Oppenheimer, Mekong Atlantis hay sự thất bại trong giáo dục thi cử?
Oppenheimer là bộ phim chiếu cùng thời điểm với phim bị cấm Barbie, kể về cha đẻ của bom nguyên tử với chính tên ông là tên của bộ phim luôn.
Ghi chú: Mình muốn viết ra những dòng dưới này để làm vơi đi nỗi bứt rứt trong nhiều ngày qua, để cho mình của tương lai rút ra được bài học từ góc nhìn của bản thân hiện tại. Lúc đầu mình tính trau chuốt câu từ để dành cho một bài báo góp ý gửi thủ tướng hoặc bộ trưởng nhưng có lẽ nội dung đụng chạm nhiều bên nên sẽ khó được duyệt đăng. Thôi thì đang bận luận văn nên cứ nghĩ gì viết nấy, kệ lủng củng vậy. Nếu bạn nào thích đọc ngắn, nội dung yêu đời và ít hại não thì có thể bỏ qua bài này. Sẽ đau đầu và đau lòng lắm!
—————————
Sở dĩ mình thích bộ phim ngay từ lúc đầu có thông tin quảng bá, không chỉ vì được đạo diễn bởi Christopher Nolan tài ba, mà là bởi vì nó sẽ là câu chuyện thực tế kể về tầm quan trọng của vận dụng kỹ thuật và công nghệ bên cạnh sự phát triển của khoa học cơ bản. Đa số mọi người sẽ quen thuộc với các cái tên Einstein, Pauli, Fermi và Heisenberg khi nhắc về vĩ nhân của thế kỷ 20 bởi các khám phá về quy luật của thế giới tự nhiên mang tên họ. Chẳng mấy ai để ý tới Oppenheimer và tầm nhìn của ông về một thế giới hòa bình.
Lần đầu tiên mình biết tới Oppenheimer chính là qua giai thoại về việc ông tẩm chất cấm lên một quả táo để nhằm đầu độc giáo sư vật lý tại Cambridge. Ở thời điểm đó, Oppenheimer bị trầm cảm nặng. Sau này, chính ông đã xác nhận câu chuyện có thật chứ không chỉ là tin đồn. Mình cũng cảm thấy có một chút tương đồng nhẹ của bản thân ở đây bởi mình đã từng thu lượm từng mẩu muối cobalt thừa còn vương vãi trong phòng thí nghiệm, pha với dimethylformamide để tiêm vào những múi cam tươi mọng để trong phòng làm việc. Mình cũng đã từng tổng hợp muối chì iotua thành những hạt sa vàng óng ánh để vào lọ pha lê làm quà tặng người yêu cũ. Múi cam xanh Co để bẫy chuột sau khi thầy mình bất lực với bả kém chất lượng mua ở ngoài chợ. Còn huyền phù PbI2 là để phòng khi ai đó phản bội lúc mình đi công tác xa.
Tò mò thử nghiệm vi lượng thạch tín để kiếm chứng cái chết của Napoleon, nghịch ngợm thí nghiệm phức ăn mòn xác người để kiểm nghiệm phim chưởng Tàu tới những lần mắt mình hứng trọn amoniac nguyên chất xịt vào, hay đổ H2SO4 đặc trên lòng bàn tay. Những ký ức về một Minh trầm cảm với khoa học ùa về sau khi mình được xem đoạn trailer của Oppenheimer. Rõ ràng, mình không có ý định so sánh bản thân mình với cha đẻ của bom nguyên tử. Đó chắc chắn là một sự khập khiễng chứ chưa nói ngạo mạn quá mức. Mà mình chỉ muốn mượn khoảnh khắc ông đứng giảng bài trong bức ảnh này, để mở đầu cho những tâm tư về cách mà hóa học đáng lẽ phải được dạy ở quê nhà.
Hãy bắt đầu ở những đề hóa cơ bản nhất:
A + B + C ===> D + E
Vẻ đẹp của hóa học không phải bắt nguồn từ những bài toán đố số mol với dồn chất phi lý để dọa học sinh, mà là tới từ sự biến hóa khôn lường của các điều kiện chuẩn bị.
Đọc ngay:Thế nào là tự do ngôn luận?
Ví dụ chỉ với chất A thôi nhé, giả sử A là dung dịch muối ăn nhưng không phải ở trong nước, mà là ở trong ethylene glycol (hay gọi tắt là EG). Do muối ăn không tan trực tiếp trong EG, nên người ta có thể dùng cách pha qua nước tạo dung dịch NaCl trước, rồi dùng dung dịch đó pha vào EG do nước và EG có thể khuếch tán tốt với nhau. Tuy nhiên, ở nhiều phản ứng, sự hiện diện của nước tạo nên nguy cơ oxi hóa cao cho sản phẩm tạo thành, nên sẽ phải pha NaCl trong EG nguyên chất bằng cách đun nóng EG trước rồi từ đó khuấy đầu cho muối ăn tan. Dung dịch NaCl/EG sau đó được làm nguội về nhiệt độ phòng.
Ví dụ tiếp về hai chất, chẳng hạn như đổ acid vào nước hay đổ nước vào acid, đổ trà vào sữa hay đổ đổ sữa vào trà? Mặc dù vẫn là A và B kết hợp những đổ chất A trước hay chất B trước cũng ảnh hưởng rất lớn tới trải nghiệm của người làm thí nghiệm. Thế nên nếu có 3 chất A, B và C thì làm B với C trước rồi đổ vào A, hay A và B trước để đổ vào C, hay là đổ B vào trong lúc A và C đang phản ứng – cũng đòi hỏi một sự dự đoán cơ chế kỹ càng từ trước để đạt được kết quả tốt nhất.
Thứ tự đổ trước hay đổ sau cũng chưa phải là cái đau đầu nhất mà còn cả ở cách triển khai điều kiện nữa. Ví dụ cùng nhiệt độ cao 800 độ để cho A + B + C ra D chẳng hạn, tốc độ tăng nhiệt như thế nào, tầm 20 tới 30 độ trên một phút hay là một tiếng đầu thì tăng 10 độ một phút, một tiếng sau thì 20 độ một phút chẳng hạn rồi giữ nguyên ở 400 độ trong 2 giờ rồi mới tăng lên 800. Cả quá trình để nguội tự nhiên từ 800 độ xuống nhiệt độ phòng thôi cũng mất ít nhất nửa ngày. Tương tự với áp suất và dùng khí trơ. Tỉ lệ trộn Ar và N2 như thế nào, rồi tốc độ thổi khí ra sao, khí nào từ phương hướng nào tới ở góc độ nào. Vẫn chỉ là A, B và C nhưng có hàng tỉ cách triển khai phản ứng khác nhau để có D và E khác nhau.
Tất cả những thí dụ trên chỉ là bề nổi để chuẩn bị phản ứng cơ bản kia với hàng triệu tập hợp chất A, B và C có thể kết hợp với nhau để cho ra hàng tỉ tỉ hướng sản phẩm D và E.
Do đó, lấy lý do không có đủ các dạng câu hỏi khác ngoài tính toán để kiểm tra kiến thức Hóa là ngụy biện cho sự yếu kém của người làm công tác giáo dục. Yếu kém về cả thực nghiệm, hiểu biết về công nghệ mới cũng như yếu cả nền tảng hóa cơ bản nữa. Lý do cho rằng nước ta thiếu cơ sở vật chất để làm thí nghiệm minh họa cũng không hề hợp lý vì những điều này hoàn toàn có thể được học viết và tư duy trên giấy. Như cách mà Trung Quốc họ triển khai đề thi vậy.
Lấy ví dụ đề thi THPT tại Bắc Kinh năm 2023 chẳng hạn (dưới cmt) có thể thấy không có một câu tính toán đốt khí gì luôn mà toàn là về cơ chế phản ứng. Đặc biệt là câu hỏi đầu tiên về graphyne do các nhà khoa học TQ tổng hợp thành công – cái này được giới học giả Tàu flex suốt hai năm nay rồi vì họ tự hào là người đầu tiên làm ra được. Mình tự hỏi tại sao chúng ta không thể đưa thông tin về thành tựu của nhà khoa học Việt vào trong đề được như vậy? Cứ ra rả tự hào dân tộc rồi đề cao sự sáng tạo hoài trên tivi mà đồng bào mình làm ra cái gì cũng không biết? Người Việt cũng đâu phải có mỗi Ngô Bảo Châu đâu mà hàng ngày có rất nhiều người được cách thành tựu lớn nhỏ khác nhau. Mình có thể lấy ví dụ ngay tháng bảy này tại Úc thôi, có chú Nam-Trung Nguyen đã giành được quỹ đầu tư hơn 3.3 triệu đô la từ Hội đồng Nghiên cứu Úc bởi những thành tựu trong micro và elastofluidics. Hoặc chị Tien Huynh cùng nhóm nghiên cứu cũng đã nhận được 3.6 triệu đô la từ Cơ quan Vũ trụ Úc cho dự án trồng cây trên Mặt trăng.
Đề thi Vật lý ở Mỹ và khi được Youtuber thuê hẳn máy nay để chứng minh.
Không chỉ Hóa, mà cả Vật lý cũng cần phải tiệm cận thực tế. Lấy ví dụ đề thi trắc nghiệm vật lý tại Mỹ có câu hỏi về dây thừn trên máy bay trực thăng sẽ có hình dạng như thế nào nếu máy bay đang bay thẳng với tốc độ không đổi (thông tin dưới cmt). Câu hỏi vui này khiến cho rất nhiều bàn tán, đa số mọi người đều trả lời sai. Từ giáo sư ra đề cho tới sinh viên trường ưu tú như MIT và Stanford cũng thử giải theo tính toán của riêng mình, thậm chí cả Youtuber nổi tiếng Veritasium cũng thuê hẳn cả cái trực thăng để kiểm nghiệm. Thực tế là phải kiểm định được rõ ràng như vậy. Mình không yêu cầu phải làm tới trực thăng hay tàu vũ trụ làm gì, mà chúng ta có thể chỉ là chong chóng tre, guồng nước, cối vo gạo, kính thiên văn hoặc tên lửa nước đời thường từ ống nước và chai lọ ve chai như mình vẫn hướng dẫn cho các bé ngày trước cũng có thể dùng cho các bài tập về sức gió, dòng chảy của nước, ném xiên hoặc thấu kính hội tụ vân vân. Mình vẫn nhớ cách đây tầm sáu năm, mình có về một trường cấp ba nổi tiếng ở thủ đô và nghe được kinh phí duy trì phòng thí nghiệm là khoảng 500 triệu/năm, tức là quá đủ để mua hàng triệu cái điện trở, tụ điện, dây diện và vân vân để các em thực hành với bảng mạch thực tế thay vì ngồi giải hàng tá bài toán bịa về mạch điện trên giấy. Cùng là mắc một cái đèn để sáng thôi, nhưng đi dây thế nào là cả vấn đề. Đó cũng chính là lý do mà có những câu hỏi thực hành về mạch điện rất cơ bản được thầy Túc đưa lên Đường lên đỉnh Olympia nhưng hiếm khi thấy có em nào giải được.
Từ hóa sang lý tới nhiều ngành khác, học sinh chỉ làm được lý thuyết mà không giải được bài toán thực tiễn là sự thất bại của nền giáo dục, không chỉ để nói suông chê cho sướng mồm đâu mà nó cũng bao hàm cả một nỗi lo cho hiện thực trong vài thập kỷ nữa.
Có rất nhiều vấn đề đáng nói, nhưng mình chỉ muốn đưa ra 2 cái cần lưu ý thôi:
1. Tổng chi phí đường sắt cao tốc Bắc Nam (dự kiến thu hồi vốn sau 140 năm) = Tổng ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ cho 2400 năm.
Sân bay Long Thành = 400 năm Khoa học Công nghệ.
2. Đồng bằng Sông Cửu Long (nay là Thất long do hai cửa bị bồi lắng, được làm cống và biến mất) sẽ bị nước biển nhấn chìm trong vài thập kỷ tới.
Mình sẽ tránh không chỉ trích về nền giáo dục 25 năm qua được lèo lái bởi 5 vị bộ trưởng có bằng cấp cao nhất học trong nước về Triết học, Kinh tế và hiện nay là Văn học (đáng lẽ ra phải có ai đó học về khoa học tự nhiên). Mà mình chỉ muốn nói chúng ta không có 25 năm nữa để mà thử nghiệm đâu, vì 20 triệu người sẽ bị mất nhà cửa và đất trồng trọt. Mình không hiểu tại sao người ta có thể bỏ ra số tiền tương đương với vài ngàn năm đầu tư cho khoa học công nghệ (tính theo con số của năm nay vừa dược báo cáo) để xây một thứ sẽ được hồi vốn sau hơn trăm năm. Mình không hiểu tại sao người ta có thể vạch ra dự án để thu hồi vốn sau hơn trăm năm, để tới nơi mà sẽ chìm sau mấy lần mười năm.
Để cứu lấy vùng Mekong, chúng ta cần khoa học công nghệ, cái mà còn không được đầu tư tử tế bằng một cây số đường tàu. Mình không rõ đường tàu ấy có chống gỉ từ nước biển xâm mặn không, không rõ người ta có phải mỗi năm đào lên bảo dưỡng lại như thay vỉa hè suốt hay không, nhưng họ đã quá tự tin vào chất xám của người Việt khi dồn cục nợ này lên vai cho con cháu trả thay. Vài chục năm nữa thôi, gánh nặng không chỉ là tiền nợ dự án đường tàu hay sân bay, mà còn là phúc lợi xã hội cho hàng chục triệu người chạy nạn.
Giải pháp đã được các nhà khoa học kêu ra rả suốt hàng chục năm nay từ ngừng khai thác cát, ngừng xây đập thủy điện, ngừng phá cây phòng hộ và nhiều biện pháp khác. Nhưng cao ốc cứ thế mọc lên, cát tặc vẫn hoành hành và điện thì vẫn thiếu trong khi thừa điện mặt trời. Mấy ai đi checkin sang chảnh, flex xịn xò tại Landmark 81 biết rằng cát xây dựng lên nó lấy ra từ đâu? Hàng năm đều có các bài nghiên cứu kêu gọi cứu lấy vùng châu thổ lớn nhất thế giới này trên các tạp chí hàng đầu như Science và Nature, nhưng vẫn bị ngó lơ bởi truyền thông trong nước.
Trong bảng vẽ thì là chìm tầm 60%, con số dự đoán tăng cao hàng năm. Do trước nước mình ra công văn hủy công nhận kết quả từ nước ngoài vì “tính toán sai”, nên mình lấy ảnh từ Viện Khoa học Môi trường và Phát triển trong nước cho nó minh bạch với 47% chìm thôi: https://vesdec.com.vn/
Được rồi, mình có thể hiểu chúng ta học hỏi anh hàng xóm bằng cách hi sinh thiên nhiên để đánh đổi kinh tế. Im lặng trước Samsung trên cạn và Formosa trên biển. Im lặng trước dự án Vin và Sun khai thác tại các rừng Sác, rừng Tam Đảo, rạng san hô triệu năm và lá phổi xanh ở khắp bốn phương. Đầu tư một lần dự án trăm tỷ đô để thúc đẩy nền kinh tế thay vì tăng đầu tư khoa học công nghệ mỗi năm. Chỉ là, chúng ta đã quá tự tin vào gen ưu việt con Rồng cháu Tiên. Đi tắt đón đầu để hack vài thập kỷ phát triển thì có lẽ được, nhưng hack game tới mức cả vài ngàn năm đầu tư cho khoa học công nghệ thì e rằng một triệu Ngô Bảo Châu được sinh ra trong năm tới cũng không thể đu trend này flex được.
Cái quái gì đang xảy ra vậy? Chúng ta, thế hệ trẻ, đang phó mặc cuộc đời của mình cho những người già không phải hứng chịu hậu quả trong tương lai. Giáo dục trọng lý thuyết hỏi toán đố, cơ chế trọng lợi ích kinh tế bỏ qua khoa học công nghệ. Có lẽ, giải pháp tốt nhất là đi ra khỏi Việt Nam lúc này để theo đuổi đam mê của mình. Cứ cố chơi theo luật của họ, tạm nhịn về những bất cập hàng ngày đi. Có chửi có lên án nữa thì mafia vẫn xây nhà và xả thải còn hiệu trưởng và thầy giáo một số trường chỉ bị kiểm điểm và xin lỗi là xong. Nếu đã không ai thèm nghe khi mình lên án cái xấu, thì cũng không nên tốn nước bọt đóng góp cho nơi đó làm gì nữa. Hãy cố học tập đủ tốt, tranh thủ lúc nhiều nước đang bài trừ TQ và mở cửa với VN để lấy thật nhanh tấm vé đổi đời. Không cần phải trở về vội, cứ ổn định sống ở bên ngoài, dù cho họ có hô hào thế nào nữa. Sức mạnh dân tộc tốt nhất là tới từ bên ngoài, để rồi khi bạn ở vị trí đủ cao ở nước lớn, sẽ đủ nguồn lực để trợ giúp đồng bào và gây sức ép lên chính phủ hiện tại. Chừng nào bạn vẫn còn hai chữ Tổ quốc ở trong tim, thì chừng đó bạn không cần phải lo lắng về nước.
Hô hào “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” để làm cái gì khi mà mảnh đất ngay trước mắt không có biện pháp khả dĩ nào để giữ lại. Giả sử mình đánh bom chết hết bọn Tàu đi, hôm nay lấy được quần đảo rồi mai Campuchia họ sẽ đòi lại kèm theo cả Phú Quốc nữa. Đòi đi đòi lại tới bao giờ nếu như không biết cách phát triển và giữ gìn? Thay vì cổ động cho vùng đất chưa lấy lại được, hãy hô hào cho vùng đất của hiện tại. Mekong Delta là của Việt Nam, đơn giản vậy thôi, cứ hô đi cho tới khi không còn gì để mà hô nữa. Lá cờ mà Google lỡ để mờ hôm nọ ngoài Trường Sa, có lẽ cũng sẽ chìm theo Mekong Atlantis nay mai.
Đó sẽ là lúc thế hệ chúng ta nên trở về. Vì lúc đó, họ sẽ cần chúng ta hơn bây giờ. Hiện tại, họ vẫn quan tâm tới đường tàu, quan tâm tới lợi ích hơn là sự sống còn của bạn, cho nên ấu trĩ phải về và phải ở lại cống hiến sẽ không phải thượng sách. Vì có lẽ, giải pháp cho Mekong, hay rộng hơn là cả dải đất hình chữ S: sẽ tới từ tinh hoa thu lượm được ở bên kia đại dương, như cái cách mà công lý và liêm chính được phổ cập vậy.
Mặc dù Einstein là người viết thư cho tổng thống Mỹ lúc bấy giờ về nguyên lý tạo bom nguyên tử, nhưng từ nguyên lý đi tới thực tiễn là cả một vấn đề lớn, cũng như bạn không thể dựng hệ phản ứng thành công ngay lập tức từ phương trình A + B = C luôn vậy, có quá nhiều biến số. Oppenheimer mới là người chịu khổ nhất đánh đổi bằng cả mạng sống để tạo ra quả bom thành công đầu tiên. Vì ông tin rằng, sự hủy diệt tối thượng chính là cách bảo vệ hòa bình tốt nhất. Đúng sai của triết lý này sẽ còn tranh cãi chán, song ít nhất thì nhờ phát mình này, nhân loại đã có được nền hòa bình cho tới bây giờ.
Pauli đã từng nhận định rằng Oppenheimer có ý tưởng tốt nhưng tính toán toàn sai, nhưng chúng ta không cần thêm những khoa học gia thuần cơ bản như Pauli cho hiện tại mà cần nhiều hơn những bộ óc kỹ sư như Oppenheimer để kiến tạo nên vận mệnh của tương lai.
Chúng ta không có nổi một Pauli hay Einstein giữa hàng triệu nhà lý thuyết cũ, và chúng ta cũng không có kế hoạch gì để đào tạo ra một thế hệ mới để nuôi hi vọng có được một Oppenheimer.
Tóm lại, hãy chơi theo luật rừng của hiện tại, để được đi xa rồi ở lại quê hương mới. Đằng nào thì hàng chục triệu người cũng sẽ mất nhà thôi nên di tản đi là vừa. Đừng bận tâm tới lời nói thao túng tâm lý của phần đông dân trí thấp về một nghĩa vụ dân tộc mù quáng. Kệ họ, kệ cả việc họ không lắng nghe chúng ta. Để họ chìm nhưng đừng để họ chết đuối, để họ thấy hậu quả nhưng đừng dồn họ vào cửa tử, để họ thay đổi cách suy nghĩ khi con cháu họ gánh khoản nợ thế kỷ, rồi lúc đó giá trị của chúng ta và của khoa học sẽ được tôn trọng.
Hôm nay mới có tin sẽ vay đầu tư cho vùng Mekong, nhưng vẫn là vay chứ ko phải vốn chủ lực và cũng chưa nói gì cụ thể để làm hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu
Lúc đó, lên án những người làm ra chính sách sai lầm hiện tại vẫn chưa muộn, tên của họ cùng những mẫu công văn sẽ được ghi lại trong sách sử tới ngàn đời. Biết đâu đấy, bộ phim tư liệu về một Mekong Atlantis sẽ được quay một ngày nào đó, ai biết đâu được.
À có một tin vui là tháng trước, cỗ máy thời gian lại được chứng minh khả thi qua lỗ giun nối giữa hai mặt phẳng nên chắc là chúng ta vẫn có cách để giải quyết vấn đề bằng cách du hành về quá khứ từ tương lai. Cho nên cứ flex và yolo thôi, để con cháu gánh!
————————-
Ảnh chụp của Oppenheimer giảng với tấm biển Do Not Erase từ tạp chí Science. Mình chế thêm về công thức, máy bay và đặc biệt là bản đồ Mekong Delta với phần màu trắng là vùng bị biển xâm lấn sau 2050.
Tác giả: Minh Nhật Đặng