Truyện Ngày Xưa Có 1 Chuyện Tình
Ngày xưa có 1 chuyện tình chương 1: Kỳ 1
Nó đến từ bên kia đồi.
Trước đó, chính xác là hai ngày trước đó (vì tôi mới đến đây được ba ngày) tôi chưa từng nhìn thấy nó.
Một buổi chiều, sau khi múc nước tưới đẫm gốc mấy cây ổi đang bắt đầu ra trái non, tôi ngồi đong đưa chân trên thành giếng ngắm hoa ổi nở trắng xóa một góc vườn và khi đang dõi mắt theo một chú ong vừa bay vừa kêu vù vù, ánh mắt tôi chợt chạm phải một bóng người từ trên đồi đi xuống.
Khi nó đến gần, tôi nhận ra đó là một cậu bé áng chừng bảy, tám tuổi, mặt mày sáng sủa, tóc dày và xoăn, có vài lọn lòa xòa trước trán.
Nó đeo đồng hồ nơi tay, mặc chiếc áo ca rô đen trắng như ô bàn cờ, vạt nhét gọn gàng trong chiếc quần soọc màu xanh có hai sợi dây đeo trước ngực. Cách ăn mặc đó khiến nó có vẻ chững chạc so với tuổi của mình.
Nó đứng gác tay lên hàng rào gỗ, chăm chú nhìn vào bên trong. Tôi không rõ nó có nhìn thấy tôi không nhưng tôi không nghe nó nói gì. Có vẻ như nó đang để hết tâm trí vào việc ngửi hít mùi vị của khu vườn. Nếu nó không đổi chân hai ba lần vì mỏi, tôi nghĩ những ngọn gió chiều từ trên đồi đã đến được chỗ nó đứng và ép chặt nó vào hàng rào.
– Này con! – Một hồi, tôi nói, không kềm được tò mò.
– Chú à. – Bấy giờ nó mới cất tiếng, không chút gì ngạc nhiên như thể nó đã phát hiện ra tôi từ lâu, còn hơn cả thế, như hai bên đã từng quen biết – Con có thể vào trong vườn chơi được không?
Đó là vườn ổi của ông Năm Khoa, nằm ở rìa thị trấn, thuộc xóm Trong. Ông cất nhà ngay trong vườn. Xưa nay, cả gia đình ông sống nhờ vườn ổi này.
——-
Ông Năm Khoa là bạn của ba tôi. Có lẽ hai ông chơi với nhau rất thân vì tôi nhớ hồi gia đình tôi chưa rời khỏi thị trấn, chiều nào ba tôi cũng chạy xe qua chơi nhà ông, khi cao hứng ba tôi còn chở tôi đi theo.
Lần nào cũng vậy, vừa dừng xe ba tôi đã hắng giọng bảo tôi:
– Con ra vườn hái vài trái ổi vào cho ba và bác Năm nhắm rượu.
Đó là những năm tôi còn học cấp hai. Bây giờ, đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in câu nói đó của ba tôi. Tôi có thể quên sạch những câu chuyện giữa ba tôi và ông Năm Khoa bên chiếu rượu, nhưng câu nói đó thì tôi không bao giờ quên, như thể nó mọc ra ngay từ trí não tôi và bám rễ vĩnh viễn ở đó. Có lẽ vì nó không giống những câu sai khiến bình thường khác mà tôi phải nghe từ sáng đến tối từ miệng ba tôi. Nó được ba tôi thốt ra bằng một ngữ điệu sảng khoái, tươi vui giống như thể nó phát ra từ một quả chuông – điều mà tám năm qua kể từ ngày gia đình tôi rời khỏi thị trấn tôi không còn nghe thấy nữa.
Tôi chấp hành mệnh lệnh tươi vui đó từ ba tôi bằng những bước chân nhảy nhót cũng tươi vui không kém. Vì tôi biết rằng chốc nữa đây trong khi ba tôi và ông Năm Khoa khề khà bên chiếu rượu với những quả ổi xanh thì tôi và thằng Vinh còm, con ông, thi nhau xực những quả ổi chín thơm lừng như một thứ phần thưởng cho những tên phục vụ bé con.
Tôi không nhớ tôi và thằng Vinh còm thân nhau từ lúc nào, dù hai đứa tôi học cùng một lớp. Có lẽ là từ ngày tôi đánh nhau với thằng Lẹ và thằng Cu Em.
Đọc ngay: Ca Dao Tục Ngữ Phồn Thực
——-
Đuôi Tôm nhớ đúng.
Năm đó chúng tôi học lớp bảy.
Đó là một năm học đặc biệt đối với tôi. Mười hai tuổi, tôi bắt đầu để ý đến bạn khác giới.
Tôi không biết từ lúc nào tôi thích nhỏ Miền.
Hồi đó trong lớp ngoài tôi ra, hầu như chẳng đứa nào bắt chuyện với Miền và Miền cũng chẳng bắt chuyện với ai. Nó cứ úp mặt xuống tập suốt buổi học, chỉ đứng lên khi thầy cô gọi trả bài.
Bạn bè không ghét gì Miền. Nhưng thằng Hướng, anh của Miền, là đứa hống hách, du côn, không ai muốn dây vào. Là em, tự dưng nhỏ Miền bị vạ lây.
Ông Sáu Thôi, ba của Miền, lại thường xuyên là đề tài đàm tiếu của người lớn trẻ con trong làng. Ông ham rượu, lại hay đánh nhau.
Có lần say rượu vật nhau với ông Đường, ông Sáu Thôi ngã lăn xuống vạt ruộng bên đường rồi nằm ngáy khò khò, ai lay cũng không buồn dậy. Rốt cuộc, một bạn hàng chuyên bỏ mối cho tiệm tạp hóa của ông phải xuống đường quốc lộ cõng ông về.
Sáng hôm sau, tụi bạn trong trường xúm lại trêu chọc Miền.
– Bây giờ tao hiểu câu “màn trời chiếu đất” nghĩa là gì rồi. – Lẹ nói. Cu Em phụ họa:
– Ha ha… chắc trong nhà nóng quá nên ba bạn Miền ra ngoài ruộng ngủ cho mát!
Mỗi đứa chêm một câu, chẳng mấy chốc mặt Miền tái xanh như tàu lá. Thấy Miền bỏ chạy ra sau hè, tôi đoán chắc nó đang kiếm chỗ ngồi bưng mặt khóc.
Tôi quay qua Lẹ và Cu Em, hừ mũi:
– Tụi mày là con trai mà ăn hiếp con gái. Đồ không biết xấu hổ! Lẹ sấn tới:
– Mày nói ai không biết xấu hổ hả, Vinh còm?
Vừa nói Lẹ vừa đá vào tôi từ phía sau. Nó đá ngay nhượng chân khiến tôi khuỵu xuống.Thêm một cú đá nữa của thằng Cu Em trúng vào lưng tôi đánh “bộp”:
– Mày định làm anh hùng cứu mỹ nhân hả?
Tôi nghiến răng chịu đau. Biết mình sức yếu, tôi không đánh trả nhưng lòng tôi ngùn ngụt căm hờn. Tôi tự thề với mình thế nào tôi cũng sẽ trả thù những đứa bắt nạt tôi, dù trả thù bằng cách nào tôi vẫn chưa nghĩ ra.
Ở trường, Lẹ và Cu Em luôn cậy khỏe chèn ép tôi. Chơi bi, chơi đánh đáo, tụi nó thường giở trò mất dạy với tôi: nếu không giật tiền, giật bi của tôi một cách trắng trợn, tụi nó thế nào cũng chơi quỵt. Chỉ vì tôi là thằng Vinh còm.
Đó là tên thằng Lẹ đặt cho tôi.
Tôi hỏi cậu Huân:
– Tại sao tụi bạn gọi con là Vinh còm?
Cậu Huân xoa đầu tôi:
– Vì hồi một tuổi con bị ốm một trận rất nặng, tưởng chết. Con uống thuốc Tây nhiều quá nên cơ thể bị ảnh hưởng.
– Thế mai mốt con có mập bằng tụi nó không hả cậu? – Tôi hồi hộp hỏi. Bàn tay cậu Huân nhảy từ đầu xuống vai. Cậu vỗ vai tôi:
– Chắc chắn rồi! Chừng vài năm nữa con sẽ phát triển bình thường!
So với bạn bè cùng lớp, tôi ốm nhom. Sức tôi vì thế cũng yếu hơn. Trong một cộng đồng, đứa yếu nhất bao giờ cũng là đứa thiệt thòi nhất. Từ khi nghe cậu Huân nói như vậy, ngày nào tôi cũng cố ăn thật nhiều. Tôi còn nhờ cậu Huân chặt tre trồng cho tôi một cái xà đơn trước sân, sáng nào tôi cũng chạy ra đu người lên xà kéo đến vã mồ
hôi. Tôi mong tôi chóng to khỏe. To khỏe thì tôi có thể đánh trả được những đứa hay bắt nạt tôi. Nhưng ngày đó sao mà lâu tới quá. Thời gian đằng đẵng trôi qua và tôi vẫn tiếp tục sắm vai nạn nhân khốn khổ.
Hôm đó, khi tụi bạn tản đi tôi chạy ra sau hè tìm Miền. Tôi thắt cả ruột khi thấy nó đang ngồi dựa lưng vào tường, đầu gục trên hai tay, tóc che kín mặt.
Tôi muốn an ủi nó xiết bao nhưng tôi không đủ can đảm mở miệng. Tôi lót dép dưới mông, ngồi cách Miền một quãng và đưa đôi mắt âu sầu nhìn nó.
Hai đứa ngồi im lìm như hai pho tượng, bất chấp trời ngả dần về trưa, hơi nóng mỗi lúc một hực lên như thổi ra từ lò than.
Chỉ đến khi tiếng trống vào lớp vang lên, thấy Miền vẫn ngồi bất động, tôi đánh bạo lên tiếng:- Vào học đi Miền!
Tôi giục đến lần thứ ba thì Miền chậm chạp đứng lên. Nhưng nó không thèm nghe lời tôi. Miền chạy thẳng về phía hàng rào và nhanh chóng biến mất sau cổng trường trước vẻ mặt sửng sốt của tôi.
Chắc nó chạy về nhà. Tôi tặc lưỡi nhủ bụng và thất thểu vào lớp.
Miền không quay lại, cuối buổi học tôi đành gom tập của nó lại và mỗi tay một chiếc cặp, tôi buồn bã ra về.
– Mày làm đầy tớ cho con Miền hồi nào vậy, Vinh còm?
Phớt lờ lời chế nhạo của thằng Lẹ, tôi cứ lầm lũi bước. Tôi rất muốn chửi thằng Lẹ một câu cho hả tức nhưng tôi biết nếu tôi làm vậy thế nào nó cũng nhào vô tôi. Tôi không sợ đau nhưng tôi không muốn chiếc cặp của Miền bị vấy bẩn, tệ hơn nữa là đứt quai nếu xảy ra xô xát, nên tôi lẳng lặng mím môi rảo bước.
Thằng Hướng chặn bọn tôi ngay chỗ ngã ba rẽ vào nhà thờ thị trấn, tay vung vẩy một khúc cây dài.
Đang ồn ào trò chuyện, tụi học trò lập tức im bặt khi nhác thấy Hướng. Có vài bàn chân hấp tấp thụt lui.
Mặt hầm hầm, Hướng huơ khúc cây trên tay, rít giọng:
– Sáng nay đứa nào chọc em tao?
Vừa nói Hướng vừa quét ánh mắt dữ tợn lên bọn tôi. Ánh mắt đằng đằng sát khí của nó làm quai hàm tôi cứng lại.
– Đâu có ai chọc nó.
Cu Em lí nhí. Thằng này ở trường thì hung hăng nhưng đứng trước thằng Hướng, nó nhũn như con chi chi.
– Tụi mày không chọc sao nó khóc chạy về nhà?
Giọng Hướng gằn gằn. Thình lình nó vung khúc cây lên khỏi đầu, gầm lên: – Đứa nào?
Lẹ đột ngột chỉ tôi:
– Thằng này nè.
Ánh mắt Hướng ghim thẳng vào mặt tôi như mũi dùi:
– Mày hả, Vinh còm?
– Không… tao không có… – Tôi ấp úng, bụng ước gì có thể nuốt sống được thằng Lẹ.
– Đúng là mày rồi! – Hướng hét tướng, lúc này nó đã nhìn thấy chiếc cặp của Miền trên tay tôi – Trả cái cặp lại cho em tao!
Không để tôi kịp phân trần, Hướng lao tới, tay phải giáng một gậy vào vai tôi, tay trái giật phắt chiếc cặp của Miền.
Hướng ra tay rất nặng. Cú đánh của nó khiến tôi sụm người xuống, có cảm tưởng bả vai gãy rời.Tụi con gái xanh mặt, có đứa bật khóc hu hu.
Trong khi Hướng vung tay định quất tôi một cú nữa, thằng Phúc đột ngột nói: – Thằng Vinh còm không chọc con Miền.
Hướng quay sang Phúc, mắt vằn gân đỏ:
– Vậy chứ đứa nào?
Phúc chỉ tay vào Lẹ và Cu Em:
– Hai đứa này nè.
Vừa nghe thằng Phúc tố cáo, Lẹ và Cu Em nhảy bắn ra sau. Nhưng Hướng đã kịp nhào tới, vung gậy quất túi bụi. Lẹ và Cu Em chỉ giỏi bắt nạt những đứa bé. Gặp đứa du côn như Hướng, hai đứa như gà phải cáo, chỉ biết ôm đầu chịu trận.
Lúc đó, nếu không có người trong nhà thờ đi ra can ngăn, chắc thằng Hướng đập Lẹ và Cu Em què giò.
Nhìn thấy Lẹ và Cu Em bị Hướng cho ăn đòn tơi tả, dĩ nhiên tôi rất hả hê. So với bọn học trò, Hướng lớn tuổi hơn, đã ra dáng thanh niên. Nó bỏ học từ năm lớp tám, suốt ngày đu theo các tài xế xe tải lang thang khắp chốn. Hễ về thị trấn là Hướng lại gây chuyện đánh nhau. Tôi vừa bị nó đập một gậy suýt xỉu, nhưng tôi không ghét
Hướng. Tôi chỉ sợ nó. Riêng Lẹ và Cu Em thì tôi ghét. Vì hai đứa này là chúa chơi bẩn.
Sau vụ đó, không đứa nào trên trường dám trêu Miền nữa. Tụi nó cũng không trò chuyện với con nhỏ này. Chỉ vì ngán thằng Hướng côn đồ.
Lẹ và Cu Em không gây sự với Miền, nhưng hôm sau hai đứa nó vây thằng Phúc ngay gốc phượng ở góc sân trường. Tôi vừa ôm cặp lò dò qua cổng đã thấy tụi bạn xúm đen xúm đỏ chỗ gốc cây, liền tò mò chạy lại.
Chương 2: Kỳ 2
Thằng Phúc chỉ cao hơn tôi chút xíu. So với Lẹ và Cu Em, nó lép hơn hẳn về sức vóc.
Ở lớp, Phúc là đứa ít nói, vì vậy chẳng gây gổ với ai. Kể cả khi bạn bè gọi nó là Đuôi Tôm (vì tóc sau gáy nó khi mọc dài ra bao giờ cũng có một chỏm nhọn chĩa xuống ngay chính giữa – dân gian vẫn gọi là tóc đuôi tôm), nó chỉ nhe răng cười. Tôi chưa thấy nó đánh nhau với ai bao giờ.
– Mày ngon quá hả, Đuôi Tôm? – Tôi vừa xán lại chỗ đám đông, đã nghe tiếng Cu Em gầm gừ.
– Tao chẳng ngon gì cả – Phúc nhún vai – Nhưng tao không thích trò giá họa cho người khác.
Cu Em hừ mũi:
– Chuyện thằng Vinh còm thì liên quan gì tới mày?
– Lằng nhằng với nó làm gì! – Lẹ phun nước bọt – Cho nó biết thế nào là lễ độ đi! Nói xong, Lẹ nhào tới thoi vào mặt Phúc.
Phúc nhanh mắt né được nhưng lập tức lãnh nguyên một cú đá của Cu Em vào mông.
Phúc chúi nhủi về phía trước, chưa kịp gượng lại đã bị Lẹ đá “bộp” một cú vào be sườn. Tôi giật bắn một cái như thể chính tôi trúng đòn của Lẹ. Trong khi tôi nhấp nhổm không biết nên liều mạng xông vào trợ lực với Phúc hay chạy đi báo thầy giám thị, trận đấu đã đột ngột xoay chiều.
Nhận liền hai cú đá, Phúc vẫn không hề tỏ ra sợ hãi, mặc dù tôi biết nó rất đau. Nó quay người lại, thấy Cu Em đang xông tới, liền liều lĩnh lao đầu vào bụng đối phương.
Bất ngờ lãnh nguyên cú húc, Cu Em té bật ngửa ra đất, ôm bụng rên như bộng: – Ối, dập mật tao rồi!
Phúc cũng ngã lăn ra sau cú húc. Nó đang lồm cồm bò dậy, thấy Lẹ co chân định đá vào đầu mình, liền vốc một nắm cát tung vào mặt Lẹ.
Phúc đánh nhau không theo sách vở. Vì vậy, đối phương khó có thể đề phòng. Giống như Cu Em, Lẹ bị cát bay vào mắt, bụm mặt thét be be:
– Chơi trò gì hèn vậy mày?
Phúc nhếch môi:
– Đâu có hèn bằng trò hai đánh một!
Tiếng trống vào lớp đột ngột vang lên kết thúc trận chiến mà tôi tin là Lẹ và Cu Em không muốn kéo dài mặc dù khi vào lớp tôi thấy hai đứa nó vẫn nhìn Phúc bằng ánh mắt hậm hực.
Riêng tôi, sau lần đó tôi nể thằng Đuôi Tôm quá. So với tôi, Phúc chẳng to con hơn mấy tí. Nhưng Phúc làm được những điều tôi không làm được. Nó sẵn sàng giải oan cho tôi trước mặt thằng.
Hướng và không ngại choảng nhau với tụi thằng Lẹ. Nó không cần ăn nhiều và hì hục kéo xà đơn cho to khỏe vẫn đủ lì lợm để đánh nhau với những đứa mạnh hơn nó.
Tôi không chơi thân với Phúc, dù ba nó chơi thân với ba tôi và thỉnh thoảng vẫn chở nó qua nhà tôi trong những lần ông đi nhậu. Nhưng từ khi chứng kiến cảnh nó gan dạ đương đầu với Lẹ và Cu Em, đã thế còn khiến hai đứa này chùn tay, tôi sướng râm ran trong bụng, có cảm giác tôi đã trả được thù dù là trả thù bằng tay người khác.
Trưa đó, tôi lân la lại gần Phúc trên đường về.
– Cảm ơn mày nghe, Đuôi Tôm. – Tôi nói.
– Chuyện hôm qua hả?
– Ừ. Hôm qua nếu mày không lên tiếng, chắc tao nhừ xương với thằng Hướng.Phúc khịt mũi:
– Tao ghét trò bẩn của tụi thằng Lẹ.
Tôi thú thật:
– Tao cũng ghét nhưng tao không dám chống lại hai đứa nó. Mày anh hùng thật đấy!
Lần này Phúc không nói gì. Nó đong đưa chiếc cặp sách trên tay như để che giấu sự ngượng ngập. Chắc xưa nay nó chưa nghe ai khen nó là anh hùng.
Tôi lại nhìn nó, liếm môi:
– Mà mày cũng gan thật! Dám một chọi hai!
– Tao chỉ làm theo lời ông tao dạy.
Ông ngoại của Phúc là ông Giáo Dưỡng. Ông mở lớp dạy học trò tại nhà. Ông chỉ dạy học ba tháng hè, chín tháng còn lại ông đóng cửa ngồi nhà chơi hoa cá cảnh. Ông Giáo Dưỡng dạy giỏi đến mức hè năm nào học trò cũng kéo tới ùn ùn. Nhà trường vừa bế giảng là phụ huynh trong làng thi nhau lùa con vào lớp hè của ông như người ta lùa vịt vào chuồng.
Hè năm ngoái tôi cũng học ông nhưng học nửa chừng thì bị đuổi do đánh nhau trong lớp.
Tôi nhìn Phúc, ngạc nhiên:
– Ông mày dạy mày đánh nhau à?
– Không. Ông tao chỉ bảo sống trên đời điều quan trọng nhất là không biết sợ. Sau lần đó, tôi với thằng Phúc tự dưng thân nhau.
Nhà nó nằm ngay bến xe Hà Lam, cách trường học chừng tám trăm mét. Nhà tôi cất ngay giữa vườn ổi của ba tôi ở xóm Trong, cách trường học khoảng bốn cây số.
Kể từ khi chơi với nhau, sáng nào tôi cũng ôm cặp ghé nhà Phúc, rủ nó đi học. Giờ ra chơi, tôi lôi ổi và muối ớt trong cặp ra, hai đứa cùng ăn.
Tan trường, hai đứa lại cặp kè ra về.
Kể từ khi tôi và Phúc trở thành một cặp khăng khít, tụi thằng Lẹ và Cu Em không còn dám bắt nạt tôi nữa.
Ba Phúc làm thợ hồ. Mẹ nó mất sớm nên tôi và nó càng có lý do để thân nhau vì mẹ tôi cũng mất sớm. Nhưng nó hơn tôi là nó còn ông ngoại.
Nhà ông ngoại nó có một cái tủ chứa đầy sách. Tôi chưa thấy nhà ai có nhiều sách như vậy. Tủ lắp kính, có ổ khóa, phải có chìa mới mở được. Cái chìa khóa đó, luôn nằm trong túi áo ông ngoại nó.
Ông Giáo Dưỡng rất quý sách, vì vậy giữ sách rất kỹ. Tới nhà ông chơi, tôi thấy ông có hai cuốn sổ. Một cuốn chép thư mục sách trong tủ, cả vị trí từng cuốn, để khi cần cuốn sách nào là ông tìm thấy ngay. Cuốn thứ hai là sổ cho mượn. Người trong thị trấn tới mượn sách, ông ghi cẩn thận tên sách, tên người mượn và cả ngày giờ mượn. Người mượn ký tên vô ô trống phía sau. Khi nào trả, lại ghi ngày giờ và ký tên vô ô “đã trả”.
Phúc bảo:
– Ông tao làm như vậy để khỏi mất sách. Quá nhiều người mượn, nếu không ghi chép tỉ mỉ như vậy, ông tao chẳng nhớ nổi người nào mượn cuốn nào, ai đã trả ai chưa trả.
Ông Giáo Dưỡng chỉ cho người lớn mượn sách. Trẻ con đừng hòng rớ vào. Dưới cái nhìn của ông, trẻ con là chúa ẩu, chúa nghịch, sách mượn về không thất lạc cũng hư hỏng, nhem nhuốc. Chỉ có tôi là ngoại lệ. Vì tôi là bạn cháu ông. Nhưng ông không cho tôi đem sách về nhà. Mỗi lần theo thằng Phúc tới chơi nhà ông ngoại nó, muốn đọc sách tôi phải ngồi lì trên ghế hoặc nằm dài trên phản đến tối mịt để đọc cho xong, sau đó đặt ngay ngắn cuốn sách vào tủ trước khi ra về.
Phúc đọc được nhiều sách, tôi cũng được hưởng lợi.
Tới trường, cứ đến giờ ra chơi là nó rủ rê bạn bè sau ra hè nghe nó kể chuyện. Nó kể chuyện Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra thái tử đến thám tử Sơ-lốc Hôm, thanh tra Gia ve, truyện nào cũng hấp dẫn. Phúc lại có tài kể chuyện nên tụi bạn mê tơi, ngồi học mà đứa nào đứa nấy cứ ngóng tiếng trống ra chơi để tót ra sau hè nghe Phúc kể tiếp chuyện hôm trước.
Phúc kể chuyện miễn phí khoảng một tuần. Tới ngày thứ tám, đang kể nửa chừng nó bỗng than khát nước.
– Để tao chạy vô phòng giáo viên rót nước cho mày uống. – Một đứa sốt sắng.Nhưng thằng này vừa dợm chân, Phúc đã cản:
– Giờ tao thèm cà rem à.
– Cái gì? – Cả chục cái miệng nhao nhao – Cà rem á? Phúc gợi ý trắng trợn: – Ừ. Tụi mày hùn tiền mua cho tao hai cây cà rem, tao kể tiếp cho nghe! – Đồ tham lam! Một mình mày mà ăn tới hai cây hả, Đuôi Tôm?
– Tao một cây, thằng Vinh còm một cây.
– Thằng Vinh còm thì dính gì vào đây?
– Nó là trợ thủ của tao. Chỗ nào tao quên thì nó nhắc.
Phúc không bịa. Kể chuyện với tụi bạn, đôi lúc nó đột ngột quay sang tôi:
– Ê, Vinh còm! Con gái của cô Phăng-tin tên gì hả mày?
– Cô-dét. – Tôi hớn hở vọt miệng.
Hoặc:
– Thiết Phiến Công Chúa có cái quạt gì quạt một phát núi lửa tắt ngóm, tự nhiên tao quên mất!
– Quạt Ba Tiêu.
Tôi không chỉ nhắc. Thỉnh thoảng Phúc nhờ tôi kể chuyện thay cho nó. Tôi đọc không ít truyện trong tủ sách của ông nó nên mặc dù kể chuyện không hay bằng Phúc, tôi vẫn có thể thỏa mãn nhu cầu của tụi bạn những hôm Phúc lười hoặc nghỉ học.
Nhưng ngay cả như vậy, tôi thấy tôi cũng không có lý do chính đáng để vòi cà rem của những đứa thích nghe chuyện. Chẳng qua tôi và Phúc là đôi bạn sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi nên nó không muốn chén cà rem một mình.
Tiết ra chơi của học sinh trung học kéo dài mười lăm phút. Mỗi ngày chỉ kể có một mẩu ngắn ngủn, với kho sách khổng lồ của ông ngoại nó, thằng Phúc kể cả đời cũng không hết.
Thị trấn tôi ở dạo đó không có nổi một nhà sách còm. Trẻ con muốn đọc sách phải đổi sách cho nhau. Nhưng nhà đứa nào cũng lèo tèo dăm ba quyển. Thế là muốn nghe chuyện, tụi bạn phải bấm bụng hùn tiền mua quà cống nạp cho Phúc.
Đó là lý do từ năm lớp bảy đến năm lớp chín, hai đứa tôi tha hồ chén cà rem (danh mục vòi vĩnh của Phúc sau đó còn được bổ sung thêm kẹo kéo, xá xị, bánh mì chả…) như những ông hoàng con.
——-
Cậu bé làm quen với tôi như thế, hết sức giản dị.Từ hôm đó, tôi và nó thường gặp
nhau vào mỗi buổi chiều, khi gió bắt đầu thổi mạnh hơn, cỏ xào xạc hơn và những đám mây trôi nhanh như bị kéo tuột qua bầu trời. Tuy ve đã bắt đầu râm ran trên những ngọn cây, mùa hè vẫn chưa đến và buổi sáng nó vẫn phải cắp sách đến trường.Nó thích nằm ngửa trên cỏ ngắm bầu trời. Nó có thể nằm như thế hàng giờ. Nó nói:
– Nằm như thế này con có thể nhìn thấy mây bay. Và những cánh chim nữa. Tôi nói:
– Chú không nằm lâu như con được. Chú chỉ nằm một chốc thôi. Cỏ đâm vào lưng ngứa lắm.
Nó cười:
– Sao con chẳng thấy ngứa ngáy gì cả.
Mắt nó mơ màng:
– Luôn luôn có những cánh chim bay trên đầu chúng ta chú ạ. Nhưng nếu từ sáng đến tối chúng ta không một lần ngước mắt lên chúng ta sẽ không nhìn thấy chúng.
– Thì có sao đâu!
– Thì giống như là trên trái đất không hề có loài chim. Giống như chúng ta sống mà không có chim bay bên cạnh.
Có lẽ nó nói đúng. Ví dụ như nó vẫn sống trên cõi đời nhưng nếu tôi chưa từng gặp nó thì tôi sẽ không biết là có nó ở đâu đó.
Nó rất thích đọc sách. Bao giờ tôi cũng thấy nó lận theo người một cuốn sách nào đó. Nghịch chán, nó lại lôi sách ra đọc.
Tôi đã nhiều lần nhìn thấy nó nằm sấp trên cỏ, khuỷu tay chống lên nền đất, hai bàn tay bưng cằm, mắt say sưa dõi theo những con chữ trên trang sách đang mở trước mặt.
– Ai viết ra những cuốn sách này hở chú?Tôi chỉ tay vào tên tác giả trên bìa sách: – Ông này nè. Người ta gọi ông ấy là nhà văn.
– Thế nhà văn khác người bình thường như thế nào?
– Họ cũng như mọi người thôi. Giống như chú và con.
– Thế mà con nghĩ họ có hai cái đầu. Nếu chỉ có một cái đầu thì cái đầu đó chắc phải rất to. Như vậy họ mới chứa được nhiều câu chuyện đến thế.Nó mơ mộng:
– Lớn lên con cũng sẽ cố viết được những câu chuyện như thế này. Con sẽ viết về những chuyến phiêu lưu và những cậu bé gan dạ.
Tôi tán thành:
– Chú tin con sẽ làm được. Nhưng để trở thành nhà văn, bây giờ con phải là cậu bé ngoan, biết vâng lời ba mẹ và thầy cô, chăm học và phải bớt nghịch đi.
Nó có vẻ suy tư sau câu nói của tôi.
– Nếu nghe theo lời chú, con sẽ không bao giờ trở thành nhà văn được nữa. – Tại sao?
– Nếu con là cậu bé ngoan, chăm học, bớt nghịch, lúc nào cũng vâng lời ba mẹ và thầy cô thì lớn lên con chẳng có gì để viết ra. Vì nó chẳng có gì hấp dẫn.
——-
Cậu bé làm tôi nhớ đến tuổi thơ của mình. Hồi đó, nhờ tủ sách của ông ngoại tôi, tôi trở thành đứa trẻ đọc được nhiều sách nhất trong thị trấn.
Và tôi đã tận dụng ưu thế đó để kiếm ăn một thời gian dài. Cà rem, bánh mì chả, kẹo kéo, xá xị, bánh tai heo,… thèm thứ gì tôi chỉ hô lên một tiếng là tụi bạn lật đật dâng tới tận miệng. Chỉ để được nghển cổ nghe tôi kể chuyện. Bây giờ nhớ lại, tôi
không rõ đó chỉ là trò nghịch ngợm trẻ con hay là ngay từ bé tôi đã mang trong người bản tính ích kỷ mà không tự biết.
Cùng hưởng lợi với tôi có thằng Vinh còm. Nhưng thằng này vừa mút cà rem vừa ăn bánh mì vừa áy náy:
– Giống bóc lột quá mày!
– Gì mà bóc lột! – Tôi bực mình – Mình kể chuyện cho tụi nó nghe, tụi nó trả công cho mình là công bằng rồi!
– Nhưng…
Tôi đập tay lên vai Vinh còm:
– Nhưng gì mà nhưng. Tao kể chuyện khô hết nước miếng, phải có cái gì cho vào miệng để… tái tạo lại nước miếng chứ!
Vinh còm là bạn thân của tôi. Suốt những năm cấp hai, tôi chỉ chơi duy nhất với một mình nó. Chúng tôi chia sẻ với nhau đủ chuyện trên đời: chuyện học tập, những buồn vui trong cuộc sống, kể cả những mơ ước tương lai – những mơ ước vĩ đại, ngây ngô và buồn cười.
Chỉ có một chuyện Vinh còm giữ riêng trong lòng. Đó là chuyện nó thích nhỏ Miền.
Nhỏ Miền là đứa con gái xinh xắn. Da nó không trắng bằng những đứa con gái khác. Da nó màu bánh mật nhưng bù lại nó có đôi má bầu bĩnh và đôi mắt to. Nhỏ Miền có hàm răng trắng nhưng nó ít khi cười. Có lẽ do nó không có bạn, vì đứa nào cũng sợ thằng Hướng anh nó. Thằng Hướng lớn tuổi hơn bọn học trò chúng tôi, to con, bỏ học từ năm lớp tám, suốt ngày lêu lổng và đặc biệt là rất thích gây chuyện đánh nhau.
Vinh còm là tấm gương tày liếp. Ở lớp, chỉ có nó trò chuyện với nhỏ Miền, một phần do nó ngồi cạnh Miền, phần khác do nó thích con nhỏ này. Vinh còm cho nhỏ
Miền mượn tập, mượn bút chì màu, mượn compa. Hôm nào con nhỏ này nghỉ học, hôm sau nó è cổ ra chép bài giùm. Thế nhưng nó lại bị thằng Hướng cho ăn đòn khá thường xuyên. Vinh còm cầm hộp bút chì màu lò dò đến nhà nhỏ Miền để cho con nhỏ này mượn, bị Hướng xông ra đập cho một gậy vì tưởng nó mò đến tán tỉnh em gái mình. Nhỏ Miền qua nhà nó để trả tập, thằng Hướng cũng lén lút đi theo để rồi cho nó một gậy khác vì tưởng nó hẹn hò với nhỏ Miền khi bắt gặp Vinh còm đứng chờ em gái mình chỗ bờ rào.
Những chuyện như vậy xảy ra rất nhiều lần nhưng mãi khi lên lớp chín tôi mới biết. Tôi chỉ tận mắt chứng kiến lần nhỏ Miền bỏ học về nhà vì bị thằng Lẹ và thằng Cu Em trêu chọc, Vinh còm sốt sắng xách cặp của nhỏ Miền về giùm, bị thằng Hướng đón đường đập cho một gậy muốn xụi vai vì tưởng nó là thủ phạm bắt nạt em gái mình. Lần đó nếu không có tôi, chắc Vinh còm te tua. Vinh còm tốt với nhỏ Miền như vậy còn bị thằng Hướng hành hung, huống gì những đứa khác. Nghĩ vậy, không đứa nào trong lớp muốn dây dưa với con nhỏ này.
Năm lớp chín, có lần thấy Vinh còm đi cà nhắc đến lớp, tôi tròn mắt: – Mày bị sao vậy? Chó cắn à?
– Tao bị té.
– Xạo đi mày! Lớn lồng ngồng rồi mà té? Tôi xáp lại, vén ống quần nó lên xem, thấy bàn chân phải nó bầm tím.
– Ối! Sao ghê vậy mày?
– Tao đá phải cục gạch trước cổng chợ. – Vinh còm bối rối giải thích. – Sao lúc nãy mày bảo mày bị té?
– Đá xong rồi mới té. – Vinh còm lại nói, chẳng thuyết phục được tôi chút xíu nào.
– Tao không tin. Có đá phải cục gạch thì chân mày cũng chẳng bầm dập như thế này.
Tôi nhìn lên mặt nó, phát hiện gò má trái nó hơi sưng, liền lay vai nó: – Mày nói thật đi! Mày vừa đánh nhau với đứa nào phải không?
– Không phải là đánh nhau. – Vinh còm ấp úng – Chỉ có nó đánh tao thôi! – Đứa nào vậy? Thằng Lẹ phải không?
Vinh còm lắc đầu.
– Vậy là thằng Cu Em?
Vinh còm lắc đầu lần thứ hai.
– Vậy chứ đứa nào?
– Thằng Hướng. – Vinh còm ngần ngừ đáp.
Tôi nhíu mày:
– Thằng Hướng anh nhỏ Miền hả? Sao nó đánh mày?
Tôi nghe Vinh còm kể mà bụng tức sôi. Nó ra cầu Hà Kiều chơi, tình cờ gặp nhỏ Miền đi thăm bà con ở xóm Trong về. Nhỏ Miền nhờ nó lội xuống bàu hái giùm một đóa hoa sen. Hoa sen nở tuốt giữa bàu, Vinh còm hái được cho nhỏ Miền, đầu cổ quần áo đã ướt nhẹp. Đã vậy, khi nó leo lên bờ đưa hoa cho nhỏ Miền, thằng Hướng ở đâu bất chợt trờ tới.
Nó nhặt cục gạch xáng mạnh vào chân Vinh còm khiến thằng này đau xuống xỉu. Chưa hết, Hướng còn xông tới cho Vinh còm một thoi như trời giáng vào mặt, bất chấp nhỏ Miền khóc lóc ôm ngang bụng thằng anh kéo lại.
Hóa ra Vinh còm bị thằng Hướng gây sự không chỉ một, hai lần. Từ năm lớp bảy đến nay, Vinh còm ăn đòn của Hướng khá nhiều. Toàn tai bay vạ gió. Chỉ vì nó chơi với nhỏ Miền.
Trước nay Vinh còm vẫn không hé môi với ai về những tai nạn của mình. Nhưng trong buổi sáng đầy gió đó, Vinh còm bùi ngùi dốc lòng với tôi, chuyện này kéo chuyện kia, giọng điệu rầu rầu nghe buồn chết được. Có lẽ những trận đòn oan gánh chịu lâu ngày đã tích tụ trong lòng nó như một quả bóng bơm căng, chỉ cần chích một mũi kim là bao nhiêu dồn nén lập tức tuôn ra.
Tôi há hốc miệng ra nghe, hai tay nắm chặt, ngực tức nghẹn.
Khi Vinh còm kể dứt, tôi đứng phắt dậy, răng nghiến trèo trẹo:
– Tao sẽ trả thù giùm mày!
– Đừng! – Vinh còm lộ vẻ hoảng hốt.
– Mày đừng cản tao! – Tôi hầm hầm – Tao sẽ cho nó biết tay!
– Mày không đánh lại nó đâu. – Vinh còm giật tay tôi, giọng lo lắng – Hơn nữa, tao cũng không muốn trả thù!
Mặc cho Vinh còm năn nỉ, tôi hất tay nó ra và quay lưng bỏ đi một mạch.
Chương 3: Kỳ 3
Dĩ nhiên tôi không muốn đối đầu với Hướng. Không phải vì Hướng to khỏe hơn tôi mà vì nó là anh nhỏ Miền.
Tôi không thể tưởng tượng có ai thích một người con gái mà đi đánh nhau với anh của người con gái đó.
Thằng Phúc không hiểu tâm sự của tôi. Nên hôm sau tôi tái mặt khi nghe nó hớn hở khoe:
– Tối hôm qua tao đã trả thù giùm mày rồi. Tôi giật nảy:
– Trả thù bằng cách nào?
– Tao nấp trong bụi cây lấy ná thun bắn vào đầu thằng Hướng.
– Mày bắn bằng đạn sỏi hả? – Tôi hỏi và nghe bụng thót lại.
– Ừ.
Tôi trách, mồ hôi chảy ròng ròng trên cổ:
– Mày chơi vậy nó bể đầu sao?
– Bể sao được mà bể! – Phúc bĩu môi – Cùng lắm chỉ chảy máu thôi! Rồi nó tặc tặc lưỡi:
– Thằng Hướng lì lắm. Sau khi trúng đạn, nó thét lên đau đớn nhưng vẫn đứng yên tại chỗ. Nó ôm đầu nhìn dáo dác. Còn quát “Thằng khốn nào đó?”. Tao phải bắn thêm một phát nữa, nó mới bỏ chạy.
Tôi thở hắt ra:
– Mày không nên làm vậy.
– Tại sao?
Tôi cắn môi:
– Nhỏ Miền sẽ nghi tao là thủ phạm.
Phúc hung hăng:
– Kệ nó chứ!
– Không được.
– Tại sao không được? Tôi cười khổ:
– Tao nói không được là không được! Hỏi hoài!
Phúc nhìn xoáy vào mặt tôi. Ánh mắt của nó nóng bỏng đến mức tôi phải ngoảnh đi chỗ khác.
– Mày ngó đi đâu vậy? Nhìn vào mắt tao đây nè. – Vừa nói Phúc vừa nắm chặt hai vai tôi, xoay người tôi lại.
Tôi nhăn nhó:
– Buông tao ra đi!
– Tao không buông! – Phúc vẫn giữ chặt vai tôi – Mày nói thật đi! Mày thích nhỏ Miền phải không?Phúc hỏi bất ngờ khiến tôi choáng váng. Tôi nghe như có ai liệng giày vào giữa mặt. Trước giờ chưa ai hỏi tôi như vậy. Ngay cả tôi, tôi cũng chưa bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi đó. Vì vậy tôi ngẩn ra:
– Tao không biết.
– Không biết cái con khỉ! – Phúc nhún vai – Chắc chắn là mày thích nó rồi. Tôi đưa tay gãi cổ:
– Tao không biết thật mà.
– Mày không biết nhưng tao biết! Chỉ có thích đứa con gái nào đó ghê lắm mình mới chịu làm đầy tớ cho nó thôi!
Thằng Phúc nói y như tụi thằng Lẹ, rặt giọng nhạo báng. Nhưng tôi không giận nó. Vì đầu óc tôi đang chạy đua với biết bao nhiêu ý nghĩ. Tôi đang bận thăm dò lòng mình. Ờ, nếu tôi không thích nhỏ Miền tại sao những lúc nó buồn tôi lại buồn theo. Hồi học lớp chín, tôi chưa biết đến hiệu ứng cánh bướm của nhà khí tượng học Edward Norton Lorenz. Tôi chưa biết một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc ở Texas. Tôi chỉ biết những giọt nước mắt lăn trên má nhỏ Miền đủ khiến lòng tôi ướt sũng, trái tim tôi như nhúng trong bùn lầy.
– Nếu mày không thích nó, mày chẳng è lưng ra cho thằng Hướng phang mà không nghĩ đến chuyện báo thù! – Tiếng thằng Phúc vọng vào tai tôi, xa thẳm. Tôi ngập ngừng hỏi:
– Thích là sao hở mày?
Tôi ngước mắt nhìn những cánh chim bay trên đầu, chép miệng nói, không rõ nói với Đuôi Tôm hay nói với chính mình:
– Lâu nay tao chỉ nghĩ đến nhỏ Miền như một người bạn. Tao thấy nó tồi tội. Ở lớp không đứa nào chơi với nó.
Phúc dường như cũng chẳng biết thích là sao. Nó gãi má, xong lại gãi cằm. Cuối cùng nó gãi bụng, ậm ừ:
– Thích hả? Thích tức là… là…
Đột ngột mắt nó sáng lên:
– Tao nhớ ra rồi! Thích một đứa con gái nào đó tức là lúc nào mình cũng mơ tới chuyện làm chồng nó.
Tôi nhăn mặt:
– Thôi đi mày!
Phớt lờ vẻ phản đối của tôi, Phúc thao thao:
– Không chỉ vậy, lúc nào mình cũng tưởng tượng có một ngày con của nó chạy ra vườn réo mình inh ỏi “Ba ơi ba, vô ăn cơm!”.
Tôi đá vô chân Phúc:
– Mày toàn nói bậy!
– Bậy gì! – Phúc nheo mắt ngó tôi – Mày không bao giờ mơ như thế à? – Dĩ nhiên là không rồi!
Phúc kết luận gọn ơ:
– Vậy là mày đâu có thích nó!
Phúc chắc chẳng rành gì hơn tôi cái khoản này. Những lời nhăng cuội kia chắc nó đọc được trong tủ sách nhà ông nó.
Còn tôi, sau lần trò chuyện đó cũng chẳng còn tâm trí nào sàng lọc các cảm xúc của mình để biết rằng tôi có thực sự thích nhỏ Miền hay không. Ngay chiều hôm đó, Hướng mở chiến dịch truy lùng và khủng bố những đứa trong thị trấn hằng ngày vẫn chơi trò bắn chim bằng ná thun.
Không tìm ra thủ phạm bắn lén mình, Hướng tấn công tất cả những đứa mà nó nghi ngờ. Hàng chục nạn nhân vô tội lãnh đòn thù của Hướng, rên như bộng, có đứa phải nhập viện. Hàng chục phụ huynh kéo đến nhà méc với ba mẹ nó. Có người đòi ba mẹ nó phải đền tiền thuốc men cho con họ.
Bà Sáu Thôi chỉ biết khóc lóc, van xin. Còn ông Sáu Thôi suốt ngày say xỉn, thấy ai tới cũng cười hè hè đem rượu ra mời khiến nhiều người bực mình chạy đi báo với chính quyền về tội hành hung người vô cớ của Hướng.
Tối ngày thứ ba, nhỏ Miền chạy qua nhà tôi, thút thít:
– Vinh có biết ai bắn anh Hướng không?
– Không. – Tôi nói dối, chỉ sợ nó gặng hỏi tiếp.
Nhưng Miền chỉ chép miệng than thở:
– Anh Hướng gây sự khắp nơi, Miền biết trước sớm muộn gì ảnh cũng gặp họa. Tôi tặc lưỡi, an ủi:
– Chắc cũng như những lần trước thôi. Miền yên tâm đi. Rồi mọi chuyện cũng qua. Miền nấc lên một tiếng:
– Anh Hướng sợ bị bắt, bỏ nhà đi rồi.
– Đi đâu?
– Ảnh đi Phú Yên. Chị Lụa lấy chồng trong đó.
Tôi biết chị Lụa, chị hai của Miền. Ông Sáu Thôi có ba người con: chị Lụa, tới Hướng, rồi tới Miền. Hồi tôi học tiểu học, chị Lụa chưa đi lấy chồng. Chị thích mặc áo màu hoa cà, đầu lúc nào cũng cài chiếc kẹp tóc màu hồng. Tôi nhớ mỗi lần tôi qua nhà Miền chơi vẫn thường được chị cho kẹo.
– Vậy cũng tốt chứ sao.
Tôi lừng khừng nói, nghe mình thở ra, không rõ là thở dài hay thở phào. Thằng Hướng bỏ nhà đi, thị trấn sẽ yên ổn, bọn học trò sẽ không bị ai bắt nạt. Còn tôi, mỗi lần gặp Miền dù để hái hoa giùm nó hay cho nó mượn tập sẽ không nơm nớp sợ bị ai thình lình phang gậy vào đầu.
Nghĩ đến đó, tôi bất giác đưa tay sờ gáy. Rúc năm đầu ngón tay vào chân tóc, tôi vừa sờ soạng vừa nhìn gương mặt nhòe nước mắt của Miền dưới ánh trăng, trong đầu tự nhiên bật ra câu hỏi: Mai mốt lớn lên mình có muốn cưới nó làm vợ không nhỉ?
——-
Có lẽ là cậu bé nói đúng. Bây giờ, đã lớn, thỉnh thoảng ngồi ôn lại những kỷ niệm thuở ấu thơ, tôi không thể nào nhớ nổi những lần được thầy cô khen mặc dù đó lẽ ra là những khoảnh khắc đẹp nhất và đáng nhớ nhất trong đời học trò. Thế mà tất cả đều thi nhau trượt khỏi vỏ não tôi. Nếu không lưu giữ những quyển học bạ thời đi học để thỉnh thoảng giở ra xem những lời khen của thầy cô ở cột “nhận xét của giáo viên” có lẽ tôi không mường tượng được thuở bé tôi cũng từng học hành không đến nỗi nào.
Những gì neo chặt trong trí nhớ tôi bất chấp sự dập vùi của thời gian, éo le thay là những lần bị thầy cô trách phạt hoặc đuổi ra khỏi lớp vì đủ thứ tội trạng: nhảy qua cửa sổ, đi trễ, làm dây mực vô áo bạn hoặc không đeo bảng tên trước ngực áo theo quy định. Cả chuyện dùng ná thun bắn vô đầu thằng Hướng nữa, một chuyện tày trời như vậy không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in. Nếu không có những trò nghịch như quỷ sứ đó tôi không chắc có lúc nào mình ngồi lại để kể về tuổi thơ của mình một cách hào hứng và tiếc nuối hay không.
Tôi và Vinh còm đồng ý với nhau rằng việc thằng Hướng rời bỏ thị trấn để vào sống với gia đình anh chị nó ở Phú Yên là điều tốt. Tốt cho nó và tốt cho cả bọn tôi.
Thằng Hướng khỏi bị công an tống vào tù. Còn thị trấn từ nay sẽ yên tĩnh, bọn học trò hồn nhiên sẽ lại vui như chim chóc.
Chỉ có chuyện tình cảm của Vinh còm không tốt lên chút nào, mặc dù lúc này cây gậy của thằng Hướng không còn vung lên trên cuộc tình của nó và Vinh còm cũng đã thôi khăng khăng phủ nhận chuyện nó thích nhỏ Miền.
Có lần nó bẽn lẽn thổ lộ với tôi:
– Chắc tao thích nhỏ Miền thật mày ạ.
– Sao mày biết?
Nó quay mặt đi chỗ khác, ngượng nghịu:
– Hôm trước tự nhiên tao nghĩ đến chuyện cưới nó làm vợ khi nào tao lớn lên. – Thấy chưa! – Tôi ưỡn ngực, sung sướng – Tao đã nói mà.
Vinh còm lí nhí hỏi, vẫn không ngoảnh đầu lại, tôi có cảm giác nó đang nén một hơi thở:
– Bây giờ tao phải làm gì nữa hả mày?
Tôi đập tay lên vai nó, hùng hồn:
– Mày phải nói cho nhỏ Miền biết mày thích nó. Nó biết, nó mới thích lại mày. Nó thích lại mày sau này nó mới đồng ý làm vợ mày.
– Tao không biết nói vào lúc nào. – Vinh còm sượng sùng thú nhận.
– Thiếu gì dịp. Tối nay xe chiếu phim lưu động của phòng văn hóa thông tin thị trấn có chương trình chiếu phim ở bãi đất trống trước cổng chợ nè.
Vinh còm gật đầu và quay mặt lại:
– Ờ, tao có nghe loa phát suốt từ sáng.
– Nhỏ Miền chắc chắn sẽ ra đó.
– Tao biết rồi. Đứa nào mà chẳng ra đó. – Vinh còm khụt khịt mũi – Nhưng chuyện chiếu phim thì liên quan gì đến thắc mắc của tao?
– Sao lại không liên quan! Tối nay lúc xem phim, mày cố chen vào ngồi cạnh nhỏ Miền.
Vinh còm nuốt nước bọt:
– Rồi sao nữa?
– Phim chiếu một lúc thế nào cũng có cảnh nhân vật nam và nhân vật nữ hôn nhau. – Sao mày biết?
Tôi hừ giọng:
– Chuyện đó con nít ba tuổi cũng biết. Xưa nay phim nào mà chẳng có cảnh hôn nhau. Phim ta cũng thế mà phim Tây cũng thế. Dĩ nhiên là Tây hôn nhiều hơn.
– Tối nay chiếu phim Tây đó mày. Trên loa người ta quảng cáo phim Cuộc chia tay trên sân ga.
– Vậy là số mày quá hên! – Tôi nói gần như reo – Chia tay thì phải hôn ít nhất là chục cái!
Vinh còm thô lố mắt nhìn tôi, mặt đực ra:
– Tao vẫn chưa hiểu mày muốn nói gì?
– Như thế này nè. – Tôi lim dim mắt – Khi nào trên màn ảnh xuất hiện cảnh hôn nhau thì mày…
– Mày xúi tao hôn nhỏ Miền hả? – Vinh còm bật kêu – Mày muốn tao bị ăn dép vào đầu hả, Đuôi Tôm?
– Tao đâu có bảo mày hôn nó. Mày chỉ thò tay qua cầm tay nó thôi. – Cầm tay cũng không! Mày đừng có xúi bậy!
– Bậy cái con khỉ! Gì cũng không dám làm mà mai mốt đòi làm chồng người ta!
– Khi nào làm chồng rồi tính! Bây giờ tao cầm tay nó, nó hét ầm lên giữa chợ chắc tao phải bỏ nhà đi theo thằng Hướng quá!
Tôi bĩu môi:
– Nhát như thỏ mà đòi thích người ta!
– Nhát kệ tao!
Vinh còm buông thõng một câu, đá tôi một cái, rồi lảng mất.
——-
Một hôm tôi hỏi cậu Huân:
– Cậu lớn rồi mà sao chưa lấy vợ hả cậu?
Cậu Huân cười hà hà:
– A, thằng nhóc này bắt đầu quan tâm đến chuyện người lớn từ khi nào vậy ta? Cậu sờ cằm:
– Vợ đâu phải muốn lấy là lấy hả con?
– Sao vậy cậu?
– Phải có duyên số con à.
– Duyên số á? – Tôi ngơ ngác.
– Ừ, duyên số. Đàn ông và đàn bà phải có duyên số mới thành chồng vợ được.
Cậu Huân càng giải thích, tôi càng mù mịt. Thế tôi và nhỏ Miền có duyên số với nhau không nhỉ?
– Chứ không phải mình thích người ta và người ta thích lại mình thì sẽ trở thành vợ chồng hả cậu?
Cậu Huân không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Mà cậu nhìn tôi chằm chằm: – Con đang thích con bé nào à?
– Dạ… không có… – Tôi ấp úng chối, mặt ửng lên như ráng chiều. Cậu Huân chỉ liếc một cái là biết ngay tôi nói dối.
– Con đang thích đứa nào vậy? – Cậu gặng hỏi, cứ như thể vừa rồi tôi gật đầu chứ không phải lắc đầu.
Tôi ngọ ngoạy các đầu ngón chân, mặt mỗi lúc một nóng ran:
– Dạ… dạ…
Thấy tôi có vẻ sắp ngất, cậu Huân thương tình:
– Thôi, con không nói tên con bé đó ra cũng được. Nhưng mà con đang thích nó đúng không?Tôi cắn môi, nghe giọng mình vo ve như muỗi kêu:
– Dạ.
Cậu Huân mỉm cười:
– Thế con bé đó có thích lại con không?
Tôi cúi gằm đầu xuống đất:
– Dạ, con không biết.
Câu Huân lại hỏi:
– Thế nó có biết con thích nó không?
– Dạ, con cũng không biết.Cậu Huân thở ra:
– Sao cái gì con cũng không biết!
Bỗng cậu đập tay lên vai tôi, toét miệng cười:
– Nhưng như thế mới là yêu.
Tôi định phân bua “thích” khác với “yêu” nhưng chợt nhớ đến ý định sau này sẽ cưới nhỏ Miền làm vợ, tôi ngờ ngợ rằng mình đã yêu, mặc dù cho tới lúc đó tôi chưa định nghĩa được tình yêu là gì. Mọi cảm xúc đến với tôi một cách đột ngột – như một sớm mai tỉnh dậy chợt nhận ra trong tim mình vừa nở một nụ hồng.
Từ ngày bị thằng Đuôi Tôm gặng hỏi, tôi nhận ra mình bắt đầu nghĩ ngợi nhiều hơn về nhỏ Miền. Tôi bắt đầu dò xét lòng mình. Tôi muốn khám phá xem tôi đang có thứ gì nhiều nhất trong mối quan hệ này: tình bạn hay tình yêu.
Cậu Huân chậm rãi:
– Chắc chắn con bé đó biết con thích nó. Tâm hồn phụ nữ như chiếc lưới dệt bằng tơ, đủ sức đón bắt mọi tín hiệu phát ra từ một tâm hồn khác, con à.
Cậu Huân khiến mặt tôi rạng ra từng giây. Và tôi ngây ngô hỏi:
– Thế mình không cần phải nắm tay nó hả cậu?
Cậu Huân giật mình:
– Con nắm tay con bé đó rồi à?
– Dạ chưa.
Tôi kể cho cậu nghe những gì thằng Đuôi Tôm xúi tôi hôm trước. Cậu Huân nheo mắt:
– Con đừng nghe bạn con xúi dại. Tình cảm là thứ cần được nảy nở một cách tự nhiên. Tới một lúc nào đó, chuyện nắm tay sẽ diễn ra mà không cần phải tính toán hay sắp xếp.
Tôi lắng nghe từng lời của cậu, hoàn toàn tin cậy. So với lời mách nước của Đuôi Tôm, những lý lẽ của cậu rõ ràng thuyết phục hơn, dù tôi chưa hoàn toàn hiểu hết những gì cậu nói. Nhưng tôi vẫn chưa thật yên tâm. Tôi thấp thỏm hỏi:
– Nhỡ bạn đó chỉ xem con là bạn thì sao?
– Con đừng lo. Tình bạn là mảnh đất phù hợp nhất để tình yêu gieo xuống hạt giống của mình. Tới một ngày nào đó, chiếc áo tình bạn trở nên chật chội, con bé đó sẽ cần tới một chiếc áo khác.
Tuy cậu Huân không nói rõ, tôi vẫn biết chiếc áo khác đó chính là chiếc áo tình yêu. Lòng lâng lâng, tôi nuốt từng lời của cậu. Và tôi bắt đầu mơ mộng. Tôi nhìn thấy tôi và nhỏ Miền dắt tay nhau tung tăng trên đồng xa nội cỏ. Tôi thấy tôi và nó ngồi bên nhau dưới chân cầu Hà Kiều chờ cá đớp mồi để ngắm trăng tan trên mặt nước, để nghe hương sen ướp vào tóc ba ngày. Tôi quên khuấy mất dù cậu Huân nói về tình yêu rất hay nhưng đến nay cậu vẫn chưa có vợ. Tôi cũng quên mất tương lai cậu vẽ ra cho tôi thật đẹp nhưng thời gian thì rất đỗi mơ hồ: “tới một lúc nào đó”,”tới một ngày nào đó”.
“Lúc đó” là lúc nào,”ngày đó” là ngày nào, làm sao tôi biết được và nhất là làm sao biết nó có tới hay không?
Chương 4: Kỳ 4
Có một dạo, tôi buồn rầu nghĩ là nó không tới.Trường trung học thị trấn không mở cấp ba. Lên lớp mười, bọn học trò lớp chín phải khăn gói lên thành phố học.
Bọn tôi mới mười lăm tuổi, không bậc cha mẹ nào dám gửi con cái vào nhà trọ. Các phụ huynh chăm chăm gửi con vào nhà bà con hoặc nhà người quen. Phụ huynh quen biết ở đâu, con cái đi học ở đó. Theo thông lệ này, chắc chắn tôi sẽ ra Đà Nẵng, Đuôi Tôm vô Tam Kỳ, còn Miền sẽ đi học tận Phú Yên.
Hè năm đó là mùa hè buồn của tôi. Tôi rất muốn chờ tới “một ngày nào đó” như lời cậu Huân nhưng thời gian không đợi tôi.
Tôi không muốn ngồi bó gối chờ tình yêu nảy nở.
Trường vừa bế giảng, tôi đã đánh bạo rủ Miền đi chơi. Tôi không dám rủ nó đi rừng, đi suối như các cặp tình nhân trong phim, trong truyện mặc dù lòng rất muốn. Tôi rủ nó xuống nhà ông ngoại thằng Phúc. Tôi chỉ bạo được đến thế.
– Nhà ông ngoại bạn Phúc có gì mà chơi? – Miền tròn mắt nhìn tôi. Tôi liếm môi:
– Tụi mình xuống xem hòn non bộ và cây cảnh.
Dường như thấy thế vẫn chưa đủ hấp dẫn, tôi lật đật quảng cáo:
– Xuống đó đọc sách nữa. Nhà ông Giáo Dưỡng có tủ sách lớn nhất thị trấn.
Nhỏ Miền ham đọc sách nhưng nhà nó không có sách. Ba nó chỉ thích rượu. Tôi chỉ có vài ba cuốn cậu Huân mua cho từ lâu lắm, nhỏ Miền mượn tới mượn lui đọc
đến thuộc lòng. Ở lớp ngoài tôi ra, nó không chơi với ai, vì vậy nó ngại chạy lại nhập bọn với bạn bè để nghe thằng Phúc kể chuyện vào giờ chơi, chỉ đứng xa xa nhìn bằng ánh mắt thèm thuồng.
Nhà ông Giáo Dưỡng ở Gò Rùa, phía dưới đường quốc lộ, cách trung tâm thị trấn khoảng sáu cây số, tôi và Miền phải đi bằng xe đạp. Tất nhiên hôm đó có cả thằng Phúc. Nhà Phúc ở ngay bến xe, khi tôi và Miền tới đã thấy nó ngồi nghển cổ đợi đằng trước hiên.
Lần đầu tiên đi chơi với Miền, lòng tôi nôn nao khó tả. Một cảm xúc lạ lùng pha trộn giữa hân hoan, thấp thỏm và bồi hồi lèn chặt trái tim tôi. Nỗi lo lắng về cuộc chia tay sắp tới bay biến đâu mất. Dĩ nhiên chen giữa hai đứa tôi trong chuyến đi là thằng Đuôi Tôm nhưng điều đó không làm suy suyển niềm vui trong lòng tôi.
Nhỏ Miền chắc cũng vui không kém. Tôi thấy mặt nó tươi tắn hơn hẳn ngày thường, trông nó cười mà tôi tưởng như nó đeo nhầm bộ mặt của ai. Trước kia, khi thằng Hướng du côn chưa rời thị trấn, nhỏ Miền suốt ngày ru rú trong nhà, nếu có đạp xe ra đường cũng chỉ để đi chợ hoặc đi công chuyện cho ba mẹ. Từ khi biết nó, tôi chưa thấy nó đi chơi bao giờ.
Hẳn đây là lần đầu của nó. Và tuyệt vời thay, người cùng đi với nó trong lần đầu đáng nhớ đó chính là tôi. Thằng Đuôi Tôm đang gò lưng đạp xe trước mặt thì không tính vô đây. Nó chỉ là cái cớ, vì nó là cháu ông Giáo Dưỡng. Hơn nữa, tôi cũng đang muốn kéo thằng Đuôi Tôm vào chuyện này. Có nó tham gia, tôi mới mạnh dạn rủ Miền đi chơi. Chỉ tôi và Miền với nhau, tôi không đủ can đảm. Có lẽ Miền cũng thế, vì năm nay chúng tôi đã lớn, đã biết ngượng ngùng, và vì ở một thị trấn nhỏ xíu và buồn tẻ như thị trấn tôi ở, bất cứ một đôi trai gái nào có tình ý với nhau cũng sẽ bị chọc ghẹo tối mày tối mặt và trở thành miếng mồi ngon cho những cuộc bàn tán bất tận sau lưng.
Tôi còn một lý do thầm kín khác: Nếu ba đứa tôi chơi với nhau, tôi có thể nhờ Phúc thăm dò tình cảm của Miền giùm tôi.
Tôi còn nhớ ngày hôm đó trời tháng sáu trong vắt và xanh vời vợi, hương cỏ mật
thơm lừng trong nắng ban mai và chim hót véo von trên những ngọn tre cao dọc đường xuống Gò Rùa. Thực tình tôi cũng không rõ cảnh vật trong buổi sáng mùa hè đó đẹp như thế thật, hay đó là do niềm vui trong lòng tôi, với những lý do hoàn toàn cá nhân, đã tráng lên thiên nhiên một lớp sơn lung linh mộng mị. Chỉ tiếc một điều hôm đó Miền ra về sớm quá.
Trước nay tôi thường đến chơi nhà ông ngoại thằng Phúc vào ngày chủ nhật để được đọc sách từ sáng đến chiều tối vì ông Giáo Dưỡng không cho trẻ con mượn sách về nhà. Trưa, Phúc xúc hai tô cơm đem ra trước hiên, hai đứa ngồi trên ghế xích đu vừa ăn vừa tiếp tục đọc sách hoặc tưng bừng tán dóc.
Nhỏ Miền là con gái nên nó không dám bỏ nhà đi suốt ngày như tôi. Mặt trời lên ngang ngọn tre trước sân là nó đòi về. Khác với bọn con trai lêu lổng chúng tôi, nó còn phải quét nhà, nấu cơm và thỉnh thoảng làm cái chuyện nó không thích chút nào là chạy lên quán bà Vọng mua rượu cho ba nó.
Ba tôi và ba thằng Phúc ngày nào cũng cùng nhau chén chú chén anh dưới bóng chiều nhạt nắng. Bóng tối mon men từ ngoài bờ rào bò vào tới tận trong nhà, cả hai vẫn ngồi uống tì tì. Nhưng tôi chưa thấy hai người gây gổ hoặc đánh nhau với ai bao giờ. Cũng chẳng một lần to tiếng, chỉ có tiếng trò chuyện rì rầm, hôm nào ngồi cạnh là tôi buồn ngủ muốn díp mắt lại.Chỉ có ông Sáu Thôi hễ rượu vào là ầm ĩ. Đặc biệt hôm nào lên quán bà Vọng, ông cũng say khướt và sớm muộn gì cũng vật nhau huỳnh huỵch với ông Đường ngoài đường quốc lộ.
– Sao ông Sáu Thôi và ông Đường cứ đánh nhau hoài hả cậu?
Có lần không kềm được, tôi hỏi cậu Huân. Những chuyện như thế này, tôi không dám hỏi ba tôi. Tôi cũng không dám nói với cậu Huân tôi đang thích con gái ông Sáu Thôi.
Cậu Huân sống với bà ngoại tôi trong làng Phô Thị, cách nhà tôi khoảng hai mươi cây số nhưng chuyện gì xảy ra ở thị trấn cậu cũng biết. Cậu là con út của ngoại tôi. Xét về tuổi tác cậu không cách xa tôi nhiều lắm nên so với những người bà con khác, cậu gần gũi với tôi nhất và tôi cũng hay tâm sự với cậu nhất. Cũng có thể vì mẹ tôi
mất sớm nên cậu dồn tình thương cho tôi nhiều hơn những đứa cháu khác. Cậu Huân đáp:
– Tại mấy ổng say rượu.
– Ba con cũng hay uống rượu.
– Ba con uống rượu nhưng ba con không say.
Tôi chép miệng:
– Hồi chiều con thấy ông Sáu Thôi và ông Đường vật nhau và té lăn từ đường quốc lộ xuống vạt ruộng cạnh bến xe thị trấn.
Tôi nghe tiếng cậu Huân thở dài:
– Hai ông đó ngày nào cũng vậy.
– Con thấy quần áo đầu cổ hai ông lấm lem. Nhìn dơ dáy kinh khủng. – Tôi nói, bụng chợt nhói một cái khi nghĩ đến nhỏ Miền. Ba nó vậy, chắc nó rầu rĩ lắm.
Ông Sáu Thôi và ông Đường gần như chiều nào cũng gây sự với nhau chỗ bến xe thị trấn. Đơn giản vì chỗ đó có quán rượu của bà Vọng.
Quán rượu bà Vọng cạnh bến xe, chếch về phía trường trung học, chỉ bán rượu trắng với các thứ mồi nhậu bình dân như khô mực, đậu phộng rang, ổi dầm nhưng chiều nào cũng đông khách. Thị trấn nghèo chẳng có gì giải trí, cánh đàn ông sau một ngày làm việc vất vả, giải khuây bằng cách mò tới quán bà Vọng.
Thực ra quán bà Vọng là quán bún giò heo, rượu chỉ là bán kèm, nhưng từ năm giờ chiều trở đi khách uống rượu lại đông hơn khách ăn bún.
Bà Vọng buôn bán lâu ngày, quen mặt khách. Nhác thấy ông Đường bước vô, còn đang loay hoay kiếm ghế ngồi, bà đã sai thằng con, tức thằng Lẹ học chung lớp với tôi, đem ra xị rượu trắng và con khô mực đặt trước mặt ông.
Lát sau, thằng Lẹ lại lặp lại động tác đó khi ông Sáu Thôi thò mái tóc quen thuộc cắt theo kiểu ba phân chỗ ngách cửa.
Tôi đã chứng kiến cảnh này nhiều lần, vì ba tôi thường sai tôi đi mua rượu chỗ quán bà Vọng. Thông thường, ông Sáu Thôi và ông Đường không xông vào nhau ngay. Mỗi ông một góc, người tới sau cố tình ngồi thật xa người tới trước. Khách ghé vô lai rai, một chốc đã lấp đầy các dãy bàn, hai ông chỉ thấp thoáng thấy nhau qua mớ đầu cổ lúc nhúc. Mà thoạt đầu hai ông cũng chẳng buồn nhìn nhau, người này xem người kia như một thứ ruồi nhặng không đáng quan tâm.Nhưng khách quen ở quán bà Vọng đều biết đó chỉ là sự im lặng trước cơn giông, những màn hay nhất còn ở phía sau. Và người ta chờ đợi, hồi hộp và nôn nao như khán giả ngồi chờ kịch kéo màn.
Trăm lần như một, ông Sáu Thôi bao giờ cũng là người gây sự trước, không hẳn ông hiếu chiến hơn mà vì ông say nhanh hơn ông Đường. Khi say có lẽ ông thấy cái mặt nào cũng đáng ghét, nhất là cái mặt đó gắn trên cổ ông Đường.
Lần nào cũng vậy, sau ba tợp rượu mặt ông Sáu Thôi đã đỏ bừng bừng. Thế là ông lè nhè chửi đổng:
– Đúng là đồ chẳng ra gì!
Ai cũng biết ông cạnh khóe ông Đường. Ngay cả ông Đường cũng biết ông Sáu Thôi chửi mình nhưng ông không nói gì. Đơn giản là ông uống chưa đủ nhiều.
– Đồ ti tiện! – Ông Sáu Thôi tiếp tục phỉ nhổ đối phương.
Sau “đồ ti tiện” tới “đồ sâu bọ” và hàng lô hàng lốc những lời sỉ nhục khác. Đến khi ông Sáu Thôi kết thúc màn lăng mạ bằng câu “quân giết người” thì ông Đường đứng phắt dậy.
Gọi là kết thúc vì câu mắng “quân giết người” quá nặng, quá trầm trọng và vì lúc đó ông Đường đã nốc đến ly rượu thứ mười, hơi men đã đủ mạnh để dựng ông dậy.
– Ông nói ai vậy, ông kia? – Ông Đường quay gương mặt đỏ gay sang phía ông Sáu Thôi, gầm gừ, cằm bạnh ra, chỉ thiếu chiếc bờm là ông giống hệt sư tử.
Ông Sáu Thôi lừ lừ nhìn đối phương, giọng khinh khỉnh:
– Ai có tật thì giật mình thôi! Tôi cần gì phải nói thẳng toẹt ra!
– Ông muốn gì? – Ông Đường thu nắm đấm, môi mím chặt.
Bị khiêu khích, ông Sáu Thôi vung tay chỉ thẳng vào mặt ông Đường, không buồn xưng hô lịch sự nữa:
– Tao muốn vặn cổ mày!
Ông Đường bước ra cửa, cao giọng thách thức:
– Ông ngon thì ra đây! Tôi và ông đánh tay đôi, xem ai vặn cổ ai cho biết! Chỉ đợi có vậy, ông Sáu Thôi bật lên khỏi ghế.
Bà Vọng thấy cả hai kéo ra đường, liền lật đật chạy theo:
– Ê, mấy ông chưa trả tiền rượu!
– Mai trả!
Ông Sáu Thôi quay đầu đáp gọn lỏn rồi rảo bước theo ông Đường.
Vở hài kịch này bao giờ cũng bắt đầu như thế, lần nào cũng giống hệt nhau từ lời thoại đến động tác.
Ông Đường kéo theo ông Sáu Thôi. Ông Sáu Thôi kéo theo những người khác. Thực khách rùng rùng chồm đầu qua cửa. Vài người chạy tuốt ra sân đứng xem như xem hát. Đám con nít chẳng mấy chốc bu quanh hai nhà đấu vật, miệng hò reo đầy hứng khởi.
Hai ông ôm nhau trì níu, kéo áo, siết cổ. Và vì hai đấu sĩ đều say khướt, đi đứng bình thường đã không vững, nên cả hai nhanh chóng ngã ra đường để rồi tiếp tục dính vào nhau, lăn lê bò toài, tóc tai quần áo nát nhầu, bê bết bụi.
Cuộc chiến chỉ kết thúc khi cả hai ông hoặc một trong hai ông té lăn xuống vạt ruộng bên đường quốc lộ, lóp ngóp hoài không leo lên nổi, chỉ biết chôn chân dưới bùn chửi vống lên, hoặc khi nhỏ Miền xuất hiện mếu máo dìu ba nó về.
Còn tôi mỗi lần bắt gặp nhỏ Miền trong tình huống oái oăm đó, lòng tôi luôn thắt lại như có ai vò và bao giờ tôi cũng cố giấu mặt sau lưng đám đông để nó không nhìn thấy tôi.
——-
Có lần tôi bắt gặp cậu bé đang nặn một con kiến bằng đất sét moi được từ mép nước.
Hồi bằng tuổi nó, tôi cũng thích trò moi đất sét nặn tượng. Tôi và lũ bạn thi nhau nặn hình người, nặn con chó, con gà, con ngựa, con voi.
Chúng tôi nặn bất cứ con vật nào chúng tôi nghĩ ra. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy đứa trẻ nào nặn con kiến, chỉ vì con kiến bé đến mức không đứa nào nhớ đến nó khi cần tìm kiếm một hình ảnh để nặn tượng.
– Con nặn con ong à? – Tôi hỏi, chỉ nghĩ được đến thế.
– Không, đây là con kiến. – Nó đáp, vẫn cắm cúi miết các ngón tay quanh mẩu đất. – Con kiến? – Tôi nhướn mắt – Con kiến to bằng con chuột kia à?
– Đó là con cố ý nặn một con kiến thật to. – Nó trả lời tôi trong khi vẫn chăm chút vân vê cái bụng con kiến, cố vo cho thật tròn.
Tôi không hỏi nữa để cho nó tập trung.
Một lát, nó ngẩng đầu nhìn tôi:
– Đã giống con kiến chưa chú?
Tôi nghiêng đầu săm soi con kiến của nó, thậm chí tôi phải nheo một bên mắt như
người bị chói nắng. Chưa bao giờ tôi trông thấy một con kiến to như vậy nên tôi có cảm giác là lạ.
Tôi không chắc là tôi biết về loài kiến nhiều hơn nó. Đã lâu rồi tôi không còn lấy lá tre bắc cầu cho đàn kiến leo qua vũng nước nhỏ – trò chơi mà một thời tôi rất ưa thích. Dĩ nhiên thời đó đã qua lâu rồi và bây giờ tôi không nhớ có phải con kiến có cái đầu và cái bụng to gần bằng nhau như con kiến trước mặt tôi hay không. Tôi chỉ biết kiến là một loại côn trùng có sáu chân.
– Con kiến này tám chân à? – Tôi tặc lưỡi hỏi.
– Nó chỉ có sáu chân thôi. Còn kia là hai cái râu đó chú.
Cậu bé đặt con kiến trên một mảnh gỗ nhỏ và đem phơi ở ngoài vườn. Trong khi ngồi bên cạnh cậu bé chờ cho đất sét khô, tôi ngập ngừng hỏi: – Đây là bài tập môn thủ công của lớp con phải không?
– Không ạ.
– Thế sao con không nặn những con vật dễ hơn như con ngựa hay con bò chẳng hạn?
– Con nặn cho bạn con.
– Bạn con thích kiến à?
– Bạn con chưa nhìn thấy con kiến bao giờ.
Bạn nó tên Cỏ May, một cô bé bị mù ngay từ khi vừa lọt lòng.
Nó bảo thế giới của bạn nó là một thế giới hoàn toàn khác biệt với mọi người.
– Làm sao bạn phân biệt được ngày và đêm? – Nó tò mò hỏi Cỏ May khi cả hai đã thân nhau.
– Khi nào trời nóng và nhiều tiếng động thì đó là ban ngày. Còn khi trời mát và chung quanh yên tĩnh thì đó là ban đêm. – Cỏ May đáp, giản dị.
– Bạn biết các bông hoa không? – Nó hỏi, vì nó rất yêu các bông hoa. – Mình chỉ nhận ra một vài loài hoa thật thơm thôi. Như hoa bưởi chẳng hạn.
Nó biết hoa bưởi. Hoa bưởi thường nở rộ vào tháng ba, kết thành chùm trắng muốt, có hương thơm dìu dịu, nhưng nếu hít nhiều quá dễ thấy đầu óc say say. Nó khoe tôi mấy đứa con gái trong lớp nó rất thích kết hoa bưởi làm vòng đeo tay.
– Bạn có biết con chó không?
– Biết chứ. Nhà mình có nuôi một con chó. Lần đầu tiên nghe tiếng sủa của con Vện, mình hỏi ngoại đó là con gì hả ngoại? Ngoại bảo con chó và ẵm nó lại cho mình vuốt ve. Nhờ vậy mình biết con chó có lông, có bốn chân và một cái đuôi.
Trong khi nó đang ngẩn ngơ trước tiết lộ của bạn, Cỏ May vui vẻ khoe: – Mình cũng biết con mèo, con gà, con vịt.
Thình lình nó hỏi:
– Thế bạn có biết con kiến không?
– Con kiến thì mình không biết, dù mình từng bị kiến cắn. Vì con kiến quá bé nên mình không sờ vào nó được.
Nó định hỏi Cỏ May có phải nếu bạn không sờ được vào vật gì tức là xem như chưa biết vật đó hay không nhưng rồi nó ngần ngại. Nó nhắm mắt lại, thử hình dung mình là Cỏ May nhưng ngay lập tức nó biết là không thể. Nó đã thu cả thế giới vào trong trí nhớ nên ngay cả khi không nhìn thấy gì thì nó vẫn thuộc về thế giới của những người sáng mắt. Cỏ May lại khác. Cô như thuộc về một giống nòi khác, với những kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ với nó.
Như đọc được ý nghĩ trong đầu nó, Cỏ May nói:
– Nếu mình chưa từng chạm vào bạn thì đối với mình bạn chỉ là một tiếng nói.—— –
Hằng ngày tôi vẫn nhìn thấy nhỏ Miền. Nó học chung lớp với tôi. Đối với tôi, dĩ nhiên Miền không phải là “một tiếng nói”. Nhưng tôi chưa bao giờ xem nó là bạn, chẳng hiểu tại sao. Có lẽ trong tâm trí tôi, và trong tâm trí những đứa khác chắc cũng thế, nhỏ Miền chỉ được nhớ đến với tư cách em gái của thằng Hướng hơn là một bạn học bình thường.
Một thời gian dài, Hướng là hung thần của bọn trẻ con trong thị trấn. Nỗi sợ hãi do Hướng gây ra lớn đến mức trở thành nỗi ám ảnh thường trực của bọn tôi và những gì gắn với nó đều trở thành nguy hiểm.
Trừ Vinh còm ra, không đứa nào trong lớp trò chuyện với Miền và bọn tôi chẳng băn khoăn gì về chuyện đó.
Khi biết Vinh còm thích nhỏ Miền, tôi không hề ngạc nhiên, còn sốt sắng bày cho nó cách tỏ tình, mặc dù tôi không hiểu Vinh còm thích con nhỏ này ở điểm gì. Tất nhiên có hàng trăm lý do để một đứa con trai thích một đứa con gái. Những cuốn sách trong tủ của ông tôi mách với tôi như thế. Dù vậy, để thích một đứa chán ngắt như nhỏ Miền, tôi không tìm thấy một lý do nào hết.Nhưng đến hôm tôi dẫn hai đứa nó về nhà ông tôi chơi, có dịp ngắm nhỏ Miền lâu lâu một chút, tôi chợt nhận ra con nhỏ này là đứa con gái có duyên ngầm mặc dù làn da nó hơi ngăm ngăm. Ở lớp, nhỏ Miền có vẻ ủ rũ, hầu như không bao giờ cười nhưng hôm đó nó vui vẻ và cười nhiều hơn thường ngày, nhờ vậy tôi phát hiện nó có hàm răng trắng ơi là trắng. Hai chiếc răng cửa của nó hơi to nhưng chẳng hề gì. Xét về mặt thẩm mỹ, hai chiếc răng đó càng giúp nó duyên dáng hơn vì trông nó giống hệt một con thỏ con.
Vinh còm thích con nhỏ này là đúng rồi! Tôi nhủ thầm trong bụng và một chốc sau tôi càng thấy đó là chân lý khi nhìn nhỏ Miền sà vào tủ sách của ông tôi với vẻ háo hức của bọn trẻ con sà vào hàng bánh kẹo.
Tôi chơi thân với Vinh còm một phần vì nó là đứa mê truyện giống như tôi. Từ ngày mẹ tôi mất, tôi thường lê la ở nhà ông ngoại tôi và suốt ngày đánh bạn với tủ
sách của ông.
Tôi không nghĩ nhỏ Miền có đam mê tương tự. Vì con của một ông bố say xỉn và em của một thằng du côn thì không gợi lên điều gì liên quan tới sách. Sở thích của tôi và Vinh còm, nhỏ Miền có vẻ không dính líu vào. Nhưng hôm đó tôi bắt gặp mình tò mò quan sát vẻ rạng rỡ trên gương mặt bầu bĩnh của nó. Hơn cả niềm vui, điều toát ra trong đôi mắt long lanh của nhỏ Miền khi nó rón rén sờ tay lên từng gáy sách gần như là sự thành kính. Hình ảnh đó làm tôi ngạc nhiên kinh khủng và tôi bắt đầu nghĩ về nó khác đi.
Sau lần đó, nhỏ Miền còn đến nhà ông tôi nhiều lần nữa. Dĩ nhiên, lúc nào cũng ba đứa cặp kè với nhau. Và lần nào nó cũng ra về sớm dù mùa hè đã tới từ lâu và chúng tôi không còn phải đến lớp mỗi ngày nữa.
Tôi cứ ngỡ mùa hè năm đó sẽ là một chuỗi ngày buồn đối với tôi khi tiếng ve râm ran trên các tàng cây như tấu lên khúc nhạc giã từ.
——-
Tiếng chim uể oải đập cánh, tiếng ong bay trong vườn ổi ban trưa những ngày này nghe buồn tẻ làm sao. Nắng hè hừng hực khiến cỏ trong vườn khô đi và đổi sang màu lông chuột, mỗi khi đặt chân lên tôi nghe tiếng lào xạo dưới chân và âm thanh đó khiến cảm giác sắp sửa đi xa trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Những chuyến đi với nhỏ Miền xuống nhà ông ngoại thằng Phúc giúp tôi khuây khỏa được phần nào nhưng không che lấp được nỗi buồn chia ly sắp tới. Thậm chí, càng gần gũi với nó, nỗi buồn trong lòng tôi càng được tô đậm hơn.
Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là trống vắng. Tôi thường xuyên nghe những tiếng thở dài ngân lên từ đáy lòng tôi.
Tôi chỉ thôi buồn khi một sớm mai chưa kịp mở mắt đã nghe tiếng thằng Phúc oang oang ngoài cửa:
– Vinh còm ơi! Có tin vui ơi là vui nè mày!
Chương 5: Kỳ 5
Phúc xộc vào nhà khi tôi vẫn còn nằm trên giường. Nhìn vẻ mặt tươi hơn hớn của nó, tôi hé mắt hỏi, vẫn còn ngái ngủ:
– Chuyện gì mà sáng sớm đã om sòm vậy mày?
Phúc đá vào chân giường:
– Dậy đi! Trường mình sắp mở lớp mười. Năm học tới tụi mình khỏi đi đâu hết.
Cú đá của Phúc nhẹ hều. Chính câu nói của nó mới làm tôi bật dậy. Tôi tròn xoe mắt, bán tín bán nghi:
– Thật không đó mày?
– Thật. Trừ mày ra, cả thị trấn đứa nào cũng biết!Phúc toét miệng khoe: – Tối nay ba tao nấu cháo gà ăn mừng.
Như vậy Phúc khỏi đi Tam Kỳ, tôi khỏi ra Đà Nẵng, nhỏ Miền khỏi vào Phú Yên. Con cái đi học xa, ngoài nỗi buồn xa con, các bậc phụ huynh còn phải bạc tóc lo chuyện tiền nong. Dù ở nhà bà con, không tốn tiền ở vẫn phải phụ thêm tiền ăn uống. Bây giờ trường trung học thị trấn bất ngờ mở lớp mười, ba thằng Phúc mổ gà nấu cháo là phải rồi.
– Ba mày có mời ba tao không? – Tôi leo xuống khỏi giường, nheo mắt hỏi. – Có. – Phúc nhe răng cười – Còn tao mời mày.
– Vậy mới là bạn tốt chứ. – Tôi xỏ dép, đập tay lên vai Phúc – Rồi mai mốt ba tao
nấu cháo vịt ăn mừng, nhà tao sẽ mời lại nhà mày!
So với bạn bè cùng lớp, niềm vui trong lòng tôi còn nhân lên gấp nhiều lần. Thời gian qua, trong đầu tôi lúc nào cũng chập chờn những hình ảnh chia tay. Bây giờ tôi và Miền lại tiếp tục ở bên nhau, tôi có cảm giác mình vừa được sinh ra lần nữa.
Trong thế giới vừa được tái sinh đó, sung sướng nhất là không có bóng dáng đe dọa của Hướng chen giữa hai đứa tôi. Chưa kể sau một mùa hè nhiều thay đổi, nhỏ Miền lúc này đã trở thành một con người hoàn toàn khác: vui vẻ hơn, cởi mở hơn và nhất là siêng đi với tôi xuống nhà ông Giáo Dưỡng hơn.
Chỉ có chút buồn nho nhỏ: tôi vẫn chưa nói được với Miền là tôi thích nó. Thích ghê lắm. Thích đến mức tôi thường xuyên nghĩ ngợi vẩn vơ và ước gì được cầm tay nó một lần như lời xúi giục của thằng Phúc hôm nào. Bây giờ tôi nhận ra Phúc xúi đúng chứ không xúi bậy.
Lên lớp mười, ba đứa tôi chọn cùng một khối, tiếp tục học chung một lớp và tôi lại có dịp ngồi cạnh nhỏ Miền như năm ngoái.
Thực ra hồi cấp hai tuy ngồi cạnh nhau, tôi và Miền chẳng trò chuyện gì nhiều, chỉ thỉnh thoảng đứa này quay sang đứa kia hỏi mượn thứ gì đó. “Cho mình mượn cây compa”, một đứa nói và đứa kia lặng lẽ chìa ra cây compa. Vẽ vòng tròn xong, đứa này lại làm thinh đưa trả và đứa kia im lìm cầm lấy.
Hồi đó, ở lớp Miền hoàn toàn khép kín. Suốt buổi học, nó lặng lẽ dán người lên chỗ ngồi. Năm nay như có một cô gái nào đó ngồi vào chỗ của nó. Miền nói nhiều hơn, cười nhiều hơn, đã thấy nắng về trên gương mặt mùa đông của nó. Rõ ràng, từ khi thằng Hướng bỏ nhà ra đi, mối quan hệ giữa Miền và đám bạn học đã tốt lên rất nhiều.
Những ngày đó, tiếng đập cánh của lũ chim trong vườn ổi đã không còn buồn chán với tôi. Tôi ra vườn, sung sướng lắng tai nghe tiếng ong bay và đi rình bắt chuồn chuồn đậu trên nhành ớt. Tôi như quay lại tuổi lên mười. Nhiều lúc chẳng có lý do gì rõ rệt, tôi cũng nhoẻn miệng cười.
Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy tôi yêu thị trấn lạ lùng. Vì trường thị trấn mở lớp mười cho tôi và Miền tiếp tục được ngồi cạnh nhau trong giờ học. Vì thị trấn có Gò Rùa để hai đứa tôi có dịp đạp xe bên nhau ríu rít chuyện trò.
Một ngày, tôi ngạc nhiên thấy nhỏ Miền gục đầu xuống bàn trong giờ học. Tôi chạm khẽ tay nó, lo lắng:
– Mệt hả, Miền?
Nhưng ngay lập tức tôi phát giác nó đang đọc một cuốn sách giấu trong hộc bàn. – Coi chừng cô giáo thấy!
Tôi nói, và khi Miền gấp sách lại, tôi nhìn thấy ba chữ Trà hoa nữ ở ngoài bìa sách bên cạnh hình vẽ một người con gái tóc nâu. Đây là cuốn truyện trong tủ sách nhà ông ngoại thằng Phúc, tôi đã từng đọc qua.
Tôi ngớ ra mất một lúc, không hiểu tại sao Miền có cuốn truyện trong tay trong khi ông Giáo Dưỡng nổi tiếng khó tính, xưa nay không bao giờ cho bọn học trò mượn sách về nhà.
– Ở đâu Miền có cuốn này vậy? – Tôi tò mò hỏi.
– Phúc cho mượn.
Giờ ra về, tôi lại gần Phúc:
– Ông ngoại mày lúc này dễ tính quá há, Đuôi Tôm?
– Là sao?
Tôi khịt mũi:
– Quyển Trà hoa nữ đó.
– À, quyển đó là tao lén ông ngoại tao lấy cho nhỏ Miền mượn.
– Mày tốt với nó quá há.
– Bạn bè mà.
Tôi nhún vai:
– Tao cũng bạn mày mà có bao giờ mày lén lấy sách cho tao mượn đâu.
– Mày là con trai. Mày ở chơi nhà ông tao từ sáng đến tối tha hồ đọc. – Phúc xoa cằm, thanh minh – Nhỏ Miền là con gái, nó đâu có ở chơi lâu như mày được.
Giải thích của Phúc chí lý quá. Nếu tôi là Phúc, chắc tôi cũng lén lấy sách của ông mình cho Miền mượn. Ai lại bắt nhỏ bạn chạy tới chạy lui cả chục lượt chỉ để đọc cho xong một cuốn sách.
Ngực tôi đã thôi chèn đá. Ngực tôi nhẹ hẫng. Và tôi bâng quơ hỏi: – Mày cho nó mượn hôm nào vậy?
– Hôm qua.
Tôi dán mắt vào mặt Phúc:
– Hôm qua nó ghé nhà ông mày hả?
– Ừ.
Phúc gật đầu. “Ừ” xong, nó ngoảnh mặt ngó đi chỗ khác. Còn tôi, tự nhiên tôi đâm ra bần thần. Như vậy hôm qua nhỏ Miền đi một mình đến nhà ông Giáo Dưỡng. Nó không buồn đi chung với tôi như những ngày trước nữa.
Tôi hỏi, giọng buồn thiu:
– Sao nó biết hôm qua mày ở nhà ông mày mà tới mượn sách?
Phúc không trả lời câu hỏi của tôi. Có thể vì lúc đó nó đã về tới nhà, chuẩn bị quẹo vào cổng. Có thể khi tôi hỏi câu đó, một chiếc xe lam đậu chỗ bến xe nổ máy ầm ĩ
nên nó không nghe thấy.
Tôi không bao giờ nghĩ có một ngày mây đen sẽ kéo ngang qua tình bạn của chúng tôi. Phúc là đứa bạn thân duy nhất của tôi ở thị trấn, cả khi lên trường lẫn lúc về nhà. Nó là đứa gan dạ, có máu hào hiệp, giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha. Vì bênh tôi, nó từng đánh nhau với thằng Lẹ và thằng Cu Em, những đứa to con hơn nó gấp bội. Thằng Hướng du côn cả thị trấn đều kiềng mặt, vậy mà để trả thù giùm tôi, Phúc liều lĩnh dùng ná thun phục kích thằng này, chẳng kể gì đến an nguy của bản thân.
Nó là đứa duy nhất tôi tâm sự chuyện tôi thích nhỏ Miền. Và nó từng hăng hái bày mưu tính kế cho tôi.
Vậy mà bây giờ nó giấu tôi chuyện nhỏ Miền hẹn với nó xuống Gò Rùa. Nó cũng giấu cả chuyện nó lén cho Miền mượn sách.
Một mình đạp xe trên đường về, tôi nghe đầu mình ong ong như có ai vừa thả vào đó một mớ chong chóng. Đầu tôi quay tít mù. Tôi tự đặt cho mình vô số câu hỏi và tôi loay hoay tìm cách tự trả lời. Rằng nhỏ Miền hẹn thằng Phúc đến nhà ông Giáo Dưỡng để mượn sách là chuyện bình thường. Chuyện cỏn con như thế, chẳng lẽ lúc nào nó cũng rủ tôi đi chung. Chắc Miền sợ làm phiền tôi nên chọn cách đi một mình đó thôi. Thằng Phúc có lẽ thấy chuyện đó không có gì quan trọng nên không nói cho tôi biết. Cũng có thể nó định nói nhưng rồi đến phút chót nó lại không nhớ ra. Tôi cũng vậy thôi. Xưa nay, có những chuyện tôi định kể cho Phúc nghe, đến khi gặp nó tôi lại quên béng. Ờ, có vậy mà tôi cũng quýnh lên.
Nghĩ ngợi một hồi, lòng tôi dần dần bình tĩnh trở lại. Phúc là đứa có máu anh hùng, chắc nó không bao giờ phản bạn. Chỉ tại tôi đa nghi. Tôi giống ông Tào Tháo trong truyện Tam Quốc, gặp ai cũng nghi ngờ. Nghi ngờ và hãm hại cả những người tử tế với mình. Tôi tệ ghê!
——-
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cậu bé nặn một con kiến to như vậy. Chỉ vì nó muốn
giúp bạn nó biết con kiến là như thế nào.
Vài ngày sau nó kể với tôi khi Cỏ May rờ rẫm con kiến bằng đất sét của nó, cô bé đã kêu lên kinh ngạc:
– Con kiến to như thế này sao?
– Không. – Nó cười – Con kiến này lớn gấp tỉ lần con kiến thật.
Cỏ May lại hỏi, những ngón tay không ngừng bò quanh con kiến: – Nó có sáu chân và hai cái râu phải không?
– Ờ.
– Vậy là nó thua ông ngoại mình. Ông mình có tới cả ngàn sợi râu lận.
Cậu bé bảo tôi, Cỏ May vẫn có những giấc mơ giống như nó và các bạn nó. Nhưng trong những giấc mơ của Cỏ May không hề có màu sắc và hình ảnh.
Một lần Cỏ May nói:
– Tối hôm qua mình mơ thấy mình về nhà.
– Bạn mơ thấy ba mẹ bạn sao?
– Ờ.
– Họ như thế nào?
– Mình không biết. Mình không nhìn thấy ba mẹ mình.
– Thế sao bạn biết bạn về nhà?
– Mình nghe tiếng ba mẹ mình lao xao trò chuyện. Tiếng của bà ngoại mình rên rẩm vì cái chân đau. Và tiếng con Vện sủa đâu đây. Cả tiếng mưa trên mái lá nữa.
Cỏ May học ở trường dành cho trẻ em khiếm thị. Cô bé ở lại trong trường. Nó chỉ gặp Cỏ May vào cuối tuần khi cô về nhà.
Những hôm về nhà Cỏ May lại nằm mơ thấy mình ở trường.Lần này thì nó biết rồi. Nó nói:
– Trong giấc mơ bạn nghe thấy tiếng thầy cô giảng bài và tiếng bạn bè hò reo đùa nghịch phải không?
——-
Trong tám năm rời xa thị trấn, tôi cũng nhiều lần nằm mơ thấy tôi trở về.
Tôi thấy ba tôi chở tôi vào vườn ổi của ông Năm Khoa những chiều lộng gió, cỏ lông chông bay suốt quãng đường dài. Tôi thấy tôi và thằng Vinh còm giành nhau giã muối ớt trong chiếc cối đá ở gian bếp nhà nó. Mải giành nhau, chẳng đứa nào chịu chạy đi thắp đèn nên tôi và nó nhiều lúc thét be be vì bị chày nện vào tay. Tôi thấy những bức tường quét vôi vàng của ngôi trường trung học, thấy hàng dương liễu thướt tha dọc bờ rào, thấy cả cảnh tôi ngồi giữa đám bạn trong giờ chơi gân cổ ra kể chuyện để được trả công bằng cà rem, xá xị, bánh mì.
Và cuối cùng, bao giờ tôi cũng thấy Miền.
Tôi nhớ dạo giữa năm lớp mười, Miền thường xuyên ghé nhà ông ngoại tôi. Có hôm nó đi với Vinh còm, nhưng càng về sau tôi có cảm giác nó thích chạy xe một mình hơn. Dĩ nhiên, hôm nào Miền định ghé nhà ông tôi, nó phải báo cho tôi biết trước để tôi chạy về Gò Rùa đón nó.
Tôi thấy những chuyện đó rất đỗi bình thường và tôi chẳng nghĩ ngợi gì cho đến ngày Vinh còm hỏi tôi về quyển Trà hoa nữ tôi cho nhỏ Miền mượn trước đó. Thoạt đầu, tôi thản nhiên giải thích cho Vinh còm biết tại sao tôi lén lấy sách của ông tôi cho nhỏ Miền mượn, thậm chí tôi cảm thấy tự hào về hành động nghĩa hiệp đó của mình, nhưng đến khi Vinh còm dồn dập hỏi tới thì tôi bắt đầu nhận ra tình thế khó xử của mình, nhất là cái cách Vinh còm nhìn tôi chăm chăm khiến tôi đâm ra hoang mang.
Trong một lúc tôi có cảm giác mình đã làm một chuyện gì đó mờ ám.
Tối hôm đó, tôi mở mắt thao láo nhìn lên đỉnh mùng, tự hỏi có phải mình đã làm gì sai. Vinh còm là bạn thân của tôi. Trong lớp nó là đứa duy nhất dám trò chuyện với nhỏ Miền, bất chấp vì mối giao tình này nó bị thằng Hướng cho ăn đòn khá thường xuyên. Sau này tôi biết sở dĩ Vinh còm cắn răng chịu trận chỉ vì nó thích nhỏ Miền, nhưng khả năng chịu đựng phi thường của nó khiến tôi khâm phục.
Tôi không nghĩ Vinh còm thích nhỏ Miền ngay từ năm lớp bảy. Lúc đó có lẽ thấy bạn bè chẳng ai chơi với Miền, Vinh còm động lòng. Nó quan tâm đến Miền, chỉ muốn cho nhỏ bạn mình vui. Tôi đoán chỉ khi lên lớp chín, Vinh còm mới nhận ra nó thích nhỏ Miền thật. Còn hơn cả thích, thậm chí đã có thể gọi là yêu, khi Vinh còm ngượng ngùng thổ lộ với tôi khi nào lớn lên nó sẽ cưới nhỏ Miền làm vợ.
Nhưng đó chỉ là mộng ước của Vinh còm. Còn về phía nhỏ Miền, tôi ngờ rằng nó chẳng hề nghĩ ngợi sâu xa. Chắc chắn nó xem Vinh còm là bạn, tất nhiên hơn cả bạn thông thường – là người bạn tốt nhất của nó. Nhưng nó có thích Vinh còm như Vinh còm thích nó hay không thì tôi không rõ.
Tôi cũng không rõ nhỏ Miền có biết thằng Vinh thích nó hay không nữa. (À, lên cấp ba thì Vinh còm đã hết còm rồi, nên từ đây tôi sẽ gọi nó là Vinh). Vì vậy, tôi mới bày cho Vinh cách tỏ tình. Tôi xui nó nắm tay Miền lúc cả bọn chen nhau xem phim trước cổng chợ. Nếu Miền cũng thích Vinh, nó sẽ để yên tay nó trong tay Vinh, có khi nó sẽ xúc động nắm chặt tay thằng này. Như những đứa con trai con gái trong những cuốn truyện tôi từng đọc.
Nhưng Vinh đã không nghe tôi. Trong mắt tôi, nó mãi mãi là đứa con trai nhút nhát, nhẫn nại và âm thầm chịu đựng. Có ai đó bảo người nhút nhát trước con gái là người lương thiện. Và tình yêu nhút nhát là tình yêu chân thành. Nhưng con gái có thích người lương thiện và tình yêu chân thành đó hay không thì tôi chưa đủ từng trải để nhận xét.
Để đi tìm câu trả lời cho mình, và cũng để giúp Vinh, nhất là để ánh mắt thăm dò đầy nghi hoặc của nó không ám ảnh tôi nữa, tôi quyết định nói chuyện với Miền.
Tôi biết sẽ không dễ dàng chút nào khi mở miệng nói chuyện tình cảm với một đứa con gái, dù đó không phải là chuyện của mình, nhưng tôi không ngờ nó khó khăn đến thế.
Tôi lượn lờ quanh nhỏ Miền gần suốt buổi sáng, khi nó đến nhà ông tôi trả cuốnTrà hoa nữ và mượn cuốn sách khác. Nó lên nhà trên, tôi lên nhà trên. Nó xuống nhà dưới, tôi xuống nhà dưới. Đã vài lần tôi hắng giọng để tự trấn an, tin rằng sau khi làm vậy miệng lưỡi tôi sẽ trơn tru hơn nhưng khi nhỏ Miền nhìn tôi ra ý hỏi thì tôi lại ấp úng nói lảng qua chuyện khác.
Chỉ đến khi Miền dắt xe chuẩn bị ra về thì tôi biết mình không thể chần chừ được nữa. Tôi bước lại gần nó, cố ra vẻ thản nhiên:
– Miền nè.
– Gì hở Phúc?
– Có chuyện này nè.
– Chuyện gì vậy?
– Ở trong lớp mình ấy mà.
– Trong lớp mình sao? – Lần này tôi thấy đôi lông mày Miền nhướn lên. Nó vừa hỏi vừa xoáy mắt vào mặt tôi, chắc nó lấy làm lạ trước lối nói chuyện lòng vòng của tôi.
Ngay cả tôi, tôi cũng thấy tôi không giống mọi hôm chút nào và phát hiện đó khiến tôi gần như nổi điên lên với chính mình.
Tôi nói nhanh:
– Có một bạn trong lớp đang thích Miền đó.
Câu quan trọng đó, lẽ ra tôi phải nói chậm từng tiếng để chắc chắn nội dung của nó ngấm được vào vỏ não của người nghe nhưng đang bực mình nên tôi nói như gió. Tôi phun ra câu nói đó thì đúng hơn.
Nhưng nói được câu khó nói đó rồi, tôi lại bắt đầu lo lắng. Tôi kín đáo và hồi hộp quan sát nét mặt Miền. Tôi nghĩ chắc nó sẽ vô cùng sửng sốt hoặc vô cùng thẹn thùng. Cũng có thể nó sẽ giận dữ. Hoặc cả ba.
Nhưng chẳng có gì giống như tôi nghĩ. Phản ứng của Miền hoàn toàn ra ngoài tiên liệu của tôi.
– Vậy hở? – Nó buột miệng, giọng nhẹ như ru, vừa giống như ngạc nhiên vừa giống như muốn nói đó là chuyện cả thế giới ai cũng biết rồi.
– Ừ. – Tôi ngập ngừng đáp, đột ngột cảm thấy thiếu tự tin.
Giọng Miền thoảng bên tai tôi:
– Miền cũng vậy.
Tôi chớp mắt:
– Cũng vậy là sao?
– Là Miền cũng đang thích bạn đó. – Miền nói, tôi thấy có cái gì giống như nụ cười trôi qua môi nó nhưng tôi cũng không chắc có đúng là nó đang mỉm cười thật không.
Tôi đang định hỏi lại bạn đó là ai, có phải là thằng Vinh không thì Miền đã vội vàng leo lên xe chạy mất. Trông nó như người đang chạy trốn.
Chương 6: Kỳ 6
Cảm giác bất an xâm chiếm tôi từng ngày một. Tôi tìm mọi cách để xua đuổi nó nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra sự bất lực của mình. Cảm giác đó giống như một đạo quân hùng mạnh nhưng vô hình, tôi không biết nó đến từ đâu và làm thế nào để chống lại nó.
Từ ngày biết được Miền vẫn xuống Gò Rùa một mình, bỗng dưng tôi thấy Miền thật là xa cách. Đó không phải là sự xa cách trong không gian, cũng không phải sự xa cách trong thời gian. Đó là sự xa lạ trong tâm tưởng.
Miền vẫn trò chuyện với tôi bình thường như mọi ngày, hoặc nó cố làm ra vẻ thế, nhưng tôi không thể làm như nó. Tôi không thể giả vờ không có chuyện gì xảy ra giữa hai đứa tôi.
Lúc đó tôi chưa biết đó là cảm giác ghen tuông nhưng cứ mỗi lần hình dung cảnh Miền đi gặp Phúc mà không rủ tôi đi theo, cũng không nói với tôi một lời, ngực tôi lại tức nghẹn. Tôi đã bao nhiêu lần tự bào chữa cho hành động của Miền, rằng nó không muốn lúc nào cũng kéo tôi đi theo như kéo một cái rơ-moóc. Rằng nó muốn tôi có thì giờ học bài hay làm những chuyện khác bổ ích hơn. Nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra tôi chỉ là một luật sư tồi. Ngay cả tôi, tôi cũng không mảy may tin vào những lời biện hộ gượng gạo của mình.
Sau này ngồi nhớ lại, tôi biết hồi đó tôi đã yêu Miền rất nhiều. Cậu Huân nói đúng, tình bạn là mảnh đất màu mỡ để tình yêu đâm chồi và phát triển. Nhưng hạt giống tình yêu chỉ được số phận gieo xuống trái tim tôi. Trái tim Miền, nếu hạt giống tình yêu đã từng được gieo xuống, nó cũng đã héo khô, hoặc nếu mọc lên thì chiếc lá xanh tươi của nó cũng không hướng về phía tôi.
Miền chắc nhận ra sự thay đổi của tôi trong cách nói chuyện nhát gừng nhưng nó
không biểu lộ thái độ gì. Ở trên lớp, nó vẫn quay sang tôi mượn cuốn Cách chia động từ bất quy tắc trong giờ học tiếng Anh hoặc mượn bảng Logarit trong giờ Toán, như trước nay vẫn thế.
Mới hôm qua đây thôi, tôi chạy xe ngang nhà Miền ở gần cổng chợ, giật bắn người khi nghe nó kêu tôi:
– Vinh ơi, Vinh!
Tôi chống một chân xuống đất, ngoảnh nhìn nó:
– Gì thế Miền?
Miền đứng trước hiên, một tay cầm túi ni lông, tay kia ngoắt tôi:
– Vinh lại đây!
Tôi tiến lại, tò mò và hồi hộp.
Khi tôi đến gần, Miền chìa túi ni lông ra trước mặt tôi, mỉm cười: – Tặng Vinh nè.
Tôi cúi nhìn. Đó là túi bánh xu xê, loại bánh mà tôi rất thích.
– Ở đâu vậy Miền? – Tôi hỏi, ngạc nhiên và cảm động.
– Miền mới đi ăn cưới ông chú về. Miền để dành cho Vinh đó.
Tôi ngẩn ngơ cầm lấy túi bánh, cảm giác ngất ngây như cầm một giấc mơ: – Cảm ơn Miền nha.
Mãi đến khi đạp xe về, nhìn túi bánh đong đưa trên ghi-đông, tôi vẫn không tin vào những gì vừa xảy ra.
Xưa nay, thỉnh thoảng Miền vẫn tặng tôi khi thì quả xoài khi thì chiếc bánh quế,
như ngầm cảm ơn tôi đã tận tình giúp đỡ nó trên lớp, đã đánh bạn với nó trong những ngày không ai chơi với nó.
Nhưng trong thời điểm đặc biệt này, món quà của nó đối với tôi có một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Đó không chỉ là những chiếc bánh, đó còn là lời tâm tình Miền nhắn gửi đến tôi. Rằng nó vẫn nhớ đến tôi như dạo nào. Rằng nó không quay lưng với tôi như tôi vẫn nghĩ. Rằng nó xuống Gò Rùa chỉ để đi mượn sách, như bất cứ một đứa ham đọc nào.
Trong buổi trưa hôm đó, trên đầu tôi bầu trời xanh hơn, mây trắng hơn và bên tai tôi nữa, tiếng chim hót cũng véo von hơn.
Tôi lại yêu thị trấn. Vì thị trấn có chợ và gần cổng chợ có một ngôi nhà và trước ngôi nhà đó có người con gái đứng đợi tôi chạy xe ngang qua để trao cho tôi món quà đầy ẩn ý.
Những ngày qua, chắc hẳn Miền thừa biết tôi buồn. Nó không nói gì chỉ vì nó là con gái đó thôi. Con gái khác con trai. Con gái bao giờ cũng e lệ. Nó an ủi tôi bằng ngôn ngữ của nó. Nó xoa dịu trái tim tôi bằng bánh xu xê.
Tôi đọc sách, thấy nhà văn Thạch Lam khen bánh xu xê “Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng
ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ: cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm”. Ông Thạch Lam nói đúng ghê. Bánh xu xê là thứ bánh tôi thích nhất, không chỉ vì nó ngon mà còn vì nó đẹp.
Hôm nay tôi càng thích bánh xu xê hơn nữa vì bánh xu xê là bánh vợ chồng. Cậu Huân từng bảo thế. Cậu bảo ngày xưa khi vua Lý Anh Tông đi đánh giặc, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra chiến trận cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng nên đặt tên chiếc bánh đó là bánh phu thê, lâu ngày người ta gọi chệch đi là bánh xu xê. Tôi tin cậu Huân nói đúng, vì ở thị trấn quê tôi trong các dịp đám cưới hay đám hỏi bao giờ tôi cũng thấy người ta bày bánh xu xê và hình ảnh đó vẫn luôn sống động trong ký ức tôi.
Nhỏ Miền tặng bánh xu xê cho tôi hẳn nó ngầm ký thác bao lời ước hẹn. Nó ý tứ ghê.
Kể từ hôm đó tôi đã thôi buồn. Lòng tôi đã thôi có gió thổi qua, chỉ có suối reo róc rách.Đến lớp, tôi đã lại trò chuyện với Miền như xưa. Tôi cười với nó và sung sướng thấy nó cười với tôi.
Niềm vui trong lòng tôi còn nhân lên gấp bội khi Phúc đột ngột ghé nhà tôi. Bây giờ Phúc đã lớn, nó tự đi chứ không còn ngồi sau xe cho ba nó chở qua nhà tôi nữa.
– Tao đã nói với nhỏ Miền chuyện mày thích nó rồi đó. – Phúc vui vẻ hắng giọng, khi hai đứa ngồi trên những khúc gỗ tròn kê ngoài vườn, nơi ba tôi và ba nó vẫn thường trải chiếu ngồi nhắm rượu vào mỗi buổi chiều.
Phúc làm tôi giật bắn. Tim tôi đập thình thịch:
– Mày nói hồi nào?
– Cách đây mấy ngày.
Tôi nuốt nước bọt, tự nhiên nghe cổ họng khô rang:
– Rồi nó nói sao?
Phúc đập tay lên vai tôi, toét miệng cười:
– Nó nói nó cũng thích mày.
– Thật không đó, Đuôi Tôm? – Tôi hỏi và nghe giọng mình run lên.Phúc nhún vai: – Tao nói xạo mày làm chi.
Ngập ngừng một chút, nó đưa tay xoa tóc, tặc tặc lưỡi:
– À, mà tao không khai tên mày ra. Tao chỉ nói “Có một bạn trong lớp đang thích Miền”. Nó liền bảo nó cũng đang thích bạn đó.
Tôi chớp mắt, giọng trách móc:
– Mày nói trống không như vậy làm sao nó biết là ai!
– Sao không biết! – Phúc hừ mũi – Mày thích nó từ lâu rồi chứ đâu phải mới đây!
Ờ, Phúc nói đúng quá. Nó đúng là cháu ông Giáo Dưỡng, chuyện gì cũng biết. Tình cảm tôi dành cho Miền đã bộc lộ từ hồi chúng tôi học cấp hai, chỉ có điều lúc đó tôi còn quá bé để gọi tên tình cảm của mình. Bây giờ thì tôi biết đó là tình yêu. Tôi biết, dĩ nhiên Miền cũng biết. Cậu Huân từng quả quyết với tôi: Con gái bao giờ cũng thông minh và sâu sắc hơn con trai, con à!
Hôm đó trước khi Phúc ra về, tôi cẩn thận dặn nó:
– Lần tới gặp nhỏ Miền, mày nhớ dò hỏi xem người nó thích có phải là tao không nha!
Phúc đá vào chân tôi:
– Mày chứ ai!
Bất chấp lời khẳng định của Phúc, tôi vẫn khăng khăng:
– Khi nào nghe chính miệng nó nói, tao mới tin.
Phúc dắt xe ra cổng, vừa đi vừa gật đầu:
– Được rồi. Lần tới tao hỏi.
——-
Trong mắt tôi, nó vẫn là đứa bé ngây thơ ở tuổi lên bảy.
Những ý nghĩ của nó bao giờ cũng ngộ nghĩnh và đáng yêu.
– Chú à. – Một hôm nó hỏi – Tại sao hoa mướp màu vàng mà hoa chanh lại màu trắng hở chú?
Câu hỏi của nó khiến tôi vô cùng bối rối.
– Ờ, hình như những loại cây ra trái như cây ớt, cây ổi, cây bưởi, cây chanh, cây cau đều ra hoa màu trắng con à.
– Cây mướp cũng ra trái đấy thôi.
Tôi tặc lưỡi:
– Nhưng đó là loại dây leo. Dây leo như mướp, bí, khổ qua thì ra hoa vàng. Tôi rất hài lòng với cách giải thích của mình cho đến khi nó hỏi tiếp: – Thế tại sao cây khế lại ra hoa tím?
– Ờ há. Chú cũng không biết nữa.
– Con biết. – Nó cười.
– Tại sao?
– Con nghĩ các loài cây đều ra hoa theo cách chúng thích. Giống như con thích đội chiếc mũ trắng nhưng thằng bạn con thích đội chiếc mũ vàng. Và một đứa khác thì thích chiếc mũ tím. Nhiều khi chỉ để không giống hai đứa kia.
– Nhưng chú chẳng bao giờ thấy con đội mũ. – Tôi nhìn cậu bé dò xét, quả thật từ khi quen nó tôi chưa thấy nó đội mũ bao giờ dù hôm đó trời nắng đến mức mọi bụi cỏ đều sẵn sàng bốc cháy.
– Con không thích đội mũ. Nói chung con không thích đội mũ lẫn mang dép. Nhưng nếu không mang dép thì ba mẹ con không cho con ra khỏi nhà.
Hồi bằng tuổi cậu bé, tôi cũng thế. Ra khỏi nhà là tuột dép cầm tay. Chạy chân trần chán, về sắp tới cổng nhà mới mang dép vào để không bị mắng.
Người lớn muốn trẻ em đội mũ để che nắng, mang dép để khỏi bị gai đâm. Nhưng
mọi đứa trẻ đều cảm thấy vô cùng vướng víu cái ý muốn tốt đẹp đó. Tôi nhìn mái tóc cháy nắng của nó:
– Nhưng không đội mũ con sẽ bị đau đầu đó.
——-
Tôi chưa thấy Miền đội mũ bao giờ. Nón lá nó cũng không đội. Con gái thị trấn mười đứa ra đường hết chín đứa đội nón lá. Đứa thứ mười là Miền. Nó luôn luôn để đầu trần đến lớp. Tới nhà ông ngoại tôi, lần nào tôi cũng thấy mái tóc dài của nó tung bay trong gió.
Mái tóc nhỏ Miền chỉ thôi bay khi tôi chép miệng nói:
– Miền nè.
– Gì hở Phúc?
Cách chúng tôi mở đầu cuộc trò chuyện giống hệt như lần trước khiến tôi có cảm giác buổi sáng hôm nay là đứa em song sinh với buổi sáng hôm nọ.
– Người bạn trong lớp thích Miền ấy mà! – Tôi nói, cố lấy giọng thản nhiên. – Bạn ấy sao?
Tôi khụt khịt mũi:
– Miền có biết là ai không?
– Là ai?
– Miền không biết thật hở?
– Thật.
Tôi trố mắt:
– Thế sao hôm trước Miền bảo Miền cũng thích bạn đó?
– Tại vì…
– Tại vì sao? – Tôi liếm môi.
Miền nhìn ra sân nắng, nơi đặt những chậu cây kiểng của ông tôi. Tôi không rõ nó đang ngắm những thân cây uốn lượn nằm kế bờ giậu hay đang tránh ánh mắt dò hỏi của tôi. Chỉ nghe giọng nó ngập ngừng như gió thoảng:
– Tại vì Miền đoán bạn đó là…
Tôi nôn nóng vọt miệng, nhận ra mình hấp tấp hơn bình thường: – Là Vinh phải không?
– Không.
Lời phủ nhận của Miền không làm tôi bất ngờ, thực sự là như vậy, vì thời gian qua tôi đã lờ mờ đoán ra Miền đang thích ai nhưng khi nghe Miền tự nói ra điều đó, tôi vẫn thấy choáng váng.
– Thế Miền nghĩ bạn đó là ai? – Tôi khép mắt lại và nghe giọng nói của mình phát ra từ một âm vực thấp đến mức ngay cả tôi cũng không nghe rõ.
Lâu thật lâu tôi không nghe Miền trả lời. Đến khi tôi tưởng như thời gian đã đóng băng mãi mãi (và khi tôi mở mắt ra thì Miền đã không còn ở đó nữa), một giọng nói bất thần vẳng tới tai tôi, mỏng manh, vi vu, xa tít tắp, như không phải phát ra từ đằng sau mái tóc của Miền mà đến từ đằng sau lũy tre xanh ở cuối Gò Rùa:
– Là người bạn thân nhất của Vinh!——-
Đôi khi cuộc sống chảy theo cách nó muốn.
Chúng ta nghĩ như thế này, cuộc sống lại thích làm ngược lại.
Một buổi chiều, Phúc đến nhà tìm tôi.
Nó kéo tôi ra vườn, không hé môi tiếng nào, lặng lẽ nhặt một khúc cây giúi vào tay tôi.
– Gì thế mày? – Tôi nhướn mắt nhìn nó.
Phúc làm thinh. Nó thả người lên khúc gỗ tròn quen thuộc, quay lưng về phía tôi, gọn lỏn:
– Mày đánh tao đi!
Tôi há hốc miệng:
– Mày điên hả? Tại sao tao phải đánh mày?
Phúc thở dài:
– Vì tao đã nói chuyện với Miền.
Tôi nín thở, tự nhiên cảm thấy bất an:
– Mày nói gì?
– Tao hỏi nó thích ai trong lớp.
Tôi nhìn khúc cây trên tay, bất giác nghe lòng chùng xuống:
– Người nó thích không phải là tao phải không?
Có vẻ như Phúc không muốn trả lời câu hỏi của tôi. Nhưng cuối cùng nó cũng ngập ngừng thốt ra tiếng “Ờ” nhỏ xíu.
– Vậy người đó chắc là mày? – Tôi vọt miệng, nhanh đến mức có cảm tưởng câu nói tự động bật ra khỏi môi tôi.
Lần này Phúc ngồi im. Nó đưa mắt nhìn đi đâu đó bên kia hàng rào, nơi những
cánh bướm đang chập chờn bay thi với cỏ lông chông. Tôi không biết Phúc đang nghĩ gì nhưng dáng ngồi bất động của nó còn hơn cả một sự thừa nhận.
– Mày đâu có lỗi trong chuyện này. – Tôi phá tan sự im lặng và vung tay ném khúc cây ra xa.
Phúc ngập ngừng:
– Nhưng…
– Mày cũng thích Miền?
– Tao không biết.
– Mày bảo không biết tức là mày đã biết, Đuôi Tôm à. – Tôi thở ra, nghe miệng mình đắng nghét.
Tự nhiên tôi nhớ đến cậu Huân. Cậu là con người tài hoa. Cậu sáng tác nhạc, ký tên Hồ Trường Huân. Sau này tôi mới biết tên thật của cậu là Hồ Văn Huân. Tôi hỏi, sao cậu đổi tên, cậu bảo để cho lãng mạn. Cậu giải thích “Hồ Trường Huân nghe thơ mộng, trữ tình. Hồ Văn Huân nghe dở ẹc, nghe như đấm vào tai”. Tôi từng tròn mắt chiêm ngưỡng những cuốn sổ chép nhạc của cậu. Những cuốn sổ kẻ ca-rô to dày, chung quanh mỗi bài nhạc được trang trí rất nhiều hình vẽ, hình nào cũng tô màu rất đẹp. Nhạc của cậu, dĩ nhiên chỉ có mình cậu hát. Ra-dô không bao giờ phát nhạc của Hồ Trường Huân. Nhưng mỗi lần nhìn cậu vừa gảy ghi-ta vừa lim dim mắt, miệng ngân nga theo nốt nhạc, tôi phục lăn. Sau này, trong những lúc ngồi mơ màng ôn lại chuyện cũ, tôi mới biết cậu là kiểu người sống trên mây.
Cậu Huân yêu nhiều người và chỉ yêu những phụ nữ đẹp. Phụ nữ không đẹp, cậu không màng. Cậu viết nhạc tặng những cô gái cậu yêu và khi cậu ôm đàn tới nhà hát cho họ nghe, mặt người nào cũng ửng lên vì sung sướng. Sau đó, họ vội vã đi lấy chồng. Dĩ nhiên chồng của họ không phải là nhạc sĩ vô danh Hồ Trường Huân.
Bằng cách nào đó mãi mãi là điều bí mật với tôi, cậu trộm được những tấm hình của các cô gái, chạy ra tiệm ảnh phóng to, lồng khung cẩn thận rồi đem về treo khắp
vách nhà. Cả chục cô, có cô tôi biết có cô tôi không biết, nhưng đều giống nhau ở chỗ người nào cũng đẹp. Cậu khoe tôi đó là những người yêu của cậu, và vì cậu và các cô kia tính tình không hợp nhau nên cậu đã chia tay hết rồi. Cậu nói về chuyện đó với vẻ kiêu hãnh xen lẫn phiền muộn. Về sau tôi mới biết cậu yêu đơn phương tất cả bọn họ
và khi lớn lên một chút nữa tôi mới đủ tinh ý để đọc được nỗi buồn thăm thẳm trong đáy mắt cậu.
Chẳng lẽ tôi giống cậu Huân? Phải chăng tình cảm tôi dành cho nhỏ Miền từ trước đến nay chỉ là tình yêu một chiều?
Chiều hôm đó sau khi Phúc ra về, tôi ngồi một mình ngoài vườn thẫn thờ chờ đêm xuống. Tôi nhớ lại túi bánh xu xê hôm trước Miền tặng tôi mà lòng buồn muốn khóc. Hóa ra Miền chẳng có ẩn ý gì khi tặng bánh cho tôi. Có thể nó chẳng biết sự tích vua Lê Anh Tông, chẳng biết bánh xu xê có một tên gọi khác. Nó tặng bánh cho tôi như tặng một phần quà an ủi. Để nó khỏi ray rứt. Và để cho tôi đỡ bị thiệt thòi.
Có lẽ nhỏ Miền nghĩ như vậy thật nên hôm sau, lúc tôi chạy ngang nhà nó, nó lại kêu tên tôi inh ỏi. Lần này Miền tặng tôi một túi chà là. Tôi cũng thích ăn chà là. Nhưng tôi không muốn nhận quà của Miền nữa. Tôi biết túi chà là của Miền không thể nào lấp đầy khoảng trống trong lòng tôi lúc này, ngược lại càng làm cho nó mênh mông hơn.
– Cảm ơn Miền. Nhưng tôi đang bị đau răng, không ăn chà là được. Tôi từ chối khéo và lững thững đạp xe đi.
Tôi biết nhỏ Miền đang đứng nhìn theo tôi và nó thừa biết tôi vừa nói dối.