Chính người Việt cũng đang dùng sai tiếng Việt hằng ngày
Sai tiếng việt là việc khá phổ biến ở Việt Nam, nhất là thời đại số – Đọc sách thì ít mà xem tóp tóp thì nhiều này.

Chẳng là, mình xem được clip các bạn Gen Z “khịa”nhau tiếng anh trên reel. Một bạn là giáo viên IELTs lâu năm, ở Việt Nam, có điểm thi IELTs (hình như) gần tuyệt đối. Bạn lên mạng chia sẻ cách để diễn đạt một công việc đòi hỏi dùng “chất xám” trong tiếng anh là “mind works”.

Một bạn khác, du học sinh Úc, lên tiếng phản đối kiểu haha tau sống lâu năm ở nước ngoài chẳng nghe thấy từ đấy bao giờ. Để thêm phần thuyết phục bạn lên Omegle hỏi ngẫu nhiên 5,6 người bản xứ Anh, Mỹ, Úc đủ cả, rằng đã nghe thấy từ này bao giờ chưa? Các bạn bản xứ đều bảo chưa. Bạn chốt lại, “ông” 9 chấm IELTs kia cũng chỉ vớ vẩn, từ đúng phải là “brainpower”.

Rồi xong. Mấy hôm sau, mình có dịp đi chèo thuyền với các thầy cô, gặp ngay cô trợ lý Dean bên khoa thư viện, từng tốt nghiệp đại học ngành văn chương Anh và có 12 năm dạy tiếng anh cho người nước ngoài. Mình hỏi cô: “Em muốn diễn đạt một công việc đòi hỏi rất nhiều trí thông minh để hoàn thành thì dùng “mind works” hay “brainpower” có được không cô?”. Cô bảo cả hai đều được luôn. Mình lại hỏi: “Thế có từ “mind works” thật à cô?”. Cô bảo đúng rồi. Nhưng nếu cần cân nhắc, “mind works” cô sẽ dùng trong trường hợp là công việc đòi hỏi sự tập trung tinh thần cao độ, chi tiết. Còn “brainpower” thì đúng là có vẻ sát nghĩa hơn nếu em muốn dùng để miêu tả một công việc đòi hỏi nhiều trí thông minh.
Lạ nha! Bạn du học sinh kia đã hỏi nhiều người bản xứ và không ai biết từ “mind works” mà?!

Thực ra không có gì lạ. Giờ ngược lại, các bạn ra phố đi bộ hỏi ngẫu nhiên người Việt có biết các từ như: uỷ lạo, kỹ trị, đồng sự (mà mình thường hay dùng nhầm là đồng nghiệp trong nhiều trường hợp) xem câu trả lời thế nào? Ngôn ngữ rất phức tạp, nó còn có yếu tố văn hoá vùng miền, lịch sử. Không hẳn từ bạn không biết tức là nó không có. Không hẳn người bản xứ không biết tức là từ được bịa.
Cái mình muốn bàn ở đây không phải việc hai bạn tranh cãi một từ vựng tiếng anh, mà vấn đề các bạn đang vô tình tạo nên định kiến xã hội về tiếng anh “phèn” với tiếng anh “xịn”. Kiểu như đã sống ở nước ngoài chưa mà dám nói, dám dạy người khác. Chính điều đấy nó ngăn cản mọi người được tiếp cận và có thể học được một ngôn ngữ mới. Có phải ai cũng có điều kiện ra nước ngoài học tiếng anh đâu mà chẳng cần tìm đến giáo viên người Việt? Thực tế thì thà là giáo viên người Việt được đào tạo về giảng dạy ngoại ngữ còn tốt hơn học tiếng anh với “Tây ba-lô”. Cũng như, chúng ta nói được tiếng Việt nhưng dạy được tiếng Việt, đặc biệt là ngữ pháp lại là chuyện khác.
Nhớ hồi đại học, có lần mình buột miệng nói nhạc “dốc” (rock), rồi bị lấy ra làm trò cười trong lớp tiếng anh. Kể từ đó, ai cậy miệng mình cũng không dám nói thêm một từ ngoại ngữ. Tâm lý ám ảnh vì sợ bị đánh giá khiến ta chỉ dám le ve trong một vùng an toàn.
Các bạn có thấy cách người Việt bày tỏ sự ngưỡng mộ, thích thú, thậm trí là trân trọng một bạn “Tây” đang học và biết nói vài ba câu tiếng Việt không? Tại sao bản thân người Việt học tiếng anh lại bị người chính Việt lôi ra để mà dè bỉu? Càng cổ suý cho hành vi chê bôi, công kích nhau chuyện nói tiếng anh đúng chuẩn người bản ngữ hay chưa càng thể hiện tâm lý nhược tiểu. Từ khi nào mà tiếng anh trở thành thước đo đánh giá trí tuệ, đẳng cấp của con người xã hội? Tiếng anh là ngôn ngữ, là phương tiện thôi. Cái các bạn cần vẫn là nội dung, kiến thức, là bạn đang nói gì?
Lâu lâu dạo quanh facebook, mình lại bắt gặp clip mẹ 9x nói tiếng anh với con, thế nào cũng thêm những câu kiểu: “Thứ lỗi vì mẹ cháu phát âm không chuẩn”, hay “Hãy bỏ qua vấn đề ngữ pháp trong clip này”… đến tội. Một nỗi ám ảnh bị đánh giá, chê bai nó ăn sâu vào tiềm thức.
Tất nhiên, nói như vậy không phải là chúng ta cứ nhắm mắt khen nhau hay lắm, tốt lắm, trên cả tuyệt vời. Nhưng mình có thể chọn cách góp ý để không gây tổn thương nhau, không khiến đối phương nhụt trí được mà.
Bạn có nhớ cái cảm giác vừa ức chế, vừa tủi thân khi bị người lớn phán những câu vùi dập kiểu “Trẻ con, biết gì mà nói”, “Có làm nổi không mà làm”, “Chưa nhìn đã biết là hỏng” không? Kẻ bị tổn thương lại thường dễ đi làm tổn thương người khác! Không chỉ những đứa trẻ đâu, bản thân người lớn chúng mình cũng rất cần được động viên, được khuyến khích để dám học hỏi, để dám tốt hơn mỗi ngày.
Lần thứ n mình cũng ám ảnh mà hỏi bạn bè: “Anh/Chị/ Em thấy tiếng anh của em/chị thế nào, có “lởm” không?”
– Anh zai Mỹ: “Tao thấy cứ nói đúng ngữ pháp căn bản, diễn đạt rõ ràng, dùng từ chuẩn ngữ cảnh là cho 8/10 rồi”.
– Bạn gái tóc nhiều màu: “Không chị ơi, chỉ có những người “phèn” mới có khái niệm tiếng anh “phèn” thôi”.
– Em gái 4 mắt: “Tấm, thực sự chị đã đi được rất xa rồi!”.
Xem thêm: Và từ đó mình đã biết yêu con người
P/s: Nhân thể, đố mọi người nhé. Người hùng mà là nam thì gọi là “anh hùng”, thế người hùng mà là nữ thì gọi là gì? Các bác đừng bảo là “nữ anh hùng” như trên phim nha. Chưa hết, đố các bác bốn câu sau sai ngữ pháp ở đâu?
- Ái nữ Nguyễn Thị A là người con gái duy nhất của doanh nhân Nguyễn Văn B.
- Theo như những gì em biết. Đảm bảo món quà này anh ấy không thích đâu.
- Giáo viên đang rất bực mình và hỏi học sinh chưa nộp bài lý do tại sao.
- Trong khu vườn này có rất nhiều hoa thơm trái ngọt.
Đấy, đến người Việt còn dùng sai tiếng Việt hàng ngày, thế nên các bác đừng lên mạng mà bắt bẻ nhau tiếng Anh nữa. Nếu cần góp ý cho nhau, xin hãy chọn những lời tử tế!