Cách trồng chăm sóc lan ngọc điểm cho khỏe mạnh tươi tắn 2024
Sẽ thực sự thiếu sót nếu trong bộ sưu tập hoa kiểng của bạn thiếu mất loài lan ngọc điểm. Không chỉ mang một vẻ đẹp lộng lẫy, lan ngọc điệp còn có một mùi thơm đặc sắc và tươi mới. Hãy cùng tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc lan ngọc điểm cho màu rực rỡ nhé
1/ Đặc điểm của lan ngọc điểm
Lan ngọc điểm hay còn gọi là lan đai châu, là một loài thực vật thân thảo thuộc họ phong lan, có tên khoa học là Rhynchostylis gigantea.
Cây phân bố tự nhiên ở hầu hết các nước Đông Nam Á như: Myanmar, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Lào,…
Lan ngọc điểm có lá lớn, màu xanh mọc đối diện nhau qua thân. Hoa lan ngọc điểm có nhiều màu sắc khác nhau như: Đỏ, tím, hồng, trắng tuyền,…Kích thước hoa to lớn, cuống hoa dài và rũ. Đặc biệt, hoa lâu tàn, có hương thơm ngát, dịu nhẹ và ngây ngất lòng người.
2/ Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến sinh trưởng
2.1 Ánh sáng
Lan ngọc điểm là loài cây ưa sáng, thích hợp ở cường độ 60% ánh sáng tự nhiên. Bạn nên lắp giàn che với độ che bóng 35-40% và đặt cây càng xa lưới che càng tốt. Không nên đặt cây ở vị trí quá nắng gắt hay quá râm tối.
2.2 Nhiệt độ
Là một loài cây thích nóng ấm, ngưỡng nhiệt độ tốt nhất cho lan ngọc điểm là 26-30oC. Khi thấy dấu hiệu nhiệt độ môi trường quá cao hay quá thấp, hãy tiến hành đổi vị trí và che chắn cho cây.
2.3 Độ ẩm
Cây thích hợp với độ ẩm khoảng 40-70%. Khi được cung cấp đủ ẩm, rễ cây sẽ mọc nhanh và phát triển mạnh.
2.4 Độ thông thoáng
Dù thích hợp với điều kiện môi trường ẩm ướt nhưng bạn vẫn phải đảm bảo độ thông thoáng cho cây. Cây đặt ở nơi có độ thông thoáng kém thì sẽ rất dễ bị thối và chết.
3/ 2 loại lan ngọc điểm
Hiện nay, tùy thuộc vào nguồn gốc và xuất xứ mà chúng ta có thể chia lan ngọc điểm thành 2 loại:
– Hoa lan ngọc điểm Thái: Là giống lan có nhiều màu sắc như đỏ, hồng, tím,… Hoa to và cuống dài. Giống lan ngọc điểm thái thường có yêu cầu về điều kiện trồng và chăm sóc dễ hơn lan ngọc điểm rừng.
– Hoa lan ngọc điểm rừng: Là giống hoa phân bố tự nhiên ở các khu rừng nhiệt đới nước ta. Hoa chỉ có màu trắng đốm tím đặc trưng, hoa nhỏ nhưng có mùi thơm nồng và lâu tàn. Tuy nhiên, để trồng và chăm sóc lan ngọc điểm rừng thì cần phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
Ngoài ra, người ta còn có thể phân lan ngọc điểm thành 2 loại: Ngọc điểm nuôi cấy mô và ngọc điểm rừng.
4/ Các loại giá thể trồng lan ngọc điểm
Giá thể để trồng lan ngọc điểm rất đa dạng, có thể là lũa gỗ, gỗ khô hay các giá thể trồng chậu thường gặp như: Viên đất nung, than củi, vỏ cây, xơ dừa,…
Giá thể trồng lan ngọc điểm yêu cầu khả năng giữ và hút ẩm tốt nhưng vẫn giữ được sự thông thoáng cho cây.
5/ Chuẩn bị trồng lan ngọc điểm
5.1 Thời gian trồng
Bạn có thể tiến hành trồng lan ngọc điểm vào bất kỳ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên trồng cây vào mùa xuân khi thời tiết mát dịu và ít nắng gắt cũng nhưng không có mưa. Lưu ý, bạn cần tránh trồng cây vào những ngày ẩm ướt và nhiều mưa vì dễ khiến cây bị nhiễm nấm bệnh.
5.2 Xử lý giá thể trồng
– Nếu bạn trồng cây bằng gỗ lũa, hay gỗ cây khô (tốt nhất là gỗ cây vú sữa): Bạn nên ngâm gỗ qua dung dịch thuốc diệt nấm và nước vôi trong rồi mới dùng để ghép cây.
– Trường hợp trồng bằng giá thể trong chậu: tất cả các loại giá thể như than củi, vỏ dừa, xơ dừa, vỏ thông,… bạn phải xử lý qua nước vôi 1% để diệt mầm bệnh, rồi phơi khô. Ngoại trừ giá thể viên đất nung, vì đã được nung ở nhiệt độ cao nên có thể dùng ngay mà không qua xử lý.
Lưu ý, trước khi trồng nên ngâm các loại giá thể vào nước từ 30 phút đến 1 tiếng để giá thể được no nước.
5.3 Xử lý lan giống
– Giống cây cấy mô: Trước khi tiến hành trồng, bạn nên xử lý qua nấm bằng thuốc Ridomil Gold 68WP 2-3% với lượng 3g/lít nước.
– Giống lan rừng: Bạn nên cắt tỉa hết lá vàng, lá sâu bệnh, cắt bỏ rễ bị dập và thối. Ngâm rễ vào dung dịch thuốc Ridomil Gold 68WP 2-3% với lượng 3g/lít nước trong vòng 5-10 phút. Sau đó treo cây ở nơi râm mát, khi cây nhú rễ thì có thể tiến hành ghép cây.
5.4 Chậu trồng/ thân cây khô
– Chậu trồng: Nên là chậu đất nung màu sáng và có nhiều lỗ thông khí. Trước khi trồng bạn nên ngâm chậu vào nước trong vòng 20 phút để tăng độ ẩm cho rễ cây.
– Đối với thân cây khô: Cắt cây theo hình trụ có đường kính 10-15cm và cao 30-35cm. Ngâm gỗ vào dung dịch thuốc diệt nấm và nước vôi để trừ mầm bệnh rồi rửa lại cây bằng nước sạch.
6/ Cách trồng lan ngọc điểm trong chậu
Cho một lớp giá thể vào cho đến khi chiếm 1/3 thể tích chậu. Đặt cây vào chính giữa chậu sao cho không bị gấp hay gãy rễ. Dùng giá thể còn lại cố định vị trí cây và rải lên bề mặt chậu cho đến khi cách mép chậu 1cm. Tưới nước và treo cây ở nơi râm mát để chăm sóc.
7/ Cách trồng lan ngọc điểm bằng thân cây khô
Với mỗi trụ, thớt gỗ ta có thể ghép từ 1 đến 3 cây, tùy thuộc vào kích thước cây. Đặt cây vào vị trí thích hợp và dùng dây cố định thân cây vào thân gỗ sao cho không làm tổn thương đến thân và rễ lan. Treo trụ/thớt gỗ ở vị trí râm mát và tiến hành tưới nước cho cây.
8/ Cách chăm sóc lan ngọc điểm
8.1 Tưới nước
Vào mùa hè hay vào những ngày nắng nóng, ta có thể tưới cho cây 2 lần/ngày với lượng vừa đủ. Vào mùa thu và xuân, hay khi thời tiết mát mẻ ta có thể tưới cho cây 1 lần/ngày. Còn những ngày mưa nhiều ta nên hạn chế tưới nước cho cây.
Bạn nên tưới cây vào thời điểm sáng sớm và buổi chiều trước 15h, không nên tưới cây vào ban tối vì sẽ dễ gây thối cây.
8.2 Cắt tỉa
Cứ vào định kỳ 3 tháng ta nên tiến hành thay chậu và cắt tỉa cho cây. Tiến hành cắt bỏ những lá già, rễ bị dập hay thối hay những phần rễ lan vượt ra khỏi chậu.
Sau mỗi đợt hoa, khi hoa đã tàn và cuống hoa bắt đầu hóa nâu, ta nên tiến hành cắt bỏ sớm. Cắt cách gốc cuống 1 khoảng 3-4 cm để có thể tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
8.3 Làm cỏ
Định kỳ 1 tháng/lần ta nên tiến hành dọn cỏ xung quanh vườn và giàn che để hạn chế tối đa mầm bệnh hại đến cây.
8.4 Bón phân
Bón phân không chỉ giúp cây sinh trưởng tốt mà còn thúc đẩy cây ra hoa, hoa to và đẹp. Vậy, bạn nên ưu tiên bón các loại phân hữu cơ tan chậm cho cây. Định kỳ 1-2 tháng ta tiến hành bón phân trùn quế nén cho cây, với khoảng 20-30g phân. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng phân NPK 30:10:10 pha loãng để kích cây ra hoa.
Lưu ý: Không nên bón phân vào thời điểm cây ngủ nghỉ sau đợt hoa (tháng 2 đến tháng 4).
8.5 Phòng trừ sâu bệnh
Lan ngọc điểm có khả năng kháng bệnh tương đối tốt, tuy nhiên thỉnh thoảng cây vẫn có thể bị tấn công bởi các tác nhân:
– Ruồi đục nụ và nhện đỏ: Ta nên tiến hành vệ sinh vườn, giàn lan thường xuyên, cắt bỏ những hoa và lá bị bệnh. Đồng thời, phun các loại thuốc Cymerin 25EC cho ruồi và Alphamite 15EC cho nhện đỏ.
– Bệnh đốm nâu, bệnh thối nhũn và bệnh thán thư: Bạn nên tiến hành làm cỏ và cắt tỉa để tạo sự thông thoáng cho vườn. Cắt bỏ những phần bị nhiễm bệnh, thay thế và xử lý chậu và các loại giá thể trồng cây. Phun thuốc Physan 20SL với liều lượng 1-2ml/lít liên tục trong 5-7 ngày để trị nấm và vi khuẩn.
9/ Cách chăm sóc khi lan ngọc điểm ra hoa
Hoa lan ngọc diễm thường nở vào đầu xuân, khi muốn cây ra hoa sớm hơn bạn có thể phơi nắng cho cây nhiều hơn, tăng nhiệt độ và độ ẩm cho cây. Ngược lại, trường hợp bạn muốn kìm hoa để nở đúng vào dịp tết, bạn nên đem cây vào nơi râm mát, hạ nhiệt độ của cây bằng cách đặt cây gần nước đá. Sau khi cây ra hoa, bạn nên giữ nhiệt độ và ẩm độ ổn định cho cây.
10/ Cách nhân giống lan ngọc điểm
10.1 Nhân giống tự nhiên
Dùng cho trường hợp cây có thân dài, cắt thân cây thành các đốt dài từ 30-50cm. Sát trùng vết cắt để tránh cây bị nhiễm khuẩn. Phun thuốc kích thích ra rễ định kì 1 tuần/lần. Dùng que tre để nẹp cây lại, đặt đốt ở nơi râm mát rồi tiếp tục phun chất kích thích và chăm bón cho cây.
10.2 Nhân giống theo phương thẳng đứng
Khi thời tiết thuận lợi, treo giỏ lan lên cao khoảng 2m so với mặt đất. Tiến hành chăm bón cây đầy đủ, cây sẽ ra nhiều cây con.
10.3 Phương pháp ép cây mẹ đẻ con
Dùng dây căn lên phần rễ to và dùng dây đồng mỏng thắt vào thân lan sao cho ăn vào thân 1mm. Tiến hành chăm bón đầy đủ cho cây, sau một khoảng thời gian cây sẽ ra cây con ở phần thắt dây.
Lưu ý, không nên thắt đốt ở phần thân gần ngọn vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây mẹ.
10.4 Phương pháp nuôi cấy mô
Để nhân giống lan ngọc điệp bằng nuôi cấy mô đòi hỏi nhiều kỹ thuật và dụng cụ tân tiến. Nhìn chung, nuôi cấy mô lan ngọc điểm gồm 4 giai đoạn: Chọn mẫu, nhân giống invitro, nhân nhanh và đưa cây ra vườn ươm. Bạn không nên tự thực hiện nuôi cấy mô lan ngọc điểm bởi chi phí và khả năng thành công không lớn. Vậy bạn nên mua giống lan ngọc điểm nuôi cấy mô ở các cơ sở kinh doanh lan uy tín.
Ngọc điểm là loại lan xinh đẹp và cực kì cuốn hút bởi hương thơm nồng nàn của cây. Với đặc tính dễ chăm và dễ trồng, lan ngọc điểm rất xứng đáng có một vị trí trong bộ sưu tập lan của bạn