Não Của Bạn Không Xử Lý Thông Tin Và Nó Không Phải Là 1 Cái Máy Tính

Não Của Bạn Không Xử Lý Thông Tin Và Nó Không Phải Là 1 Cái Máy Tính

nao-cua-ban-khong-xu-ly-thong-tin-va-no-khong-phai-la-mot-cai-may-tinh
Não của bạn không xử lý thông tin, truy vấn kiến thức hay là chứa trí nhớ. Nói ngắn gọn: não của bạn không phải là một cái máy tính.
Về tác giả: Robert Epstein là một nhà nghiên cứu lâu năm về tâm lý học ở Học viện Nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Hoa Kỳ tại California (American Institute for Behavioral Research and Technology in California). Ông cũng là tác giả của 15 cuốn sách, đồng thời là cựu tổng biên tập Psychology Today.

Não của bạn không xử lý thông tin, truy vấn kiến thức hay là chứa trí nhớ. Nói ngắn gọn: não của bạn không phải là một cái máy tính.
Cho dù có cố gắng thế nào thì các nhà khoa học não cũng như các nhà tâm lý học về nhận thức cũng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy bản sao của Bản giao hưởng số 5 của Beethoven trong bộ não – hay các bản sao của từ ngữ, hình ảnh, quy tắc ngữ pháp hay bất kỳ một kích thích từ môi trường bên ngoài trong đó. Tất nhiên não người không hề trống rỗng. Nhưng nó không chứa phần lớn những thứ mà người ta hay nghĩ rằng nó phải có – ngay cả những thứ đơn giản nhất như là “ký ức”.
Những suy nghĩ tầm phào đầy sai lầm của chúng ta về não bộ đã có từ thời xa xưa, nhưng sự ra đời của máy tính trong thập niên 1940 càng làm chúng ta bối rối hơn. Kết quả là hơn một nửa thế kỷ qua, các nhà tâm lý học, ngôn ngữ học, thần kinh học và các chuyên gia hàng đầu khác về hành vi của con người luôn nói cứ như thể não người làm việc như một cái máy tính.
Để thấy rõ sự ngớ ngẩn trong cách so sánh này, hãy xem xét não của những em bé. Nhờ vào sự tiến hoá mà những bản thể nhỏ nhoi của loài người, cũng giống như những bản thể sơ sinh của các loài động vật có vú khác, bước vào thế giới này và được chuẩn bị đầy đủ để có thể tương tác với nó một cách hiệu quả. Nhãn quan của em bé sơ sinh tuy còn mờ đục nhưng đã có thể hướng sự chú ý đến các khuôn mặt, và có thể nhanh chóng nhận ra mặt của người mẹ. Bé thích nghe giọng người hơn là những âm thanh không phải giọng nói, có thể phân biệt được các giọng nói cơ bản khác nhau. Do đó, không có gì phải nghi ngờ khi nhận xét rằng chúng ta được tạo nên để kết nối với người khác.
Một em bé sơ sinh khỏe mạnh còn được trang bị hàng tá các phản xạ tự nhiên khác – chúng là những phản xạ được cài đặt sẵn để phản ứng với bất kỳ các kích thích nào từ bên ngoài để giúp chúng sống sót. Một em bé sẽ quay đầu hướng đến vật đang cọ vào má chúng và sẽ mút những gì được đưa vào miệng mình. Bé sẽ tự động nín thở khi ở dưới mặt nước. Bé sẽ nắm chặt một thứ đặt vào lòng bàn tay mình đến nỗi  có thể dựa vào đó để tự đứng được. Và có lẽ quan trọng nhất là, những trẻ em mới sinh ra đã được trang bị sẵn cơ chế học hỏi cực kỳ mạnh giúp chúng có thể thay đổi nhanh chóng để có thể tương tác ngày càng hiệu quả hơn với thế giới mình đang sống, cho dù thế giới ấy khác xa với thế giới mà tổ tiên chúng phải đối mặt.
Cảm nhận, phản xạ và cơ chế học hỏi – đó là những hành trang vào đời của chúng ta. Những hành trang này thực sự là những cơ chế rất tinh xảo nếu bạn nghĩ kỹ về chúng. Nếu thiếu đi bất cứ khả năng trong số này, chúng ta có khả năng rất cao sẽ khó sống sót được.
Nhưng đây là những thứ mà chúng ta sinh ra mà không có sẵn: thông tin, dữ liệu, quy tắc, phần mềm, kiến thức, từ vựng chuyên ngành, những mô ta, những thuật toán, chương trình, mô hình, trí nhớ, hình ảnh, bộ xử lý thông tin, chương trình con, bộ mã hóa xung, bộ giải mã, các biểu tượng, hay là vùng lưu trữ dữ liệu tạm thời – đây là những yếu tố để thiết kế ra một chiếc máy tính số và giúp chúng hoạt động một cách thông minh. Không chỉ sinh ra mà không có các yếu tố này, ngay cả khi lớn lên chúng ta cũng không phát triển những thứ như vậy trong đầu – không bao giờ.
Chúng ta không lưu trữ ngôn từ hay các quy tắc sử dụng các từ ngữ đó. Chúng ta không tạo ra các hình ảnh phỏng chiếu từ các yếu tố kích thích thị giác, lưu trữ chúng trong các bộ nhớ tạm thời ngắn hạn, và rồi chuyển chúng đến bộ nhớ lưu trữ dài hạn. Chúng ta không gọi ra các thông tin, hình ảnh hay là từ ngữ được ghi trong trí nhớ. Máy tính thực hiện những thao tác này, nhưng các sinh vật hữu cơ thì không.
Các máy tính xử lý thông tin (theo đúng nghĩa đen) – những con số, ký tự, từ ngữ, công thức, hình ảnh. Các thông tin đầu tiên phải được mã hóa thành các định dạng mà máy tính có thể sử dụng, tức là các chuỗi nhị phân 0 và 1 (‘bits’), được sắp xếp vào các cụm nhỏ (‘bytes’). Trong máy tính của tôi, cứ mỗi byte thì chứa 8 bits, và khi các bits đó được xếp theo đúng một quy tắc nào đó thì nó sẽ hiển thị ký tự d, một chuỗi khác sẽ hiển thị ký tự o, và một chuỗi khác là g. Xếp cạnh nhau, ba chuỗi bytes đó sẽ tạo ra từ dog (“con chó”). Một bức hình – ví dụ như hình chụp con mèo Henry đang ngồi trên bàn máy tính của tôi – được tạo nên bởi một triệu bytes (“một megabytes”) được sắp xếp theo một quy tắc nhất định, đi kèm với một vài ký tự đặc biệt báo cho máy tính biết rằng đây là một hình ảnh, không phải là một từ.
Các máy tính, theo đúng nghĩa đen, sẽ đưa các chuỗi đó từ nơi này đến nơi khác trong bộ lưu trữ vật lý được hàn chặt vào các thiết bị điện tử. Đôi lúc chúng sẽ sao chép các chuỗi này, và đôi lúc có thể là biến đổi chúng theo nhiều cách khác nhau – ví dụ như khi chúng ta sửa lỗi trong một văn bản hoặc khi chỉnh sửa ảnh. Các nguyên tắc mà máy tính tuân theo để di chuyển, sao chép hay thực hiện các tác vụ lên các nhóm dữ liệu này cũng được lưu trữ bên trong máy tính. Khi được gộp lại với nhau, một nhóm các quy tắc được gọi là “chương trình” hoặc là một “thuật toán”. Một nhóm các thuật toán hoạt động chung với nhau để giúp chúng ta làm gì đó (như là mua cổ phiếu hay là hẹn hò trên mạng) thì được gọi là “ứng dụng” – mà mọi người hay gọi là “app”.
Thứ lỗi cho tôi về đoạn giới thiệu về khoa học máy tính này, nhưng tôi cần phải nói rõ: máy tính thực sự hoạt động dựa trên các biểu tượng đại diện cho thế giới. Chúng thực sự lưu trữ và truy vấn. Chúng thực sự xử lý. Chúng thực sự có bộ nhớ vật lý. Chúng thực sự được hướng dẫn phải thực hiện một tác vụ như thế nào bởi các thuật toán, không có ngoại lệ nào cả.
Còn con người thì trái lại, không hề, chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ làm những điều đó. Nếu đây là sự thật thì tại sao nhiều nhà khoa học cứ nói về trí não cứ như thể chúng ta là những chiếc máy tính?
Trong quyển sách In Our Own Image (2015), chuyên gia về trí tuệ nhân tạo George Zarkadakis mô tả sáu hình ảnh ẩn dụ mà con người đã dùng suốt 2000 năm qua để giải thích về sự thông minh của loài người.
Ở ẩn dụ đầu tiên được ghi chép trong Kinh thánh, con người được cho là một thực thể tạo nên từ đất sét hoặc bụi, sau đó được một vị thần trí tuệ gửi linh hồn vào đó. Linh hồn đó chính là “lời giải thích” về sự thông minh của chúng ta – ít nhất về mặt ngữ nghĩa.
Sự ra đời của hệ thống thủy lực ở thế kỷ thứ 3 TCN đã khiến khái niệm mô phỏng trí tuệ con người theo hệ thống thủy lực trở nên phổ biến. Theo ý tưởng này, có các dòng chảy khác nhau trong cơ thể người gọi là các dòng chảy tri giác và chúng chính là các yếu tố tạo nên cơ thể và trí tuệ của chúng ta. Hình ảnh ẩn dụ về hệ thống thủy lực tồn tại hơn 1600 năm, làm kìm hãm rất nhiều sự phát triển của y học.
Đến những năm 1500, các máy cơ tự động chạy bằng lò xo và dây cót được phát minh, tạo ra niềm cảm hứng cho các triết gia hàng đầu như René Descartes đưa ra nhận định rằng con người là một cỗ máy phức tạp. Trong những năm 1600, triết gia người Anh Thomas Hobbes đưa ra ý tưởng rằng sự suy nghĩ xuất phát từ các chuyển động cơ học nhỏ xíu ở trong não. Đến những năm 1700, khám phá của con người về điện và hóa học đã dẫn đến một học thuyết mới về trí tuệ loài người – một lần nữa vẫn lại là một hình ảnh ẩn dụ. Đến giữa những năm 1800, được truyền cảm hứng bởi những bước tiến trong công nghệ truyền thông, nhà vật lý người Đức Hermann von Helmholtz đã so sánh bộ não với máy điện tín.
Mỗi hình ảnh ẩn dụ phản ánh những lối tư duy tân tiến nhất trong thời kỳ đã tạo ra nó. Do đó không quá ngạc nhiên khi mà chỉ vài năm sau khi công nghệ máy tính được ra đời những năm 1940, bộ não đã nhanh chóng được mô tả như là một cái máy tính, với phần não đóng vai trò là một phần cứng còn các suy nghĩ thì chính là phần mềm. Cột mốc quan trọng giúp tạo ra lĩnh vực mà chúng ta bây giờ gọi là “khoa học nhận thức” là việc xuất bản ấn phẩm Ngôn từ và Giao tiếp (1951) bởi nhà tâm lý học George Miller. Miller đặt ra giả thiết rằng tâm trí con người có thể được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bằng cách dùng các khái niệm trong lý thuyết thông tin, lý thuyết máy tính và ngôn ngữ học.
Kiểu suy nghĩ này đạt đến đỉnh điểm khi nó được giải thích trong quyển sách ngắn Máy tính và Bộ não (1958). Trong quyển sách này, nhà toán học John von Neumann khẳng định thẳng thừng rằng hệ thần kinh của con người ‘cốt lõi là số’ (‘prima facie digital’). Mặc dù thừa nhận rằng chúng ta biết rất ít về vai trò của bộ não trong việc tạo nên tư duy và trí nhớ ở con người, ông liên tục đưa ra các so sánh về sự tương đồng giữa các bộ phận cấu tạo nên máy tính thời đó và bộ não người.
Được thúc đẩy bởi các bước tiến sau đó trong cả lĩnh vực nghiên cứu về máy tính cũng như về não bộ, các nhà khoa học đã dần dần phát triển tham vọng giải thích trí tuệ của loài người xuyên suốt nhiều lĩnh vực khác nhau, với ý tưởng cốt lõi bám chặt vào ý niệm con người, cũng như máy tính, là một bộ vi xử lý thông tin. Nỗ lực này hiện nay đã thu hút hàng ngàn nhà nghiên cứu, tiêu tốn hàng tỷ đô la tiền tài trợ, khai sinh ra một loạt các bài báo khoa học gồm cả các báo đơn thuần về kỹ thuật chuyên ngành và cả các bài báo hay sách vở cho đại chúng. Quyển sách Làm sao để tạo ra Tâm trí: Hé lộ bí mật về tư duy của con người (2013) của Ray Kurzweil là một ví dụ điển hình cho góc nhìn này, nó mô tả về các ‘thuật toán’ ở trong não, cách mà bộ não ‘xử lý dữ liệu’, và thậm chí là chỉ ra bộ não giống một bộ mạch khép kín như thế nào.
Hình ảnh ẩn dụ gắn việc xử lý thông tin (information processing – IP) với trí tuệ của loài người hiện đang thống trị, cả trong các cuộc trò chuyện trên hè phố lẫn trong giới khoa học. Bây giờ hầu như không ai nhắc về trí tuệ của loài người mà không dùng đến hình ảnh ẩn dụ này, cũng giống như không ai có thể nói về trí tuệ của loài người trong một thời điểm lịch sử và văn hóa mà không nhắc đến linh hồn hay là thần linh. Sự hợp lý của hình ảnh ẩn dụ này được mọi người mặc nhiên thừa nhận và không nghi ngờ gì cả.
Nhưng cách suy nghĩ này thực chất cũng chỉ là một ẩn dụ – một câu chuyện chúng ta kể cho nhau để giúp bản thân hình dung được một thứ chúng ta không hiểu. Và cũng giống như các hình ảnh ẩn dụ trước đó, nó rồi cũng sẽ bị gạt đi trong một thời điểm nào đó – có thể là để thay thế bằng một hình ảnh ẩn dụ khác, hoặc bằng những kiến thức chuẩn xác cuối cùng.
Chỉ hơn một năm trước, khi đi thăm một trong những viện nghiên cứu uy tín nhất trên thế giới, tôi đã thách thức các nhà nghiên cứu có thể nói đến trí tuệ loài người mà không dùng bất cứ mô tả nào liên quan đến hình ảnh ẩn dụ IP. Họ không thể làm được, và khi tôi lịch sự nêu ra vấn đề này trong một email sau đó, họ vẫn không thể có câu trả lời để hồi đáp trong nhiều tháng sau. Họ thấy vấn đề nhưng không gạt đi coi đó là chuyện vặt vãnh. Tuy nhiên họ cũng không tìm được cách mô tả thay thế. Nói cách khác, hình ảnh ẩn dụ IP ‘dính’ rất chặt. Nó ngăn trở khả năng tư duy của chúng ta bằng những ngôn từ và ý tưởng mạnh mẽ đến mức chúng ta không thể thoát khỏi nó được.
Lỗi logic trong hình ảnh ẩn dụ IP là rất rõ ràng. Hình ảnh ẩn dụ đó được dựa trên một phép tam đoạn luận sai – tức bao gồm hai mệnh đề hợp lý và một kết luận sai.
Mệnh đề hợp lý #1: tất cả các máy tính đều có hành vi thông minh.
Mệnh đề hợp lý #2: tất cả các máy tính đều là vi xử lý thông tin.
Kết luận sai: tất cả các vật có hành vi thông minh đều là vi xử lý thông tin.
Bỏ qua những ngôn từ trịnh trọng, cái ý tưởng rằng con người giống như một cỗ máy thông tin chỉ vì máy tính là một cỗ máy xử lý thông tin thật là ngớ ngẩn, và một ngày nào đó khi hình ảnh ẩn dụ IP này bị vứt bỏ, các nhà sử học rồi nhìn nó sẽ thấy nó ngớ ngẩn, giống như cách chúng ta thấy hình ảnh ẩn dụ con người giống hệ thống thủy lực hay là cỗ máy cơ khí ngớ ngẩn vậy.
Nếu hình ảnh ẩn dụ IP thật là ngớ ngẩn, vậy sao nó lại tồn tại lâu thế? Điều gì ngăn cản chúng ta gạt nó đi giống như gạt đi một cành cây chắn lối? Có cách nào để hiểu về trí tuệ loài người mà không phải dựa vào một chiếc nạng tri thức mỏng manh? Và cái giá mà chúng ta phải trả cho việc dựa vào chiếc nạng này quá lâu là gì? Hình ảnh ẩn dụ IP đã đưa đường dẫn lối cho các nhà văn và lối tư duy của rất nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong suốt nhiều thập niên qua. Cái giá ở đây là gì?
Trong một bài tập thực hành trên lớp mà tôi đã tiến hành trong nhiều năm, tôi bắt đầu bằng cách gọi một học sinh lên bảng và vẽ một hình ảnh chi tiết về tờ một đô la lên bảng đen ở giữa lớp – ‘càng chi tiết càng tốt’, tôi nói. Khi học sinh đó đã hoàn thành, tôi lấy tờ giấy che đi hình vẽ, lấy ra một tờ 1 đô la trong ví ra, dán nó lên bảng, và yêu cầu học sinh đó vẽ lại. Khi cô ấy hay anh ấy đã hoàn thành, tôi gỡ tờ giấy ra khỏi bức vẽ đầu tiên, và cả lớp có thể đánh giá sự khác biệt.
Có thể là vì bạn chưa bao giờ thử nghiệm điều này, hoặc bạn không hình dung ra nổi, nên tôi đã yêu cầu Jinny Huyn, một trong những học sinh thực tập ở viện nghiên cứu mà tôi dạy, vẽ lại hai hình ảnh. Đây là hai hình ảnh từ “trí nhớ của cô ấy” (bạn có thấy hình ảnh ẩn dụ chứ):
Và đây là bức hình cô ấy vẽ lai từ tờ 1 đô la:
Jinny cũng bất ngờ về sự khác biệt giống như bạn vậy, nhưng điều đó là bình thường. Bạn có thể thấy đấy, hình vẽ không có sự đối chiếu từ tờ 1 đô la thì cực kỳ tệ hại so với bức hình được vẽ đối chiếu theo một nguyên mẫu, bất chấp việc Jinny đã thấy tờ một đô la cả nghìn lần.
Vấn đề ở đây là gì? Chẳng phải chúng ta có “hình ảnh phỏng chiếu” của tờ 1 đô la “lưu trữ” trong “một bộ nhớ” trong não chúng ta sao? Chẳng phải chúng ta chỉ cần “truy vấn” thông tin và dùng nó để vẽ hình là được?
Tất nhiên là không rồi, và dù các nhà khoa học thần kinh có dành cả nghìn năm để tìm tòi họ cũng sẽ chẳng tìm thấy hình ảnh một tờ 1 đô la được lưu trữ trong não người đơn giản là vì nó không có ở đó để mà tìm.
Hàng loạt các nghiên cứu về não bộ chỉ cho chúng ta thấy rằng có nhiều vùng, đôi lúc là các vùng lớn, của não phải hoạt động để thực hiện một hành vi rất nhỏ liên quan tới trí nhớ. Khi cảm xúc mạnh mẽ xuất hiện, hàng triệu nơron thần kinh sẽ được kích hoạt. Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2016 về những người sống sót sau tai nạn máy bay của Đại học Toronto, nhà thần kinh tâm lý học Brian Levine và nhiều người khác đã chỉ ra rằng việc gợi nhớ lại vụ tai nạn làm tăng hoạt động thần kinh ở các khu vực “hạch hạnh nhân, thùy thái dương,thùy não trước và thùy giữa, cũng như vỏ thị giác” của hành khách.
Ý tưởng mà nhiều nhà khoa học nhắc đến là các ký ức cụ thể bằng cách nào đó được lưu trong từng nơron thần kinh là ngớ ngẩn. Bởi vì lối tư duy đó sẽ dẫn đến một câu hỏi hóc búa hơn: bằng cách nào và ở đâu mà ký ức có thể được lưu trữ trong tế bào?
Vậy chuyện gì đã xảy ra khi Jinny cố gắng vẽ lại hình tờ đô la mà không có hình mẫu để đối chiếu? Nếu Jinny chưa bao giờ thấy tờ một đô la trước đây, những nét vẽ trong hình đầu tiên của cô hẳn sẽ chẳng giống chút nào với hình vẽ thứ hai. Nhưng nếu đã nhìn thấy tờ 1 đô la trước đây, cô ấy sẽ theo đổi theo cách nào đó. Cụ thể là, não cô ấy thay đổi theo cách cho phép cô ấy hình dung ra tờ 1 đô la – đó là, tái tạo lại trải nghiệm nhìn thấy tờ 1 đô la, ít nhất là đến mức độ nào đó.
Sự khác biệt giữa hai hình ảnh nhắc nhở chúng ta rằng hình dung một vật gì đó (tức cố gắng nhìn thấy nó cho dù nó không có ở đó) thì kém chính xác hơn nhiều so với việc thấy vật đó khi nó đang ở đó. Đó là lý do mà chúng ta giỏi trong việc nhận biết sự vật hơn là gợi lại hình ảnh. Khi đang nhớ đến một vật nào đó, chúng ta cố tái hiện lại trải nghiệm, còn khi nhận ra một vật nào đó, chúng ta chỉ đơn thuần nhận thức được sự thật rằng bản thân đã trải qua trải nghiệm này trước đây.
Có lẽ bạn sẽ phản đối cách mô tả này. Jinny đã thấy tờ 1 đô la trước đây, nhưng cô ấy không bỏ công sức ra để “nhớ” các chi tiết. Nếu chủ đích làm thế, bạn tranh luận, hẳn cô ấy đã có thể vẽ được giống bức hình thứ hai dù không cần nhìn vào tờ tiền. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, không có bất kỳ hình ảnh tờ đô la nào được “lưu trữ” trong não của Jinny. Cô ấy chỉ đơn giản trở nên giỏi hơn trong việc vẽ tờ 1 đô la một cách chính xác, giống như một nghệ sĩ dương cầm sau khi luyện tập trở nên thuần thục trong việc chơi một bản nhạc mà không cần nhìn vào tờ nhạc bướm.
Từ bài tập đơn giản này, chúng ta bắt đầu xây dựng nên một khung khái niệm tách rời khỏi hình ảnh ẩn dụ về các hành vi thông minh của con người – một khái niệm cho thấy não con người không hẳn là hoàn toàn trống rỗng, nhưng ít nhất nó cũng không ngập đầy các hình ảnh, giống như được ngầm hiểu trong ẩn dụ IP.
Khi bắt đầu định hướng để di chuyển trong thế giới này, chúng ta thay đổi nhờ vào rất nhiều trải nghiệm. Có ba loại trải nghiệm đáng lưu ý nhất thường xảy ra trong các trường hợp: (1) chúng ta quan sát chuyện gì đang xảy ra ở quanh mình (như cách mọi người cư xử, âm nhạc, các hướng dẫn chỉ đường, từ ngữ trên giấy, hình ảnh trên màn hình); (2) chúng ta được tiếp xúc với việc ghép cặp của các yếu tố kích thích không quan trọng (như tiếng còi hụ) với yếu tố kích thích quan trọng (như là sự xuất hiện của xe cảnh sát); (3) chúng ta bị phạt hoặc được thưởng khi cư xử theo cách nào đó.
Chúng ta ngày càng tương tác với mọi thứ trong cuộc sống hiệu quả hơn nếu có thể thay đổi nhất quán dựa trên những trải nghiệm này – cụ thể như đọc lại một bài thơ hay hát lại một bài hát, tuân theo các hướng dẫn được đưa ra, phản hồi lại những yếu tố kích thích không quan trọng giống như cách bản thân phản hồi lại những yếu tố kích thích quan trọng, hay kiểm soát hành vi để không cư xử theo cách khiến chúng ta bị trừng phạt, thay vào đó thì thường xuyên cư xử theo cách giúp chúng ta được khen thưởng.
Bất chấp các tiêu đề gây hiểu lầm, thực chất không ai thực sự hiểu bộ não thay đổi ra sao sau khi chúng ta học cách hát một bài hát hay đọc lại một bài thơ. Nhưng cần biết rằng chẳng có bài hát hay bài thơ nào được “lưu trữ” trong não cả. Bộ não chỉ đơn giản là thay đổi theo một cách cho phép chúng ta hát bài hát đó hoặc đọc lại bài thơ đó trong những điều kiện cụ thể. Khi được yêu cầu biểu diễn, không có bất kỳ bài hát hay bài thơ nào trên bất cứ phương diện nào được “gọi ra” từ bất cứ vùng nào trong não, giống như chẳng có chuyển động nào của ngón tay được “gọi ra” khi tôi gõ lên bàn làm việc. Chúng ta chỉ đơn giản là hát hay đọc – không có gì được truy vấn cả.
Một vài năm trước, tôi hỏi nhà khoa học thần kinh Eric Kandel của Đại học Columbia – người được trao giải Nobel vì đã phát hiện một vài thay đổi hóa học trong các mô thần kinh của Aplysia (một loại ốc sên biển) sau khi nó học được thứ gì đó – rằng ông ấy nghĩ mất bao lâu để chúng ta hiểu được cách hoạt động của trí nhớ con người. Ông ấy trả lời ngay: “Một trăm năm”. Tôi không nghĩ nên hỏi ông xem ông nghĩ gì về hình ảnh ẩn dụ IP, thứ đang làm chậm việc nghiên cứu trong ngành khoa học thần kinh, nhưng thực ra có vài nhà khoa học đang bắt đầu nghĩ đến những thứ không thể tưởng tượng được – đó là việc hình ảnh ẩn dụ này nên bị loại bỏ.
Một vài nhà khoa học nhận thức – nổi bật nhất là Anthony Chemero của Đại học Cincinnati, tác giả của quyển Radical Embodied Cognitive Science (2009) – bây giờ đã hoàn toàn loại bỏ ý tưởng rằng bộ não người hoạt động giống một cái máy tính. Theo góc nhìn đại chúng, chúng ta, giống các máy tính, hiểu thế giới xung quanh mình bằng cách thực hiện các phép tính toán để tái tạo hình ảnh về thế giới trong đầu. Nhưng Chemero và nhiều người khác lại miêu tả một cách khác để hiểu về hành vi thông minh – đó là sự tương tác trực tiếp giữa các sinh vật và thế giới.
Ví dụ ưa thích nhất của tôi dùng để chỉ ra sự khác biệt giữa hình ảnh ẩn dụ IP và phương pháp đối nghịch với nó là ví dụ giải thích về cách một vận động viên bóng chày bắt trúng quả bóng đang bay như thế nào. Đây là một ví dụ được giải thích một cách tinh tế và chi tiết bởi Michael McBeath – người hiện đang làm nghiên cứu ở Đại học Bang Arizona – cùng với các cộng sự của mình, trong một ấn phẩm khoa học xuất bản năm 1995. Hình ảnh ẩn dụ IP yêu cầu một cầu thủ phải làm phép tính ước tính các điều kiện ban đầu của một quả bóng đang bay – lực tác động, góc bay, và những yếu tố tương tự – rồi từ đó tạo ra và phân tích một biểu đồ hình thành trong trí não về đường bay của quả bóng, rồi dùng mô hình đó để hướng dẫn và điều chỉnh các cơ vận động liên tục để căn làm sao bắt trúng quả bóng.
Cách giải thích đó có vẻ ổn nếu chúng ta vận hành như máy tính, nhưng McBeath và các cộng sự đưa ra lời giải thích đơn giản hơn: để bắt trái bóng, vận động viên đơn giản chỉ cần di chuyển sao cho bản thân vẫn thấy được trái bóng và thấy được tương quan giữa di chuyển của quả bóng với cái đĩa trên mặt đất và các vật thể chung quanh. Lời giải thích này nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực chất nó cực kỳ đơn giản, và hoàn toàn không sử dụng bất kỳ sự tính toán, tái tạo ảnh hay thuật toán nào.
Hai giáo sư tâm lý học ở Đại học Leeds Beckett ở UK – giáo sư Andrew Wilson và Sabrina Golonka – đã đưa ví dụ bóng chày cùng với những ví dụ khác ra khỏi mô hình ẩn dụ IP. Họ đã viết blog nhiều năm trời về những thứ họ gọi là “cách tiếp cận dễ hiểu hơn, tự nhiên hơn với việc nghiên cứu khoa học về hành vi của con người…tương phản với cách tiếp cận của các nhà khoa học thần kinh nhận thức”. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là hành động đơn lẻ bởi vì các đa số nhà khoa học nhận thức tiếp tục bám theo không hề nghi ngờ với hình ảnh ẩn dụ IP, và một vài nhà triết học có tác động lớn trên thế giới đã đưa ra các dự báo to tát về tương lai nhân loại, mà những dự báo này phụ thuộc vào độ chính xác của hình ảnh ẩn dụ IP kia.
Một dự báo đưa ra bởi nhà nghiên cứu tương lai Kurzweil, nhà vật lý học Stephen Hawking và nhà khoa học thần kinh Randal Koene, cùng nhiều người khác, đó là bởi vì nhận thức của con người thì giống như phần mềm của máy tính, cho nên sớm muộn rồi chúng ta có thể tải trí não của con người vào máy tính, để nó trong một mạch điện, thứ sẽ giúp chúng ta trở nên cực kỳ mạnh mẽ về mặt tri thức, và thậm chí là bất tử. Khái niệm này đã được dùng để tạo nên kịch bản cho các bộ phim viễn tưởng như Transcendence (2014) với ngôi sao hàng đầu là Johnny Depp đóng vai một nhà khoa học giống Kurzweil, với tâm trí đã được tải lên Internet và gây ra các thảm họa cho loài người.
May mắn thay, bởi vì hình ảnh ẩn dụ IP chả đúng một chút nào, cho nên chúng ta sẽ chẳng hề phải lo lắng về việc tâm trí con người trở thành ác quỷ trong không gian mạng, và đồng thời chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ đạt được sự bất tử thông qua việc tải tâm trí. Đó không phải là vì ý thức của chúng ta không phải là phần mềm, mà có một vấn đề lớn hơn ở đây – hãy gọi nó là vấn đề của sự độc nhất – một thứ vừa tạo cảm hứng lại vừa khiến chúng ta thấy bi quan.
Bởi vì chẳng có “ngân hàng ký ức” hay “sự tái tạo ảnh” của những yếu tố kích thích tồn tại trong bộ não, và bởi vì tất cả những gì cần thiết để chúng ta sống được trong thế giới này là bộ não phải thay đổi theo cách nào đó dựa theo các trải nghiệm, cho nên không có lý do nào để tin rằng bất kỳ hai cá thể nào có thể thay đổi giống nhau cho dù có trải nghiệm giống nhau. Nếu tôi và bạn cùng đi nghe nhạc hòa tấu, sự thay đổi xảy ra trong não tôi khi tôi nghe bản nhạc giao hưởng số 5 của Beethoven sẽ chắc chắn khác hoàn toàn với sự thay đổi xảy ra trong não của bạn. Những sự thay đổi đó, dù chúng là gì chăng nữa, cũng được xây dựng dựa trên một cấu trúc hệ thần kinh đã tồn tại sẵn, mỗi cấu trúc đã được phát triển qua một quãng thời gian dài với những trải nghiệm riêng biệt.
Đó là lý do tại sao, giống như Ngài Frederic Barlett đã minh chứng trong quyển sách Remembering (1932), sẽ không có hai người cùng kể lại câu chuyện họ đã nghe giống hệt nhau và càng về sau này, nội dung câu chuyện họ kể lại sẽ càng có xu hướng khác nhau nhiều hơn. Không hề có một “bản sao” nào của câu chuyện được tạo ra, thay vào đó mỗi cá nhân sau khi nghe câu chuyện đã thay đổi theo góc độ nào đó – thay đổi đủ để khi được yêu cầu kể lại (trong nhiều trường hợp có thể là nhiều ngày sau, nhiều tháng sau hay thậm chí là nhiều năm sau khi Barlett lần đầu kể họ nghe câu chuyện) – họ có thể tái trải nghiệm lại câu chuyện ở mức độ nào đó, cho dù trải nghiệm đó không hoàn chỉnh (hãy nhìn lại bản vẽ tờ một đô la ở trên).
Tôi nghĩ đây thực sự là một điều tuyệt vời, bởi vì điều đó có nghĩa là mỗi chúng ta đều thực sự khác biệt, không chỉ trong gen mà còn ở cách não chúng ta thay đổi theo thời gian. Nhưng điều này cũng thật tệ vì nó khiến công việc của các nhà khoa học thần kinh trở nên khó ngoài sức tưởng tượng. Với mỗi trải nghiệm, một sự thay đổi trong não có thể liên quan đến hàng nghìn nơron, thậm chí là hàng triệu hay là toàn bộ não, và xu hướng thay đổi này thì lại khác biệt giữa từng não bộ.
Tệ hơn nữa, nếu chúng ta có khả năng chụp cắt lát toàn bộ 86 tỷ nơron thần kinh trong bộ não và mô phỏng lại trạng thái của các nơron đó trong một máy tính, toàn bộ các thứ tự sắp xếp đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi đặt bên ngoài bộ não tạo ra chúng. Có lẽ đây là sai lầm lớn nhất mà hình ảnh ẩn dụ IP đã khiến chúng ta nghĩ về cách con người hoạt động. Mặc dù máy tính đúng là có chứa bản sao chính xác của một dữ liệu – những bản sao có thể tồn tại trong một thời gian rất dài ngay cả khi máy tính đã tắt điện – toàn bộ bộ não chỉ có thể giữ được tri thức khi chúng còn sống. Không có công tắc bật tắt nào cả. Hoặc là bộ não tiếp tục hoạt động, hoặc là chúng ta biến mất. Thêm vào đó, nhà sinh học thần kinh Steven Rose đã chỉ ra trong quyển sách Tương lai của Não Bộ (2005), rằng một bức ảnh chụp cắt lớp trạng thái hiện thời của não bộ hoàn toàn vô nghĩa trừ khi chúng ta biết được toàn bộ lịch sử của chủ nhân bộ não đó – thậm chí bao gồm cả bối cảnh xã hội mà cá nhân này đã được nuôi dưỡng và phát triển.
Hãy suy nghĩ xem vấn đề này phức tạp như thế nào. Chỉ để hiểu thứ cơ bản nhất về cách não bộ duy trì ý thức con người, chúng ta cần phải biết không chỉ là trạng thái hiện thời của 86 tỷ nơ ron thần kinh cùng với 100 nghìn tỷ mối liên kết giữa chúng với nhau, không chỉ là sự chặt chẽ của các liên kết đó, cũng không chỉ là trạng thái của hơn 1,000 protein tồn tại tại mỗi mối liên kết, nhưng mà còn phải biết làm sao mà từng hoạt động tại mỗi thời điểm của não bộ đóng góp vào mạng lưới liên kết đó. Thêm vào sự độc nhất này của mỗi bộ não, cùng với sự độc nhất trong cuộc đời của từng người, chúng ta có thể thấy dự đoán của Kandel nghe lạc quan như thế nào.
Trong khi đó, một lượng lớn tiền bạc đang được đổ vào các hoạt động nghiên cứu não bộ, dựa trên các ý tưởng sai lầm và các lời hứa không thể thực hiện được. Ví dụ điển hình nhất cho việc khoa học thần kinh đi sai hướng được ghi chép lại trong một báo cáo đăng trên tạp chí Scientific American, đó là các lo lắng về dự án 1.3 tỷ USD mang tên Dự Án Não Người, được Liên Minh Châu Âu (EU) khởi động năm 2013. Được thuyết phục bởi Henry Markram rằng ông có thể tạo ra mô phỏng toàn bộ não người trên một siêu máy tính vào năm 2023, và rằng mô hình này sẽ tạo ra cuộc cách mạng để trị các bệnh như Alzheimer hay nhiều rối loạn khác, khối EU đã chính thức tài trợ tiền cho dự án này mà không có một rào cản nào cả. Chỉ chưa đầy hai năm, dự án này đã tan nát, còn Markram thì bị buộc phải từ chức.
Chúng ta là những sinh vật hữu cơ, không phải máy tính. Hãy quên khái niệm đó đi. Hãy tập trung vào việc cố gắng hiểu bản thân chúng ta hơn, nhưng đừng bị kéo lại bởi các khái niệm tri thức trống rỗng. Hình ảnh ẩn dụ bộ vi xử lý thông tin đã tồn tại suốt nửa thế kỷ qua và chỉ tạo ra một vài sự hiểu biết lẻ tẻ. Đã đến lúc chúng ta cần biết nhấn nút XÓA.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *