Lan Cattleya – Phân loại, cách trồng, chăm sóc đầy đủ nhất

Bên cạnh các giống hoa lan được khai thác từ môi trường tự nhiên còn có rất nhiều loại hoa lan được lai tạo, ngoại nhập với màu sắc rực rỡ, ngát hương thơm. Trong số đó, lan Cattleya – loài hoa được mệnh danh là nữ hoàng của các loài lan, đã và đang được người yêu lan từ Nam ra Bắc ưa chuộng. Hãy cùng tìm hiểu kỹ thuật trồng lan Cattleya trong bài viết này bạn nhé

1/ Nhận biết cây lan Cattleya

Lan Cattleya hay còn gọi là cát lan, một trong những loài lan đa thân. Từ thân cây mập mạp và những chiếc lá xanh lóe lên những bông hoa rất to với đường kính khoảng 15 – 20 cm. Hoa gồm 3 – 4 cánh hoa khổng lồ uốn lượn bao quanh nhụy và xòe ra bên ngoài, màu sắc hoa thì cực kỳ phong phú.

2/ Phân loại lan Cattleya

Hiện nay chi lan Cattleya rất đa dạng với nhiều loại lan khác nhau từ hình thái thân lá cho đến mặt hoa, màu sắc..

2.1 Phân loại theo nguồn gốc

2.1.1 Lan cát rừng (Cattleya tự nhiên)

Lan cát rừng được tìm thấy trong khu vực rừng nhiệt đới của Rio De Janeiro (thành phố phía Nam Brazil). Ngoài ra trong thiên nhiên người ta còn tìm thấy khá nhiều loài lan Cattleya lai tạo tự nhiên thường được sử dụng làm giống lai tạo căn bản vì chúng rất khỏe và mau hoa. Một loài lan cát rừng phổ biến và điển hình ở Việt Nam là lan cát Hàn Mặc Tử.

2.1.2 Lan Cattleya công nghiệp

Lan cát công nghiệp ra đời nhờ sự lai tạo cho ra nhiều giống khác nhau, màu sắc sặc sỡ. Chỉ có thể đợi hoa nở chứ không thể đoán được mặt hoa lúc mua cây giống.

Loại lan Cattleya lai này gồm những loài có kích thước bông lớn cho đến những chậu lan cát mini thân lá nhỏ và hoa theo chùm.

2.2 Phân loại theo hình thái thân – hoa

Về phương diện ngoại hình thì lan Cattleya chia làm 2 nhóm là nhóm lan một lá và nhóm lan hai lá.

2.2.1 Cattleya 1 lá

Cattleya 1 lá là loại trên giả hành chỉ có 1 lá duy nhất và chỉ cho 1 – 2 hoa. Thân thường cao từ 8 – 30cm, lá màu xanh đậm, dày, dài khoảng 20cm và rộng tới 7cm. Nhóm lan này cho hoa cực to đường kính khoảng 25cm với màu sắc đa dạng.

Hiện tại là dòng lan cát đẹp được người chơi ưa chuộng nhất đồng thời có giá trị nhất.

Điển hình là loài Cattleya bạch ngọc, Cattleya vàng lưỡi đỏ, Cattleya đỏ…

2.2.2 Cattleya 2 lá

Cattleya 2 lá là loại trên giả hành có 2 lá, cho hoa theo chùm 5 -7 hoa. Thân nhỏ hơn và cao hơn khoảng 60cm, lá nhỏ màu xanh nhạt khoảng 20 cm. Nhóm lan này cho hoa nhỏ đường kính khoảng 10 – 15 cm, cánh hoa cũng thuôn dài hơn.

Lan Cattleya 2 lá hiện nay chủ yếu là dòng cattleya mini và giống lan cát xưa.

Điển hình là Cattleya mini cam, Cattleya skinneri…

3/ Hướng dẫn kỹ thuật trồng lan Cattleya

3.1 Chuẩn bị

– Chậu trồng: Có thể sử dụng chậu nhựa đen, chậu gỗ, chậu đất nung (đường kính 12 – 15cm)…có dây treo để trồng lan Cattleya. Cây là loài ưa ẩm không nên trồng chậu kích thước lớn và quá thoáng.

– Giá thể: Giá thể trồng lan Cattleya yêu cầu phải thoáng rễ, thoát nước nhanh và giữ ẩm cao. Có thể sử dụng các loại như xơ dừa, vỏ thông, than củi, viên đất nung, vỏ đậu phộng…Trồng tại vườn nhà thì nên sử dụng xơ dừa trộn với vỏ thông, viên đất nung và dớn vụn.

– Giống lan: Chọn giống lan cát khỏe, tép to, màu xanh tốt, không có vết bệnh hay màu lá khác thường. Cần tách giống lan ra thành từng hướng, 2 – 3 thân/hướng, tại vết cắt bôi keo liền sẹo và để trong mát 3 – 5 ngày. Ngâm nhánh lan trong thuốc khử trùng 8 – 10 phút rồi để ráo. Sau đó ngâm tiếp trong thuốc trị nấm 5 – 10 phút, khoảng 3 ngày sau đem trồng.

3.2 Cách trồng lan Cattleya

Làm móc treo trước khi trồng để làm điểm tựa cho cây. Sau đó cho giá thể từ kích lớn đến kích thước nhỏ vào cách miệng chậu 2 -3 cm. Đặt nhánh lan ở bên mép chậu sao cho phần mắt ngủ hướng vào giữa chậu và quấn dây để cố định các giả hành vào móc treo sao cho chắc chắn nhất. Lưu ý gốc cây lan chỉ chạm bề mặt giá thể. Hai ngày sau tưới thật đẫm vào giá thể.

Tưới định kỳ vitamin B1 2 lần/tuần cho đến khi cây ra rễ ấm gốc thì ngưng và sử dụng phân tan chậm cho cây.

4/ Chăm sóc lan cát như thế nào?

4.1 Độ sáng

Cây ưa ánh sáng trung bình, lan Cattleya cần ánh sáng nhưng không trực tiếp. Nên làm giàn che sáng khoảng 50 – 60% bằng tôn nhựa xanh hoặc 1 lớp lưới đen loại dày. Treo chậu cách nhau để cho cây nhận đủ ánh sáng và thoáng.

Cây thừa sáng có biểu hiện lá bị cháy, vàng, cây lùn thấp và rất cứng cáp. Lá có màu xanh đậm, cây yếu đuối dễ ngã là biểu hiện của cây thiếu nắng. Cây được trồng nơi vừa đủ ánh sáng sẽ có màu xanh nhạt ánh vàng hay tím, cho hoa rất to, màu hoa thắm.

4.2 Độ ẩm

Lan cát có thân trữ nước, hệ thống rễ ngầm bên dưới, cây ưa ẩm nhưng phải thoát nước tốt. Nên chỉ cần tưới vào giá thể trồng lan 1 – 2 ngày/lần và tránh tưới vào ngọn cây.

Độ ẩm lý tưởng cho hoa lan Cattleya khoảng 40 – 70%. Cây cần độ ẩm cao nhưng không được để đọng nước.

4.3 Nhiệt độ

Nhiệt độ lý tưởng cho lan Cattleya khoảng 21 độ vào ban ngày và khoảng 16 độ vào ban đêm. Khu vực Đà Lạt là nơi phù hợp trồng hoa lan Cattleya tuy nhiên cây vẫn sống được ở những nơi có biên độ nhiệt cao hơn. Cây vẫn cho hoa bình thường nhưng tốc độ phát triển sẽ chậm hơn.

Cách trồng lan Cattleya

4.4 Chế độ phân bón

Sử dụng các loại phân vô cơ có công thức 30-10-10 (giai đoạn cây con) và 20-20-20 (giai đoạn cây trưởng thành) với nồng độ 1 muỗng cà phê/ 4 lít nước tưới định kỳ

1 – 2 lần/tuần. Khi các giả hành chớm nụ hoa, bón các loại phân 10-20-20, 6-30-30 với nồng độ và chu kỳ như trên để cây cho hoa to và đẹp. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phân trùn quế viên nén Sfarm để bón cho cây vô cùng tiện lợi.

4.5 Cách làm cho lan Cattleya ra hoa

Để lan Cattleya ra hoa cần thỏa mãn các điều kiện: cây đủ tuổi trưởng thành, đầy đủ dưỡng chất và điều kiện môi trường thích hợp. Luôn luôn có sự mâu thuẫn giữa sự sinh trưởng và phát dục của cây. Nên bất cứ điều kiện bất lợi về sinh trưởng cũng làm cho cây ra hoa.

Sử dụng phân bón ít đạm công thức 6-30-30 tưới cho cây để tạo sự cứng cáp. Sau đó 2 tháng thì ngưng hoàn toàn phân bón và hạn chế tưới quá ẩm, tăng nắng cho cây sẽ thấy hoa.

Dùng cách này để kích cây ra hoa đúng thời gian mong muốn. Sau khi hoa tàn cần sử dụng phân bón lá dưỡng để cây phục hồi.

4.6 Mùa nghỉ của lan Cattleya

Cattleya là một giống lan có mùa nghỉ, ở điều kiện khí hậu và thời tiết ở Việt Nam nên cho cây 1 tháng/năm. Ở phía nam mùa nghỉ diễn ra trong tháng 4, miền bắc là tháng 1, các tỉnh từ Thuận Hải đến Thừa Thiên bắt đầu trong tháng 8.

Trong mùa nghỉ cây không đòi hỏi dinh dưỡng và nước tưới nên chỉ duy trì lượng nước tưới 1 lần/ngày. Tăng độ che sáng thêm 10%, nhiệt độ thích hợp trong mùa nghỉ cho vùng lạnh khoảng 10 độ và vùng nóng khoảng 25 độ.

Bài viết hay về loại nấm có nhiều công dụng cho cây trichoderma tham khảo tại đây: [ Nấm Trichoderma]: Thành phần, Tác dụng, Cách sử dụng hiệu quả

5/ Thay chậu và nhân giống cho lan Cattleya

Lan Cattleya phát triển rất nhanh nên việc thay chậu cho cây là điều cần thiết, định kỳ khoảng 2 năm/lần. Khi thấy giả hành mọc tràn ra ngoài mép chậu thì tiến hành thay chậu cho cây.

Cách thay chậu: Ngâm chậu vào thau nước có pha thuốc ngừa rêu trong 30 – 60 phút để rễ tróc ra. Dùng kéo cắt bỏ những rễ thối, những rễ dài thì cắt chừa lại một đoạn khoảng 10cm. Cố định cây lan vào chậu mới rồi đặt nơi thoáng mát đến khi ra rễ mới thêm giá thể và treo chậu lên giàn. Sau khi thay chậu, phun 1 lần thuốc kích thích ra rễ B1 và không tưới nước trong 1 tuần.

Cách nhân giống: Nhân giống cho lan Cattleya được thực hiện trước mùa nghỉ 4 tháng. Cây mẹ được cắt khoảng 3 – 4 đoạn (2 – 3 giả hành/đoạn), bôi sơn hoặc vôi vào vết cắt rồi phun thuốc nấm và thuốc kích thích ra rễ. Mỗi đoạn sẽ có một giả hành mới đủ trưởng thành để chịu đựng khi đến mùa nghỉ. Khi mùa mưa đến, mang mỗi đoạn trồng vào từng chậu mới.

6/ Phòng trừ sâu bệnh trên cây lan Cattleya

6.1 Sâu hại

Dán cánh và bọ trĩ

– Tác hại: cắn phá rễ, và chỉ xuất hiện trong các giá thể cấu tạo bằng xơ dừa, vỏ cây mục, dớn vụn hoặc do sử dụng quá nhiều các loại phân hữu cơ dưới dạng xác như bánh dầu, phân bò vv…

– Biện pháp: Có thể trừ chúng dễ dàng bằng các thuốc sát trùng. Tốt hơn hết là ngừa chúng theo chu kỳ 2 tháng /lần, bằng các loại thuốc nói trên.

Ốc sên

– Tác hại: Ăn hết rễ non mà còn tiết ra chất nhờn làm thối các chồi mới mọc, thường xuất hiện ở những nơi ẩm ướt.

– Biện pháp: Loại trừ các loài này bằng các mồi có trộn metandehit hay cải xà lách đặt trong rổ để ở các góc vườn các loài ốc sẽ ăn xà lách ban đêm, ta dùng đèn bắt chúng.

Rệp son (Scale insects)

– Tác hại: Bám vào lá, giả hành và ngay cả trên căn hành để hút nhựa. Nguy hiểm hơn là các loài này sẽ bám vào những mắt ngủ hút nhựa làm cho các mắt ngủ bị chết đi.

– Biện pháp: Phòng trừ bằng cách tiêu diệt bằng tay, dùng các thuốc mạnh như Regent, Lannate, polytrin,… theo nồng độ khuyến cáo.

Nhện đỏ (red spider mites)

– Xuất hiện nhiều vào mùa khô, ít hơn vào mùa mưa. Sống ẩn nấp dưới lá già thành từng đám, nơi nhện ẩn nấp lá biến thành những chấm trắng nhỏ sau đó nối với nhau biến thành màu đen và héo tàn.

– Biện pháp: Phải dùng thuốc thường xuyên và liên tục để diệt cả con già và con đẻ trứng, các thuốc thường dùng để phòng trừ nhện đỏ là: Commite, Nissorun … dùng theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì và thời gian xịt tốt nhất vào lúc 8-9 giờ sáng khi có nắng thì hiệu quả tiêu diệt cao.

Rầy bông (Mealy bugs)

– Trong phân của rệp bột này để nhử kiến đến và tha trứng đi khắp nơi và là nguồn thức ăn của nấm bồ hóng (Sacty molds). Nấm này không làm hại đến cây, trên lá những nơi có nấm mọc thì không nhận được ánh sáng để quang hợp. Khi rệp bột hút nhựa cây lan, chúng thường tiết ra một số chất độc làm cho cây lan ngừng phát triển, xung quanh chỗ nấm mọc có màu vàng và lá sẽ khô héo.

– Biện pháp: Rệp bột được trị bằng các loại thuốc sâu, rệp nhưng phải pha cùng với chất dính để phun mới có hiệu quả.

6.2 Bệnh thối đen (Black root) hại hoa lan Cattleya

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Phytophthora palmivora, Phytophthora cactorum, Shroet. Theo tài liệu của Hội hoa lan Hoa Kỳ còn có thêm tác hại của nấm Pythium ultimum, Trow. cùng có một lúc hoặc riêng lẻ.

Nguyên nhân: Thường gặp vào mùa mưa ở những vườn có độ ẩm cao hoặc tưới nước quá nhiều. Việc bón phân chưa hòa tan hết khi tưới sẽ làm nấm bệnh dễ gây hại cho cây. Trong mùa mưa hoặc mùa lạnh tưới phân hàm lượng đạm cao.

Dấu hiệu nhận biết: Bệnh này thường xuất hiện ở gốc và rễ sau đó lan dần lên thân cây. Ban đầu phát sinh ở chồi non làm chồi non thối và có màu nâu. Khi cầm vào thì rời khỏi thân dễ dàng, mềm nhũn và đầy nước. Chúng sẽ khô dần và chết ngay trên chậu, cây bị bệnh sẽ lan nhanh cho cây khác.

Biện pháp phòng trị: Ở cây con thường dễ bị bệnh hơn, nên tách cây bị bệnh ra riêng và sử dụng thuốc ngừa cho những cây còn lại bằng cách phun hay nhúng cả cây vào dung dịch thuốc nấm. Ở cây lớn thì cắt bỏ phần bị thối, nếu thối đọt thì rút bỏ đọt và phun thuốc nấm vào. Các thuốc diệt nấm có thể sử dụng là: Kasumin, TopsinM, CuzateM8, Score, super Tilt… theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì.

6.3 Bệnh đốm vòng (Anthracnse)

Tác nhân gây bệnh: là do nấm Glocosporium sp. và Collectotrichum sp. gây ra.

Nguyên nhân: Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa nên phải phòng ngừa trước, thường xử lý bằng cách cắt bỏ lá bị bệnh và phun các loại thuốc như: Mancozep, Dithal, Vicaben,… theo nồng độ khuyến cáo.

Dấu hiệu nhận biết: Lá cây hoa lan cattleya có chấm tròn màu nâu đỏ, nâu cháy rồi lan rộng ra thành nhiều vòng tròn đồng tâm, sau cùng sẽ khô cháy. Dấu vết to nhỏ tuỳ theo từng loại lan và tuỳ theo từng môi trường mà nấm phát triển. Nếu mưa nhiều thì lá sẽ bị thối ngay.

Biện pháp phòng trị: Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa nên phải phòng ngừa trước, thường xử lý bằng cách cắt bỏ lá bị bệnh và phun các loại thuốc như: Mancozep, Dithal, Vicaben,… theo nồng độ khuyến cáo.

6.4 Bệnh khô lá (Leaf blight)

Tác nhân gây bệnh: Do nấm thuộc giống Phylostica. Thường phát triển do bào tử và phát tán trong không khí nhờ gió.

Dấu hiệu nhận biết: Bệnh này thường gặp nhiều như bệnh đốm vòng. Hai bệnh này thường phát sinh cùng một lúc nên bệnh này càng trầm trọng hơn. Lúc đầu bệnh làm cho lá bị khô và biến thành màu nâu nhạt. Thường khởi đầu bằng một chấm đen ở trên lá. Có thể từ đầu lá khô dần vào hay từ gốc lá lan nhanh lên rồi khô hết cả lá.

Biện pháp phòng trị: Phun thuốc Score hay Super Tilt, phun 5 ngày/lần cho đến khi cây hoa lan cattleya hết bệnh.

6.5 Bệnh héo rễ (Wilt) hại cây hoa lan Cattleya

Tác nhân gây hại: Do nấm Selectrotium rolfsii gây nên, còn gọi là nấm hạch. Những hạch này có thể tồn tại trong môi trường rất lâu. Khi có điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao những hạch này phát triển thành sợi nấm và gây bệnh rất nhanh. Nếu không chữa trị ngay thì có thể làm hư hết cả vườn hoa lan cattleya.

Dấu hiệu nhận biết: Rễ khô dần, cây còn nhỏ gặp bệnh này có hiện tượng lá úa vàng từ dưới lên và chết cả cây. Đối với cây hoa lan cattleya đã phát triển tốt thì cây không chết nhưng rễ bị khô mục và sẽ làm cho cây chậm phát triển. Nếu rễ khô nhiều thì cây càng yếu nhiều.

Biện pháp phòng trị: Có thể dùng các loại thuốc như Anvil, Sumi eight…. Phun vào phần gốc rễ, phun 2 lần/ tuần khi bắt đầu chớm bệnh.

6.6 Bệnh thối mềm (Soft rot)

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Erwinia Carotovora gây nên, thường gặp ở những vườn có độ ẩm cao, chăm sóc không đầy đủ và phát triển mạnh vào mùa mưa. Thường vi khuẩn này xâm hại đến cây qua các vết thương hoặc qua vết cắn của sâu bọ và lây lan rất mạnh, cây có thể chết sau 2-3 ngày nhiễm bệnh.

Dấu hiệu nhận biết: Từ một chấm nhỏ bắt nguồn từ một dấu bầm trên ngọn lá do giọt nước mưa quá mạnh gây ra rồi lan nhanh thành màu nâu như bị phỏng nước sôi, chỉ cần sờ tay vào một tí đã thấy dính tay, sau đó sẽ thối hết cả chồi.

Biện pháp phòng trị: Cắt phần bị thối rồi đem cả cây ngâm vào dung dịch Kasumin 5g/lit trong vòng 15 phút hoặc dùng Agrimycin. Ngưng tưới nước 2-3 ngày sau khi xịt thuốc. Trong trường hợp bị bệnh nặng, nên lấy cây ra khỏi chậu rồi ngâm vào nước thuốc trên, sau đó chuyển sang qua chậu mới. Giá đựng chậu lan bị bệnh dùng dung dịch formol tỉ lệ 1:50 pha với nước và rửa sạch. Sau đó cần phun xịt lại toàn bộ vườn lan để vườn lan hoàn toàn hết bệnh.

6.7 Bệnh thối nâu (Brown rot)

Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Phytomonas gây ra cộng với sự tổn thương cơ học trong mùa mưa.

Dấu hiệu nhận biết: Xuất hiện những chấm màu xanh đậm trên lá, vết bệnh hình tròn, lan rộng rất nhanh. Tế bào ở nơi vết bệnh biến thành màu nâu hay đen, mềm nhũn và chứa đầy nước. Nếu để lâu các vết bệnh này sẽ lan ra cả cây rất nhanh. Ở Cattleya thì dấu hiệu bình thường gặp ở lá và khó lan xuống thân cây hơn.

Biện pháp phòng trị: Đốt bỏ cây bị bệnh, khử trùng dụng cụ tách chiết và vệ sinh vườn lan. Hạn chế các nguyên nhân gây tổn thương cơ học cho cây trong mùa mưa, giữ cho vườn lan không bị quá ẩm. Dùng kháng sinh trong nông nghiệp như Agrimycin phun cho cả vườn và ngưng tưới nước 2-3 ngày. Có thể dùng 1 gram Streptomycin+2 viên Tetracylin 500 hoà tan vào 1,5 lít nước để trị bệnh cho cây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *