Mất điện trong căn hộ của nhà sưu tập dép

Mất điện trong căn hộ của nhà sưu tập dép

Nhà sưu tập dép tên K, có một căn hộ ở tầng 14 của chung cư. Một căn đâu ra đó, ánh sáng chiêu khắp các gian phòng và gió lùa thông hanh.

Người ta đồn ông giàu lên nhanh chóng sau cuộc chiến tranh ở Thành Phố. Kẻ thức thời luôn vậy, sau cơn hỗn loạn, họ xoay sở kịp, chẳng những kiếm đủ ăn mà còn dư dả hơn phần lớn những người chậm chạp khác. K sống rất kín đáo, cô độc. Không ai nhớ rõ gương mặt ông ta thế nào.

Các bức tường trong nhà của K được bao phủ bởi những kệ ốp sát và phân thành ô nhỏ, hàm ý là một phương tiện trưng bày sở thích đặc biệt hiếm hoi của ông: Sưu tầm Dép

Không như thiên hạ vứt dép chỏng chơ ngoài tủ hay kín đáo trong tủ đựng giày, K xếp từng đôi dép lên kệ, có cả một ô cửa kéo bằng kính để kéo vào, cách ly đôi dép khỏi những bụi bẩn và sự tạp ồn bên ngoài. K có hàng ngàn đôi dép.

Nhưng hôm nay là một ngày khó ở. Trời quá nóng. Và đột nhiên toàn bộ khu nhà cúp điện, tắt ngấm trong vòng bán kính 200m. Những khung cửa sổ lờ đờ trong ánh nến hoặc tối thẫm. K thấy hơi ngạt thở. Ông cởi bỏ chiếc áo thun nỉ dày bên ngoài, bồn chồn và buồn bã khi ngắm nhìn những vòm cửa đen ngòm như hốc mắt người chết.

K đã từng nhìn thấy vô vàn người chết. Chỉ mới đây thôi, chừng 15 năm trước, khi Thành Phố rơi vào một cuộc chiến. K vừa bỏ vợ và nhận một chân thu gom. Cuộc chiến đã biến Thành Phố thành một cô điếm bẽ bàng. Họ nã pháo vào nhau, những tòa nhà banh toác, vỡ vụn. Đường xá mới đây ngập bóng mát giờ trộn lẫn vào nhau trong đám bê tông mấp máy lẫn lộn. Người chết nhiều đến mức mùi thối của xác người đã gọi bầy quạ và kền kền từ tận xứ cổ tích nào đó đến. Trước cuộc chiến, chưa ai từng thấy kền kền ở đây. Chúng chậm rãi đi lại, vì chẳng ai thèm đuổi, nhìn ngó những cái xác mới chết hoặc đã chết lâu, lắc đầu bỏ đi nếu không hợp, hoặc băm ngay vào hốc mắt một cú mổ ngoạn mục. Có lần K đã đứng nhìn một con ăn sạch cái đầu người, chỉ còn chừa lại hốc xương phức tạp của một cái sọ đang nhăn răng cười. Hôm ấy K mệt quá, muốn khóc không khóc được, muốn cười cũng không thể thành tiếng, nên K đứng trân trân nhìn con chim mỏ quặp như một vị đồng nghiệp.

Người thu gom trong cuộc chiến – đó là việc của K. Một chỉ huy quân đội đã đến nhà, phát cho K tờ phân công nhiệm vụ. Ai vào việc nấy. Cuộc chiến không thích những người hỏi nhiều. Nó bèn nã pháo vào phía nhà họ nếu nghe âm thanh ồn ào quá. K im lặng nhìn tờ giấy vị chỉ huy đưa, gật đầu, cũng khá giống công việc chuyển phát K vừa đổi trước chiến tranh, cũng đi gom hàng một chỗ, chuyển sang một chỗ khác.

Mất điện làm những block nhà đối diện chằm chằm nhìn vào K. Ông bỗng nhớ đến một đôi sandal bằng nhựa màu hồng, cỡ 3 trẻ con, và bỗng nhiên muốn nhìn ngắm nó khủng khiếp. Càng già, K càng dành nhiều thời gian để nhìn ngắm những đôi dép đã sưu tầm được. Ông dùng đến cả kính lúp và phông chiếu để nhìn kỹ từng hoa văn trên ấy. Đêm tối cồn cào khiến K nhớ đôi sandal ấy đến gần rơi nước mắt. Ông đứng dậy khỏi chiếc ghế ngựa, lần mò đếm từ chỗ ngồi khoảng 50 ô vuông bằng cách lần tay từng ô. Thói quen ngăn nắp là tiêu chí đầu tiên để trở thành nhà sưu tầm dép. K không cần đến ánh sáng, chỉ cần biết chỗ mình đứng là K có thể định vị được đôi nào đang nằm ở đâu.

Đôi sandal màu hồng chỉ có một chiếc rưỡi. Màu hồng ấy có ánh kim lấp lánh và các đốm đậm màu, để đứa trẻ con nào mang nó sẽ thích thú và chịu chạy nhảy hơn. K gặp Ly vào ngày thứ tư sau khi nhận nhiệm vụ thu gom trong cuộc chiến. Hàng ngày, hai bên Thành Phố nã pháo hay rảo máy bay ném bom vào nhau, vài tòa nhà sụp xuống, người ta kêu thét, khóc lóc đâu đó. K và những người thu gom sẽ xuất hiện khi vãn trận lúc chiều tối. Họ đi gom nhặt xác người ở bên hông những tòa nhà, trong chiến hào hoặc vất vưởng đâu đó giữa một bức tường sụp. “Không thể để Thành Phố nhuốm mùi tử thi, sẽ có dịch bệnh” – Ngài bộ trưởng nói vậy trong radio, và bộ phận thu gom được hình thành. Cơ bắp của K đau nhừ khi phải vác trên vai những cái xác nặng hơn 80kg, chân đi lún trong đống xà bần, nhấc lên rồi tứa máu vì bị xi măng, sắt thép cứa. Người chết mang người sống đi, như những sinh vật tha xác mồi trong bóng chiều nhập nhoạng. K cố ngoái nhìn người đồng nghiệp đi trước để đạp từng bước, sợ mình sẽ khụy xuống vì sức nặng hoặc kẹt chân. Ban đầu, cứ hai người thu gom vác một xác, cầm đầu, cầm chân, đỡ nặng hơn. Nhưng sau này, số lượng xác người gia tăng không gì đo đếm được. Mùi thối phân hủy cứ bốc mãi lên, chụp lấy cả thành phố như một lời nguyền. Nếu chậm đem xác đến hố vôi, chúng sẽ rữa nát, bay mùi, sinh giòi bọ, và chẳng mấy chốc thành dịch bệnh. Giờ họ tự mình mang vác một thây người đến hố, đều đặn thế đến tận 6 giờ sáng. Trong bóng đêm, những thân người giang chân xoải tay trên lưng K như những bóng ma biết đi lại, oán hờn, cười nhăn răng hay lầm rầm những chuyện dang dở.

Có những người làm K ngạc nhiên khi nhìn vào tử thi họ, mắt họ nhắm dịu dàng, như thể họ đã tự bứng bỏ sự sống khỏi mình trong một phút hơi mệt mỏi. Họ bình thản đến mức như sẽ quay về, vươn vai rồi chạy vào hầm trú ẩn. Có những gương mặt đẹp như tượng thần, K đứng nhìn ngây dại rồi gần như òa khóc, đòi họ tỉnh dậy cho K ngắm đôi mắt nào ẩn sau hàng mi quyến rũ.

Nhiều người chỉ còn chân tay, một nửa sọ não, một nửa cánh tay, hoặc đứt cả hai chân. Đạn pháo làm phần việc của chúng. K chất họ trên lưng, nhẹ hơn những người còn nguyên, thở phào rồi rảo bước nhanh hơn đến hố vôi. Sự kỳ nhẫn của nghề thu gom là có lúc K không mong chờ một cái xác nguyên vẹn. Đầu gối anh sưng cứng lên vì bị ghì xuống. Người chết nặng hơn người sống. Họ mang vác cả địa ngục dưới chân và liên tục quyến luyến mặt đất, họ không kháng cự gì nhưng trì kéo người khênh. K từng bế vợ lên giường trong đêm tân hôn, dù cô hơi mũm mĩm, nhưng nhẹ hơn rất nhiều những xác phụ nữ.

Một đêm, đã quá 2 giờ sáng, K mỏi mệt đưa một thân thể xuống mồ rồi ngồi ăn nốt hộp cơm nắm. Bỗng có tiếng khóc rào rữ, nức nở của một phụ nữ vang đến. Cô ấy đi loạng choạng, vừa đi vừa gọi tên ai đó, vừa không kìm được, cứ thế rức lên từng đợt. Cô ngã xuống vì chân kẹt vô một đám xà bần. K chạy lại đỡ cô vào chỗ anh ngồi. Cô ôm chầm lấy anh, giật giật:

– Anh có thấy con gái tôi đâu không? Ôi Ly, Ly của mẹ, con yêu khốn khổ của mẹ. Ly ơi… Ly… con đâu rồi…

– Con chị lạc ở đâu?

– Nhà tôi ở đây. Sập tan tành. Con bé văng ra ngoài cửa sổ. Tôi được cứu về trại. Nhưng Ly của tôi không có ở đó. Anh có thấy Ly không… Ôi… con tôi.

– Cô bé có mặc gì, hay mang gì dễ nhận ra không?

– Có… có… Ly mặc váy hồng, vì hôm nay chúng tôi xếp hành lý chuẩn bị di tản. Ly thấy chiếc váy cũ trong đáy tủ.

– Tôi không nhớ ai váy hồng. Nhưng… có một thi thể mang giày hồng…

– Ôi… Ly…. Ly… con bé đã mang đôi giày nó thích nhất để cùng màu với váy.

Cô ta quỳ xuống khóc thảm thiết dưới chân K. Chiều nay, dưới hố xác người chưa đổ vôi, K nhớ cô bé ấy, giày hồng, một chân cháy đen gần hết. K không rõ có phải đó là một cô bé không nữa. Công việc áp lực đến mức K gần như quên mất tri giác của mình, không nhìn, không ngửi, không cảm thấy trên da thịt. Nếu cứ đứng đó mà đoán định các gương mặt, dáng thể hay nghề nghiệp của họ, có lẽ K sẽ nhanh chóng đồng dạng với chúng mất.

Khi nghe người đàn bà đó òa lên vì đôi giày, làn da của K như nổi lên hàng ngàn sợi kim châm vào thịt. Đó là một em bé gái, cụ thể hơn là mặc váy hồng và giày màu hồng, sao mình không để ý nhỉ? Đó là một em bé sao? – K nhìn vào bàn tay mình trong ánh đèn nhập nhòe đêm khuya, cả hai bàn tay ướt sũng máu như một chất lỏng đặc.Chỉ 3 tiếng nữa, người ta sẽ đổ vôi bột và lấp hố.

Người đàn bà quỳ xuống chân K, nước mắt tuôn như một dòng suối chảy:

– Anh ơi, anh biết Ly ở đâu không. Hãy cứu Ly đi. Tôi sống sao đây. Làm sao tôi sống được nếu thiếu Ly. Con bé rất ngoan, nghe lời, và biết ôm hôn anh ạ. Ly ôm hôn ngọt như kẹo, cô giáo nó đã bảo thế. Xin anh cứu nó.

Bà ta quỳ xuống, ôm chặt lấy đầu gối K. Anh cứ nhìn mãi vào bàn tay đầy máu rồi lại nhìn nỗi đau sống động sững sờ đang quỳ mọp trước anh.

Như nhớ ra điều gì, K kéo người đàn bà chạy như điên đến hố. Lần đầu tiên, anh cảm thấy ngạt thở trước chừng ấy chân tay và gương mặt đang giương lên bầu trời từ cái hố. Chúng giống những cây chông đang cắm vào mắt người thưởng ngoạn phía trên miệng. K hít một hơi thật sâu, chạy xuống hố theo đường mòn của những người thu gom đi. Anh lao vào đống xác như một người mất trí, đào bới. Phía bên trái, gần cái mảng vỡ của chung cư đổ xuống sát miệng hố. K nhớ mà, chính anh đã đi men theo cái mảng vỡ này để không bị bê tông trên đầu đổ xuống. Cô bé phải nằm ở phía đó, chếch một chút thôi, không thể nhầm được.

K cõng những cái xác đàn ông ra, dùng chân đạp những thân thể rời rạc xuống dốc. Đứng trên đỉnh người, K như một gã điên đang đánh nhau với cái chết vươn vòi. Anh ngã nhiều lần, có khi chúi xuống đụng một đôi mắt trừng trừng, có khi chạm phải một thân thể nặng như quả tạ. K vạch xác người để tìm một cái xác.

Chiếc sandal hồng hiện ra như một vệt màu sáng rõ trong ánh đèn chiếu sáng tạm của quân đội trên cao. K vất vả đẩy xác một người đàn ông phía trên, nhẹ nhàng kéo chân Ly ra trước. Anh bế con bé lên. Váy hồng của nó cháy gần hết, để lộ ra phần thân thể rách nát gần như trần truồng. Chân nó mang giày hồng. Chân kia cháy hết nửa gót, chỉ còn lại phần đầu chiếc giày xỏ hờ. K bế nó trong tay. Nó chỉ dài hơn tầm hai cánh tay K một chút nên anh ôm gọn trong lòng. K ý thức được sự lạnh lẽo từ ngực, mặt và chân nó khi cạ vào cổ tay K. Anh trao nó cho người đàn bà đứng trên miệng hố. Bà ta ôm Ly vào lòng, lầm lụi bước đi trong đêm, tiếng nức nở giãy ra như một tràng oán hờn của nỗi đau không bung ra nổi. Chiếc giày màu hồng rớt xuống đất. K nhặt nó lên và xin bà nửa chiếc còn lại đã chảy nhựa sau sức nóng hủy diệt.

K đứng nhìn xác chiếc sandal cho đến khi ánh sáng mặt trời len qua chân trời, phủ lên nó một màu hồng tươi thắm và chấm bi hồng đậm xinh xắn. K khóc, nức nở, căm tức, uất giận, nghẹn ngào. Máy xúc đổ dần từng lớp vôi bột xuống hố sâu. K không dừng lại được. Nước mắt chảy như một dòng thác đã im hơi chìm xuống sau khi cuộc chiến bùng lên với những âm thanh quá tầm và hỗn tạp hơn.

Năm ấy, K bắt đầu để ý đến dép và giày.

Những đôi giày dép kể rất nhiều chuyện về chủ của chúng. Người cẩn trọng mang giày, có lẽ không phải tất cả, nhưng đa số người mang giày chú ý đến sự an toàn của đôi chân. Khi chạy bộ, đi bộ nhiều hoặc  phải làm việc nặng, chân có nguy cơ bị dập móng, sứt, chảy máu. Giày dùng cho việc bảo vệ. Thu gom những đôi giày cũng dễ hơn, dù xác có bị hất tung lên trời thì các đôi giày vẫn còn trên chân (trừ khi quá tệ hại là họ tan thành từng mảnh).

Người ghét quy tắc, thoải mái quá trớn hoặc ít làm việc nghiêm trọng thường mang dép. K hơi ghét dép vì chúng thường lạc mất vài chiếc sau mỗi trận bom, chiếc này lẫn chiếc kia, chẳng biết đâu mà lần. Sau mỗi đêm thu gom, K nhìn đống đổ nát đêm qua mình đã lùng sục, thấy những chiếc dép hiện hình khắp nơi, lăn lóc, gãy nát, cháy tàn, có khi chỉ còn là một miếng nhựa không hình thù gì. Nhưng chúng cứ hiện diện đầy ra đó, để nói rằng: đấy thấy chưa, dù những cái xác đã bị đẩy đi thì linh hồn này, sự hiện hữu của những con người này vẫn còn bám ở đây, ràng cuốn với ngôi nhà, con đường của họ. Làm sao bỏ đi ngay được khi đã tốn hàng chục năm in dấu giày qua những con đường và mái nhà quen thuộc chứ?

Cuộc chiến dường như ngày càng tệ hơn. Trên radio Bộ trưởng nói về tương lai hòa bình và động viên những người thu gom (một cách đích danh) như thể việc này đã là thành tố chính của cuộc chiến. Chân K thỉnh thoảng bị phù vì những ngày tăng ca quá đột ngột và kéo dài thêm tận 10 tiếng, vì các chuỗi câu pháo quá rát và liên tục. Chỉ vài tuần trước, chỗ gần hố xác còn vài chục tòa nhà cao vút dù hơi rách nát, thì giờ tất cả chỉ còn là một bãi bê tông lổn ngổn khó chiều. Số lượng các chiếc dép giày, màu sắc, kích cỡ, cá tính… cũng đầy lên ở các góc kẹt của bãi đổ nát. K không thể dứt mắt khỏi chúng. Đôi sandal hồng đã được K cất trong hộp sắt. Thỉnh thoảng K lấy chúng ra, mân mê chỗ bị lửa đốt chảy đen đúa như một vết sẹo cắt vào mắt nhìn. “Ly ôm hôn ngọt như kẹo.” – K lẩm bẩm lặp lại lời người phụ nữ nói, cố nhớ xem lần cuối mình hôn một đứa trẻ, cháu của K, con của anh chị, liệu có ngọt ngào chút nào không? – Cuộc chiến đã xóa nhòa mọi thứ trong đất cát và những giờ chôn xác. Càng ngày, K càng cảm thấy quá khứ là một miền rời rạc bị bể ra, mà đến một lúc nào đó, để gắn chúng lại, K cần rất nhiều thời gian để chắp mảnh này với mảnh kia, sao cho hợp lý nhất. K cưới khi nào. Có một lúc K đã đi phiêu lưu và gặp một cô gái tóc đen nhánh và yêu nàng. Dường như người K cưới không phải cô. Trên đồng mía, có một lần K bị cha tát, rồi ông bỏ đi. Cái nào xảy ra trước hay sau bỗng trở nên quá khó khăn để định dạng. Chiếc sandal màu hồng của Ly như một cái neo, cố kết lại thời gian của K. Trước khi có sandal hồng đã có cuộc chiến và K đã làm công việc thu gom. Sau khi có sandal hồng, K đã khóc một lần. Lúc ấy, K bỗng thèm quay ra hiện trường, và nhặt lại những chiếc dép, chúng sẽ giúp K nhớ được thời gian, hoặc an ủi hơn, nhắc cho biết trên đời có một em bé tên Ly và thích váy hồng.

Trong căn phòng mất điện, K vuốt ve chiếc sandal hồng như một con mèo nhỏ. Vết cháy nhựa năm xưa giờ đã mòn vẹt đi vì K đã miết tay lên nó quá nhiều lần. Một cơn đau nhói mơ hồ xuyên từ chiếc giày vào thẳm sâu đâu đó trong tim K, thầm thì, len lỏi và dịu dàng vô cùng. K bỗng thấy nhớ hơn bao giờ hết, nên phải mò tay và dùng thang trèo lên cao để lấy một chiếc giày khác ra.

Đó là giày vải màu xanh ngọc – chỉ có một chiếc.

Khi ấy, một quãng nào đó sau sandal hồng, người ta chẳng còn gì để phá ở thành phố nữa vì có lẽ đã phá đầy đủ hoàn hảo hết cả. Thế nên, giờ những đợt bom, pháo càng giết nhiều người hơn. Sinh vật mong manh này dễ chết và yếu ớt nhất trong những thứ cần xử lý. K đã nghiện sưu tập giày dép. Những người thu gom làm thêm nhiều việc hơn trước. Họ tranh thủ gỡ nữ trang, đồng hồ, vàng bạc trên người xác chết. Dù sao, các thây sẽ bị vôi bột phủ và dìm xuống đất, chẳng ai sẽ cần những ngoại vật này nữa. Người thu gom cần có thứ gì đó để dành, biết đâu cuộc chiến ngừng lại. Xác ai người đó hưởng, đó là luật của đội thu gom, chẳng ai dành làm gì vì có quá nhiều xác người. Ban đầu, đồng nghiệp còn sửng sốt trước đồng hồ hiệu, nhẫn kim cương hay bông tai bạch kim. K được một cậu chỉ cho nhận biết giữa kim cương với thạch trắng, phân biệt vàng với đồ mạ… Có ngày, vác xác đã mệt, cái túi nữ trang bên hông K cũng trĩu xuống vì nhiều người bỏ hết vàng trong túi áo. Cả vốc. Vàng lạnh ngắt, hút hết hơi ấm người chết vào, để nó có thể tỏa sáng rạng rỡ khi rơi vào tay người chủ mới. Trong lúc làm việc, K nhặt thêm dép – giống như người ta sưu tầm tem lúc rảnh – giày dép bắt đầu mang vẻ đẹp ý nghĩa khiến K theo đuổi cháy bỏng.

Chiếc giày màu xanh là của một ai đó – chắc là cậu trai chừng hai mươi tuổi. Đó là giày sneaker của dân trẻ trong phố, thời còn yên bình, đó là đám hay chơi xe đạp hoặc ván trượt, hoặc vẽ tranh tường. Trên tivi, hãng giày này chạy quảng cáo là một cậu đẹp trai hút ánh nhìn cô gái nhờ vào việc di chuyển duyên dáng trên chiếc ván trượt. Loại giày này đặc biệt được dân chơi các món đường phố chuộng. K vẫn còn nhớ lờ mờ trong những đêm làm tình với vợ xong, anh ngồi trước tivi và thấy mẩu quảng cáo này lướt qua liên tục.

Nhưng cái xác người này chỉ còn đúng từ phần thắt lưng trở xuống. Về cuối cuộc chiến, người ta xài tới một loại bom bay tua tủa như cầu gai, bám vào nạn nhân và nổ bung sau khi nhận ra nhiệt người. Không toàn thây. Cái xác này cũng thế. Chiếc giày hóa thành tạo vật nguyên vẹn nhất còn lại trên thân thể anh ta (có lẽ vậy). Khi K vác anh ta trên lưng đi về phía hố, có một bà lão ngồi thẫn thờ giữa đường. Bà bị mù nên chỉ dùng tay rờ rẫm mặt đất. Người đồng nghiệp của K chạy lại đỡ bà vào ngồi ở vệ đường, để chừa chỗ cho những người thu gom di chuyển. K nghe thấy họ nói chuyện:

 Chú có thấy cháu trai tôi không? Tôi đi tìm nó suốt bảy ngày nay.

– Cháu của bà thế nào?

– Con trai, 22 tuổi, nó chơi thể thao, cao lớn.

– Còn thêm gì không bà? Như vầy cháu khó tìm lắm.

– Tóc dài, búi cao. Tôi hay búi tóc cho nó đấy, kiểu võ sĩ. Chú sẽ nhận ra nó. Có thể nó cũng đang đi tìm tôi. Chú nhé, nếu thấy nó thì nhắn tôi, tôi ở trong trại ngủ cuối đoạn hầm chưa đổ. Nói nó đến tìm tôi đi, bà đang đợi nó. Bố mẹ nó mất hết rồi, tôi biết sống với ai đây.

Nước mắt tràn qua khóe đôi mắt trắng nhờ của bà. K nghe gần hết chuyện thì bỏ đi. Khi làm người thu gom, anh phải gặp cả chục người đi tìm thân nhân mỗi ngày, chắc một tuần phải đến hàng trăm. K lơ đễnh vác đôi chân nhẹ tênh đến hố chôn, lục ví trong túi sau của anh ta và gỡ chiếc giày xanh ngọc một cách cẩn thận, không để dính máu hay chất bẩn vào. Bụi thì có thể giặt chứ máu người cứ như axit, nó sẽ đốt cháy đôi giày và làm hỏng hết màu.

Hôm ấy K thấy vui, vì đôi sneaker độc đáo đến nỗi trong mấy trăm đôi mà K sưu tầm, đây là chiếc duy nhất mang nhãn hiệu này. “Có lẽ lũ trẻ đã thoát khỏi cái chết, nên không có xác mang giày loại này” – K thấy nhẹ lòng khi nghĩ vậy. Lúc sắp đi ngủ, K lấy chiếc giày ra xem dưới ánh mặt trời nóng gay gắt chiếu qua một khe xuyên vào hầm trong nhà, chữ V màu trắng được thêu, nền vải xanh ngọc hoàn hảo, bên trong có bọc lớp chốngthấm nước, đế rất mềm dịu. Tiện thể, K mở chiếc ví ra. Không có tiền gì, chỉ toàn các loại thẻ thư viện, giấy thông hành trong khu trú ẩn, giấy ghi nhóm máu, khu vực. Và ảnh chân dung tóc dài. Cậu con trai nhìn K, mắt cười hơi híp lại, tóc lả thả buông hai bên vai. Áo trắng cổ rộng để lộ ra cậu ta có một hình xăm trên vai.

Không thể có chuyện trùng hợp như vậy được. K bật dậy, bung nắp hầm, chạy như điên về phía thực địa. Nhưng hôm ấy trận đánh diễn ra từ rất sớm. K bị quăng quật đi, ép xuống trong sức nổ một quả bom từ xa trong trung tâm. Tai chảy máu, nhưng K vẫn cố chạy về nơi có hố xác. Chẳng ai ra ngoài giờ này cả. Chỉ có quân đội trên những đỉnh nhà cao chưa kịp vỡ.

K thấy bà lão mù vẫn bó gối ngồi nguyên tại chỗ bà được dìu vào đêm qua. Đầu bà úp vào hai đầu gối khép chặt, giữa những đám bụi tung mù lên và từng đợt kiếng, cây xanh, bê tông văng từ cao xuống thấp. K bị một đợt pháo vung lên, ngã xấp xuống, chìm vào bóng tối.

Đêm hôm ấy, người thu gom dìu K về nhà, một người khác nâng xác bà lão lên cao, đẩy xuống hố. K mơ thấy chiếc giày màu xanh rỉ ra từng đợt chất lỏng màu đỏ. K bị chết ngộp vì sặc thứ chất lỏng ấy.

K tỉnh dậy sau 2 ngày ngủ dưới hầm, ngơ ngác nhìn hàng trăm đôi giày xếp xung quanh trong hầm, ngăn nắp, chằm chằm nhìn K như người đồng nghiệp ngủ dậy trễ. Từ hôm ấy, K không bao giờ mơ nữa, hoặc có mơ cũng chỉ có một thể loại duy nhất, là những đôi giày nhìn chằm chằm vào anh, nhíu mày, giận dữ hoặc thở dài.

Cuối cùng thì cuộc chiến kết thúc (đó là qua radio Bộ trưởng bảo vậy) nên những người thu gom được giải ngũ về nhà. K giàu lên nhanh chóng – giống với các đồng nghiệp – nhờ vô số vàng bạc trữ sẵn trong nhà từ thời còn làm việc. Trong lúc chết sống, chẳng ai nghĩ về vàng, kim cương hay đồng hồ, hột xoàn. Khi bình an, những thứ đó có giá trở lại. K mua căn hộ, nhiều bất động sản, đầu tư khắp nơi.

Từ lúc đó, K chăm chỉ dành thời gian cho bộ sưu tập dép của mình. K đặt kệ đóng, thuê công ty hút ẩm, bảo dưỡng, diệt mối… để các hiện vật được nguyên vẹn trong điều kiện bất kỳ. Có một lần, phóng viên đến nhà xin phỏng vấn về thú chơi tao nhã của tỷ phú K, nhưng sau đó cô ta không viết bài, có lẽ vì ghê tởm những hiện vật mà ông chăm chút. Ai lại đi trữ cái của đầy bùn đất, mang trên chân rồi chà dẫm lung tung như thế.

K không quan tâm lắm. Trong một đêm mất điện như thế này, ngồi trên ghế ngựa, ôm đôi sandal màu hồng và chiếc giày xanh ngọc trong tay, K thấy bớt cô đơn hơn. Từ sau trận bom ấy, K bắt đầu nghe thấy lời của những chiếc dép thì thầm. Chúng nói như bạn bè, gắt gỏng có, giận dữ có, than vãn có. Chúng kể nhiều chuyện, thỉnh thoảng K đính chính đoạn nào chúng sai, vì chấn động của các trận pháo lớn quá, khiến người ta choáng váng và không nhớ được gì.

Điện vẫn chưa có lại. Tối hiu hoắc. K thầm thì thành tiếng:

– Đôi khi ta cảm thấy xa cách, vì không biết phải kể cho các con nghe thế nào về cuộc chiến. Thời đó, ta làm người thu gom.

K nói đến đấy. Cơn nhói ban nãy lan dần khắp thân thể, cơ bắp ông. Trong cuộc chiến, sau cuộc khóc lóc dài đằng đẵng đầu tiên với cơn nhói hệt như vầy, K đã không còn cảm thấy gì nữa.

Đêm nay, K ngủ và trò chuyện miên man với những chiếc dép ông yêu…

… có một thời gian dài, người ta không nói chuyện nữa…

Xem thêm: Truyện lưỡi hoàn hảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *