Bánh chưng Bờ Đậu Thái Nguyên: Sản vật nức tiếng
Thái Nguyên không chỉ là vùng đất nổi tiếng với đặc sản chè Tân Cương thơm ngon, mà vùng đất ấy còn có một sản vật nức tiếng cả nước đó là bánh chưng Bờ Đậu.
Xuất xứ của bánh chưng Bờ Đậu
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km. Điểm làm bánh chưng tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu, đây được coi là nơi trung chuyển nối tuyến quốc lộ 3 và 37 với trục đường Tuyên Quang – Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Yên Bái…
Theo lời người dân nơi đây, tổ nghề của món bánh chưng này chính là cụ bà Nguyễn Thị Xuân. Cụ Xuân hay còn gọi là cụ Đấng là người của xã Cổ Lũng.
Từ những năm 1960, cụ Đấng sinh sống bằng nghề làm bánh chưng ở xóm Bò Đậu. Nhờ tay nghề điêu luyện, những chiếc bánh chưng của cụ Đấng rất ngon khiến khách hàng ăn một lần mà nhớ mãi. Tiếng thơm đồn xa, ngày càng nhiều người nghe truyền tai tìm đến để mua, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu cứ thế lan xa.
Đến khi tuổi cao, cụ Đấng truyền lại nghề cho con cháu. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bánh chưng Bờ Đậu khá cao, nhiều người trong làng cũng bắt đầu gói, bánh chưng bán cho khách phương xa. Nghề làm bánh chưng Bờ Đậu được nhân rộng khắp vùng.Cùng với thời gian, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành 1 trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc. Tiếng thơm của bánh chưng Bờ Đậu đã lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước. Những ngày cận tết, du khách từ khắp các tỉnh tìm về đây để đặt bánh làm quà biếu.
Bí quyết tạo nên sự khác biệt của bánh chưng Bờ Đậu
Công đoạn làm nên chiếc bánh chưng Bờ Đậu có nhiều nét độc đáo, gói gọn tinh hoa của đất trời, tâm huyết của người làm trong từng chiếc bánh chưng vuông thành sắc cạnh.
Đặc điểm đầu tiên là bánh chưng Bờ Đậu không hề sử dụng khuôn mà chỉ dùng tay để gói. Đó là một trong những kỹ nghệ riêng biệt chỉ có ở làng Bờ Đậu, mà không nơi nào có thể học hỏi được. Theo những người lành nghề, việc gói bánh chưng bằng tay giúp họ có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau. “Trăm hay không bằng tay quen,” những người làm bánh chưng Bờ Đậu đầy kinh nghiệm luôn cho ra ”lò” những chiếc bánh chưng đẹp mắt, đều nhau tăm tắp. Bánh cho vào luộc không bị méo mó, hay căng phồng, nứt vỡ mà chiếc nào cũng vuông thành sắc cạnh.
Để có được những chiếc bánh chưng Bờ Dậu thơm ngon nức tiếng như ngày nay thì khâu chọn nguyên liệu và sơ chế nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Cũng vẫn là gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ nhưng dưới bàn tay của người dân Sơn Cẩm, Cổ Lũng, bánh chưng Bờ Đậu có một hương vị đặc biệt không thể lẫn với nơi nào. Chính điều này đã tạo nên sự độc đáo và cuốn hút rất riêng cho món ăn này.
Gạo nếp để làm bánh chưng là gạo nếp đặc sản của núi rừng Định Hóa, thứ gạo dẻo và đặc biệt rất thơm. Sau khi đã loại bỏ hết những hạt gạo có đầu đen hay lẫn một chút gạo tẻ, người ta sẽ tiến hành vo gạo và ngâm gạo trong khoảng vài tiếng đồng hồ để gạo nở ra. Sau đó để ráo nước và cho thêm chút muối để bánh thêm đậm đà.
Lá dong dùng để gói bánh chưng Bờ Đậu phải là loại lá dong nếp dày và có bản rộng. Đặc biệt, lá phải có màu xanh mướt thì gói bánh mới xanh và có màu bên ngoài đẹp mắt hơn. Người dân nơi đây phải chặt lá dong tại khu rừng Na Rì đem về rửa sạch và sau đó để cho ráo nước. Tiếp đến là công đoạn lau khô bằng khăn sạch và tước vợi cuống lá, chặt bớt phần ngọn lá và xếp gọn gàng để chuẩn bị gói.
Lạt dùng để gói bánh chưng Bờ Đậu phải là loại lạt được chẻ từ cây giang của vùng núi Thái Nguyên.
Đậu xanh làm nhân bánh là thứ đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng. Sau khi làm vỡ đôi hạt đỗ, người dân sẽ ngâm nước cho đỗ mềm, sau đó đãi thật sạch lớp vỏ bên ngoài.
Điều đặc biệt tạo nên sự độc đáo riêng của món bánh chưng đặc sản Thái Nguyên này, đó là phần thịt làm nhân là loại lợn do chính người dân nơi đây chăn nuôi dưới hình thức thả rông và cho ăn hoàn toàn từ nguồn thức ăn tự nhiên. Do đó, thịt lợn rất chắc và ăn có vị ngon ngọt hơn loại thịt lợn miền xuôi.
Người dân Cổ Lũng, Sơn Cầm cha truyền con nối với những bí quyết riêng đã tạo nên những chiếc bánh chưng đặc biệt. Không cần bất cứ loại khuôn nào, dưới bàn tay thuần thục của những người thợ gói bánh, từng chiếc bánh vuông chằn chặn, xanh mướt cứ lần lượt hiện ra.
Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc trong vòng từ 8-10 tiếng, khi nước cạn phải đổ thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài. Một điều đặc biệt nữa chính là nguồn nước được dùng để luộc bánh chưng. Bánh chưng Bờ Dậu được luộc bằng nước suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân nơi đây vẫn gọi đó là nước “giếng thần”. Thứ nước trời cho trong vắt này đã giúp chiếc bánh chưng giữ nguyên được màu xanh lá dong và tạo nên mùi thơm đậm đà hòa quyện trong nồi bánh. Bởi vậy, người làng Bờ Dậu mới có câu ca: “Bánh chưng luộc nước giếng thần Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”.
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp Tết. Ngoài bánh chưng truyền thống, người dân làng nghề còn sản xuất thêm bánh chưng lá giềng, bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm… tạo nên sự phong phú, mới mẻ cho sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng.
Về chất lượng của bánh chưng Bờ Đậu, chắc chắn bất cứ ai khi ăn cũng sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon của nó. Bóc chiếc bánh chưng Bờ Đậu, vỏ bánh xanh mướt, dẻo, nhân bánh bùi ngậy pha chút cay cay, thơm thơm của hạt tiêu, cảm giác như cả đất trời cùng hòa quyện trong từng chiếc bánh và câu chuyện Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dầy biếu vua Hùng lại như hiển hiện
Đọc thêm: 8 đặc sản Thái Nguyên nên thưởng thức và mua làm quà