Chuyến đi muộn

Chuyến đi muộn

Chuyện chờ xe bus khiến tôi mệt mỏi. Chừng 8 giờ tan sở, tôi ngồi vây vo cái đuôi cà vạt, đợi chuyến xe cuối ngày. Nó sẽ lù lù hiện ra từ bóng đêm như một quầng sáng huyền ảo từ thế giới khác ập đến.

Chừng 7 năm trước không có xe bus. Khi tôi ôm Kha chạy bộ qua từng cái hố lọt chân, lựa từng bước đặt giày, miệng đã liên tục lẩm bẩm cầu cho mình đừng ngã sấp xuống. Đừng. Gì cũng được. Đừng ngã. Tôi chỉ xin Thượng đế cho mình không ngã trong buổi tối ấy. Cuối cùng thì Kha lả đi. Mặt thằng bé lỏ rỏ mồ hôi từ mặt tôi nhiễu xuống. Người ta trả Kha lại cho tôi, nói bế nó về. Con im lặng suốt từ lúc đi đến lúc về, đến cả lúc nằm yên được người khác đặt vào hộp gỗ nhỏ cho ngày đi.

Tôi không biết liệu trong cuộc đời đời từ đó về sau, mình có bao giờ cảm thấy chuyến chạy bộ có thể dài bất tận đến thế. Tôi ôm Kha trong lòng. Nó co mỏng dần lại như thu mình mãi mãi trở thành một người tí hon và không cần tôi biết đến sự tồn tại nữa. Ngực tôi lạnh ngắt, ướt đẫm. Thân thể con nằm ngay ngực mình mà buốt nhức lạnh căm. Trong các đêm ngủ dài không cưỡng được, tôi luôn thấy ngực mình lạnh như đá lạnh, đặt tay lên cho bớt đau, rồi chìm vào giấc mộng hung hãn rõ nét không ngờ. Con dùng hai tay cào rách ngực tôi, mở ra ở đó một lỗ trống hoác đen ngòm, rồi trèo vào trong biến mất.

Khi tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm. Tôi không còn cảm thấy tóc của Quyên cọ vào cổ mình nữa. Em bỏ đi khi Kha bỏ chúng tôi. Tỉnh dậy, tôi luôn quờ quạng tìm thân thể em. Tôi tưởng mình quên mất cách thở, chỉ bằng cách chạm vào em, tôi mới có thể nhớ ra loài người biết thở vì mưu cầu được tồn tại mãi mãi trong sinh thể mình.

Trên tấm bưu thiếp dán vào cửa sổ, Kha thường ngắm nhìn say sưa và nói: “Một ngày nào đó ba sẽ đưa con đến đây nhé.” – Đó là một bức tượng con thỏ khổng lồ với cặp đùi to hơn người đàn ông đứng cạnh đang so kè với nó. Sau lưng con thỏ là ngọn đồi xanh với cảm giác siêu thực. Một nghệ sĩ sắp đặt điên rồ nào đó của phương Tây nghĩ ông ta có thể đem lại cảm giác điên rồ nhân tạo, khuấy động ngọn đồi và ngôi làng hàng trăm năm tuổi nhưng chưa bao giờ có gì thay đổi để chứng minh con người thực sự tồn tại hơn cả tự nhiên. Trong quyển tạp chí tôi đọc, ông ta và một nhóm kỹ thuật đã đem từng phần của con thỏ di chuyển lên ngọn đồi trong suốt một tháng ròng. Họ lắp đùi thỏ, thân, hai cái tai dài cho đến khi nó hoá thành bức tượng khổng lồ màu trắng chiếm hữu đỉnh đồi xanh rợn ngợp. Bức tượng bị “hành hung” một tuần sau đó, cụ thể là dân làng kéo đến và họ dùng búa, rìu phá nát con thỏ. Nhà điêu khắc sắp đặt nói trên báo là ông ta bị “hành hung” và những kẻ “làm tổn thương” ông ta phải bị pháp luật trừng trị. Phần đó tôi không kể cho Kha. Tiếng thở của con đã chìm vào êm dịu, nhẹ nhàng khi tôi đọc đến phần đưa con thỏ khổng lồ lên đồi ra sao.

Xe bus đến trễ. Tôi nhìn đồng hồ: đã 8 giờ 45. Người đàn ông lớn tuổi to con ngồi gần tôi đã gục đầu xuống cái balo ông kê trên đùi và ngáy đều đều.

Sự chậm trễ biến loài người thành kẻ sống trường tồn trong ân hận. Người ta dành hết thời gian mình có trong đời để quay lượn và tra tấn tâm can bằng đoạn phim vãn hồi thứ không thể đảo ngươc. Không có đủ hạnh phúc để chiếm hữu hết hiệu quả làm việc của não. Quá khứ sẽ luôn tuôn ra từ một góc kẹt nào đó, thẫm đấm nước mắt hoặc những đoạn nhập nhằng khốn khổ, chất vấn tôi vì sao điều đó lại xảy ra, viện ra hằng hà nguyên cớ để chúng không hiện hữu. Bất hạnh trở nên toàn vẹn, được nhắc nhở và đắp xây mỗi ngày.

Vài tháng sau, Quyên tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Em ôm chầm lấy tôi một cái ôm mướt mát quặn thắt. Khi vòng tay qua người em, tôi thấy lưng bụng mình nhói lên. Trong cái ôm, em nói: “Em sẽ rời khỏi nhà. Từ hôm Kha đi, khi ôm anh ngủ em luôn tỉnh dậy giữa đêm, cảm thấy bụng mình lạnh ngắt, sờ tay xuống thì em luôn cảm thấy con nằm đó, giữa hai đứa mình y như trước. Nhưng tay em chạm vào thì con lạnh cứng như đá.”- Quyên ôm nguyên tôi như vậy mà nói. Tôi biết làm gì bây giờ…

Khi tôi quay về nhà vào tối muộn, tủ quần áo nàng đã trống tối ngòm như một vùng trời vô nghĩa trong sa mạc. Tôi để cửa tủ mở và nhìn vào ấy suốt nhiều tháng. tưởng như vậy Quyên sẽ bước ra trở về. Hoặc đêm nào đó, tôi sẽ được gọi vào trong ấy, đóng tủ lại là thành một quan tài miên viễn cho ba chúng tôi – những viên gạch đã duyên phận đem nhau đến cõi trần này rồi đập nhau ra bể nát, rời vãi, xa nhau huơ hoắc.

Trong nhớ thương bạo tàn, tôi đã đi đến mọi nơi mà Quyên và tôi từng đến. Tôi không bao giờ gặp lại em nữa. Mà nếu gặp lại, tôi biết nói gì để em muốn quay lại mái nhà?

Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Đèn màu trắng của trạm xe bus biến chúng tôi thành một quầng sáng bọc trong túi bóng của màn đêm đặc và ướt đẫm.

Từ dưới chiếc nón và gương mặt đang gục đầu, một giọng nói trầm đục vang lên: “Cậu muốn gặp lại quá khứ của mình đến thế sao?”

Xe bus đến. Ông ta đứng dậy, đôi mắt già mỏi mệt trở nên sáng linh lợi hơn hẳn trước ánh đèn huy hoàng của chuyến xe. Trên xe trống trơn. Cơn mưa bên ngoài tối đen và mịt mù hơn, như thể chiếc xe bus đang trôi đi trong một vùng chất lỏng đặc không định tính được. Tiếng máy rền lên êm ru, guồng cả khối thép băng băng lao về trước. Đồng hồ chỉ 9 giờ 10.

Xem ngay: Truyện trong lễ hội hóa trang

Tôi gục đầu lên ghế trước thiếp ngủ.

Mưa đập vào cửa kính, xoá nhoà mái nhà hai bên đường. Trong đêm chạy bộ 7 năm trước, tôi cũng không nhìn rõ quang cảnh hai bên đường. Mồ hôi đầm đìa, tim tôi đập như giộng vào lồng ngực. Nỗi sợ như cục u máu từ từ phình to ra từ ngực tôi, vị trí Kha đang áp người vào. Trong cuộc chạy bộ ấy, nếu tôi chạy nhanh, hẳn người ta sẽ không lắc đầu trả con lại cho tôi. Nếu có xe bus… không… chỉ là nếu tôi chạy đủ nhanh…

– Cậu nghĩ mình sẽ thay đổi được quá khứ à? Và lỗi của bản thân cậu?

Ông già đã ngồi ngay trước mặt, như thể ban nãy đã ngồi đối thoại với suy nghĩ trong đầu óc tôi, giờ lại gần để nói cho rõ. Tôi bối rối đến mức không nói được lên lời.

– Tôi… không biết…

– Không, cậu nghĩ mình đủ sức thay đổi quá khứ. Mỗi đêm cậu đi làm về, ngồi chờ xe bus ở đây, tôi biết cậu luôn nghĩ mình có thể thay đổi được, lẽ ra có thể sửa lỗi lầm, lẽ ra có thể không để điều xấu nhất xảy ra, cậu nghĩ mình chưa cố gắng hết sức.
– Không…

– Cậu có muốn thử thay đổi nó không? Tôi có thể giúp.

Phổi tôi ngưng thở, bị áp chế trong cơn háo hức mong chờ và nỗi sợ dâng lên.

Ông ta hất hàm, ra hiệu tôi nhìn ra cửa. Màn mưa mỏng dần, để lộ một con đường hoang vu ngập tràn cỏ dại cao hơn đầu người hai bên. Xe bus lướt đi nhẹ nhàng như trong không gian trống rỗng, không còn con đường, không sóc, không có lần thắng lại hay né vật cản nào đó. Ai đó đang chạy bộ trong bóng tối. Tôi ngưng thở.

Tôi thấy chính mình bế Kha trên tay đang vật lộn với con đường hẹp. Người đàn ông trẻ trung đó đang lao đi như một sinh vật bất lực trước con đường không có điểm kết thúc ngoài kia.

– Tài xế. Dừng lại. Dừng lại. Dừng lại ngay cho tôi.

Tôi hét lên như điên dại. Ông tài xế đạp thắng thản nhiên, như bất cứ chuyến xe bus bình thường nào khá với những hành khách thường xuyên lỡ trạm. Xe bus mở cửa.

– Đứng yên đấy, tôi quay lại ngay.

Tôi nhảy từ trên xe xuống, lao lại chỗ người đàn ông – chính tôi – đang bế Kha và vật lộn với con đường đất đỏ vô nghĩa trước mặt.

Anh ta nhìn tôi – một phiên bản của chính tôi vào ngày tuyệt vọng cuối cùng trong đời. Tôi hét lên:

– Đưa Kha cho tôi. Tôi sẽ cứu con. Tôi có xe.

Tôi giằng thằng bé từ tay anh ta. Anh ta nhìn tôi, đôi mắt ấy tôi quen, nó là ánh nhìn tôi soi vào mỗi ngày kể từ sau đêm ở bệnh viện, mất mát, yếu hèn, không dám nhìn thẳng vào điểm nào đủ lâu trên mặt người đối diện. Ánh mắt ấy không mong chờ bất cứ gì.

Tôi bế Kha lên xe, bỏ lại anh ta giữa con đường tối đen.

– Bác tài, chạy đến bệnh viện cho tôi. Nhanh lên. Càng nhanh càng tốt.

Ông tài xế vội vàng đúng cảnh tượng cứu người mà các tài xế tham gia vào.

Xe lao đi. Tôi ôm Kha vào lòng. Tôi ôm chặt lấy con. Tôi muốn hơi ấm của mình sẽ làm cơ thể con ấm lại. Lông mi Kha dài cụp xuống. Gương mặt với làn da mềm mại và xanh xao. Con im lặng nằm ngoan trong lòng tôi. Tôi hứa sẽ đưa con đến đồi thỏ xanh ngắt in trong tấm bưu thiếp. Chưa có dân làng nào cầm rìu đến phá con thỏ khổng lồ ấy cả. Con biết thế. Tôi cũng biết thế.

Đã có xe, sẽ đến bệnh viện nhanh thôi, sẽ không còn ai có thể nói với tôi là đã trễ. Tôi sẽ không trễ thêm một lần nào nữa. Tôi nhìn ra cửa sổ. Tối đen.

Rồi trên cửa sổ sáng dần. Gương mặt Quyên hiện ra đậm dần. Trong này, tôi đang ôm Kha…

Đó là một buổi sáng lạnh. Tôi và Quyên cãi nhau. Đó hẳn là lần cãi nhau thứ một ngàn lẻ một của tôi và em. Quyên buộc tội tôi theo đuổi một người thứ ba. Tôi phân bua trong tuyệt vọng. Em gạt tất cả những món đồ trang điểm xinh đẹp từ trên bàn xuống. Một chai nước hoa bể tan tành trên nền gạch. Em ôm mặt khóc. Tôi ôm đầu đứng ở góc cửa phòng như một đứa bé chịu phạt. Chuyện gì đã xảy ra với chúng tôi vậy. Ngày cưới nhau, tôi đã mơ những buổi sáng tỉnh giấc, chúng tôi nằm bên nhau và nói về bản nhạc nghe dở, hay một bộ phim vừa xem tối hôm trước.

Quyên bồn chồn và lo lắng không hiểu được. Một con virus nào đó đã được tiêm vào em từ thế giới bên ngoài. Tôi thấy dấu chân và bàn tay em trong mọi thứ riêng tư nhất của mình. Một người bạn nói em gọi điện đến và tra hỏi có đúng là tôi đi uống với anh hai tuần trước không. Mọi người đều hỏi giữa chúng tôi xảy ra chuyện gì, em gần như đã quát qua điện thoại khi cố hỏi chính xác họ đã làm gì cùng tôi, ở đâu, lúc nào.

Quyên phong toả mọi thứ xung quanh tôi. Em nổi điên lên khi thấy tôi rời nhà quá sớm trong giờ làm. Em gây hấn, bỏ mặc hai cha con tôi trong bữa ăn khi một người đồng nghiệp nữ mang qua nhà cho Kha phần bánh kem dang dở mà cô ấy vừa làm sinh nhật cho con cô ở nhà. Em đến gặp mẹ tôi, anh em tôi, mẹ em, các chị gái và nói tôi đang theo đuổi một con “yêu nữ”. Và em sẽ vạch mặt cả hai. Trong lần cãi nhau thứ một ngàn lẻ mấy đó, tôi thấy mình kiệt sức, không muốn nói thêm bất cứ điều gì nữa.

Cũng buổi sáng chai nước hoa vỡ trên sàn nhà, tôi và em mê mải phân bua, cãi cọ, gây hấn, tôi đã quên mình phải đến đón Kha.

Con người quá hữu hạn để hiểu được khi mình đang gây ra một thảm kịch gì trong chiều không gian này. Mắt và tai chỉ đủ sức phản ứng lại những gì đang va đập vào cơ thể và làm đau mình. Sự ích kỷ của con người chính là họ không có đủ minh triết để biết thứ mình đang xô đổ có thể là lực đẩy đầu tiên cho hằng hà thảm hoạ sau đó. Không có hối tiếc nào đủ lâu bởi người không hiểu chính mình là nguyên nhân của điều đau đớn sau đó. Tôi nhìn chai nước hoa vỡ và mùi hương băng bổ tù túng trong phòng ngủ. Tôi mở cửa phòng và bỏ Quyên lại một mình.

Từ khung cửa sổ gần đó. Kha của tôi ôm cặp đứng trên cửa lớp cùng bạn bè. Năm đó con học lớp lá lớn. Kha quỳ xuống với mấy đứa bạn cùng lớp. Một cô bé đang giữ cái thân cây đặt dưới hố, ba đứa con trai khác, trong đó có Kha, đang bốc từng nắm đất để vun lên cho cái . Những chiếc xe đi ra và đi vào. Từng đứa bạn chạy lại ôm chân cha mẹ, vẫy tay ra về. Từ khung cửa sổ xe bú. Tôi nhìn thấy Kha cụp mắt khi đứa bạn cuối cùng ra về. Cái cây đã tự đứng thẳng được sau khi lũ bạn cùng vun đất.

Kha ngồi nhìn cái cây. Cô giáo gọi con vào ngồi trên ghế đợi trên hành lang lớp học. Cô vuốt tóc Kha. Cô nói gì đó, thằng bé cười tươi. Hai cô trò ngồi đó. Một khoảnh khắc, cô đi vào trong phòng học vì việc gì đó. Kha cụp mắt. Tôi tự hỏi lúc ấy mình và Quyên đang ở giai đoạn nào của cuộc cãi nhau.

Kha đứng dậy, chầm chậm đi lại con sông yên ả bên ngoài cổng trường. Con cầm theo cái bình nước đã cạn. Không chút lo lắng, con bước xuống từng bậc thang xi măng, tiến lại gần mặt nước. Con cố cúi người để vục được miệng bình xuống mặt nước.

Kha trượt chân.

Không một bóng người xung quanh đó. Tôi bật dậy khỏi ghế ngồi xe bus.

Trong tay tôi, con trai hoá thành bụi mịt mù.

Ông già nhìn tôi qua lớp kính trắng:

– Cậu có thể làm cát bụi hồi sinh không?

Nước mắt trào xuống miệng. Xe bus ngừng hẳn. Tôi tỉnh dậy, ngẩng đầu, thấy ông già đang ôm chiếc balo kê trên đùi và tựa đầu vào cửa sổ ngủ.

Tôi bước xuống. Chiếc bus rồ máy phóng vào bóng đêm.

Giờ là 8 giờ tối. Tôi phải đợi chuyến về nhà cuối cùng…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *