Đáy nước đá thẳm – Phần 1: Mười năm sau
Buổi sáng hôm ấy, tôi đang vun đất lại cho một cây hồng trong chậu thì có tin nhắn:
“Tuần tới là 10 năm ngày giỗ Uyên, nếu có thời gian, con và các bạn ghé qua nhà ăn với cô bữa cơm cho nhà đỡ hiu quạnh.”
Ngày hôm đó đã xảy ra thế nào nhỉ?
Sáng hôm ấy, lớp chúng tôi có giờ thể dục ở hồ bơi ngay cạnh trường.
Hồ bơi nằm trong khuôn viên nhà văn hóa quận, nhưng có hợp tác với trường nên chúng tôi có thể mở cổng bên hông trường đi qua hồ khi có giờ tập. Cửa nội bộ này cũng chẳng khóa vì rất nhiều lớp qua tập hàng ngày. Đến giờ học thì cả lớp thay đồ rồi lục đục kéo qua hồ chờ thầy tới.
Hoài hét lên. Tiếng hét như xé rách khung trời bằng một vết dao xước nhọn. Hoài nhảy xuống nước. Nó bơi lại gần cái bóng màu đen đang lững lờ dưới đáy nước. Chú bảo vệ nhà văn hóa cũng nhảy ào xuống. Hai người ngụp lặn và đỡ hình hài màu đen đó lên và đẩy vào thành hồ.
Chú bảo vệ vùng lên khỏi hồ, liên tục ấn xuống ngực người đó, rồi thổi vào miệng. Chú làm liên tục không dừng. Hoài bò lên khỏi mặt nước, ngồi thở hổn hển. Tôi rón rén lại gần, tò mò vén mái tóc dài đang che nửa gương mặt ấy. Cái đuôi mắt có một vết sẹo bên trái ấy găm vào mắt tôi.
Tôi quỳ xuống, nước mắt chảy ra như tự nhiên ai đó đong thêm vào, cứ tươm ra thêm mãi. Tôi sờ vai. Tôi sờ vào vết sẹo trên mắt. Tôi vuốt tóc. Làn nước lạnh buốt bám lấy ngón tay tôi, mà đến nhiều năm sau mỗi lần tắm, khi đưa tay vào lên tóc và nước xối xuống – tôi vẫn còn ngỡ mình đang chạm vào
Hoài vùng vẫy lại gần, lay vai áo màu đen: “Uyên, Uyên, Uyên, mày dậy đi, dậy, Uyên, Uyên. Mày sao thế này?”
Ngày hôm đó đã xảy ra thế nào nhỉ?
Tôi đang ngồi trong phòng giám thị. Cạnh đó là Hoài, chú bảo vệ, cô Vân chủ nhiệm. Thầy Hoàng Thắng hiệu trưởng muốn chúng tôi kể lại từng chi tiết những gì đã nhìn thấy. Thầy nói công an đã đến trường và sẽ muốn làm việc với chúng tôi. Uyên đã được đưa đi và gia đình sẽ nhận thi thể nó sau khi được phép.
Hoài kể: Con đi vô hồ đợi tới giờ học. Tự dưng con thấy một bóng người dưới nước. Con nghĩ chắc người ấy bị đuối nước nên nhảy xuống cứu. Con không biết đó là Uyên. Hoài vừa nói vừa khóc. Vai nó rung lên, ướt nhẹp, chạm vào vai tôi.
Chú bảo vệ nói: Chú nghe tiếng học sinh hét nghĩ có tai nạn, nên theo bản năng chạy vào thấy có người dưới nước thì nhảy xuống cứu. Chú làm hô hấp nhân tạo, nhưng lúc bế bên chú đã thấy người đó không phản ứng gì nữa.
Còn tôi nói: Em thấy bạn đó mặc áo đen có đuôi dài. Cái áo hơi quen quen. Nên em lại gần xem đó là ai. Đó là bạn Uyên cùng lớp.
Cô Vân im lặng lắng nghe và ghi chép vào quyển sổ trên bàn. Môi cô mím lại như kìm nén để không bật ra điều gì đó. Chân mày cũng nhàu lại. Tôi nhìn cô rất lâu mà cô không hề ngẩng lên để ý. Trong đầu cô dường như đang diễn ra cả mặt trận giằng xé vô hình nào đó.
Thầy Hoàng Thắng vỗ vai tôi và Hoài, nói là các em hãy nhớ những gì em nói, lúc nào ai hỏi gì cũng nên nói một thứ nhất quán, không người ta sẽ nghĩ em nói dối. Thầy không muốn chuyện này đi xa hơn. Chuyện buồn cũng đã xảy ra rồi.Trường mình không thể bị ảnh hưởng bởi điều tiếng xấu.
Đó là bạn Uyên cùng lớp – quan hệ của chúng tôi được viết trong những bài báo sau này như thế.
Ngày hôm đó liệu còn gì nữa nhỉ?
Tôi bị nhiều người chặn ngay cổng trường. Họ nói họ là nhà báo. Hãy kể cho họ nghe tôi thấy gì. Người chết có phải bạn thân tôi không? Nhà bạn ấy ở đâu? Tôi học lớp nào? Cô chủ nhiệm tên gì? Tôi thấy gì khi sáng vào hồ bơi? Có nhiều học sinh ở đó không? Tôi trả lời tất cả mọi câu hỏi. Người chết là bạn cùng lớp tôi. Nhà bạn ấy ở đường An Dương Vương, khu phố 7, ngay ngã tư giao với đường Đinh Bộ Lĩnh. Tôi học lớp 12A1. Cô chủ nhiệm tôi tên Vân. Gần như cả lớp tôi đã thấy cảnh đó vì khi đi qua hồ là đã sắp vào giờ thể dục. Trả lời hết chừng đó câu hỏi, tôi vùng chạy mất.
Đường đi học về dài như cơn bão quét ngang qua. Mắt tôi tối mù. Chân cong lên đạp hết tốc lực. Đến khi biết mình đã thật xa khỏi những câu hỏi và nhóm người phóng viên đó, tôi dừng xe, thấy mình đang đứng trước cánh cổng gỗ khổng lồ kín bưng của nhà Uyên.
Có lẽ tôi chỉ cần thò tay bấm chuông, nghe bác giúp việc tên Nghị hỏi: “Ai đấy! Ra ngay đây!” – Tôi chỉ cần hét lên: “Bác Nghị ơi, con Phượng đây, con qua rủ Uyên đi học” – bác sẽ dùng sức mạnh kỳ diệu để mở cánh cổng đồ sộ ấy và dắt tôi vào nhà. Có lẽ Uyên đang nằm lười nhác trong phòng đợi tôi tới thúc đi học. Có lẽ Uyên chưa đi đâu cả. Có lẽ bác Nghị cũng không biết sáng hôm ấy tôi vừa gặp Uyên – khác hơn mọi ngày.
Cảnh thân thể Uyên lờ lững giữa làn nước màu xanh trong hồ bơi sân trường thường hiện về như miền siêu thực trùm lấy thế giới của chúng tôi thuở ấy. Tấm màn đó xiết chặt và rút dần oxy. Không đứa nào thoát ra được.
Cái chết đó đã khép lại toàn bộ tuổi thơ của chúng tôi trong một chương bi kịch không hề có câu giải đáp. Tôi vẫn nhớ rất rõ những tiếng khóc ré lên, vài âm nức nở chèn nghẹn sau đó.
Ngoài ra còn gì nữa? tôi không nhớ được nhiều – tôi cất tất cả vào chiếc hộp ký ức, cố gắng khóa thật kỹ, chèn lên nó một khối đá cho chìm xuống. Tôi cố gắng sống tiếp cuộc đời từ 18 tuổi hôm ấy.
Tin nhắn của mẹ Uyên làm từng hình hài nổi lên – như bức tranh mật mã được viết bằng thứ hóa chất bí ẩn, phải có hơi nóng, thời gian hay sự hoen ố phai nhòa mới hiện dần lên.
(Còn tiếp): Đọc kỳ 2: Bóng người phai mờ