bảo tàng Singapore

Bảo tàng quốc gia Singapore tích hợp những khác biệt trong 1 thể thống nhất

Bảo tàng quốc gia Singapore: Tuần lễ Môi trường Xây dựng Quốc tế (International Built Environment Week – IBEW) là sự kiện thường niên do Cục Xây dựng và Công trình (BCA) Singapore tổ chức vào tháng 9 hàng năm. Sự kiện được tổ chức với sự phối hợp của đội ngũ tư vấn, các hội nghề nghiệp và chuyên gia từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Diễn ra với 3 hình thức Hội nghị/Hội thảo, Triển lãm và Tham quan, Tuần lễ IBEW hướng tới mục đích: Chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và khám phá các cơ hội hợp tác lẫn nhau; thông tin và giới thiệu về các công trình xanh tiêu biểu nhất trong năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương; cùng với việc trưng bày những sản phẩm, vật liệu xanh và thành tựu công nghệ xây dựng tiên tiến, thích ứng với điều kiện môi trường toàn cầu, gắn với các ý tưởng thiết kế, kiến tạo công trình xanh xuất sắc…

Cơ hội và chia sẻ

Tôi có mặt trong đoàn đại biểu Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, do Tạp chí Kiến trúc tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam, tham dự IBEW – 2022 tại Trung tâm Hội nghị Marina Bay Sands – Singapore (từ ngày 05 đến 08/9/2022). Điều tôi thích nhất của chương trình là tour tham quan thực tế (Site Tour) đến các dự án/công trình xanh tại Singapore. Việc tham quan không chỉ đáp ứng nhu cầu khảo sát trực quan những công trình nổi tiếng, mà quan trọng là được nghe KTS thiết kế và chủ dự án nói về ý tưởng ban đầu của công trình, những kinh nghiệm xử lý trong quá trình thi công và trao đổi về những vấn đề cần quan tâm… Kết thúc chương trình, tôi ấn tượng với kiến trúc Nhà trưng bày Quốc gia Singapore (National Gallery Singapore – NGS), là một trong 4 công trình do Tạp chí Kiến trúc bố trí dành riêng cho đoàn Việt Nam, ngoài 9 công trình do Ban tổ chức IBEW đã xếp lịch sẵn.

Đọc ngay: Vân Hải Thiên Châu – Công trình thách thức trọng lực giữa biển mây Trung Quốc

Do có điều kiện thường xuyên sang Singapore, nên tôi đã dành nhiều thời gian tham quan, khảo sát riêng (trước và sau sự kiện IBEW – 2022) đối với công trình NGS, tôi muốn ghi lại những trải nghiệm thực tế và những điều thu hoạch để chia sẻ đến các bạn quan tâm về lĩnh vực du lịch, kiến trúc và di sản – thông qua những thành tựu kiến tạo mới từ một công trình di tích – lịch sử.

Khái quát đặc điểm từ công trình cũ

Trước hết, cần lưu ý phần lớn các công sở, bảo tàng, nhà hát, triển lãm nghệ thuật cấp quốc gia của Singapore tập trung thành một phân khu trung tâm của Quận Hành chính (Civic District). Ngoài công trình NGS – được cải tạo, hợp khối từ Tòa án Tối cao cũ (Old Bailey Courthouse) và Tòa Thị chính (City Hall) tại số 1 và 3 đường Saint Andrew, đối diện là thảm cỏ Padang rộng lớn như một “quảng trường xanh”; còn có Tòa án Tối cao mới được xây dựng từ năm 2002 đến 2005 tại khu đất phía sau tòa nhà cũ; Bảo tàng Quốc gia Singapore (National Museum Singapore) tại số 93 đường Stanford là tòa nhà lâu đời nhất hiện hữu từ năm 1887 đến nay; Nhà Quốc hội (Parliament House) xây dựng mới giáp cận NGS, thay thế Nhà Quốc hội cũ do chuyển công năng thành Nhà nghệ thuật (Arts House). Cách đó không xa là Khu Bảo tàng Văn minh Châu Á (Asian Civilisations Museum), tại đây có khu vườn tượng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cạnh các danh nhân châu Á khác được Nhà nước Singapore tôn vinh…

Sở dĩ có phần giới thiệu tổng quan các công trình trên (ảnh bộ 1), nhằm tránh sự nhầm lẫn giữa tên gọi và chức năng công trình, hình ảnh và địa điểm (cũ và mới) hiện đang được đăng tải trên một số trang mạng xã hội, để bạn đọc dễ đối chiếu và phân biệt nếu có kế hoạch tự đi tham quan.

Trở lại với Tòa nhà NGS hiện tại, cần điểm qua những giá trị văn hóa nổi bật và đặc điểm kiến trúc từ 2 công trình cũ (trước khi cải tạo). Khái quát như sau:

(1) Tòa Thị chính (City Hall): Ban đầu có tên là Tòa nhà Thành phố (Municipal Building), do Ngài CD. Coleman thiết kế (dưới thời chính quyền thuộc địa Gordans của Anh quốc). Từ năm 1926 đến 1929, công trình được xây dựng lại theo thiết kế mới của 2 KTS người Anh là A. Gordon và SD. Meadows. Năm 1951, công trình được đổi tên thành City Hall và giữ nguyên tên gọi đến năm 2015. Sau đó công trình phải tạm ngưng hoạt động để thực hiện chủ trương cải tạo và chuyển đổi chức năng, trở thành một phần của tòa nhà NGS như ngày nay.

Về lịch sử, Tòa Thị chính là một trong những biểu tượng di tích quan trọng nhất của Singapore, do tòa nhà này là chứng nhân của nhiều sự kiện quan trọng.

Về kiến trúc, công trình được thiết kế theo phong cách tân cổ điển Anh, bố cục khối hình chữ nhật ngang, với đặc trưng đối xứng, tỷ lệ hài hòa, phân biệt rõ giữa phân vị đứng của hệ cột và phân vị ngang của các cửa (ảnh 2)… Công trình cao 5 tầng, gồm tầng 1 tạo thành khối đế, 3 tầng nổi là không gian chính của tòa nhà, riêng 4 góc tòa nhà (ô cầu thang bộ) có 1 tầng áp mái để ra sân trời của mái bằng bê tông cốt thép. Mặt chính công trình tại 4 góc là 4 khối hộp, hơi nhô ra so với cạnh nhà, tạo khoảng lõm ở giữa bởi 18 cột Corithian, cao xuyên 3 tầng, nối từ mặt trên của tầng đế lên đến hệ dầm đỡ mái và cách biệt với mặt tường nhà (ảnh 3)…

 

Ảnh 2 (trên) & 3, 4 (dưới): Bản vẽ mặt chính hiện trạng và ảnh chụp công trình trước khi cải tạo

Đặc điểm kiến trúc là bậc cấp bên ngoài, trải dài chiếm 3 gian giữa, với lối lên từ 3 hướng, dẫn đến cửa chính tại tầng 2 (ảnh 4). Từ đây, mở ra một không gian đại sảnh uy nghiêm, cao xuyên suốt các tầng. Trung tâm sảnh là một bậc thang hoành tráng, một vế dẫn xuống tầng 1 và vế còn lại đi thẳng lên tầng 3. Các bậc cấp (từ tiền sảnh đến đại sảnh) được xem là thành phần kiến trúc không thể thiếu trong các sự kiện lịch sử, vì hầu hết nghi thức ngoại giao cấp Nhà nước trước đây từng được diễn ra tại lối đi bộ phía trước và bậc thang bên trong tòa nhà này.

(2) Tòa án Tối cao (cũ): Được xây dựng từ ngày 01/4/1937 và hoàn thành vào năm 1939, theo đồ án thiết kế của KTS. Frank Dorrington Ward, khi ông là KTS trưởng của Cơ quan quản lý công trình công cộng (Public Works Department) – Thuộc khu vực Straits Settlements (lúc bấy giờ). Công trình cao 7 tầng (không kể các tầng lửng mang tính cục bộ tại một vài khu vực, do tận dụng chiều cao của tầng nhà), gồm khối đế cao 4 tầng, khối tháp cao 3 tầng. Kiến trúc thể hiện tính uy nghiêm, với hệ cột Corinth và Inonic của phong cách kiến trúc cổ đại Hi Lạp (ảnh 5). Mặt chính có khối tiền sảnh, với mái sảnh đua ra khỏi 4 trụ đá độc lập, làm bệ đỡ cho 6 cột tròn cao xuyên 3 tầng, đỡ hệ dầm của mái nhà. Bên trên là bức tường hồi hình tam giác của mái, đua ra khỏi các đầu cột và được đắp nổi các hình tượng mỹ thuật – do Nhà điêu khắc người Ý (sống tại Singapore) là Cavaliere Rudolfo Nolli thực hiện (ảnh 6). Ngoài khối kiến trúc nổi bật tại 3 gian giữa, phần còn lại bố trí 6 cột tròn mỗi bên, cao xuyên 2 tầng, chống từ mặt trên của khối đế lên đỡ hệ dầm ban công của tầng 4.

Ảnh 5, 6 & 7: Bản vẽ mặt chính và ảnh chụp công trình Tòa án Tối cao

Đặc điểm kiến trúc là 2 khối tháp tròn (ảnh 8), nhưng khối tháp phía trước của căn phòng hình tròn tại trung tâm tòa nhà, cao 3 tầng, với mái vòm bằng đồng (ban ngày vỏ mái phản chiếu màu trời nên ảnh chụp nhìn thấy màu xanh nhạt) là điểm nhấn chính của công trình. Khối tháp phía sau thấp hơn (chỉ nhìn thấy từ mặt sau của công trình), là không gian thư viện với ánh sáng trời xuyên qua ô cửa tròn từ đỉnh mái (ảnh 9). Khối mái tròn lớn làm nhiều người liên tưởng đến khối tháp của công trình – do có cùng tên, là Tòa án Tối cao cũ của Anh, tại London (Old Bailey Courthouse).

Về công năng, ngoài các phòng làm việc và 3 phòng xử án, còn có 2 dãy phòng tạm giam bố trí tại tầng 1 – còn gọi là bán hầm (gồm 10 phòng nam và 2 phòng nữ), dùng để lưu giữ phạm nhân trong thời gian chờ đợi trước và sau phiên tòa. Ngoài ra, còn có một căn phòng đặc biệt dành để lưu giữ phạm nhân trọng án, kết nối với đoạn đường hầm bí mật rất hẹp (rộng đủ cho 2 ngưởi), để phạm nhân lên thẳng vị trí hầu tòa đặt giữa phòng xử án đặc biệt; hoặc đưa về lại phòng lưu giữ khi cần cách ly trong quá trình xét xử. Miệng cửa hầm là một phần mặt sàn gỗ nơi phạm nhân đứng hầu tòa (ảnh bộ 11). Lối đi riêng này được thiết kế nhằm ngăn chặn các tình huống có thể xảy ra, tác động từ bên ngoài tạo sự an nguy đối với bị cáo và ảnh hưởng phiên tòa…

Ảnh 8, 9 & 10: Bản vẽ mặt cắt qua Tòa án Tối cao; ảnh chụp góc nhìn mặt sau công trình (Nguồn: StudioMilou & TĐL)

Bắt đầu từ một cuộc thi ý tưởng kiến trúc

Thực hiện kế hoạch của Chính phủ, được Thủ tướng Lý Hiển Long (Mr. Lee Hsien Loong) nêu tại Lễ Mít tinh mừng Quốc khánh Singapore (ngày 21/8/2005), Bộ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật (MICA) tuyên bố thành lập dự án công trình NGS – trong sự kiện Singapore Biennale – 2006 được tổ chức tại Bảo tàng Quốc gia (ngày 02/9/2006). Sau đó, MICA và Viện KTS Singapore phát động cuộc thi kiến trúc (từ ngày 23/02/2007), gồm 2 giai đoạn: Đề xuất ý tưởng và Triển khai đồ án thiết kế. Hội đồng Giám khảo gồm 7 thành viên có uy tín trong nước và quốc tế, do Đại sứ lưu động của Singapore là Ông Tommy Koh làm Chủ tịch. Giúp việc cho Hội đồng, còn có 4 nhóm chuyên gia cố vấn về: Bảo tàng học, bảo tồn kiến trúc, tài chính và truyền thông.

Ảnh bộ 11: Hình ảnh giới thiệu (Phòng xử án đặc biệt và đường hầm bí mật)
được treo tại khu vực phòng tạm giam (Nguồn: Tư liệu NGS)

Tại vòng I, Studio Milou Architecture, gọi tắt là StudioMilou (do KTS người Pháp là Jean Francoise Milou thành lập năm 1997, có văn phòng tại Paris và Singapore, chuyên thiết kế công trình bảo tàng và không gian văn hóa) đã lọt vào nhóm 5 phương án có ý tưởng xuất sắc, được chọn trong số 111 đơn vị, đến từ 29 quốc gia trên thế giới. Bước vào vòng II, các đơn vị lập đồ án thiết kế sơ bộ, làm mô hình thạch cao và mô hình kỹ thuật số, chuẩn bị nội dung trình bày và trả lời chất vấn trước Hội đồng. Ngày 29/8/2007, StudioMillou tiếp tục được xướng danh là 3 trong 5 đồ án xếp hạng đầu, cùng 2 đơn vị khác là: Ho & Hou Architects – Đài Loan và Chan Sau Yan Associates – Singapore. Tuy nhiên, phải chờ kết thúc cuộc triển lãm lấy ý kiến công chúng đối với cả 5 đồ án vào vòng II, được tổ chức tại Tòa Thị Chính (tháng 10/2007), đến tháng 5/2008, Hội đồng Giám khảo công bố StudioMilou xếp hạng cao nhất, được chỉ định thiết kế xây dựng NGS.

Quá trình thiết kế thi công, StudioMilou hợp tác với CPG Consultants Singapore – là đơn vị tư vấn thiết kế đa ngành, có kinh nghiệm thực hiện hơn 20 dự án là các công trình di tích. NGS khởi công tháng 01/2011 và chính thức mở cửa phục vụ công chúng vào ngày 24/11/2015. Tổng diện tích sàn toàn bộ công trình là 64.000m2, với kinh phí đầu tư khoảng 532 triệu SGD lúc bấy giờ. Hiện công trình đón tiếp hơn 2 triệu du khách/năm, với giá vé từ 150 đến 350 ngàn VNĐ/người – tùy thời điểm và loại vé, riêng người dân Singapore và thường trú nhân không phải mua vé tham quan…

Khi hỏi về ý tưởng ban đầu, KTS. Milou cho biết, phương án của ông có 2 điểm nổi bật, được Hội đồng Giám khảo nhận định là “thú vị và hấp dẫn nhất”. Đó là: (i) Hình thành một lớp mái mỏng bao che khối Tòa Thị chính và một phần phía sau của Tòa án Tối cao, kết nối thành mặt dựng phía trước tại khoảng giữa của 2 nhà, làm điểm nhấn cho mặt chính công trình (ảnh 12, 13); (ii) Do hệ cột cũ của 2 công trình quá dày, để không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, ông tận dụng triệt để khoảng cách giữa 2 nhà và khoảng trống giữa các cột, từ đó đề xuất giải pháp phát triển hệ cột mới, như những thân cây vững chãi được cắm từ mặt sàn hoặc xuyên tầng, đưa các nhánh xòe ra, đan xen nhau như một tán cây chống đỡ toàn bộ phần cấu trúc tầng mái mới, đón ánh sáng tự nhiên xuống các “giếng trời” xuyên tầng của 2 công trình (ảnh 14, 15)…

Ảnh 12, 13 (trên) & 14, 15 (dưới): Bản vẽ tay phác thảo ý tưởng của KTS. Milouvà hiện thực công trình sau cải tạo (Nguồn: StudioMilou & TĐL)
Ảnh 17, 18 & 19: Quầy lễ tân, điểm nhấn bằng tượng điêu khắc và không gian đại sảnh tầng 1 (Nguồn: TĐL)

Trải nghiệm thực tế công trình

Đến tham quan công trình NGS, khách đi bộ có thể ra vào từ cửa chính Tòa án Tối cao, lối vào từ khoảng giữa của 2 nhà (có lớp mái mỏng uốn cong, trải dài từ đỉnh mái cũ xuống tầng 1 của Tòa Thị chính) và cửa vào từ bên hông tòa nhà. Riêng xe đưa đoàn khách tham quan sẽ dừng tại lối vào chính của Tòa Thị chính trước khi vào bãi đậu xe công cộng – do các hướng khác đã lắp đặt hàng cọc tròn đúc sẵn để ngăn chặn các phương tiện giao thông tiếp cận công trình (ảnh 16).

Các hướng vào đều dẫn đến đại sảnh tại tầng 1 của Tòa Thị chính, là điểm đón tập trung khách tham quan với không gian giao tiếp rộng lớn, cao xuyên qua các tầng, được chiếu sáng tự nhiên từ lớp kính trên mái và qua lớp màn che phía trước (ảnh 19). Tại đây, có quầy lễ tân bán vé tham quan, bên cạnh là một bức tượng điêu khắc đen tuyền với dáng người đàn ông nằm sấp xuống nền nhà, 2 tay và chân dang rộng – như một tín hiệu lưu ý khách trước khi xuống tầng hầm, qua cầu thang bộ trải rộng và một thang cuốn tự động (ảnh 17, 18).

Ảnh 16: Toàn cảnh mặt trước NGS, đã cải tạo và hợp khối 2 tòa nhà cũ 

Do công trình NGS có quy mô lớn, đa chức năng, trải rộng trong phạm vi mặt bằng của 2 tòa nhà (sau khi cải tạo), nên thật khó để có một lộ trình tham quan hoàn chỉnh sắp xếp theo đúng nhu cầu, thời gian của cá nhân đi riêng lẻ hoặc theo nhóm/đoàn. Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi chọn đi theo hướng từ tầng 1, rẽ phải lần lượt lên hết các tầng của Tòa Thị chính; sau đó chuyển ngang sang tầng cao nhất của Tòa án Tối cao, xuống dần đến tầng hầm và kết thúc hành trình, về lại không gian đại sảnh của tầng 1, để có thể tiếp cận các đường phố bao quanh công trình và đi về các hướng khác nhau.

Trong phạm vi của Tòa Thị chính, từ không gian đại sảnh tại tầng 1 lên đến các tầng, có các chức năng sau: Trục hành lang trưng bày các tranh, tượng mỹ thuật mang tính chất trang trí (ảnh 20); các tầng lầu đều có những không gian rộng lớn dành để triển lãm nghệ thuật thị giác, được xếp đặt thay đổi theo từng chủ đề trong năm (ảnh 21, 22) và một số phòng làm việc của NGS; một số khu vực di tích được bảo tồn không thể thiếu khi tham quan, như: Cầu thang và tiền sảnh lịch sử (ảnh 23), Phòng sự kiện Lễ đầu hàng tại tầng 3 (ảnh 24) và Phòng làm việc đầu tiên của Thủ tướng Lý Quang Diệu (?).

Ảnh 20, 21, 22 (trên) & 23, 24 (dưới): Không gian trưng bày tranh tượng và nghệ thuật thị giác (thay đổi theo chủ đề); Cầu thang lịch sử và khu vực tổ chức Lễ đầu hàng của Quân đội Đế quốc Anh và Phát xít Nhật (Nguồn: TĐL)

Lên đến tầng trên cùng là lớp mái mới, cấy lên trên tầng mái cũ của Tòa Thị chính và mở rộng bao bọc một phần mái phía sau của Tòa án Tối cao. Tại đây, tôi hiểu rõ hơn ý tưởng và cấu trúc kỹ thuật của mái – mà KTS. Milou đã giới thiệu qua mô hình (ảnh 25) được trưng bày tại tầng 1. Lớp mái này có 2 dạng: Mái lấy sáng và mái chống cháy. Lớp mái lấy sáng đặt chồng lên lớp mái cũ, tạo thành một tầng mái mới, phát triển thêm không gian sử dụng giữa 2 lớp mái (như sân thượng có mái che). Lớp mái này có màn bao phủ bằng thép mỏng, tạo hoa văn trang trí, đặt cùng với lớp kính cường lực, được phủ kín bề mặt mái và trải rộng, uốn cong theo chiều đứng tại khoảng giữa của 2 nhà. Ánh sáng tự nhiên xuyên qua màn thép từ trên mái và mặt trước, soi bóng lên không gian đại sảnh tạo mức độ sáng dễ chịu (ảnh 26). Riêng lớp mái chống cháy phủ kín khoảng trống giữa 2 nhà, được cấu tạo như một dàn khung thép cố định, bên trên là mặt kính cường lực rất dày, đủ sức chịu cho một lớp nước cao 10cm trên phần lớn diện tích mái kính (như một bể nước cạn), chỉ chừa phần cửa mái là không có nước (ảnh 27). Với lớp mái chống cháy, khi ánh sáng trời xuyên qua lớp kính, gặp màn nước xao động bởi sức gió, soi bóng xuống qua giếng trời tạo nên ánh sáng lung linh và huyền ảo.

KTS. Milou giải thích: Trong trường hợp (giả thuyết) không dập được ngọn lửa bên trong công trình, do lửa bùng phát quá lớn, thì cửa mái có chức năng như một cửa tự động bật ra để thoát khí và khói. Nếu nhiệt độ lửa đạt ngưỡng cao nhất (theo thiết kế tính toán) thì lớp mái kính sẽ rạn nứt hoặc nóng chảy, trút toàn bộ khối lượng nước trên mái kính xuống dập tắt lửa bên trong công trình. Cấu trúc đặc biệt này chỉ được sử dụng một lần cho tình huống bất trắc duy nhất xảy ra; sau đó khi sửa chữa công trình phải làm lại mới toàn bộ lớp mái bảo vệ này (theo thiết kế). Ông nói: “Cấu trúc này theo nguyên lý như cánh cửa thoát nạn của máy bay, chỉ sử dụng một lần và không có vật mẫu để thay thế”.

Tiếp tục hành trình, tôi đi dọc theo hành lang sàn mái bê tông bao quanh lớp mái kính chống cháy. Từ đây, nhìn về hướng phía sau công trình thấy mặt sau Tòa án Tối cao mới và nhìn chiều ngược lại, thấy quảng trường cỏ Padang và bao cảnh đẹp, với tâm điểm là khách sạn Marina Bay Sands nổi tiếng bởi hình khối kiến trúc như một du thuyền vĩ đại bắt ngang qua đỉnh của 3 tòa nhà cao tầng (ảnh 28, 29).

KTS. Milou giới thiệu công trình qua mô hình (với Đoàn KTS. Việt Nam)
Mặt trên lớp mái kính phòng cháy, nhìn thấy mặt sau Tòa án Tối cao mới và công trình Marina Bay Sands từ xa (TĐL)

Từ tầng mái của Tòa Thị chính, tôi đi về hướng Tòa án Tối cao, có sàn cùng tầng bao quanh khối mái tròn của Phòng Thư viện (ảnh 30). Từ đây đi dần xuống các tầng lầu, có các khu chức năng sau: Thư viện trung tâm (ảnh 31), Phòng làm việc của Chánh án Tối cao (ảnh 32), Phòng xử án đặc biệt tại tầng 3 (ảnh 33) – với đặc trưng là chỗ ngồi xét xử của Chủ tọa phiên tòa và cửa hầm bí mật dành cho phạm nhân tại vị trí đứng hầu tòa; khu vực Phòng tạm giam – hiện còn giữ lại 2 phòng ở tầng bán hầm… Các phòng chức năng của Tòa án Tối cao cũ được phục dựng, bảo tồn và trưng bày theo nguyên trạng, nhằm giới thiệu những di tích văn hóa lịch sử – thông qua các mô hình, hình ảnh, vật dụng, trang thiết bị nội thất và chi tiết kiến trúc bên trong của công trình…

Phần lớn không gian các tầng đều dành cho bảo tàng tranh, tượng nghệ thuật đặc sắc của các tác giả nổi tiếng tại Singapore và Đông Nam Á. Các tác phẩm được trưng bày, triển lãm một cách trang trọng. Khi tôi đến tham quan, Việt Nam có 03 tranh cổ động trong thời kỳ chiến tranh tại miền Bắc (ảnh 37), tượng Thánh Gióng (ảnh 38) của Nhà điêu khắc Nguyễn Hải (1933 – 2012), tranh Toàn cảnh Chợ Bờ (ảnh 39) của Họa sĩ Nguyễn Văn Tý (1917 – 1992) và tranh Phong cảnh Việt Nam (ảnh 40) của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993).

Dù đã đôi ba lần đến tham quan NGS, nhưng tôi vẫn chưa có điều kiện tiếp cận hết một số chức năng còn lại của công trình (như: Căn phòng làm việc đầu tiên của Thủ tướng Lý Quang Diệu, không gian khối tháp chính của Tòa án Tối cao cũ, phòng lưu giữ phạm nhân trọng án với đường hầm đặc biệt, khu vực có thang nâng xe tải chuyên dùng từ mặt hè đường phố xuống tầng hầm công trình phía Tòa Thị chính…), nên các thông tin giới thiệu của bài viết chắc chắn chưa thể trọn vẹn và thỏa mãn – dù đã được tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu (có kiểm chứng); trong đó quý nhất là những điều ghi nhận trực tiếp từ KTS Milou (khi giới thiệu với Đoàn KTS Việt Nam, ngày 07/9/2022) và cuốn sách được StudioMilou trao tặng.

Thư viện có mái vòm, Phòng xử án đặc biệt và Phòng làm việc của Chánh án Tối cao, Khu vực phòng tạm giam và ô phạm nhân đứng hầu tòa có miệng cửa hầm tại phòng xử án đặc biệt (Nguồn: Tác giả)

Những thách thức bảo tồn di tích trong một công trình hiện đại

Khi giới thiệu công trình, KTS. Milou nói: Ông rất thích thú với đề tài cuộc thi, nhưng ông cũng chịu nhiều áp lực trước các quy định nghiêm ngặt và nguyên tắc bảo tồn các chứng tích/di tích của Singapore. Trong quá trình thiết kế kỹ thuật thi công, nhờ sự giám sát, hướng dẫn của Hội đồng Di sản Quốc gia (National Heritage Board) – trực thuộc Bộ Văn hóa Cộng đồng và Thanh niên Singapore, ông đã tuân thủ và thích nghi trong các giải pháp sáng tạo kiến trúc, để vừa bảo tồn được di tích, đồng thời phát triển thêm các chức năng mới, hình thành những không gian công cộng có khả năng tập hợp đông người nhất, tích hợp những công năng hiện đại trong công trình di sản…

Qua lời ông nói, đúc kết thành những vấn đề lớn mà ông đã gặp phải và xử lý hóa giải thành công trong quá trình kiến tạo công trình NGS, cụ thể là:

(1) Về tính chất: Do kiến trúc theo 2 phong cách khác nhau, yêu cầu phải bảo tồn nguyên trạng mặt đứng cả 2 công trình, nên phương án hợp khối phải chuyển hóa các tính năng trong mặt bằng từng nhà, xóa dần những cách biệt từ 2 trụ sở hành chính của Chính phủ mà người dân không dễ vào được, trở thành một công trình công cộng chuyên về hoạt động nghệ thuật phục vụ rộng rãi công chúng, gắn với bảo tàng di tích lịch sử tạo thành điểm đến du lịch tầm cỡ Thế giới.

(2) Về mối liên hệ: Hai công trình có cao trình nền địa hình, số tầng và chiều cao các tầng khác nhau (Tòa án tối cao xây trên đất nền, không có tầng hầm, cao 7 tầng và Tòa Thị chính có tầng bán hầm, cao 5 tầng), nên việc kết nối về mặt giao thông từ bên ngoài (giữa lối vào của từng nhà và lối vào chính của NGS), cũng như dẫn dắt giao thông bên trong (giữa 2 công trình), phải gắn kết tính riêng biệt của từng nhà và toàn nhà; nhấn mạnh chức năng bảo tồn di tích, hòa lẫn với một không gian thưởng lãm nghệ thuật công cộng hiện đại, trong lộ trình tham quan du lịch với quy mô lớn.

(3) Về kỹ thuật: Hai công trình tuy vị trí kề cận, nhưng xây dựng cách nhau hơn 10 năm (1926 và 1937), giải pháp cấu tạo móng khác nhau (Tòa án Tối cao có móng cọc và Tòa Thị chính là móng băng), nên việc phát triển mặt bằng (thêm tầng hầm và tầng mái), xử lý mặt chính (giữa nhà cũ và mới), kết nối giao thông nội bộ (đứng và ngang) giữa các sàn, lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật (với thiết bị hiện đại và công nghệ thông minh)… phải được khảo sát, tính toán, khớp nối chính xác, đồng bộ và hài hòa giữa các thành phần/bộ phận – từ sáng tác thiết kế kiến trúc, cấu tạo kỹ thuật, đến biện pháp thi công và hoàn thiện công trình… theo nguyên tắc bảo tồn di sản.

Tranh cổ động, Tượng Thánh Gióng, tranh Toàn cảnh Chợ Bờ (trái) và tranh Phong cảnh Việt Nam (phải)
(Nguồn: Tác giả)

(4) Về tổ chức khai thác: Để đảm bảo chức năng cho một công trình công cộng, với khối tích lớn và quy mô đông người, vấn đề vận hành, vận chuyển, lắp đặt cơ động, thay đổi hình thức trang trí nội thất (theo chủ đề triển lãm), lộ trình khách tham quan…, cũng cần đo lường mức độ giải quyết trong giải pháp thiết kế. Đặc biệt, đối với công trình vừa bảo tồn di tích lịch sử, vừa hoạt động dịch vụ đa chức năng (gồm: Bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, tham quan di tích, hỗ trợ dịch vụ ăn uống nhẹ…), được định hướng mang tầm vóc “lớn nhất thế giới” và là “điểm đến du lịch toàn cầu” trong phạm vi mặt bằng cố định, việc kiến tạo mới kiến trúc thật không dễ…

Trong khả năng hạn hẹp, tôi chỉ nêu được 04 bài thu hoạch theo cách hiểu của riêng mình (thay cho lời kết của bài). Hy vọng với các chuyên gia có điều kiện khảo sát và nghiên cứu sâu về công trình này, sẽ bổ sung được nhiều bài học giá trị và phong phú hơn, để mỗi chúng ta có cơ hội tiếp thu, học hỏi từ khả năng sáng tạo của KTS. Milou và các cộng sự – thông qua công trình NGS.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *