bán bò tậu ễnh ương

Bán bò tậu ễnh ương là gì?

Tục ngữ Việt Nam có câu “Bán bò tậu ễnh ương”. Các sách “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” chỉ đưa ra cách hiểu nghĩa bóng mà không giải thích nghĩa đen.

Bán bò tậu ễnh ương là gì?

Từ điển của nhóm Vũ Dung: “Làm ăn không biết tính toán; Bỏ thức tốt để chuốc lấy của không ra gì”. Từ điển của GS Nguyễn Lân: “Chê kẻ không biết làm ăn”. “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương: “(Đừng) bán bò đi để tậu ễnh ương (về)…”.

Tại sao có người vụng “tính toán” tới mức bán bò đi để mua con ễnh ương về nuôi?

Ễnh ương (花狭口蛙 – kaloula pulchra) thuộc họ ếch nhái, đầu và 4 chân nhỏ nhưng bụng lại rất to. Chúng giao phối, sinh sản vào mùa mưa và thường cất tiếng gọi bạn tình bằng những âm thanh không biết mỏi: ộp… ương… ộp… ương… to như bò rống. Đặc biệt, khi kêu thì bụng ễnh ương càng phình ra tợn (“ễnh” mô tả cái bụng to, “ương” gợi tả tiếng kêu mà thành tên). Thế nên, loại bò gầy, suy dinh dưỡng, bụng ỏng, đít beo được dân gian ví với con ễnh ương (vùng Thanh Hóa còn gọi là “bò cóc”).

Tại sao có người vụng đến mức bán một con bò tốt để mua về con bò khác gầy ốm, trông như con ễnh ương? Từ xa xưa, dân gian đã có ý thức về di truyền và chọn giống trong chăn nuôi (“Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng”; “Mua trâu xem vó, mua chó xem chân”…). Cách đây vài ba chục năm vẫn còn những người chọn cách “làm ăn” bán đi con bò tốt, mua con bò khác ốm yếu nhưng ít tiền hơn để nuôi. Không phải họ không biết cách chọn giống hay “rồ dại” tới mức không phân biệt được con bò béo tốt với con bò gầy yếu mà mục đích là có thêm một khoản tiền dôi dư chi tiêu nhưng vẫn có bò sinh sản, cày kéo. Kiểu tính quẫn, vì cái lợi trước mắt mà anh nhà nghèo cho là “hợp lý” chính là một trong những nguyên nhân sinh ra loại bò cóc, thoái hóa. Cũng cần nói thêm, so với trâu thì tầm quan trọng về sức kéo của bò không bằng, đặc biệt là với những nhà nghèo, ít ruộng. Bởi vậy, việc chọn giống bò không khắt khe như chọn giống trâu.

Như vậy, nghĩa đen câu tục ngữ đang xét là: bán một con bò tốt, mua về con bò khác gầy ốm, “bụng ỏng, đít beo” trông như con ễnh ương. Nghĩa bóng: chê kẻ vụng suy, tính quẫn, không biết cách làm ăn.

Đừng “bán bò tậu ễnh ương”

Em và chồng em kết hôn được 9 năm. Em sinh năm 1989 còn chồng em sinh năm 1979. Hai vợ chồng em quen và yêu nhau rất tình cờ. Khi yêu, em nhận ra chồng em là người không lãng mạn, nhưng cũng không thực dụng, nên em quyết định tiến đến hôn nhân. Lấy nhau về em mới thấy tủi thân, mỗi khi buồn vui chia sẻ với chồng, chồng nghe cũng như không vì chồng em không để tâm đến câu chuyện vợ kể. Nếu vợ khóc, chồng cũng không biết an ủi, có khi còn ghét thêm. Chồng em làm nghề cơ khí, còn em làm bên mảng xã hội. Em là người đối nhân xử thế tốt, tâm lý hay chia sẻ. Nhưng, chồng em lại là người vô tâm đến mức thái quá.
Chuyện chẳng có gì nếu em không ốm hoặc có vấn đề gì đó xảy ra. Khi em ốm chồng em thường vẫn rất vô tâm với em. Khi em sinh 2 đứa con đều phải mổ, rất đau nhưng chưa bao giờ chồng em động viên em một câu. Ngày lễ kỷ niệm, chồng em không bao giờ tặng quà hay nói lời nào ngọt ngào với vợ. Cơ quan em có tổ chức đi chơi, em muốn rủ chồng em đi cùng, chồng em không bao giờ đi. Tuy nhiên, chồng em có một đặc điểm là rất nể bạn bè, hết lòng vì bạn bè và công việc. Tiền kiếm ra không đưa vợ quản lý, luôn coi thường vợ dù vợ cũng kiếm ra tiền và chăm sóc con cái chu đáo. Nếu em cần chồng đón, chồng em sẽ không nghỉ làm để đi đón em, nhưng nếu là bạn, chồng em sẽ sẵn sàng nghỉ.
Đợt vừa rồi, em có đặt vé cho 2 vợ chồng đi chơi, chồng em đã đồng ý đi rồi nhưng sau đến ngày lại không đi và để vợ đi một mình. Nhưng, sau đó lại sắp xếp đi chơi với hội bạn nhậu được cả 2 ngày. Em thấy mình bế tắc vì thực tình em cũng rất yêu chồng và chồng em cũng không phải ghét em nhưng cách chồng em làm khiến em buồn và chán nản. Em có chia sẻ thì 2 vợ chồng lại cãi nhau và chồng em nói không muốn nghe.
Kinh tế của gia đình em cũng chỉ bình thường, nên em lo lắng nếu ly hôn thì em không nuôi được hai đứa con. Nhìn bề ngoài, ai cũng bảo gia đình em hạnh phúc, nhưng thật tình hai vợ chồng sống rất nhạt nhẽo. Chồng em rất quý con, nhưng không dành thời gian cho con.
Vì vợ chồng không quản lý tài chính thống nhất nên kinh tế gia đình cũng không dư giả. Chúng em vẫn ở nhà tạm bợ. Vậy mà, chồng em vẫn ham bạn bè, không quan tâm tới việc xây nhà cửa. Em cảm thấy như em đang hy sinh quá nhiều nhưng không phải sống cho mình vậy. Em không có thời gian cho bản thân vì em không chăm con thì không ai chăm giúp. Em rất muốn ly hôn nhưng lại sợ con cái khổ. Em không biết phải nói gì, làm gì để cải tạo người chồng vô tâm của em?
Đấy, câu chuyện của em chỉ có thế thôi ạ… Chị kết thúc câu chuyện kể về các vấn đề của mình.
Mời vị khách trẻ uống chén nước, cán bộ tư vấn hỏi: “Nếu chấm thang điểm 10 là cao nhất, thì em thử chấm xem chồng em được mấy điểm”? Thoạt nghe, vị khách tưởng chuyên viên tư vấn nói đùa, nên cười. Nhưng, khi thấy cán bộ tư vấn yêu cầu nghiêm túc, chị lặng đi, suy nghĩ một lúc, rồi bảo: “Em chưa nghĩ chấm điểm chồng bao giờ, nhưng em cho rằng anh ấy đạt 6,5 điểm là cùng”. Chuyên viên tư vấn bảo 6,5 điểm là trên trung bình rồi đấy, em có quá tay không?
Người phụ nữ phân tích: “Chồng em và em lấy nhau tự nguyện, em không phải làm dâu, anh ấy vô tâm chứ em biết anh ấy không ghét em. Đặc biệt, anh ấy cũng quý con. Có tuổi rồi, anh ấy chỉ ham vui bạn bè chứ không say xỉn bao giờ. Đặc biệt là không bồ bịch, trai gái, chuyện này thì em biết. Em nói thì chỉ càu nhàu chứ chưa bao giờ dám đánh em một nhát…”.
Thấy điểm 6,5 tạm được, chuyên viên hỏi thêm: “Em có bao giờ đi chơi, đi ăn uống cùng chồng với đám bạn của anh ấy không?”. Nghe đến đây, người phụ nữ trẻ giẫy nảy: “Không ạ, bạn bè anh ấy toàn dân cơ khí, nói chuyện to như cãi nhau, mà toàn chuyện máy móc, em có biết gì đâu mà đi cùng”.
Thấy chị đã “trúng bẫy”, chuyên viên tư vấn nói rằng chồng của khách hàng cũng có tâm lý như vậy, đi cùng với bạn mình, cùng nghề nghiệp, gần gũi, dễ hiểu nhau, nên thích đi cùng. Chị đừng trách chồng không thích đi cùng vợ nữa. Bởi anh ấy cũng không tự tin, cũng không hòa hợp được khi mấy chị em í ới với nhau chuyện váy vóc, thơ thẩn, chuyện facebook, chuyện chồng con. Nhiều người đàn ông khéo léo, vào môi trường nào, với nhóm đối tượng nào người ta cũng dễ hòa nhập, còn anh ấy không ác, không xấu, chỉ là không khéo thôi. Việc anh ấy không đưa tiền, cũng một phần do người vợ quá đảm đang, khéo léo thu vén, chồng không đưa tiền hàng tháng mà mọi chuyện vẫn bình thường, thành ra thói quen “không đưa cũng không sao”.
Là người vợ, người quản lý tài chính gia đình cần phải “yêu cầu” chồng đóng góp, nói rõ rằng chi tiêu cho cuộc sống gia đình tốn kém, nếu anh không đưa tiền, em không đủ để trang trải. Nếu người chồng kiên quyết không đưa, cần có biện pháp “trừng phạt kinh tế”, để anh ấy nhận ra rằng “không đóng góp thì không có ăn” và cuộc sống gia đình sa sút hẳn. Vấn đề kinh tế cần bàn bạc, thống nhất, sòng phẳng, không được ngại.
Thấy người phụ nữ trẻ im lặng, chắc chị cũng nghĩ cần làm thế. Chuyên viên tư vấn hỏi chốt một câu cuối: “Em có ý định ly dị chồng vì chồng vô tâm nhưng chỉ vì kinh tế không đủ nuôi hai con nên còn đắn đo. Nếu đủ tài chính, em sẽ ly dị chồng chứ? Ly dị xong, em muốn lấy một người chồng như thế nào?”.
Người vợ trẻ nói một mạch: “Em muốn có người chồng đi về thì hỏi han vợ, khi vợ ốm đau thì ngồi cạnh động viên, nấu cho vợ bát cháo. Ngày lễ, ngày Tết biết tặng vợ hoa và quà. Dành thời gian chăm sóc con, đi chơi cùng vợ và cơ quan vợ, ít chơi với bạn bè. Kinh tế làm được thì đưa vợ quản lý, lo toan làm thêm để có tiền tích góp xây lại nhà. Vợ khóc thì biết dỗ dành, xin lỗi khi thấy mình sai, biết nói những lời lãng mạn với vợ…”. Người phụ nữ trẻ còn kể thêm nhiều nữa về mong ước của chị. Cuối cùng, chuyên viên tư vấn hỏi:
“Những người đàn ông ấy có nhiều lắm, em có biết tìm ở đâu không”. Khi người phụ nữ chưa có câu trả lời, chuyên viên tư vấn nói rằng “Ở trên phim, nhất là phim Hàn Quốc”. Người phụ nữ trẻ cười…
Tất nhiên, có một người vợ, người chồng hoàn hảo là điều ai cũng mong muốn, nhưng thật khó tìm ra một người thật sự hoàn hảo, trọn vẹn. Và vợ, chồng, quan trọng nhất là biết đánh giá đúng những phẩm chất tốt, những điểm mạnh của người bạn đời. Những điều chưa thật sự hoàn thiện, một là chấp nhận, hai là cố gắng cải tạo dần dần, được chút nào hay chút đó. Chỉ vì một vài điểm chưa như mình mong muốn mà đòi chia tay, khác nào hất đi cả nồi canh chỉ vì có một con sâu. Đặc biệt, phải biết mình đang là ai, đang ở hoàn cảnh nào, phá căn nhà cũ đi rồi có xây được nhà mới để ở hay lại ở ké, ở tạm gầm cầu, bến xe, khác nào “bán bò đi tậu ễnh ương”.
Người phụ nữ nhận ra mình hơi cầu toàn và cũng còn nhiều điều chị phải vào cuộc hơn nữa. Sau khi nghe chuyên viên tư vấn phân tích chị nói: “Vâng, đúng là em chủ quan. Em có mấy cô bạn, ly hôn xong, giờ cuộc sống bấp bênh còn không được như trước. May mà em đến đây, nếu không có lúc em đã muốn ly hôn cho xong…”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *