Sao Chúng Ta Lại Ngủ? Matthew Walker
Tóm tắt Sao Chúng Ta Lại Ngủ
Lời khuyên xuyên suốt của tác giả Matthew Walker trong quyển sách này để cải thiện sức khỏe cộng đồng là tất cả chúng ta cần ngủ ít nhất bảy giờ mỗi ngày để tránh việc hệ miễn dịch bị phá hủy cũng như hạn chế nguy cơ mắc ung thư. Theo tác giả thì tốt nhất là ngủ tám tiếng mỗi đêm vì giấc ngủ rất quan trọng đối với nhiều chức năng của não và cơ thể bao gồm trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, sự chú ý, chức năng miễn dịch, sự tăng trưởng và khả năng làm việc hiệu quả của hầu hết các cơ quan của chúng ta. Thiếu ngủ dẫn đến chứng mất trí nhớ, tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, ung thư, suy hệ hô hấp và các căn bệnh khác. Nói cách khác, không dành nhiều thời gian cho giấc ngủ chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật và tử vong.
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều người ở các nước phát triển không ngủ được bảy đến tám tiếng mỗi đêm và điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài cho thiếu ngủ trong một thời gian liên tục và quá lâu. Những thói quen như ngủ muộn vào cuối tuần sẽ không làm giảm đi những tổn hại mà cơ thể phải chịu do các ngày trong tuần đều căng thẳng và chẳng có giấc ngủ nào trọn vẹn. Tồi tệ hơn, chúng ta ngày nay có một nền văn hóa kỳ cục khi xem việc ngủ ít là biểu hiện của người thành công và mọi người hay lấy ví dụ của những doanh nhân thành đạt ít ngủ ra để làm minh chứng và hình thành thói quen ngủ chỉ bốn đến năm tiếng một ngày cho mình. Tác giả Walker đã khẳng định rằng những người ít ngủ mà chẳng bị tổn hại gì về cơ thể thực sự rất hiếm trong cuộc sống này và nếu có thì chắc gì bạn đạt được khả năng đó?!
Một lập luận rất hay ho trong “Sao chúng ta lại ngủ” có liên quan đến sự tiến hóa với sự thật là con người đã tiến hóa hơn hai triệu năm để có thể ngủ tám tiếng vào mỗi đêm. Khi giải thích thói quen ngủ của chúng ta có liên quan đến thuyết tiến hóa, Walker đã so sánh con người với các loài vật. Ông chứng minh rằng các loài côn trùng như ong, gián, ruồi hay các loài cá từ loại có kích thước nhỏ như cá rô hoặc kích thước lớn như cá mập đều có những giấc ngủ trọn vẹn nhất theo cách của chúng. Khi nấc thang tiến hóa ở một mức độ cao hơn thì rõ ràng các loài động vật có vú và các loài chim đều dành thời gian cho giấc ngủ. Từ đó mà một kết luận mang tính khoa học sâu sắc là vạn vật đều phải ngủ.
Từ nền tảng này, tác giả đã chứng minh việc ngủ tám tiếng ngày nay của con người là sự thay đổi của cả một quá trình tiến hóa vì số lần ngủ, thời gian ngủ và thời điểm ngủ đều bị cái hiện đại làm biến dạng hoàn toàn so với quá khứ. Bằng chứng là các nền văn hóa nghèo không chịu sự ảnh hưởng của nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không có điện để sử dụng thì họ vẫn duy trì “mẫu ngủ hai pha”. Tức là những bộ lạc săn bắt hái lượm như người Gabra ở phía bắc Kenya hoặc người San ở sa mạc Kalahari luôn duy trì lối sống ngủ hai giấc – một giấc ngủ ngắn 30 – 60 phút vào buổi chiều và đến tối thì họ ngủ khoảng 7 tiếng liên tục.
Điều này đã chứng minh cho tổ tiên của chúng ta khi xưa chưa có sự phát triển thì vẫn ngủ theo mẫu hai pha như thế này. Trong khi đó thì mọi người tại các quốc gia phát triển hiện nay chỉ ngủ một giấc duy nhất vì công việc cùng sự ồn ào của ban ngày không cho phép chúng ta ngủ trưa hay chiều.
Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra lỗ hổng của y học ngày nay là quá tập trung vào bệnh tật và những thương tổn của cơ thể. Khi dặn dò bệnh nhân, nhiều bác sĩ chỉ luôn đề cao chế độ ăn uống và hoạt động thể chất để duy trì sức khỏe mà luôn quên mất giấc ngủ là một yếu tố quan trọng để cải thiện tình hình cho người bệnh. Walker đã viết thẳng rằng nếu bỏ đi nền tảng giấc ngủ thì việc ăn uống cẩn thận hoặc tập thể dục hàng ngày cũng sẽ trở nên kém hiệu quả ngay lập tức.
Có thể thấy dù tác giả chỉ là một nhà khoa học và không phải là một bác sĩ chuyên khoa nhưng ông đã giải thích rất tốt các chức năng của giấc ngủ. Dù cho các kiến thức trong “Sao chúng ta lại ngủ” thực sự là hàn lâm và chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để hiểu được tất cả các tác động của giấc ngủ mà Walker đưa ra nhưng nếu không có nguồn cảm hứng này thì có lẽ vĩnh viễn, mọi người cũng chẳng muốn tìm hiểu về một vấn đề quá đỗi bình thường như thế này.
Tôi đặc biệt thích phép ẩn dụ tài tình của Walker để giải thích cách thức giấc ngủ REM (giai đoạn kết hợp ngủ mơ) và giấc ngủ NREM (giai đoạn không ngủ mơ) là cần thiết như thế nào cho trí nhớ. Mọi loài đều trải qua giấc ngủ NREM nhưng ở con người luôn đặc trưng bởi giấc ngủ REM vì nó xuất hiện đễ hỗ trợ chức năng mà một giấc ngủ NREM không thể hoàn thành được. Điều đặc biệt là các loài chim và động vật có vú đều có một giấc ngủ REM đầy đủ như con người. Đây là một thông tin thú vị để chứng minh cho thuyết tiến hóa đã nêu ở trên.
Và sau một loạt các lợi ích của giấc ngủ REM được chứng minh trong “Sao chúng ta lại ngủ” thì Walker khẳng định rằng: “Việc ngủ mơ REM thể hiện một yếu tố đóng góp mới vững chắc giữa những yếu tố khác đã dẫn tới sự gia tăng về mặt tiến hóa nhanh chóng đáng kinh ngạc của chúng ta trước quyền lực, vì dù tốt hơn hay xấu hơn – cũng xuất hiện một siêu lớp xã hội mới (được giấc ngủ tiếp nhiên liệu), thống trị toàn cầu”.
Tại sao nên đọc…
“Ngủ quá ít làm tăng nồng độ của loại hoóc-môn khiến bạn cảm thấy đói, đồng thời kiềm chế loại hoóc-môn song hành khác báo hiệu sự hài lòng về thức ăn. Bất kể bạn đang no, bạn vẫn muốn ăn thêm. Đây chính là công thức minh chứng cho sự tăng cân do thiếu ngủ ở người lớn và trẻ em giống nhau. Sự việc còn tệ hơn bởi thật vô ích khi bạn có ăn kiêng nhưng lại không ngủ đủ giấc vì phần lớn trọng lượng cơ thể bạn giảm đi là khối lượng cơ gầy (những chỗ cơ nạc của cơ thể) mà không phải khối lượng cơ thể béo (mỡ).”
Đây là một đoạn trong “Sao chúng ta lại ngủ” khiến tôi cảm thấy thói quen ngủ trễ và thiếu ngủ từ trước đến giờ của bản thân cực kỳ sai trái. Rõ ràng là một số người trong thời đại hiện nay vì quá căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống nên đã thường sử dụng thuốc ngủ và có lúc họ uống nhiều đến mức phải trải qua phẫu thuật vào ngày hôm sau. Có lẽ, nhiều người đã quá coi thường sức khỏe của mình và thiếu hiểu biết về hậu quả nghiêm trọng của thuốc ngủ.
Bởi vậy mà quyển “Sao chúng ta lại ngủ” trở nên vô cùng thiết thực cho mọi người trong cuộc sống mưu sinh bộn bề này. Cuốn sách đã minh chứng rằng việc mất ngủ là một thách thức vô cùng lớn đối với sức khỏe cộng đồng mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ hai mươi mốt ở các quốc gia phát triển. Vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, cũng có tính cấp bách giống như các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Đánh giá của độc giả:
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đọc cuốn sách này đều sẽ bị thuyết phục về tầm quan trọng của giấc ngủ và sau đó tự hứa rằng bản thân sẽ làm tất cả những gì có thể để ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm dù cho các yếu tố ngoại cảnh có khủng khiếp hay đa dạng như thế nào. Có rất nhiều yếu tố chi phối đến chất lượng giấc ngủ bao gồm thói quen và yêu cầu công việc, đèn điện, tiếng ồn, các thiết bị điện tử (đặc biệt là các thiết bị mà phần lớn được cung cấp bởi đèn LED màu xanh), rượu, caffeine, giải trí đại chúng và văn hóa không nắm bắt được tầm quan trọng của giấc ngủ cũng như hoạt động chống lại việc ngủ tám tiếng mỗi đêm. Walker đã châm biếm sâu cay các hệ thống trường học bắt buộc thanh thiếu niên đến trường lúc 7h30 vì họ đã không hiểu rõ về nhịp sinh học của người sắp trưởng thành thường hoạt động chậm hơn ba giờ so với những người trưởng thành hoàn toàn.
“Sao chúng ta lại ngủ” thực sự đã thay đổi suy nghĩ của tôi rất nhiều về giấc ngủ hàng ngày cũng như ảnh hưởng của nó tới tuổi thọ của con người. Tôi tự hỏi nếu chúng ta phát động phong trào ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và tuyên truyền những thông tin hữu ích về ngủ mơ trong quyển sách thì liệu sức khỏe cộng đồng sẽ tốt hơn chăng?! Hy vọng mọi người sau khi đọc xong cuốn sách này sẽ hiểu rõ hơn về thói quen nghỉ ngơi và tầm quan trọng của giấc ngủ, từ đó có thể đưa ra một kế hoạch và những quyết định tốt hơn cho sức khỏe thể chất của bản thân.
Note: Bill Gates vừa tiết lộ 5 cuốn sách yêu thích nhất năm 2019 và trong đó có quyển “Sao chúng ta lại ngủ”. Cuốn sách thậm chí đã khiến tỷ phú thay đổi thói quen đi ngủ của mình.