Khoa học của ham muốn
Khoa học của ham muốn
Đoạn đường oai vệ chạy dọc đại lộ New York, thủ đô Washington, nằm giữa Nhà Trắng và Quảng trường Mount Vernon, kết thúc bằng chuỗi cửa hàng Starbuck. Ở góc đường 14, trụ sở của Barack Obama, đón chào một đoàn người lạnh cóng vào giờ ăn trưa gấp gáp tháng Mười Một. Họ xếp hàng như một đàn vịt với áo quần nhiều lớp, nới lỏng cà vạt và tháo găng tay. Thế rồi họ lấy điện thoại ra và đứng như trời trồng, xem tin nhắn, lướt tin tức, tìm thứ để mua và – trên hết là – nhìn chằm chằm vào những bức ảnh của bạn bè, người quen và những người nổi tiếng, ở nơi mà cỏ gần như lúc nào trông cũng xanh hơn.
Không khí ngào ngạt mùi bột cacao và sữa đánh, quầy thanh toán thì tràn ngập các món khoái khẩu: bánh phô mai nâu, bánh rán sô cô la, bánh caramel mặn. Không khí lạnh ngoài trời chỉ càng làm tăng thêm sự cám dỗ từ một ly latte cao thành một ly cỡ vừa hoặc lớn. Một người lao động trung bình ở Mỹ tiêu tốn 1000 đô la vào cà phê hàng năm, và sức tiêu thụ toàn cầu dự kiến tăng khoảng 25% trong 5 năm tới.
Cách đó một dãy dọc theo đại lộ, trong một tòa nhà thọt lỏm không thuận mắt cho lắm, có một chi nhánh của McDonald. Ở đây bạn có thể mua khoai tây chiên tẩm đường, hoặc sữa lắc 850 calo, hay bao nhiêu chiếc burger tùy thích, những chiếc bánh có thành phần chủ đạo thứ ba (sau bột và nước) là siro ngô hàm lượng fructose cao. Giờ đây ta đã biết, đường cũng có thể gây nghiện chẳng kém gì ma túy và rượu.
Đi qua cửa hàng Starbuck thứ hai, tại Quảng trường Mount Vernon, là trung tâm hội nghị Walter E. Washington với diện tích 21 hecta. Bên trong đó đang tổ chức hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học thần kinh. Đó là một sự kiện kéo dài năm ngày mà ở đó, 31.000 người yêu thích tìm hiểu não bộ đã đến để theo dõi những tiến bộ mới nhất trong việc làm sáng tỏ những bí ẩn của tâm trí, từ nhịp sinh học, trí nhớ và trí thông minh đến toàn bộ các bệnh lý thần kinh. Hầu hết 15.000 nghiên cứu được lựa chọn để giới thiệu được treo trên các tấm bảng trong một hội trường rộng lớn, biến nó thành một sàn giao dịch điên cuồng những ý tưởng mới. Một sự im lặng bao trùm khán phòng 7.500 chỗ đặt trước cho bài giảng của các nhà thần kinh học xuất sắc, chẳng hạn như giáo sư Kent Berridge, thuộc Đại học Michigan, được mời lên sân khấu để trình bày nghiên cứu tiên phong của mình về khoái lạc và ham muốn. Nếu ai đó có thể tiết lộ lý do vì sao nhiều người trong chúng ta không thể chối từ một ly cà phê cỡ vừa hay một cốc sữa lắc, dù biết trước hậu quả của nó, thì người đó chính là Berridge.
Gần ba thập kỷ qua, ông đã đi ngược lại những tư duy được định hình từ trước, để lập bản đồ cơ học não bộ về hệ thống phần thưởng – một phần trong não bộ sáng lên trên máy quét khi người ta đang tận hưởng điều gì đó, dù là một chiếc bánh, sự ôm ấp vuốt ve, heroin hay Facebook. Đó là con đường đầy gian truân, với sự góp sức của Iggy Pop và Đạt Lai Lạt Ma, cùng nhóm hỗ trợ chuột bạch theo chủ nghĩa khoái lạc.
Hệ thống phần thưởng tồn tại nhằm bảo đảm cho chúng ta tìm được cái mà mình cần. Nếu làm tình, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng hay được người khác cười đáp lại đem đến niềm vui sướng cho ta, thì chúng ta sẽ cố gắng để có những kích thích này nhiều hơn và tiếp tục sinh sản, phát triển và nhân rộng. Chỉ là, điều này không còn đơn giản trong thế giới hiện đại ngày nay, nơi người ta cũng có thể xem phim khiêu dâm, cắm trại trên đường vì chiếc iPhone đời mới nhất hay ngấu nghiến những thanh Kitkat và trở nên nghiện ngập, mắc nợ hay thừa cân. Aristotle từng viết: “Bản chất của ham muốn là không được thỏa mãn, và hầu hết con người chỉ sống nhằm thỏa mãn sự không-được-thỏa-mãn đó”. Trong khi đó, Phật giáo đã nỗ lực suốt 2500 năm hòng vượt qua những đau khổ do bản năng ham muốn của ta gây ra. Giờ đây, có vẻ như Berridge đã tìm ra cơ sở giải phẫu thần kinh cho khía cạnh này của thân phận loài người – rằng chúng ta tự động trở thành những cỗ máy ham muốn vô độ.
Nếu bạn mở một cuốn sách giáo khoa về phần thưởng não bộ vào cuối những năm 1980, nó sẽ nói cho bạn rằng chất dopamine và opioids vụt lên và lóe sáng trên con đường phần thưởng là những chất hóa học não bộ hạnh phúc chịu trách nhiệm cho khoái lạc. Hệ thống phần thưởng liên quan đến niềm vui và bằng cách nào đó biết được điều gì sản sinh ra nó, và còn hơn thế nữa. Vì vậy khi Berridge, một nhà khoa học trẻ tuổi tận tâm, mà trong tình huống này giống David hơn là Goliath, va phải những bằng chứng vào năm 1986 rằng dopamine không sản xuất ra niềm vui, thay vào đó là khao khát, ông đã giữ im lặng. Phải đến đầu những năm 1990, sau nhiều nghiên cứu khắt khe, ông mới cảm thấy đủ can đảm để công bố luận án mới của mình. Hệ thống phần thưởng, ông xác nhận, có hai thành phần riêng biệt: mong muốn (wanting) và ưa thích (liking)(hoặc ham muốn và khoái lạc). Mặc dù dopamine khiến chúng ta muốn thứ gì đó, song phần ưa thích lại đến từ opioids và đồng thời là endocannabinoids (một phiên bản của cần sa được sản xuất trong não bộ), thứ đã vẽ ra “vẻ ngoài giả dối của khoái lạc”, theo lời của Berridge, về những trải nghiệm dễ chịu. Trong nhiều năm, luận án của ông gây ra nhiều tranh cãi, và đến bây giờ mới được công nhận rộng rãi. Trong khi đó, Berridge vẫn tiếp tục nỗ lực, đưa ra ánh sáng những thông tin ngày càng chi tiết hơn về lý do khiến ta cư xử theo cách này hay cách khác. Khám phá gây ấn tượng mạnh của ông là, mặc dù dopamine/hệ thống mong muốn rất rộng lớn và mạnh mẽ, song mạch khoái lạc về mặt giải phẫu là vô cùng nhỏ, có cấu trúc hết sức mong manh và khó bị kích hoạt.
Trước buổi nói chuyện, chúng tôi gặp gỡ uống cà phê cùng nhau; có một cửa hàng Starbuck khác trong trung tâm hội nghị. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng một người đã có nhiều kinh nghiệm thuyết trình trước đám đông lại có cảm giác lo lắng bồn chồn trước lúc diễn thuyết. Chỉ một lát sau khi đến, Berridge bắt đầu tái nhợt và ra khỏi hàng chờ để về lấy máy tính xách tay có chứa bài thuyết trình mà ông vô tình để quên ở hành lang khách sạn. Ông cũng không hề miễn nhiễm với thứ ham muốn và khoái lạc mà mình đang nghiên cứu. Không cần suy nghĩ nhiều, ông gọi một ly cà phê sữa hạt dẻ cỡ vừa và một lát bánh cà phê. “Rất dễ kích hoạt Khao khát mãnh liệt,” ông nói, khi chúng tôi ngồi vào bàn. “Hệ thống to lớn, mạnh mẽ đã làm điều đó. Chúng có thể phát triển thành khoái lạc hoặc không, chẳng cần biết. Việc kích hoạt khoái lạc không đơn giản như ta nghĩ.” Ông chưa từng kỳ vọng phát hiện của mình sẽ tiến triển theo hướng này, song nó khá hợp lý. Lát sau ông nói với các khán giả, “Điều này có thể lý giải vì sao những khoái lạc mãnh liệt trong cuộc sống ít thường xuyên và duy trì trong thời gian ngắn hơn so với những ham muốn mãnh liệt.”
Trong những năm gần đây, những nghi ngờ của Berridge phân tán đều đặn, và nhiều nghiên cứu đã áp dụng sự chênh lệch giữa mong muốn và ưa thích (hay khoái lạc và ham muốn, tận hưởng và động lực) vào các nghiên cứu lâm sàng về các hội chứng như trầm cảm, nghiện, ăn uống vô độ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và bệnh Parkinson. Nó cũng hiện diện ngày càng nhiều trong các cuộc thảo luận tâm lý học và triết học về ý chí tự do, mối quan hệ và chủ nghĩa tiêu thụ.
Berridge là một sự kết hợp thú vị của đức tính khiêm tốn và tự tin. Ông không phải kiểu người trí trá hay thích thể hiện, cũng không tranh thủ truyền thông hay những lời rao bán để được nằm trong danh sách bán chạy nhất. Ông đã làm việc ở đại học Michigan gần 30 năm, thích thú với nó hơn đại học Pennsylvania nơi ông hoàn thành bằng tiến sĩ. Ông thừa nhận rằng Penn, vốn là một trong các trường thuộc Ivy League, có được sự tập trung cao hơn của các sinh viên sáng giá. “Song đó lại chỉ là bước đệm của nhiều người. Sinh viên Michigan thì chân thật, tự thân nó đã là mục đích rồi. Họ hào hứng vì điều đó”, ông nói trong lúc chúng tôi lái xe qua vùng nông thôn miền Trung Tây lạnh giá, một ngày sau buổi thuyết trình, để đi đón chú chó Toby của ông trong cũi.
Sinh ra ở California, song nơi mà Berridge cảm thấy thoải mái nhất là thị trấn đại học khiêm tốn ở Ann Arbor, gần Detroit, nằm trên một vành đai tuyết được nuôi dưỡng bằng nước đóng băng từ Ngũ Đại Hồ. “Nếu anh là một học giả, và thật sự say mê công việc của mình,” ông nói, lái xe đi xuyên qua bằng sự bình tĩnh có trật tự, không bị lung lay bởi băng tuyết, “thì đây là một nơi dễ chịu.” Ông đã sống tại một địa chỉ duy nhất suốt 25 năm – một ngôi nhà bằng gỗ trong trang trại theo lối phục hưng Hy Lạp từ những năm 1860, mà tại thời điểm mua nó nằm trên một khu phố tệ nạn (giờ thì hàng xóm đã dễ chịu hơn rồi, dù chưa thật sự khá giả cho lắm, và ông với Toby cũng không có ý định chuyển đến vùng sạch sẽ tử tế hơn của thị trấn). Berridge đã dành được một giải thưởng bảo tồn cho việc khôi phục ngôi nhà trở lại hình ảnh vinh quang của nó trước đây, hoàn thành bằng màn cửa tua rua và thanh kiếm thời nội chiến treo trên tường. Thậm chí trần nhà cũng có hoa văn, và sự lỗng lẫy tuyệt đối của nó đối lập hoàn toàn với ông. Phong cách trang trí không bộc lộ cá tính của Berridge, mà là một sự phản chiếu ý thức mạnh mẽ về lịch sử của ông, một khao khát làm điều đúng đắn bằng cách sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí của nó.
Sau khi thả Toby về nhà, ông đưa tôi vào trung tâm thị trấn để ăn tối tại nhà hàng ưa thích của ông, một nhà hàng châu Á nơi ông gọi cho hai ly mojito sò quế ấm. Bằng lối nói chuyện dè dặt, hơi kiểu cách nhưng nhiệt thành, ông kể về công việc nghiên cứu tâm trí bằng sự kinh ngạc trẻ thơ, bày tỏ những suy nghĩ hỗn độn với tốc độ chỉ cho phép ông hớp vội lấy những ngụm không khí. Ngấu nghiến món cá ngừ đại dương với gừng và wasabi, cùng một ngụm rượu vang, ông mô tả những mô hình khoa học thần kinh trước đây như thể một buổi hòa nhạc: “đẹp đẽ, trong vắt như pha lê, tối giản và thanh lịch”. Ông nói mình không phải một người theo chủ nghĩa tối giản tin vào việc chúng ta có thể lý giải tâm trí bằng các cơ chế não bộ này. “Chỉ là tôi nghĩ những cơ chế ấy là một phần của tâm trí chúng ta.” Ông thậm chí còn không hề hạ thấp sự tồn tại của Chúa trời – vì những lý do khoa học chính đáng: chúng ta cũng chẳng thể bác bỏ được điều đó.
“Kent là một trong những đồng sự tuyệt vời”, theo lời của Morten Kringelbach, một đồng sự nghiên cứu lâu năm tại Oxford và là giáo sư ngành khoa học thần kinh tại đại học Aarhus ở Đan Mạch, người đã hợp tác với Berridge từ năm 2006 về sách và bài viết học thuật. “Ông ấy là một người vô cùng khiêm tốn, và có được ngày hôm nay bằng cách lờ đi những gì người khác nói với mình.” Phải đến năm 2000 Berridge mới thuyết phục được các nhà tài trợ rằng nghiên cứu ham muốn – ưa thích của ông đáng đồng tiền bát gạo. Trước lúc đó, ông phải ghép nó vào các dự án khác.
Những ứng dụng lâm sàng tiềm năng luôn chiếm chỗ trong tâm trí ông, Berridge nói, “và theo một nghĩa nào đó thì nó là lý do để làm công việc này. Đó là lý do để xã hội tài trợ cho nghiên cứu.” Phát hiện của ông về việc ham muốn và sợ hãi có chung các hoạt động não bộ, giống như hai mặt của một đồng xu, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng tâm thần phân liệt. Đây là lúc Iggy Pop, một nhân tố Michigan khác, cùng tham gia. Album năm 1998 của ông, “Live on the King Biscuit Flower Hour” được sử dụng cùng với ánh sáng mạnh nhằm gây ra sợ hãi cho những con chuột trong các thí nghiệm này. (Đã thành công.) Một loại thuốc thử nghiệm đã có một số thành công trong việc giảm bớt ảo tưởng bằng cách giới hạn các tế bào thần kinh dopamine nhất định sản sinh ra nỗi sợ.
Đọc ngay: Sự Khoái Lạc Trong Khoa Học Thần Kinh Là Gì?
Sẽ là bất khả thi nếu muốn theo kịp mọi nghiên cứu học thuật mới có trích dẫn công trình của Berridge, song mỗi khi nghe được về một dự án nghiên cứu thú vị dựa trên những phát hiện của mình, Berridge lại mang nhiều cảm xúc. Ông rất vui mừng. “Nhưng tôi cũng thầm chúc may mắn vì sự nhiệt tình của các nhà khoa học ấy. Họ nhìn ra mối quan hệ với vấn đề mà họ đang nghiên cứu. Tôi mong là nó có kết quả, mong là nó đúng. Song nếu nó dẫn họ đi sai đường, thì đó lại là một cú chơi khăm.”
Hầu như không có điều gì chắc chắn trong trò chơi này. Berridge coi khoa học như một bản tạp âm những ý tưởng la hét vào nhau. “Anh đặt cược vào đó, rồi quay bánh xe…” Ban đầu ông nghĩ giả thuyết của mình có lẽ chỉ sống được khoảng 5 hay 10 năm, cũng như các mô hình khoái lạc – dopamine trước đây. “Tôi chắc chắn rằng mười năm sau, người ta sẽ thấy thương hại chúng ta,” con người thực tế trong ông lên tiếng. Song ông cũng chỉ ra rằng một vài sự thật là vĩnh cửu, và luận án của ông đã có một cuộc đời dài hơn những đồng loại của nó trước đây.
Trong hành lang của khoa tâm lý học đại học Michigan treo một hàng áo khoác phòng thí nghiệm và một bản chép lại bức tranh “Tiếng thét” của Munch – mà theo Berridge đó là “lời nhắc nhở về thứ mà chúng ta phải sửa”. Trong phòng thí nghiệm của ông, có bản đồ não người, dụng cụ phẫu thuật và các nguồn khoái lạc dồi dào cho những chú chuột của ông: kẹo m&m, viên thức ăn cho chuột, cocain. Chất gây nghiện được giữ trong khoảng cách an toàn và được sự cho phép của Viện nghiên cứu lạm dụng ma túy quốc gia, nơi hiện đang tài trợ phần lớn cho công trình nghiên cứu của Berridge. Chuột cũng nhạy cảm với sự dâng trào dopamine do tác dụng của thuốc giống như con người, theo đó là một lượng nhỏ opipids tự nhiên.
Chúng cũng có chung hệ mạch giống như não người, Berridge nói, “đặc biệt với những thứ như động lực.” Và bằng cách thí nghiệm trên chuột, ông có thể nghiên cứu tính phức tạp của bộ não theo cách mà ông không thể thực hiện được trên người. “Đôi khi người ta phải bật tắt các hoạt động để thiết lập nên quan hệ nhân quả,” ông nói, trước khi đảm bảo với tôi rằng lũ chuột của ông không phải chịu đựng quá nhiều so với một con thú cưng thông thường. Ông sẽ kích thích một phần não bộ, bằng thuốc hoặc tia laze, để xem chức năng tâm lý nào trở nên rõ rệt và mãnh liệt hơn. “Nó trồi lên như đỉnh một ngọn núi vậy. Anh có thể nhìn thấy, đo đạc, đánh giá và hiểu được tín hiệu của nó.
Cách dễ nhất để nghiên cứu về ham muốn là thông qua con đường phổ biến nhất trên toàn thế giới: ăn uống. Các hệ thống não bộ có liên quan, Berridge cho hay, “tham gia vào mọi loại phần thưởng – nhận thức, xã hội, âm nhạc và các khoái lạc thuộc về cảm giác khác.”
Khi chuột được nếm vị ngọt, chúng hành động như một đứa trẻ – thè lưỡi ra và liếm môi. Càng thích thú bao nhiêu thì thì cái lưỡi bé nhỏ của chúng càng ve vẩy vui sướng bấy nhiêu. “Việc yêu quý động vật có ích trong lĩnh vực này,” ông nói. Tin hay không thì ve vẩy lưỡi và liếm môi là thước đo khoái lạc của Berridge.
Một thí nghiệm sử dụng phương pháp này đã đem đến phát hiện đầu tiên của ông về dopamine. Lý thuyết trung tâm phần thưởng chiếm ưu thế vào những năm 1980 đã bị hạ gục bởi Roy Wise, thuộc Trung tâm nghiên cứu thần kinh học hành vi tại Đại học Concordia ở Montreal. Một thời gian ngắn trước Giáng sinh năm 1986, Wise gọi cho Berridge, khi đó ông đang làm trợ lý giáo sư tại đại học Michigan, đề nghị ông tham gia vào đội của họ. Wise muốn tận dụng sự lão luyện của Berridge trong việc đọc biểu hiện khuôn mặt của chuột bạch để kiểm tra lý thuyết của ông. Berridge đã ngưỡng mộ công trình của Wise từ lâu (ông từng “kinh ngạc trước vẻ đẹp của những luận chứng của Wise) và vô cùng phấn khích trước viễn cảnh được cộng tác với thần tượng. Ý tưởng rất đơn giản: họ sẽ cho chuột một loại thuốc gây ức chế dopamine, và “phản ứng khoái lạc sẽ giảm xuống, vì dopamine là khoái lạc, ai cũng biết điều đó.”
Không có hiệu quả. “Biểu hiện vui sướng trên khuôn mặt của chuột vẫn bình thường,” Berridge cho biết. Ông và Wise khá thất vọng, song họ không coi phát hiện này quá nghiêm trọng vì “đôi khi anh làm một thí nghiệm và nó không có hiệu quả, chỉ thế thôi”. Song khi ông tự mình lặp lại thí nghiệm này, kết quả vẫn như cũ. Vì vậy ông thử lại thêm một lần nữa, sử dụng một độc tố thần kinh tấn công dopamine và “lấy nó ra hoàn toàn.” Con chuột không còn dopamine không ăn hay uống theo ý chí của nó nữa, nhưng nếu bạn thả một giọt nước đường vào lưỡi nó, thì một khuôn mặt bộc lộ sự ngon miệng sẽ hiện ra.
Wise khăng khăng rằng Berridge đã sai suốt nhiều năm, cho đến khi bằng chứng trở nên quá thuyết phục đến nỗi khó mà gạt đi. Nhiều đồng sự nói với Berridge rằng ông đang lãng phí thời gian với chiến dịch lập bản đồ khoái lạc và ham muốn. Họ đã lầm.
Berridge cùng nhóm của mình (phần lớn là nghiên cứu sinh có bằng tiến sĩ thực hiện các thí nghiệm) đã định hình khoái lạc bằng cách đưa các vi khuẩn opioids đến các đốm nhỏ trên não, từng con một, và ghi chép lại khu vực nào giúp tăng cường cảm giác ưa thích của chuột, sử dụng việc ve vẩy lưỡi làm thước đo. (Đây là phiên bản rút gọn; các chất khác được tiêm riêng, để biết thêm thông tin về hoạt động của tế bào thần kinh và cách chúng tương tác với nhau). Sau đó Berridge – nhìn ra chỗ khác – “trợ tử” cho lũ chuột, theo cách nói của ông, và mổ lấy não bộ của chúng, kiểm tra chính xác xem tế bào thần kinh nào đã được kích hoạt. Một protein có tên là Fos được sản sinh khi tế bào thần kinh được kích thích có thể trông thấy được khi bộ não được mổ ra, trong các mô nhỏ hình giọt nước.
Dần dần, ông nói, một khuôn mẫu về khu vực sản sinh ra khoái lạc bắt đầu xuất hiện. “Trông kìa, không phải ngẫu nhiên mà có. Tất cả các vị trí đang thực hiện nhiệm vụ đó được tập hợp lại với nhau trong nhiều vùng não khác nhau.” Các cụm có thể tích khoảng một milimet khối ở chuột (nên sẽ có thể bằng khoảng một centimet khối ở người), và ông gọi chúng là các điểm nóng khoái lạc – một chuỗi những hòn đảo tí hon, nằm rải rác trên một số vùng não, song đều liên kết với nhau bằng một mạch. Từ các bằng chứng thu được cho đến nay, có vẻ như toàn bộ mạch này được kích hoạt trước bất cứ kích thích khoái lạc nào, từ thức ăn đến tình dục hay những thú vui cao cấp hơn bao gồm tiền tệ, âm nhạc và lòng vị tha. Lời giải thích tương tự được áp dụng cho nhiều sự kiện khác nhau.
Không cần phải nói, từ việc nghiên cứu trên động vật đến áp dụng cho con người còn rất nhiều giới hạn phải vượt qua, chính vì vậy mà Berridge và Kingelbach bắt đầu làm việc cùng nhau. Kringelbach cũng bị mê hoặc bởi những cơ chế tương tự như Berridge, và phát hiện của ông từ việc nghiên cứu con người, thường sử dụng mô hình thần kinh, kích thích não sâu và mô hình máy tính, có mối tương quan với công trình của Berridge. Họ trở thành bộ đôi thần kinh học năng động, dù vẻ ngoài của họ trông chẳng giống nhau chút nào: khó có thể hình dung Berridge có chung sở thích tiệc tùng như Kringelbach.
Kringelbach có thái độ nhếch nhác của một sinh viên hơn là một nhà nghiên cứu lão luyện, khi ông ngồi ở đầu bàn ăn lớn tại đại học Queen, Oxford, trong bộ đồ đạp xe và áo hoodie. “Thử nói đến một niềm khoái lạc nào đó đi và tôi có thể sẽ nghiên cứu nó dưới một vài hình thức,” ông nói về món tráng miệng trà hoa cúc. Thật vậy: ông đã nghiên cứu mọi thứ từ tình dục, ma túy và nhạc rock’n’roll đến nghệ thuật, thông qua tiếng trẻ con cười.
Vẻ đẹp trong công trình của Berridge (và ông thực sự không cho là nó đẹp), ông nói, “là ông có thể loại bỏ vùng nhân não (nucleus accumbens) hay vùng ventral pallidum, và chỉ ra rằng chỉ khi nào bạn bỏ đi ventral pallidum thì bạn mới xóa bỏ hoàn toàn được sự ưa thích.” Phát hiện của Berridge được hỗ trợ bằng kết quả trên người thật. Đôi khi một phần của ventral pallidum vô tình bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật, khiến bệnh nhân không thể trải nghiệm cảm giác sung sướng.
“Một trong những điều cốt lõi của khoái lạc,” Kringelbach nói với âm sắc mặc định chỉ trên mức thì thầm, “là nó có tính chu kỳ”. Mong muốn và ưa thích đông đặc và tan chảy giống như ngọn nến vậy. Trạng thái đói và thèm trước bữa ăn có thể được gắn với khoảnh khắc vui sướng từ một buổi gặp gỡ đông người, hoặc dự đoán về một bữa ăn ngon. Sau đó, khi ta ăn, khoái lạc xâm chiếm mọi giác quan, nhưng niềm mong muốn vẫn còn đó – thêm muối, thêm một cốc nước, thêm một phần nữa. Chẳng bao lâu, hệ thống bão hòa bước vào để khiến mỗi món ăn trở nên kém ngon hơn cho đến khi chúng ta ngừng ăn. Nếu chuyển sang món khác – như tráng miệng, phô mai, bánh ngọt – thì chúng ta có thể kéo dài niềm vui cho đến khi no căng bụng, dù có thể phải hối tiếc về sau…
Khoái lạc đôi khi rất khó nắm bắt và thường chỉ là nhất thời. Giá như chúng ta có thể cho nó vào một cái chai. Âm nhạc, theo Kringelbach, là thứ gần nhất mà chúng ta có thể chạm đến. “Nó giống như một thứ có thể kéo căng và dãn ra. Anh có thể ghi nhớ nó trong quãng thời gian dài nhất, đông đặc và tan chảy, mong muốn và yêu thích. Nếu đã từng có mặt trong những buổi khiêu vũ thâu đêm thì anh sẽ biết nó tuyệt vời biết bao. Đấy chính là lý do họ làm điều đó, dù cho có phải phá luật chăng nữa.”
Mùa xuân năm 2014, Kringelbach và các đồng sự tại Oxford và Aarhus đã công bố một bài nghiên cứu về đường rãnh – âm nhạc khiến người ta muốn thức dậy và nhảy và, trích dẫn theo nghiên cứu, “thường được quan sát thấy trong…nhạc funk, hip-hop và nhạc nhảy điện tử.” Họ lấy 50 bài trống, 34 trong số đó có trong các bài hát nhạc funk, phần còn lại được thiết kế cho thí nghiệm bằng phần mềm Garageband, rồi thử nghiệm chúng trên những người tham gia, họ sẽ báo cáo lại mức độ ưa thích của mình, và mức độ thứ âm nhạc ấy khiến họ muốn lắc lư. Bài “Good old music” của George Clinton ban nhạc Funkadelic (1970) đạt một trong những điểm số cao nhất. Bí quyết mà họ tìm thấy là một sự cân bằng hoàn hảo của độ phức tạp và khả năng dự đoán. “Mức độ trung bình của sự hòa hợp đã khơi gợi khao khát tột bậc được lắc lư và niềm khoái lạc cao nhất,” Kringelbach cho biết. “Niềm vui của tận hưởng là sự cân bằng giữa kéo và đẩy của căng thẳng và thả lỏng.”
Một phần sức quyến rũ của âm nhạc nằm ở việc nó gắn kết chúng ta – khiêu vũ với ai đó vui hơn hàng vạn lần so với nhảy một mình. Kringelbach cho biết, “nếu anh muốn nói về các trải nghiệm hưng phấn, thì nó chỉ liên quan đến người khác mà thôi.” Ông nói những khoái lạc xã hội là quan trọng nhất. “Chúng cũng tạo ra liên kết với sự tồn tại của bản thể”. Lượng yêu thương và sự chú ý mà ta nhận được từ những người chăm sóc mình trong 18 tháng đầu đời, “thiết lập nên ngưỡng khoái lạc của chúng ta”, Kringelbach cho hay. Những người không nhận được đủ các tương tác tích cực giai đoạn đầu đời dễ có khả năng trở thành một người lớn âu lo hay trầm uất.
Mặc dù ham muốn và khoái lạc thường đi liền với nhau, song ta hoàn toàn có thể muốn một thứ mà ta không thích. Hãy nghĩ đến nỗi thôi thúc mua sắm điên cuồng liên quan đến niềm phấn khích mua sắm hơn là bản thân sản phẩm. Một chiếc bánh khiến bạn ghê tởm, nhưng rồi vẫn ăn. Loại ma túy mà bạn thèm muốn, dù nó chẳng còn vui như trước nữa. Và với người yêu cũ cũng vậy…
Một nhóm thuộc đại học Stanford đã phát hiện ra rằng nếu chúng ta không có được thứ mình muốn, thì ta sẽ khao khát nó hơn trong khi độ yêu thích lại giảm đi. Với nghiên cứu năm 2010 của họ mang tên “Thèm thuồng trong căm ghét”, 60 người tham gia đã được tuyển chọn trực tuyến để kiểm tra một trò chơi điện tử mới và hệ thống thanh toán, với cơ hội dành giải thưởng (họ được nghe kể lại như vậy). Một số người thắng giải thường, một số khác thì không. Những người không dành chiến thắng thậm chí còn bộc lộ sự yêu thích ngày càng tăng đối với các vật phẩm tương tự như phần thưởng mà họ không dành được.
Đọc ngay: Sự Khoái Lạc Trong Khoa Học Thần Kinh Là Gì?
Các cuộc thảo luận về ý chí tự do sẽ nảy sinh từ công trình của Berridge vì mong muốn và ưa thích có thể xảy ra ở cả hai trạng thái có ý thức và vô thức. Đó là lý do vì sao những ham muốn khẩn cấp thường vô lý và không nhất quán, chống lại những gì chúng ta biết là có lợi cho mình về lâu dài. Mong muốn vô thức có thể thách thức những kế hoạch tốt nhất của chúng ta trong việc kết thúc một mối quan hệ không lành mạnh hay không ăn sạch hộp sô cô la đó.
Một trong những nghiên cứu của Kringelbach xác định được tính tương phản phức tạp giữa mong muốn và ưa thích. Đàn ông và phụ nữ chưa làm cha mẹ được giao hai nhiệm vụ. Trước tiên, họ được yêu cầu đánh giá mức độ dễ thương của một loạt khuôn mặt em bé sơ sinh. Đàn ông đánh giá tất cả em bé đều ít thu hút hơn so với phụ nữ. Kết luận: Đàn ông không thích khuôn mặt của trẻ sơ sinh nhiều bằng phụ nữ. Song Kringelbach thắc mắc liệu có phải đàn ông không có cảm giác xúc động vì trẻ sơ sinh nhiều bằng phụ nữ không – họ dễ cảm thấy như vậy không ra dáng đàn ông, hay thậm chí có thể bị bắt vì tội ấu dâm.
Với nhiệm vụ thứ hai, các đối tượng có thể nhấn nút để giữ bức hình của đứa trẻ trên màn hình hoặc để chúng biến mất. Lần này, những người đàn ông đã nỗ lực ngang bằng với phụ nữ để giữ cho những khuôn mặt dễ thương trong tầm nhìn của mình (cả hai đều nhẫn tâm như nhau trong việc xua đuổi những gương mặt kém dễ thương hơn). Kết luận: đàn ông cũng muốn nhìn những khuôn mặt đáng yêu nhiều như phụ nữ. “Đây là một sự khác biệt vô cùng thú vị giữa mong muốn và ưa thích,” Kringelbach nói, “dựa trên một hiện tượng văn hóa.”
Cùng với đồng sự tại đại học Michigan, Terry Robinson, Berridge đã nghiên cứu để hiểu được vì sao những người nghiện ma túy lại thèm thuốc dù đã cai nghiện nhiều năm, và làm thế nào mà ham muốn áp đảo này có thể tách rời khỏi sự ưa thích những loại thuốc nhất định. Họ đã phát hiện ra các chất gây nghiện tấn công vào hệ thống dopamine, vĩnh viễn thay đổi nó bằng một quá trình mà họ gọi là nhạy cảm có động cơ. Ông nói, giờ thì chúng ta đã biết, “khi tiếp xúc với các chất gây nghiện – cocaine, amphetamine, heroin, rượu, nicotine và thậm chí là đường – thì các tế bào thần kinh sẽ tiết ra nhiều dopamine hơn, và cũng tạo ra nhiều thụ thể hơn cho một chất dẫn truyền khiến chúng giải phóng ra dopamine.” Đây là thay đổi vĩnh viễn về mặt thể chất mà sẽ luôn duy trì cho dù người nghiện ngưng sử dụng ma túy (mặc dù việc sản xuất dopamine nói chung sẽ chậm lại khi chúng ta già đi).
Hơn nữa, não bộ trở nên nhạy cảm với các tín hiệu. Nếu bạn sử dụng điều kiện hóa Pavlovian trên chuột để liên kết một tín hiệu nhất định với cocaine hay đường, thì đến cuối cùng những con chuột sẽ muốn có nhiều tín hiệu hơn thay vì chất kích thích kia. Hành vi này cũng phổ biến ở loài người. Với nhiều người nghiện, việc mua thuốc đã trở thành một phần của nghi lễ, để cuối cùng đem lại một hi vọng thỏa mãn hơn việc dùng thuốc. Điều tương tự có thể áp dụng với việc kiểm tra điện thoại của chúng ta.
Các nghiên cứu trên người mắc bệnh Parkinson, gây ra bởi các tế bào thần kinh dopamine chết, đã báo cáo có 13-15% bệnh nhân được điều trị bằng các loại thuốc kích thích dopamine gặp phải tác dụng phụ là hội chứng rối loạn kiểm soát bốc đồng (Impulse Control Disorder – ICD). Điều này được thể hiện dưới hình thức mê cờ bạc, hành vi tình dục có xu hướng ép buộc, ăn uống vô độ và mua sắm và/hoặc sử dụng internet một cách mất kiểm soát. Khi họ ngưng dùng thuốc thì biểu hiện ICD dịu lại.
Dopamine là chất tạo động lực mạnh mẽ, và bản thân nó cũng ở một vị thế khá cao. Khi bị kích thích, các đối tượng đã báo cáo rằng mọi thứ và mọi người trông sáng hơn và đáng khao khát hơn. Berridge nói với tôi ở Washington rằng, “có một số ý kiến cho rằng niềm háo hức hi vọng của dopamine là một điều tuyệt vời, và chắc chắn là vậy, khi bạn nghĩ về buổi sáng ngày Giáng sinh, đi dạo quanh các cửa hàng và những thứ tương tự. Ngay cả khi tự bản thân nó là như vậy, không có niềm khoái lạc nào khác, thì mọi người cũng trở nên nghiện cảm giác ấy.”
Một số người vẫn tin rằng dopamine là một dạng khoái lạc, song Berridge vẫn kiên quyết rằng họ đã lầm. “Nó có thể dễ chịu trong một số tình huống, và có thể tự tồn tại và gần như trông giống khoái lạc, song nó cũng có thể không mấy dễ chịu.” Ông trích dẫn một huyền thoại về Tantalus, khởi nguồn của từ “mê hoặc” (tantalize). “Con trai của thần Zeus, bị các vị thần trừng phạt vì những tội lỗi của mình, nên anh ta luôn luôn bị cám dỗ: trái cây và nước uống luôn ở ngoài tầm với. Một trạng thái của hi vọng cực độ vĩnh cửu, nhưng không mấy dễ chịu.”
Vào một ngày trong tháng Mười một, Ann Arbor tràn ngập các sinh viên đại học má hồng đang nhấm nháp ly cà phê mang chủ đề lễ Tạ ơn, gõ nhẹ vào chiếc máy tính xách tay Macbook Airs bóng loáng. Liệu có phải sự lựa chọn và những thông điệp chúng ta được cung cấp mỗi lần đang nuôi dưỡng hệ thống dopamine, tương tự như cách mà ma túy gây nghiện đã làm? “Đó là một quan điểm chính đáng,” Berridge nói. “Quảng cáo, sự sẵn có của mọi thứ, đó là những tín hiệu cám dỗ thôi thúc chúng ta khao khát…Chúng ta luôn ở trong trạng thái kích thích dopamine liên tục vì những tín hiệu đó. Bản thân nó không phải là tín hiệu, và nó cũng không phải chất kích hoạt dopamine trong não, nhưng nếu đặt chúng cạnh nhau trong một bộ não phản ứng-dopamine thì whoof, bạn sẽ có khao khát này.”
Một số bộ não phản ứng với dopamine nhiều hơn, do đó dễ bị nghiện hơn. “Có khoảng 30% cá thể dễ bị nghiện.” Di truyền, chấn thương tâm lý thời thơ ấu, giới tính (phụ nữ dễ bị nghiện hơn) và các yếu tố khác đều có liên quan. Cùng với phần thưởng khoái lạc và các tín hiệu của nó, thì các sự kiện mới lạ cũng kích hoạt dopamine. Thậm chí một việc đơn giản là đánh rơi chìa khóa một lần cũng sẽ khai hỏa các tế bào thần kinh dopamine. Đánh rơi vài lần thì các tế bào sẽ chán và không để ý nữa.
Peter Whybrow, giám đốc Viện khoa học thần kinh và hành vi con người tại Đại học California, Los Angeles, đã viết trong cuốn sách mới của ông “The Well Tuned Brain” (W.W.Norton), “thật yên tâm khi biết rằng sự tham lam điên cuồng của chúng ta, với tất cả những hậu quả không lường trước được của nó, đã nảy sinh không phải vì chúng ta là quỷ dữ, mà bởi vì trong một thời gian dài, những bản năng cổ xưa như vậy không còn phục vụ cho mục đích ban đầu của nó nữa.” Qua điện thoại, ông nói với tôi rằng ông bị mê hoặc bởi ý tưởng rằng “người tiêu dùng sẽ thèm muốn một thứ gì đó liên tục nếu chúng ta cho họ sự mới lạ”, và đồng ý rằng nền kinh tế thị trường đã và đang tăng cường hệ thống dopamine ham muốn. “Chúng ta đã chắp nối nền tảng sinh học, đặt ham muốn, ưa thích và phần thưởng cùng nhau vào chung một tầm nhìn văn hóa của những thứ tiến bộ. Chúng ta đã quên mất cách kiềm chế ham muốn.”
Ông nói thêm, hãy lấy khái niệm về tiền làm ví dụ. Anh có thể ăn đến ngưỡng bão hòa. Cũng có thể phát ngấy vì tình dục. Nhưng người ta chưa bao giờ cảm thấy có quá nhiều tiền. “Vì vậy chúng tôi đã xây dựng hệ thống thú vị này, hiện đang thúc đẩy mặt sinh học của nó.”
Vị trí đáng tự hào trong phòng thí nghiệm của Berridge thuộc về một nhóm các bức ảnh của ông cùng các chuyên gia nghiên cứu về nghiện khác và Đạt Lai Lạt Ma. Được gắn ở bên dưới, trong cùng một khung hình, là một cái que mảnh màu trắng, đó là một sợi quang được dùng để điều khiển bộ não bằng ánh sáng. “Tôi nghĩ là tôi sẽ không làm mất nó,” Berridge nói. “Đó là sợi laze quang-di truyền duy nhất từng được Đạt Lai Lạt Ma sở hữu.”
Bức ảnh được chụp nhằm kỷ niệm tuần trao đổi giữa ông và Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ năm 2013. Cuộc gặp gỡ của các tâm thức đã có ảnh hưởng sâu sắc với Berridge, và ông đặc biệt ấn tượng về hiệu quả của thiền trong việc thuần hóa khao khát dopamine trong chúng ta – không chỉ đối với các Phật tử.
Sarah Bowen, một nhà trị liệu các chứng nghiện ở Seattle cũng được mời trong chuyến viếng thăm Đạt Lai Lạt Ma, đã có những thành công đáng kể trong việc giúp đỡ những người nghiện hồi phục bằng các sử dụng thiền chánh niệm. Trong hơn 12 tháng, liệu pháp này đã làm giảm tần suất dùng thuốc hiệu quả hơn so với liệu pháp nhận thức hành vi hay chương trình 12 bước. Đó không phải phương pháp chữa bệnh, cũng không có hiệu quả với tất cả mọi người, vì nó đòi hỏi phải thật sự chuyên tâm thì mới thu được lợi ích. Song các xúc tu chánh niệm đang nhanh chóng lan rộng khắp phương Tây, có lẽ vì nó là một trong số ít thuốc giải độc rõ ràng đối với chứng điên cuồng dopamine trong xã hội hiện đại ngày nay.
Thiền tập không làm cho những khao khát biến mất. Berridge nói, “Cái mà nó làm là cho tâm trí nhận thức một cách thức để rời xa khỏi sự thôi thúc của những ham muốn đó. Nó là môn thể dục dụng cụ cho tinh thần. Khi mong muốn xuất hiện, bởi vì bạn đã thực hành nhuần nhuyễn, nên bạn có thể nhận ra nó, cảm nhận nó ở xung quanh, tập trung vào nó, và cảm nhận sự thôi thúc như một cảm giác thông thường mà không bị cuốn vào đó.”
Điều đó không có nghĩa là bản thân việc tự kiểm soát không còn hiệu quả. Hãy lấy hình thức cực đoan nhất của ham muốn làm ví dụ: nghiện ngập. Có hai trường phái tư tưởng chính đang điều khiển chúng ta, theo Berridge và giáo sư triết học Richard Holton tại Cambridge phác thảo trong một chương của cuốn sách mới ra gần đây, “Từ nghiện ngập đến tự kiểm soát: Những quan điểm của triết học, tâm lý học và thần kinh học.”, do Neil Levy, một nhà thần kinh học thuộc đại học Oxford biên tập. Đầu tiên là mô hình bệnh tật: người nghiện bị thúc đẩy “bởi một sự ép buộc mang tính bệnh lý mãnh liệt mà họ không thể làm gì hơn để chống lại”. Thứ hai là các quyết định của người nghiện không khác gì các lựa chọn thông thường, và được xử trí bằng trí tuệ.
Holton và Berridge gọi đó là khu vực trung lập. Sức mạnh của dopamine/ham muốn trong não của một người nghiện quá dữ dội đến mức khó có thể chinh phục. Các phi công và bác sĩ gây mê mắc nghiện, những người mà kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu của họ sẽ quyết định họ có được làm việc hay không, thường rất giỏi trong việc tránh dùng ma túy và rượu khi họ phải thực hiện kiểm tra. Song không phải người nghiện nào cũng có động cơ rõ ràng như vậy, và những người trong các lĩnh vực trên có thể bị kỷ luật ngay lập tức. Đối với phần còn lại chúng ta, có nhiều cách để ta có thể tự kiểm soát bản thân.
Các thí nghiệm kẹo dẻo nổi tiếng của Walter Mischel nói với trẻ em rằng chúng có thể từ bỏ một viên kẹo dẻo vì lời hứa sẽ nhận được hai viên nếu đợi thêm một lúc. Mischel theo dõi những đứa trẻ đó trưởng thành sau này và phát hiện ra mối liên hệ giữa khả năng tự kiểm soát và thành công. Những đứa trẻ chống cự lại được sức hấp dẫn của kẹo dẻo chỉ đơn giản bằng cách ra quyết định và tiến lên phía trước mà không tranh luận gì thêm. Chúng quay lưng lại với các viên kẹo, hoặc giật giật bím tóc để đánh lạc hướng bản thân khỏi bị kẹo khơi gợi. Những đứa trẻ suy nghĩ thận trọng hay nán lại lâu hơn với các viên kẹo dễ có khả năng gục ngã hơn.
“Có vẻ như cách chống cự tốt nhất là không cho phép câu hỏi xuất hiện,” Holton nói với tôi, miệng đầy những miếng mận trong phòng ăn tối mờ ảo tại Peterhouse, Cambridge. Ý chí tự do là một trong những lĩnh vực ưa thích của Holton, và khi đọc tài liệu thực nghiệm về chủ đề này, ông cho rằng bạn có thể hạ gục ham muốn của mình nếu luyện tập một kịch bản, chẳng hạn như “tôi không ăn tráng miệng”, và lặp lại khi tráng miệng được mang ra, dập tắt cuộc vật lộn nội tâm vào phút cuối. Hoặc, như cách ông bà chúng ta có thể đã làm, là biết trước để sẵn sàng. Holton nói, “điều anh cần làm là bắt đầu khiến mọi người nhận ra rằng điều gì đang xảy ra với họ và cho họ công cụ để tự điều chỉnh.”
“Nếu chúng ta biết nhiều hơn về cách thức hoạt động của não bộ, thì ta có thể biết đâu là phần dễ tổn thương trong mình.” Whybrow cho hay.
Đạt Lai Lạt Ma nói với Bowen (mà Berridge đoán rằng phần nào là để khơi gợi) rằng chánh niệm đối với người nghiện chỉ đơn thuần là một miếng urgo dán lên vết thương. Tuy nhiên, trong khi nó có thể đem lại hiệu quả trong việc nuôi dưỡng một nền văn minh mà ở đó con người miễn nhiễm với nghiện ngập và ham muốn, hay ít nhất là nơi cám dỗ không bị đẩy ra ngay trước mũi ta với danh nghĩa lợi ích, thì đây là thế giới mà chúng ta đang sống. Như Berridge đã nói, “chúng ta có rất nhiều vết thương.”