mạnh mẽ xây nên toà thành của riêng mình, trong ngôi nhà phố xinh, quán cafe lợi nhuận tốt, vườn rau đẹp có dư dả. Người yếu ớt như Hoài, có cách để có một toà thành riêng, để bảo trì tâm trí khỏi cào cấu của đời sống. Của yêu thương. Của tham vọng.
Và như thế, Hoài mềm mại như căn lều trú ẩn của tôi. Tôi quay về gặp anh mỗi khi không chịu đựng nổi chính mình nữa. Hoài sẽ dắt tôi ra biển. Chúng tôi nằm ngửa trên cát nhìn trăng lên.
Đêm ấy, Trăng đỏ như máu, tròn khắc nghiệt như lát cắt dao nhọn hung hãn. Biển êm như đá.
Hoài xoay quay qua tôi và hỏi: Em có biết xác người cũng êm như đá không?
Tôi lắc đầu. Trăng màu đỏ và đèn đánh cá trắng phau từ phía xa bờ phản chiếu vào mắt Hoài, một ánh mắt thẳng thừng, cụ thể mà tôi chưa bao giờ thấy ở Hoài.
Hoài nằm ngửa, quay mặt nhìn lên trăng. Anh mở lời:
Chắc anh chưa bao giờ kể Kha nghe về đảo. Những mùa trăng ở biển, người ta nói đó là mùa biển chuyển động. Từ trên bờ, chúng ta thấy khối nước chỉ là một, khổng lồ vô tận. Nhưng người lặn biển biết sẽ có
những thứ cựa quậy khi mùa trăng về. Những sinh vật hay thứ gì đó bị nước phủ khuất sẽ trỗi dậy, phơi bày ra khi nước lên lờ lững, hay rơi rớt lại khi nước hãn hữu rút về.
Khoảng 15 tuổi, anh theo cha những đợt tàu đêm có mực, cá về. Mùa trăng hung tàn lắm. Trăng soi thẳng xuống nước, nơi những đàn cá đọng lại thành khối đặc nghẹt. Lưới kéo lên kẹt cứng mực, ứ đầy cá. Người cười như say sưa uống trăng. Tay anh vốc vào mực. Thân thể chúng quyện lấy da thịt anh, trơn mát như chất sống ban tặng. Ai cũng vui sướng. Đèn trắng trên tàu như trăng thông đồng nhau, tưới mát quà tặng cho người.
Một đêm, trăng giống hệt như vầy. Cá và mực nhiều như mọi mùa trăng. Năm đó, biển nóng như lửa đốt. Bốn giờ sáng, anh về đến bờ, da rát ngặt mùi muối. Tàu đậu ngoài xa ngủ sớm sau đêm no say. Anh nằm
ngửa trên cát ngủ.
Anh nghe những người gọi nhau. Tiếng gọi rẽ nước. Anh nghe người từ bờ ùa ra bờ biển. Anh nghe giọng mẹ anh. Mẹ quỳ xuống cạnh anh. Nước mắt mẹ chảy ướt mặt anh. Anh vùng dậy. Cơn ngái ngủ mãi mới rũ bỏ được. Anh thấy mẹ sờ vuốt gương mặt anh. Mẹ khóc. Anh đẩy mẹ ra.
– Mẹ làm gì vậy?
– Con… Con…
Mẹ ngơ ngác. Mẹ bấu chặt tay anh. Anh nhìn theo hướng mắt mẹ đang dại khi nhìn xung quanh.
– Con… Con còn sống…
Trên bãi biển, bên cạnh anh, hàng chục người nằm la liệt. Anh vùng dậy. Mẹ cũng lau nước mắt. Mẹ loạng choạng đi theo anh. Anh thấy biển đã rút cạn sức mình. Tim anh đập như ép vào ngực. Anh cầm đèn pin, cố soi vào từng gương mặt.
Cảm giác lúc đó kỳ lạ lắm, vừa muốn nhận ra gương mặt ai đó mình quen, vừa hoảng sợ tột độ khi nghĩ đến dù bất kỳ ai quen cũng thật khủng khiếp. Bãi biển như trận mạc. Hàng chục bà mẹ, như mẹ anh, chắc họ đã rủ nhau chạy xuống. Họ khóc lóc, la thét, họ lay thân từng cái xác. Nhưng sau vài chục phút, tiếng khóc giảm dần, giảm dần.
Anh, mẹ và những người xung quanh nhìn nhau: Không có ai trong số các cái xác là người ở đảo. Không ai quen biết.
Mặt trời vụng đỏ xa xăm, chiếu tia hẹp lên những khối người như một trận địa. Anh và mẹ thất thểu như những tên lính xung trận, xong tan đợt mìn bom, đứng nhìn xác người dâng lên dưới chân.
Anh tò mò nhìn vào mặt họ. Mắt họ nhắm nghiền. Mặt không nhìn rõ đâu là mạch máu. Môi và da họ lợt lạt nhẹ nhàng, như thể để người ta quên đi nhanh chóng từng nét, dễ dàng xoá nhoà sau bao lượt sóng đánh.
Mẹ anh quỳ xuống lạy lục như một người lên đồng sợ hãi sức mạnh choáng ngợp của biển cả, sợ nó sẽ kéo người thân của bà đi như cách nó hành xử với những người đang nằm an ngủ dưới chân bà.
Bốn mươi cái xác. Cha anh và các chú về trễ hơn, mặt tái mét, lặng lẽ đào hố, dùng xe đẩy đưa từng người vào huyệt mộ ở nghĩa trang đảo.
Cha anh nói, thuỷ triều xoá đi và tiết lộ những bí mật. Thời đó, từ đảo vào đất liền mất cả tháng. Người đất liền cũng không bao giờ nghe thấy những chuyện xảy ra. Anh chưa bao giờ nghe thấy cha, mẹ hay những cô chú bàn bạc gì về sự việc họ mất cả tuần trời để chôn cất và nguyện cầu cho người mất đi. Họ lặng lẽ làm cùng nhau trong bí mật, im lặng.
Ở đảo ai cũng biết, ai đào huyệt mộ cứ đào, ai việc khác cứ việc khác. Trẻ con không nghe về những cái xác trôi ghé thăm đảo vào đêm trăng. Anh là đứa trẻ duy nhất – khi ấy chắc mười sáu, mười bảy gì đó – nhìn thấy mọi thứ từ đầu tới cuối.
Một lần nằm trên thuyền, cha anh nói, những cái xác tấp vào đảo bởi vì họ cô đơn.Hẳn là họ đã đi đâu đó trên một hành trình dài bất tận. Họ không có lối về. Con người chúng ta sinh ra từ biển, khi không biết
bấu víu vào đâu để sinh tồn, họ hiến mình cho biển, những mong tìm được một định mệnh khác với hiện hữu quá sức chịu đựng.
Thời trai trẻ, cha anh đã gặp những con thuyền gỗ tả tươm lềnh dềnh không chìm. Cha bước lên thuyền, nhìn quanh và chỉ thấy những thây người nằm la liệt, đã chết đói khát và khô rốc đi tự thuở nào. Anh em đi bạn không ai trở về mà kể lại chuyện. Điều gì ở biển, họ để biển giữ lấy làm bí mật, như cảm xúc chỉ chia sẻ một lần với những người đồng điệu. Thời đó, họ gặp không biết bao nhiêu lần. Những thuyền kiên cố đầy người tan rã. những thuyền trống trơn chỉ có vết máu. Lần nào họ cũng lục tung thuyền, cạy từ ruột tới boong, họ nghĩ nếu ai đó sống sẽ về đảo cùng họ. Mùi thối trên những thuyền ấy tuyệt đại giống mùi cá xót lại khoang thuyền sau những ngày lơi bỏ không dọn dẹp.
Em có biết những người đã kiệt lực trên đám thuyền ma ấy khác gì với những người cơ duyên trôi vào bờ đảo không?
Cha nói, người mà cha gặp trên thuyền xa xôi luôn chứa nhữg gương mặt kinh hoàng hơn tất thảy những gì cha từng nhìn thấy. Vài xác phụ nữ ôm cứng hài nhi đen đúa trong tay. Vài người đàn ông có găm dao trên ngực. Những hốc mắt mở toang, miệng há đờ đẫn cháy khô, tay chân rữa nát. Còn những người trên bờ đảo luôn ngủ rất ngoan lành. Mắt họ nhắm thinh như khung cửa sổ nhà khi đêm xuống. Tay họ buông hờ như tình cờ không còn lưu tâm.
Miệng họ đôi khi hé như đã mỉm cười an nhiên đón nhận giấc ngủ. Họ như đã được ân sủng cho một giấc ngủ dài không lo nghĩ nữa, khi phó mặc cho dòng thuỷ triều. Cha thà gặp họ vương vãi trên bãi biển còn hơn phải kiếm tìm lục lọi trên những khoang tàu nóng rát ngực mùa hè.
Cha nói, nếu họ đã buông xuôi, cha và người đảo không lý nào lại quấy nhiễu họ bằng lời đưa chuyện diễu nhãi ồn ào. Anh đón họ trong vài đêm trăng tình cờ. Anh quen với họ. Anh quên mất gương mặt họ chứ không nhớ ai làm gì. Đảo coi đó là điều bí mật, chẳng ai đi ghi sổ, thống kê, chụp ảnh những cái xác hòng tìm kiếm người thân.
Cứ vài năm một lần, từ ấy, anh lại gặp những đợt người tràn về bờ biển. Khi vào đất liền học, trong giấc ngủ, đôi khi anh nhớ việc mình gặp họ.
Anh nhớ cùng cha chôn cất họ trong nghi lễ của biển, im lặng, kín đáo và tôn trọng tất thảy quá khứ của họ.
Hoài kết thúc câu chuyện, anh thở dài. Tôi nghe tiếng thở thoát ra từ ngực anh trộn với tiếng sóng. Anh chỉ là một con sâu trong cõi sống – đào xuống lòng đất để tìm kiếm sự an ủi – Anh không thể rời khỏi biển nữa. Có những linh hồn đang trôi trên ngực biển cần anh. Anh nói, và quay nhìn tôi.
– Anh nghĩ vậy… anh… không chắc.
Tôi choàng tay qua vai anh. Hôn anh. Môi anh mặn mùi muối. Hoài nhắm mắt chịu đựng tôi. Tôi không ngừng lại được, mà ham mê nếm mãi vị môi anh cho đến chán chê. Tôi cảm thấy rõ anh không hề đáp lại, mà chỉ im ắng như không gợn sóng.
Khi buông anh ra, tôi bối rối ngồi dậy, giũ chiếc váy bám cát đã quấn lấy anh, rồi bỏ đi khỏi bờ biển. Hoài nằm im ở đó. Anh nói vọng theo tôi:
⁃ Kha đừng đi.
►►
Tôi rời đảo khi có tàu về. Chúng tôi không nhắc lại cái hôn. Hoài hành xử hệt như trước khi nụ hôn tồn tại. Tôi cố gắng chịu đựng không nhắc về hành vi mình đã gây ra, xô đổ những cảm giác thân ái mà hai chúng
tôi dành cho nhau nhiều năm.
Tôi về đất liền, mang theo câu chuyện về những cái xác trên bờ biển và loài sâu trốn biệt khỏi quỹ đạo của đời sống, tin rằng biển đóng băng và giữ gìn mọi thứ bất chấp không thời
gian.
Khi tôi về đất liền, tôi nhận được tin nhắn trong điện thoại:
⁃ Anh muốn hôn lại Kha.
Tôi không nhắn lại.
Hai mươi ngày sau, mẹ Hoài gọi cho tôi, nói Hoài bị cuốn đi mất.
Tôi thả điện thoại lên bàn, nghe tiếng bà khóc rấm rức bên kia.
Thêm mười ngày nữa, tôi nhận được hộp bưu phẩm.
Có một thư, nét chữ của Hoài.
►► Thư trong hộp:
Chào Kha,
Anh không ngờ mình lại gặp em trên đảo.
Đó là một ngày mùa hè. Em biết Hà Tiên không. Mặt trời hoá thành màu trắng vì nắng dữ dội như lửa. Anh đứng trên boong chiếc thuyền gỗ. Từ bờ, những người anh quen chạy ra, leo lên tàu, bám vào thân tàu. Trời nắng khủng khiếp. Anh thấy mồ hôi tứa ra trên tay anh và trên thân thể những người đang đu bám.
Cha đẩy anh lên tàu. Cha nói sẽ quay về và chăm sóc mẹ. Cha tát anh vì anh khóc. Cha bảo hãy đi, vì đó là điều duy nhất có thể sẽ giúp cho cả nhà. Anh không biết giúp cho cả nhà là sao. Anh sợ cơn hỗn loạn đang ập đến trên phố.
Thị trấn nhỏ xíu với súng ống vương vãi trên đường, quân phục nằm la liệt như giẻ rách ngoài bến tàu. Một đứa bé được đẩy lên boong tàu, ngay phía của anh, anh đưa tay ra đỡ nó như bản năng. Nó khóc.
Người đàn bà bế nó bấu lấy tàu. Cô bị đẩy ra, bị dìm xuống so với thác người đang trào lên. Cô ngồi bệt xuống khóc rũ rượi, nhoài lên tiếp.
Con tàu chất đầy người. Nó nổ máy và rồ ra xa bờ khi còn bao nhiêu người nhảy xuống bơi theo. Anh nhìn rõ một người đàn ông lực lưỡng bơi như thuồng luồng. Vệt nước sau lưng ông ta hằn rõ. Nhưng nước ộc lên vì máy tàu rướn tới. Càng xa ông ta càng mờ dần.
Anh thấy tay ông giơ lên – quẫy quẫy trong vùng nước khua động. Ông ta chìm. Trên tàu ngập tiếng khóc trẻ con, tiếng đàn bà la hét, tiếng đàn ông chửi bới.
Khi cả bờ Hà Tiên tan mờ, anh đứng dậy, với bàn tay đẫm mồ hôi, nhìn ra tứ phía, thấy chỉ có khối nước thuỷ tinh cứng ngắc. Đứa bé nắm lấy tay anh, cứ bấu vậy rồi khóc.
Anh nắm tay nó. Anh bảo anh tên K. Con có thích chơi đếm cá với chú K không.
Nó nín khóc, gật đầu. Anh và nó cùng nhìn ra mặt nước phía xa, thỉnh thoảng những con cá thân mỏng tung người lên cao. Tụi anh đếm cá. Những con cá tạo ra một không gian khiên cưỡng và đầy ẩn ý nhạo báng.
Khi cả trăm con người đang bấu lấy nhau trên những mảnh ván hẹp đóng thành tàu, bầy cá ngoài kia đang tự do hơn tất cả những gì mớ người này dành dụm được. Khi cha đẩy lên tàu, anh nghe người nói về tự do. Để tìm tự do, phải rời lìa mái nhà và câu kinh của má.
Cha đổi vàng lấy tự do – cha bảo vậy – cho anh. Nhưng bầy cá đâu cần vàng mới có tự do. Anh đang ngồi với con bé và đếm cá, như đếm những đồng xu tên tự do đang rơi vào cái ví biển cả. Con bé đếm sai nhiều, có lẽ cuộc dấy loạn ngoài kia không còn cho nó thì giờ để mẹ nó hay người lớn nào dạy nó đếm theo đúng thứ tự thường nhật.
– Năm con, năm, năm chú ơi…
Nó cười nắc nẻ khi thấy con cá đuôi dài thân thẳng đuột bung lên cao.
Ngày. Rồi đêm.
Đêm. Lại ngày.
Mọi người chia nhau những thứ mang theo trên tàu. Cá, mắm, gạo, những đọt rau thối rữa. Sau tiếng cười đùa là tiếng khóc trẻ con chen lẫn tiếng máy. Đứa bé mút ngón tay, nằm trên đùi anh ngủ. Cổ nó đẫm mồ hôi, ướt nhậy dính vào anh.
Những người khác hoặc nằm ngửa ra sàn, hoặc gục gặc đầu, hoặc nằm trên đùi người thân, đều đã mơ màng.. Anh ngẩng đầu nhìn bầu trời màu đen như dải sáp nóng vây trên đầu mình thành vòm. Mỗi gương mặt chứa đựng bí ẩn gì đó mà anh không đọc được, càng giấu đi, chúng lại càng tượng hình rõ hơn. Sáp đen phủ lên mặt họ, cơ hồ khi gỡ ra, có thể hiểu được ẩn giấu sau vòm mắt quầng đậm hay má hõm là ẩn ngữ gì.
Nhưng vào một lúc, máy tàu lịm. Anh còn nhớ, khi máy hộc lên và đợt, lục cục, giật giật rồi ngừng hẳn, nhiều đôi mắt phủ sáp đen bừng mở, nhìn chòng chọc vào anh, vào xung quanh. Cơn im nín thở, rồi phừng ra như lửa. Người ta hối hả hỏi nhau sao tắt máy, chuyện gì, dậy mau, đây là đâu…
Anh không dám hỏi, bởi biết không thể có câu trả lời. Một con tàu có thể chất lên mình nó bao con người, nhưng chính nó cũng chỉ là một chiếc lá dập dềnh giữa hư không bất tận. Anh không nhớ thời gian đã trôi qua bao lâu nữa. Có lẽ vài ngày, vài chục giờ, hay vài chục ngày. Đến một lúc sự phân định ngày và đêm của anh cũng lẫn vào nhau. Trên tàu không còn gì ăn. Nhiều người bắt đầu lịm dần đi. Anh chỉ còn nhìn thấy màu tối nhờ trước mắt mình. Những người đi qua lại, người nằm la liệt, người quỳ xin van lơn hay giằng xé nhau ở đâu đó trên boong tàu. Tay và mắt không còn nghe lời tâm trí anh, mà lạnh ảm dần, rũ rượi ra, để mặc anh nhìn chúng bắt lực. Cánh tay anh thõng ra như đùa cợt. Phía trước mặt anh, trời tối đen. Hình như có gai nhọn xuyên qua ngực anh. Anh nghĩ một giọt nước có thể giúp mọc mầm trong ấy và anh hết đau trở lại.
Đứa bé chợt khóc. Tiếng nó xé màn đêm. Và ở xa xa trong thẳm tối, có một ánh sáng nào đó cũng đang xé màn đêm. Một cánh tay lực lưỡng chụp lấy con bé, bóp miệng nó, và mọi thứ chìm vào im bặt. Thứ ánh sáng kia lưỡng lự, rồi tiếng máy vống lên, nó lủi dần vào đêm khuya như khối thạch ma quỷ từ thế giới khác hiện ra và chìm xuống.. Cánh tay buông con bé ra, vứt về phía anh, thân thể nó kêu một tiếng bịch gọn lỏn như túi đồ nặng. Bất động.
– Cướp biển. Chúng nghe thấy thì sao?
Giọng một người nói như quăng con dao xuống mặt anh, hằn học và nguyền rủa. Anh lê người lại gần con bé. Nó im re. Buổi sáng, anh nằm và thấy mắt nó mở nhìn anh. Ánh mắt trắng lờ, miệng nhiều nước bọt tứa ra. Nó nằm ngoẹo đầu, nhìn anh. Anh vun nó vào ngực mình. Cơn đau gai nhọn trong ngực tan dần.
Anh không biết con tàu sẽ đi bao xa nữa trong im lìm của biển cả. Anh thấy người ta nhấc bổng anh và con bé lên cao. Rồi ngửi thấy mùi biển trong cổ họng, trong tai.
Các con cá thì thầm bàn tán cạnh tai anh. Chúng kể chuyện có người ngồi trên tàu đã đặt tên cho chúng bằng các con số. Con cá số năm nói, cô bé đó đã gọi nó là năm, đừng có nhầm nó với thứ tám. Anh nhớ là mình đã sửa lại số đếm cho con bé, sau năm sẽ là sáu, không phải tám. Anh định nói vậy để các con cá yên tâm về tên gọi của chúng. Nhưng mà anh không mở miệng được.
Xin lỗi em, câu chuyện dài dòng quá.
Anh chỉ muốn nhắn là anh vẫn nụ hôn của Kha. Cách Kha hôn, cách Kha giũ chiếc váy đầy cát vung lên và bỏ đi. Cách Kha nằm trên cát và làm ấm cát.
Anh chỉ là loài sâu của biển. Anh trú ẩn trong thân thể của Hoài.
Anh muốn được sống cuộc đời Hoài có. Hoài đi ra biển mặn với cha. Hoài làm chủ biển và nước. Hoài ăn cá thơm mẹ kho. Mẹ Hoài kho cá ngon như mẹ anh, trước ngày bà mù loà và trước cuộc anh chạy theo bầy người ra biển. Anh tự hỏi vì sao bầy người phải chạy ra biển để tìm tự do. Còn Hoài ở đây, lúc nào cũng tự do như vậy. Tự do đến mức anh chịu không được, phải bấu vào thân thể cậu ấy, chui vào linh hồn cậu ấy, ăn ngấu nghiến cậu ấy, để được sống đời tự do mà cậu ấy có.
Anh không chịu được khi nhìn thấy Hoài ngủ trên bờ biển.Hoài không sợ bầy cá thì thầm như anh. Hoài chưa bao giờ thấy một đứa trẻ chết vì bị bịt mũi. Hoài cũng chẳng cần phải thấy. Hoài không bị gai nhọn của cơn khát đâm vào ngực như anh suốt bao nhiêu ngày chỉ nghe biển đạp vào màng nhĩ. Hoài vô tư lự giữa bóng đêm, ngủ trơ như mây và bên cạnh là giỏ mực đầy tươm mới. Anh đứng nhìn Hoài rõ lâu. Và anh muốn trở thành cậu ấy.
Những chiều không gian khác thường mà con người không thể mường tượng được có thể đã đưa anh đến gặp Hoài, và anh không muốn rời xa biển, nhưng chắc là để gặp em. Anh đã gặp em từ thời Hoài vào đất liền. Nhưng khi ấy loài sâu biển trong anh ngủ lịm mất khi không nghe tiếng sóng. Hoài sống cuộc đời của cậu ấy, còn anh bơi trong không khí xa lạ nơi đại dương không hát. Khi ấy tâm trí anh không đủ tập trung để nhìn thấy em. Anh chỉ nhìn thấy Hoài và sung sướng tận hưởng giấc ngủ đông, mặc tình cho cậu ấy trỗi dậy trong thế giới mới tìm ra. Lúc đó mình ở các chiều không gian soi chiếu nhau, xong quay lưng vào nhau, anh không nhìn thấy em. Tại sao anh mất nhiều thời gian đến vậy để nhìn thấy em?
Anh tên K.
Anh nghĩ tên anh và em đều bắt đầu bằng một âm tự. Đó hẳn là số mệnh.
Em hiểu không?
Anh muốn hôn lại Kha.
K.
►►►
Tôi gấp lá thư lại.
Tôi ngồi im nhìn qua khung cửa sổ, thấy đôi mắt mình bị khoét sâu bởi màu trắng xoá của ánh trời trưa. Nắng khảnh lên dưới đường, nơi những bóng người lúp xúp trùm kín khẩu trang chạy qua lại. Có ai đó trùm kín mặt mà tôi có thể quen không?
Trong hộp bưu phẩm, có hình một con cá vẽ trên giấy, ghi tên “Con số năm”.
Có một bức ảnh chân dung bán thân. Trong đó, tôi đứng cạnh và mỉm cười, đầu hơi ngả vào một người đàn ông. Nhưng người đàn ông không có mặt, mà chỉ là bức vẽ phác thảo với cái đầu trống rỗng màu trắng.
Dưới ảnh có dòng chữ:
Thương yêu Kha dù ở kiếp nào, khi thế giới mình hoà làm một. Ngày…. tháng…. năm
Và địa chỉ.
Xem ngay: Tình bạn tan biến
►►►Ở không-thời gian này:
Tôi đi theo địa chỉ, đến nghĩa trang, mua một bó hoa và nhang.
K. đã đi qua bao nhiêu kiếp và gặp tôi? – Từ cái buổi đếm cá cùng đứa bé, cho đến khi thân thể hoà vào biển, anh đã gặp những chiều không-thời gian khác nào? Còn đứa bé, sao nó không tiếp tục cùng anh đếm cá trên bầu trời của đại dương.
Tại sao bầy người phải lao mình ra biển?
Tại sao lại là Hoài? – Định mệnh gì đã khiến Hoài trở thành bến đáp của K. và những cái xác tươi rói tìm đường quay về nhà? Mà tại sao phải quay về nhà sau khi đã lao mình vào cột sóng? Người đã sợ gì đến mức chọn cái tức tưởi nhất để rời đi, không cho nhau một lời trả giá ngọt nhạt mà yên tâm rằng tất cả rồi sẽ sống được cùng nhau, sẽ chịu đựng nhau mà không ai phải cắt bỏ thân thể khỏi đất liền.
Tôi châm điếu thuốc, và châm lửa bức ảnh.
K. à, anh hài lòng rồi phải không?
Trên thân thể của tất cả chúng ta rồi sẽ chỉ là loài sâu mục ruỗng, hòng tìm đường chui kéo qua một chiều không gian khác, kẻ tìm tự do, kẻ tìm biển, kẻ tìm nụ hôn, kẻ tìm hơi người và mùi cá.
Lũ sâu sẽ ăn hết.